Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/11/2023

Thầy Tuệ Sỹ đã bình an ra đi nhưng chế độ vẫn còn lo ngại

Tuấn Khanh

Ghi chép từ tang lễ của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Tuấn Khanh, RFA, 25/11/2023

Buổi tối 24/11, không khí trong chùa đã bắt đầu xôn xao đón những người khách đầu tiên đến chờ viếng. Những người thân quen của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tề tựu chung quanh ngài, thảo luận về công việc cho ngày mai : Lễ nhập kim quan, lễ giác linh an vị, thọ tang… Nhiều Gia đình Phật tử từ Bình Thuận, Huế, Nha Trang, Đồng Nai… bắt đầu tập họp nhận công việc từ các huynh trưởng Gia đình Phật tử Khánh Ân, tức nhóm sinh hoạt ngay tại chùa Phật Ân.

tangle1

Tang lễ Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Hình chụp từ video tang lễ do tác giả cung cấp

Ở ngoài cổng và trong chùa, đã xuất hiện các an ninh mặc thường phục tới lui, nhin ngó và thỉnh thoảng lấy máy ra chụp hình, quay phim. Trước nay thì những chuyện như vậy thường gây khó chịu và căng thẳng nhưng giờ thì mọi thứ đã trở nên bình thường và mọi người cũng học cách đi lại và không quan tâm những người như vậy, ngoại trừ như trường hợp bất thường cần phải can thiệp.

Sáng 25/11, con đường bên ngoài chùa Phật Ân đã đầy các xe hơi 4, 7, 16 chỗ từ các nơi đổ về. Con đường Khu 14, An Phước, Long Thành, Đồng Nai trước chùa vốn xưa nay vắng lặng, nay chợt đông đúc bất thường, nhiều người qua lại.

Sáng sớm, gần 7 giờ, phái đoàn đầu tiên trịnh trọng xuất hiện là của hòa thượng Thích Chân Quang, nhân vật nổi tiếng của Phật giáo nhà nước. Một vị sư trẻ kể lại, phái đoàn xin gặp thầy Trụ trì Thích Minh Tâm nhưng bị từ chối vì đang lo chuẩn bị lễ. Nhưng theo mô tả, các tang lễ hay các dịp trọng đại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, các tăng ni hay phái đoàn của Phật giáo nhà nước vẫn hay xuất hiện, đòi đứng chung ban tổ chức… mục đích là tạo hình ảnh lẫn lộn khó phân biệt đâu là giáo hội nhà nước, đâu là giáo hội độc lập. Nhưng với các vị cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì cách thức này quá dễ đối phó. Dù mặc áo gì, danh thế nào, họ được tiếp đón như khách.

Sự kiện hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trở thành tin tức lớn nhất của những ngày cuối tháng 11 của cả nước, nhưng là chỉ có báo Tuổi Trẻ, Một Thế Giới và báo Giác Ngộ của Giáo hội nhà nước đưa tin. Đáng chú ý, Trong cách đưa tin của báo Giác Ngộ là kiểu ăn theo hết sức trơ trẽn và cố ý chỉ đưa tên của hòa thượng Thích Phước Trí, nguyên Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội nhà nước - Một cách lập lờ với đại chúng như kiểu hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là người của Giáo hội nhà nước. Trên thực tế là ngay khi đau yếu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã tính toàn việc đám tang có thể bị gây khó, nên chọn hòa thượng Thích Phước Trí làm chủ nghi lễ để nhằm hóa giải mọi chuyện. Bài viết trên báo Giác Ngộ ký tên nặc danh là "nhóm phóng viên" đã không dám nhắc gì đến các vị cao tăng khác có mặt, vốn là người của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và cũng lờ đi thời gian tù tội, và cả án tử hình đã áp vào thầy Tuệ Sỹ.

Ăn theo, thao túng và mưu tính đồng hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào hệ thống tăng ni nhà nước đã là vệt đáng xấu hổ của những người mặc áo cà sa, xưng là học Phật. Còn nhớ đám tang của Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ vào năm 2020, hòa thượng Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, cùng với số đệ tử trà trộn vào chùa Từ Hiếu, mưu tính cướp tro cốt đem đi về thờ trong hệ thống chùa nhà nước, nhằm đồng hóa hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Chuyện diễn ra gay gắt với sự phản đối của hòa thượng Thích Nguyễn Lý (trụ trì chùa Từ Hiếu) và chúng tăng, nên âm mưu bất thành.

Gần 8 giờ sáng ngày 25/11, một phái đoàn của bên an ninh, ban tôn giáo, chính quyền địa phương đến tìm thầy Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Phật Ân, đòi tháo tấm biểu ngữ trong điện thờ và tất cả những gì có ghi danh tính của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ với hàng chữ Chánh thư ký, kiêm xử lý thường vụ, Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tên của một giáo hội hình thành từ năm 1964, nay bỗng trở thành nhạy cảm ghê gớm. Báo Giáo Ngộ với nhóm phóng viên viết bài, quay hình, theo dõi sự kiện đến 4-5 người, cũng hoàn toàn như không biết gì về chuyện này. Dĩ nhiên, việc đòi hỏi đó không được đáp ứng. Một tăng sĩ kể lại là khi phái đoàn của nhà nước bị đặt câu hỏi "tại sao ?", đã có người nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một tổ chức không được công nhận. Câu trả lời dứt khoát của các thầy ở chùa Phật Ân là "khi nào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có văn bản đặt ra ngoài vòng pháp luật, chúng tôi sẽ bàn thảo về chuyện này". 

Vào lúc 12g, đúng ngọ, lễ nhập kim quan bắt đầu. Mọi chuyện diễn ra trang nghiêm và không ồn ào, bởi đã loại bỏ các hình thức phóng thanh. Sân chùa Phật Ân đầy người đến dự lễ. Nhìn quy cũ và hàng hàng lớp lớp tăng ni, các Gia đình Phật tử, tín đồ lẫn giới mộ tín, khó ai tưởng được đây là một nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang trải qua vô cùng những khó khăn, kể từ khi Nhà nước dựng lên giáo hội mới, nằm trong Mặt trận Tổ quốc, từ năm 1981. Sự có mặt đông đảo các thành phần tham dự, các lứa tuổi, từ những cụ già cho đến những thiếu nhi, thật sự đem lại một cảm giác lạ lùng và xúc động.

Đây là lúc các nhân viên an ninh xuất hiện dày đặc hơn, ngoài cửa đã có thêm xe cảnh sát giao thông và dân quân địa phương. Những chiếc máy quay liên tục chĩa vào người và sự kiện. Một thành viên nữ, thuộc ban truyền thông của gia đình Phật tử kể, cô bị một nhân viên an ninh đến, yêu cầu giao nộp những gì cô đã quay, chụp. "Tại sao ?", cô này kể đã hỏi dứt khoát, và người kia liền bỏ đi không quay nhìn lại.

Thầy Thích Nguyên Lý chưa khỏe lại sau một vụ đụng xe lạ lùng, sau lễ ngài phải về sớm để làm lễ ở chùa quận 8, Sài Gòn. Thầy kể khi ra cửa, gặp ngay một sĩ quan an ninh của Thành phố Hồ Chí Minh đang đi vào.

- "Sao chuyện ở Đồng Nai mà công an Sài Gòn cũng phải chạy xuống vậy ?", thầy cười hỏi.

- "Công việc phải vậy mà thầy", viên công an đáp.

- "Hôm nay không có gì đâu, mai mốt có đại hội tui báo cho", thầy Thích Nguyên Lý vừa cười vừa nói.

- "Chắc không có đại hội được đâu", viên công an đáp nhanh.

Hóa ra, theo nhận định của thầy Thích Thiện Minh, phía công an căng thẳng là vì dự đoán có thể trong tang lễ của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, các thầy lớn trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tụ về, sẽ có việc tiến hành bầu Đệ lục Tăng thống, người lãnh đạo mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nhưng ngay cả việc này, cũng không nằm ngoài dự đoán của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ lúc sinh thời.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 25/11/2023

*****************************

Thầy Tuệ Sỹ trong vận mệnh Phật giáo Việt Nam

Tuấn Khanh, BBC, 24/11/2023

Chiều ngày 24/11/2023, tin lan nhanh trong giới Phật giáo Việt Nam, cũng như những người quan tâm, thầy Thích Tuệ Sỹ đã ra đi lúc 16 giờ, ở chùa Phật Ân, Đồng Nai, với những người thân thiết và các thầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chung quanh.

phatgiao1

Thầy đã rời bệnh viện ngày 23 và về đến chùa Phật Ân, chấp nhận giờ lâm chung theo lẽ tự nhiên, hóa thân về với hư không, như thầy viết trong di chúc "hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng". Thầy Tuệ Sỹ ra đi để lại những bài học khôn cùng về trí tuệ, về chọn lựa và cả tận hiến cho Phật giáo, cho quê hương, dân tộc.

Phật giáo Việt Nam trong nửa thế kỷ này có thể nói đã trải qua hai lần chuyển biến, chân đứng như chạm mép vực sâu của thời thế, và của cả những điều khó nói. Trong hai lần chuyển biến đó, tôi học được sự điềm nhiên và những bước đi có chọn lựa đầy trí tuệ của Thầy Tuệ Sỹ, qua nhiều cảnh ngộ khác nhau.

Những năm tháng sau khi Việt Nam thống nhất địa lý, nhưng đó cũng là lúc Phật giáo bị tan tác, chia rẽ và hình thành giáo hội mới với sự bảo trợ của nhà nước. Đó được coi là lần chuyển biến thứ nhất. Những bậc thầy của Phật giáo Việt độc lập truyền thống rơi vào những hoàn cảnh xót xa. Những minh sư hiền giả lại bị đẩy vào cái chết bất thường, tù đày, cô lập… trong giai đoạn rối ren, hỗn loạn. Thế hệ tiếp nối của tinh thần Phật giáo lúc đó như Thầy Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu, Thích Phước An… mỗi người một nơi.

Nhưng riêng với Thầy Tuệ Sỹ, sự có mặt, đối thoại và hành xử theo luật pháp Việt Nam vào giai đoạn sau năm 1975 đã đặt các nhà làm chính sách ở Việt Nam vào thế muốn xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một tổ chức bất hợp pháp là một điều không dễ. Sự biến Lương Sơn là một biến cố mà sự có mặt của Thầy đã mở ra một chứng minh quan trọng : cộng đồng tôn giáo, dù lớn hay nhỏ, là một thực thể lịch sử và truyền thống vượt lên hạn chế của tên gọi, thời gian và địa lý, bất luận có được thế quyền nhìn nhận hay không.

Chính vì vậy, việc có thêm một giáo hội, chỉ có ý nghĩa làm đa dạng sinh hoạt tôn giáo chứ không thế vì vậy mà loại trừ một hoạt động tôn giáo khác. Cấm chỉ, thành lập hay loại bỏ bằng quyền lực chỉ là hoạt động vô nghĩa ngoài da.

Buộc lòng phải lên tiếng vì lẽ phải, và sự tồn tại của một tập hợp tôn giáo có tính lịch sử của người Việt Nam, Thầy Tuệ Sỹ đột nhiên trở thành một hình ảnh mang tính chính trị. Ngay cả án tử hình (1988) hay những lần bị tù, quản thúc, Thầy được chúng Phật tử kính trọng với câu trả lời trở thành kinh điển trước các quan chức hay tòa án, nhưng Thầy lại không coi đó là danh tiếng hay điều đáng lưu tâm trong cuộc đời theo chân Phật.

Thầy Hạnh Viên, người kề cận nhiều với thầy Tuệ Sỹ, có kể rằng Thầy Tuệ Sỹ thấy ngại khi người ta nói nhiều về những năm tháng khó khăn của Thầy, ngại khi nghe nói về những phát biểu có tính như một nhà đấu tranh chính trị.

"Ôn (ngài) nói là một người đi tu, điều đáng nói là sự giác ngộ và giá trị tu tập của mình, còn những chuyện khác đó là sự đối phó với đời thường, không có gì đáng nói. Nếu cứ nói miết về tính chính trị, hóa ra đời mình đã xao lãng kinh kệ rồi sao ?"

Quả thật, vận mệnh của Phật giáo Việt Nam nổi chìm theo vận nước. Thầy Tuệ Sỹ nói, và xác định sự tự tại, minh định giá trị đời mình trong vận mệnh của Phật giáo, là điều buộc phải làm chứ không là điều Thầy chọn làm.

Đó là lý do những đoạn thăng trầm, bất hòa và mất kết nối trong nội bộ dẫn đến chuyện năm 2005, sau khi bị thay thế bởi một thành viên khác trong Ban chỉ đạo Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thầy vẫn tập trung làm công việc dịch kinh, chú giải và Phật sự như lẽ sống quan trọng nhất : Một người đến với Phật, điều quan trọng nhất vẫn là tìm về ngồi dưới chân Phật.

phatgiao2

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Ảnh Thư viện Phật Việt

Tấm lòng và trí tuệ của Thầy vẫn tỏa sáng. Tháng 5/2019, Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ ra Quyết định số 14 trao quyền điều hành Giáo hội cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Nên đến tháng 4 năm 2020, nhân lễ chung thất của Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tuyên bố phụng thừa Quyết định Ủy thác Quyền điều hành Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Có thể nói, lúc này là lần chuyển biến thứ hai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Việc xuất hiện và được giao phó, khiến nhiều vị chức sắc và những nhánh hoạt động thiên về Phật giáo Thống nhất đàm luận, chất vấn và thậm chí tỏ ra nghi ngờ. Bởi lẽ, Thầy ẩn dật và dành nhiều thời gian cho các công trình Phật học – được cho là có lẽ đã "quy thuận" chính quyền và không còn muốn tranh đấu.

Đó có thể là lý do, dù được Đức Đệ ngũ Tăng thống giao toàn quyền, Thầy chỉ xin được nắm vị trí là một "Bỉnh pháp Tỳ-kheo", chờ khi thuận tiện sẽ tổ chức đại hội để dựng lại Hội đồng Lưỡng viện và bầu ra người lãnh đạo mới : Đức Đệ lục Tăng thống. Cho đến ngày 21 và 22/8/2022, Thầy mới vận động được Chư tôn đức để dựng lại Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và Hội đồng này đã thỉnh cử Thầy làm Chánh thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống.

Hơn ai hết, Thầy hiểu vấn nạn của nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lúc này : Có người muốn đấu tranh quyết liệt đối đầu, có người muốn tập hợp lực lượng chính danh, có người muốn giữ yên tình thế để phát triển nhân lực và vật lực… nhưng quan trọng sự bất đồng là điểm chính, trong sự theo dõi chặt chẽ của nhà cầm quyền.

Chính vì sự nóng lòng muốn có người lãnh đạo, để đấu tranh, để phục hoạt, mà đã từng có một đại hội tự tổ chức ở miền Trung không lâu sau khi Đệ ngũ Tăng thống viên tịch, để bầu lên Đệ lục Tăng thống. Tuy nhiên, kết quả và chức vị từ đại hội đó dần im tiếng vì không chính danh.

phatgiao3

Di chúc tang lễ - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Những năm tháng này là sự đau yếu kéo dài của Thầy Tuệ Sỹ. Nhưng Thầy vẫn nhận vị trí cố vấn Hội đồng Hoằng pháp, và thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời. Công trình mới nhất là phiên dịch 29 cuốn kinh, luật và luận thuộc Thanh văn tạng của Đại tạng kinh Việt Nam, được coi là vô cùng quan trọng trong tàng thư Phật giáo cho người Việt Nam.

Có lúc, vang lên lời chất vấn về chuyện tự do tôn giáo đang khốn khó, tại sao Thầy Tuệ Sỹ lại không chọn tranh đấu, mà lại thực hiện việc dịch kinh sách ? Thật, trong bối cảnh lửa tàn tro lạnh của sinh hoạt tôn giáo độc lập nói chung, lời chất vấn này không phải là không có ý nghĩa. Câu hỏi đặt ra, nhằm trực diện đến vận mệnh Phật giáo Việt Nam tự do hôm nay, cũng đã có lúc gieo cho tôi sự hoài nghi, khiến tôi phải loay hoay đi tìm sự giải đáp giữa thế giới đầy biến động này.

Năm 1959, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 phải đi tỵ nạn sang Ấn Độ để tránh âm mưu sát hại của cộng sản Trung Quốc, trên đường đi, những nghĩa quân kháng chiến Tây Tạng đón ngài và đề nghị ngài làm lãnh đạo tinh thần của cuộc kháng chiến đòi độc lập. Nhưng là một người đi tu, ngài chỉ có thể đấu tranh bằng lời kinh truyền thống và mở rộng tinh thần tôn giáo tự do bên ngoài quê hương bị cộng sản thao túng, đàn áp.

Khi đến Ấn Độ, nghe thấy có người kháng chiến thất vọng về ngài đã tự sát, lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã khóc và nói rằng ngài không thể đứng ở vị trí chỉ huy những cuộc tấn công hủy diệt con người và cầu xin những người kháng chiến hãy bình tâm.

Cũng chính vì vậy, năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma xin rút vai trò chính trị trong Quốc hội lưu vong để dành trọn thời gian vận động tinh thần cho một nước Tây Tạng độc lập. Đấu tranh trực diện là giai đoạn, nhưng gìn giữ giá trị truyền thống cho mai sau mới là điều phải tận lực.

Tôi như chợt nhìn ra cuộc vận động lặng lẽ và là rường cột mà Thầy Tuệ Sỹ chủ xướng. Chủ ý của Thầy là dành sức cho vận mệnh Phật giáo Việt Nam độc lập và tinh khiết – một ngày mai phải đến. Sau năm 1975, việc tách nhập Phật giáo, tạo thành nhánh mới vào năm 1981, mọi thứ hoàn toàn là chỏng chơ, với toàn bộ trí tuệ kinh điển, đều là của những bậc đại sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tạo dựng, chuyển soạn, phiên dịch… Ngoài đền đài, những tượng Phật to lớn và ngôn từ thao túng trục lợi dân chúng của giáo hội mới, xương sống của Phật giáo Việt Nam độc lập là kinh điển hình thành mọi lý thuyết, vẫn sừng sững không thể xâm phạm và xóa bỏ. Nếu cam tâm hủy diệt, tức có nghĩa hủy diệt luôn cả bộ mặt sơn son thếp vàng vô hồn của Giáo hội Phật giáo mà nhà nước dựng lên.

Đời người thì hữu hạn, và cả một chế độ cũng hữu hạn. Tiếp tục duy trì trí tuệ thật, của Phật giáo thật, là chuyện của trăm năm sau, của những thế hệ tìm thấy chỗ dựa để dựng lại xã hội Việt Nam, với Phật giáo đang suy đồi vì danh lợi và chính trị. Và hơn hết, dành sức cho tri thức Phật giáo, cũng đồng nghĩa làm thất bại những lời vu cáo về "lợi dụng tôn giáo, hoạt động chính trị".

Cũng như nhiều năm trước, đột nhiên Thầy Tuệ Sỹ phải bước ra, cất tiếng trong vận mệnh của Phật giáo Việt Nam trong bi thương. Hôm nay, ngài chấp nhận im lặng trước những câu hỏi không thể trả lời một lần, mà đang dồn sức lực cuối cùng hành động cho tương lai của Việt Nam, tương lai của vận mệnh Phật giáo Việt Nam ngàn đời.

"Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng. Đây có thể là ước nguyện xa vời, thậm chí sáo rỗng đối với một số người. Nhưng đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình", lời của Thầy nói với tuổi trẻ Việt Nam từ nhiều năm trước đến nay vẫn y nguyên vậy.

Sự kiên quyết và hành hoạt không lùi bước của Thầy có thể được xem như một thái độ chính trị cho đạo Phật trước buổi hỗn mang, nhưng chung quyết vẫn là ý chí và tâm nguyện của một người kiên tâm thừa tự chánh pháp, nguyện soi đường cho thế hệ Việt mai sau.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Tuấn Khanh, một nhạc sĩ, người viết tự do đang sống tại Việt Nam.

Tuấn Khanh

Nguồn : BBC, 24/11/2023

*****************************

Thầy Thích Tuệ Sỹ viên tịch ở chùa Phật Ân Đồng Nai

Tuấn Khanh, RFA, 24/11/2023

Vậy là người thầy lớn của Phật giáo đã ra đi, lúc 14 giờ, ngày 24/11/2023.

phatgiao4

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Chánh Thư ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng thống - Hoằng pháp

Ngày hôm qua, thầy được đưa về chùa Phật Ân, Đồng Nai từ bệnh viện, sau những lúc tưởng đã thôi không còn có thể chống chọi đến giờ phút cuối những căn bệnh trầm kha, vốn theo đuổi biết bao lâu nay. 

Thầy Lê Mạnh Thát quyết để thầy Tuệ Sỹ - người bạn đường thân thiết của mình - ra đi theo cách tự nhiên ở chùa. Các bác sĩ đến theo dõi bệnh tình của thầy ngay khi được đưa về chùa, đã hết sức ngạc nhiên khi thấy các chỉ số sức khỏe lại ổn định, sinh hiệu đầy lạc quan. "Có thể mọi sự kéo dài thêm hơn tuần nữa", thầy Hạnh Viên, thị giả của thầy Tuệ Sỹ nhắn tin trong đêm cho biết. Niềm hy vọng mong manh chợt bùng lên ở nhiều chúng đệ tử, lòng không muốn chia lìa với người thầy của mình trước hiện thực trần trụi.

Nhưng từ hôm qua 23 tháng 11, giới đệ tử và các thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở các tỉnh xa đã bắt đầu tập họp ở chùa Phật Ân, chờ đón chuyện cuối của đời người theo lẽ tự nhiên, hầu như ai cũng bình lặng nhưng đầy xót xa vào lúc Phật giáo Việt Nam mất đi người thầy lớn cầm ngọn đèn soi đường, giữa đêm tối của niềm tin hôm nay.

Chiều 24, tin dữ lan nhanh, mọi người vẫn theo dõi sát sao tin tức của thầy Tuệ Sĩ, lại vẫn hụt hẫng dù không còn bất ngờ. Điều gì phải đến, đã đến.

Hơn ai hết, thầy Tuệ Sỹ như đã bước vào chuẩn bị những giây phút này của mình kể từ khi nhận trọng trách với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Giờ thì những người gần gũi với thầy mới hiểu vì sao thầy cố tận lực dành những ngày tháng cuối đời của mình, để làm việc không ngừng, ghi chép, để lại những kinh văn quan trọng cho đời sau. Bởi một điều đơn giản và sâu thẳm : con người thì hữu hạn nhưng chánh Pháp nguyên khôi thì vô hạn, và đó chính là ngọn đuốc trí tuệ mà thầy muốn trao lại cho thế hệ Việt Nam ngày sau, để tiếp tục đi trên con đường dài thăm thẳm phía trước, giữa mây mù, không còn người chỉ lối bên cạnh.

Là bậc đại sư im lặng và kiên tâm với con đường của mình đi, dù trải qua miên trường sóng gió của thời thế, của những khúc quanh số phận, và kể cả những sự chia rẽ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đáp lại những thách đố thù địch, thầy mỉm cười đối diện với an nhiên. Với tăng chúng, bằng hành động chứ không bằng lời nói, thầy đã chứng minh tâm nguyện đời cho những thế hệ hôm nay, mai sau, như thầy đã từng cam kết "Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng".

Vào những ngày tháng hoang mang khi thầy Tuệ Sĩ phải liên tục ra vào bệnh viện, sức khỏe yếu dần. Những người bạn phật tử của tôi đã từng đăm chiêu và hỏi rằng liệu không còn thầy thì mai chúng ta sẽ ra sao ? Trong thế giới Phật giáo hôm nay rầm rộ tượng đài, đền chùa vô hồn, quả thật là hoang mang khi mất lối.

Ngày mai chúng ta sẽ ra sao ? Đó là câu hỏi lớn khi tin về sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ ập đến. May thay, Phật giáo Việt Nam vẫn còn những điều để soi lại, noi theo. Người Việt đã có nửa thế kỷ lịch sử Phật giáo trắc trở và bi hùng, và những người thầy vĩ đại đã nguyện hy sinh đời mình để giữ lại những áng kinh, lời soi sáng con đường phía trước. 

Không chỉ có thầy Tuệ sĩ, ở phía trước đã có nhiều những bậc thầy khai mở Phật giáo Việt Nam qua những thăng trầm như thầy Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… Là người Phật tử nhận thức đủ và đúng, không có thầy, thì với chánh pháp, lời Phật cần ghi nhớ : "Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi mà nó đã làm", và điều thầy Tuệ Sỹ mượn lời Phật dặn dò để "Hãy là kẻ thừa tự Chánh pháp của Như lai ; chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật". 

Không ngã nghiêng theo mê đồ, không để bị thao túng của kẻ giả tăng, không quỵ lụy với quyền thế. Sống như một Phật tử Việt Nam, biết đau với nỗi đau của con người và thế giới của mình. "Đi với Chánh pháp - đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình", thầy viết trong lời dạy về "Giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ" (tháng 5/2004)

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 24/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Khanh
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)