Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2023

Các chuyên gia tiếp tục nói về kênh đào Phù Nam của Campuchia

Nguyễn Minh Quang, Brian Eyler

Những bình luận về ảnh hưởng tiêu cực của Kênh đào Funan Techo của Campuchia (do Trung Quốc đầu tư) lên Việt Nam mới đây đã nhận được những nhận xét trái chiều từ một số chuyên gia quốc tế. Trong đó có ý kiến tỏ ra thận trọng và cho rằng cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về ảnh hưởng của kênh đào này trước khi đưa ra dự đoán là kênh đào sẽ "chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài Đồng bằng sông Cửu Long" như nhận xét của Tiến sĩ Brian Eyler thuộc Trung tâm Stimson ở Washington DC. 

kinhdao1

Vị trí 3 cửa cống Mekong, Takeo và Kep (chữ màu đỏ) trong Thông báo mà Campuchia gửi Ủy hội Sông Mekong - Ủy hội Sông Mekong

Chính phủ Campuchia có kế hoạch xây dựng Kênh đào Funan Techo để nối liền Phnom Penh với vịnh Thái Lan bằng một kinh đào có chiều dài 180 km, rộng 80-100 m và sâu 5,4 m. Chi phí của dự án được ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Dự án được cho là sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa cho Campuchia, tránh tuyến đường thủy đi qua Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Vào ngày 17/11/2023, kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một cựu Chuyên gia Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Tiểu bang Florida Hoa Kỳ, viết trên trang Boxitvn rằng tác động của kênh đào này đối với sông Mekong sẽ rất ít. Ông nói :

"Tất cả những nhận xét đều dựa vào giả thiết là kinh đào Prek Chek Funun Techo sẽ được vận hành như những con kinh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, đó là nước và tàu bè có thể di chuyển tự do. Nhưng trên thực tế thì tàu bè không thể đi lại tự do mà phải đi qua ba âu tàu và nước không thể chảy tự do vì sự hiện diện của ba cửa đập. Chính ba cửa đập này mà ảnh hưởng của dự án đối với dòng chảy của sông Mekong và đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nếu có, chắc chắn sẽ rất ít".

RFA tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia về kênh đào này. Dưới đây là ý kiến một số chuyên gia về vai trò của các âu tàu, cửa cống của kênh đào Funan trong việc hạn chế tác động của kênh đào này tới sông Mekong, khả năng sử dụng kênh đào cho mục đích lưỡng dụng (kết hợp quân sự và kinh tế), cũng như những việc cần làm tiếp theo.

Các cửa cống giúp hạn chế tác hại của kênh đào

RFA đặt câu hỏi với Chuyên gia Nguyễn Minh Quang về chức năng của các âu tàu, cửa cống của trong thiết kế kênh đào Funan đối với nước sông Mekong. Ông giải thích :

"Các âu tàu và cửa cống là những kiến trúc trong dự án kinh đào Funan Techo nối vịnh Thái Lan ở Prek Chek với sông Mekong ở Phnom Penh. Sở dĩ phải xây các cửa cống vì chế độ thủy học ở 2 đầu kinh khác nhau. Nói cách khác, cần có cửa cống để duy trì mực nước cố định trong kinh, khi mực nước ở vịnh Thái Lan xuống thấp lúc triều xuống, và mực nước trong sông Mekong xuống thấp trong mùa khô. Vì có các cống nầy nên phải có âu tàu để tàu bè đi qua".

Khi ba cửa đập đóng thì nước vào kênh đào bằng 0, nhưng khi ba cửa này mở ra thì nước lại vào kênh. RFA đặt câu hỏi với Kỹ sư Nguyễn Minh Quang rằng những kênh đào như kênh Funan thường đóng, mở cửa cống như thế nào, tần suất đóng mở ra sao, và tần suất đóng mở cửa cống có khả năng ra sao ảnh hưởng đến hạ lưu sông Mekong (Đồng bằng sông Cửu Long) ra sao. Theo ông Nguyễn Minh Quang :

"Các cửa cống có nhiệm vụ duy trì mực nước tương đối ổn định trong kinh ; vì thế, các cửa cống được đóng khi điều hành kinh, ngoại trừ những lúc cần điều chình mực nước trong kinh, thí dụ, cho nước chảy thêm vào kinh hay tháo bớt nước ra.

Vì có cửa cống ở giữa kinh, việc đóng mở cửa cống phía Prek Chek (RFA chú thích : phía hạ nguồn của kênh theo thiết kế, tức ở phía Vịnh Thái Lan) sẽ không ảnh hưởng đến lưu lượng của sông Mekong.

Còn cửa cống phía Phnom Penh, nếu có mở, thì chỉ có thể mở trong mùa mưa khi mực nước trong sông Mekong cao hơn mực nước trong kinh để bổ sung nước cho kinh. Tuy nhiên số nước bổ sung nầy có ít, hoặc không có ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long".

Ông Nguyễn Minh Quang đồng ý với các chuyên gia khác là các chuyên gia cần phải nghiên cứu thêm ảnh hưởng của kinh đào Funan này đối với lưu lượng của sông Mekong trong lúc điều hành, chú trọng đến những lúc mở cửa đập phía Phnom Penh. Còn những lúc đóng cửa đập thì chắc chắn không có ảnh hưởng. Ông nói :

"Tôi cho rằng những quan điểm "bi quan" như dự án kinh đào Funan Techo là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài của Đồng bằng sông Cửu Long, làm khô kiệt Đồng bằng sông Cửu Long, nỗi chết của Đồng bằng sông Cửu Long, tiếng chuông báo tử cho Đồng bằng sông Cửu Long, v.v. là không thuyết phục về mặt khoa học và cần tranh luận thêm".

Chức năng quân sự - dân sự của kênh đào ?

Trao đổi với RFA, một chuyên gia ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do vấn đề nhạy cảm cho biết rằng nhiều quan chức chính phủ và chuyên gia Việt Nam đang xem xét khả năng kênh đào Funan có thể có chức năng lưỡng dụng : vừa dùng cho quân sự vừa dùng cho dân sự. Theo ông, Việt Nam cần nghiên cứu khả năng đó, vì "lưỡng dụng" là chiến lược của Trung Quốc ở rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao đến các hải cảng mà Trung Quốc đang sở hữu khắp thế giới. Ông nói nhiều chuyên gia Việt Nam đặt ra khả năng cho rằng khi các cửa cống trên kênh đào Funan đóng lại, nó có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, căn cứ Ream ở Campuchia mà Trung Quốc đang đóng quân, đi vào sâu trong nội địa Campuchia và do đó có thể tiến đến gần phía Sài Gòn của Việt Nam. 

Đối với khả năng này, ông Nguyễn Minh Quang cho rằng ý kiến này là không có cơ sở. Theo ông, nếu cần, Trung Quốc có thể dùng sông Sài Gòn thay vì dùng kinh đào Funan Techo, vì họ vẫn có thể đến tận Sài Gòn bằng tàu có trọng tải lớn hớn 1.000 tấn được thiết kế cho kinh đào Funan Techo.

Những vấn đề cần nghiên cứu thêm

Chuyên gia Nguyễn Minh Quang nói ông đồng ý với quan điểm của Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Miền Nam, cho rằng "những quan ngại của Việt Nam là chính xác, nhưng nên tránh xu thế coi việc gì bạn làm cũng đều xấu và tìm lý do để phản đối kịch liệt, mặc dù chưa có nghiên cứu, phân tích cặn kẽ". Ông nói qua Ủy hội Sông Mekong, Việt Nam có thể yêu cầu Cambodia cung cấp thêm dữ kiện của dự án, chắng hạn như nghiên cứu khả thi, để nghiên cứu tác động thật sự của dự án đối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với RFA về phản biện của Chuyên gia Thủy học Nguyễn Minh Quang, Tiến sĩ Brian Eyler ở Stimson Center, một think tank ở Washington DC, nói : 

"Rất cảm ơn vì phản biện này. Thật tốt khi tìm hiểu thêm về dự án và tôi rất biết ơn vì các bạn đã chia sẻ tài liệu dự án.

Khi có thêm thông tin chi tiết về dự án này, việc phân tích có thể toàn diện và đầy đủ hơn. Với một ít thông tin hiện có, những người quan tâm đến dự án này chỉ có thể so sánh nó với các dự án tương tự.

Hệ thống khóa (lock system) nếu được vận hành phù hợp sẽ là giải pháp phù hợp nhằm giảm tác động của kênh đến chế độ dòng chảy tự nhiên của sông Mekong. Các âu thuyền ngăn chặn nước chảy từ sông Mekong ra biển một cách hiệu quả và điều này có thể sẽ làm giảm một số tác động đối với Việt Nam. 

Nếu bản thiết kế kênh và kế hoạch hoạt động được công bố cho công chúng, hoặc các bên liên quan, thì việc lập mô hình vận hành của kênh đào có thể giúp xác định các tác động cụ thể của nó tới khu vực. Nếu mô hình này đã được thực hiện rồi thì những kết quả này cũng nên được công bố để củng cố niềm tin xung quanh dự án và nâng cao hiểu biết".

Tiến sĩ Brian đặt ra một vấn đề khác là sông Bassac, nơi đặt cửa cống phía đất liền, gần Phnomphenh, cần được xem là một nhánh của dòng chính sông Mekong. Điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến Ủy hội sông Mekong (MRC), đến Hiệp ước Mekong 1995 mà Việt Nam và các nước trong khu vực cần xem xét. 

Ông nói MRC đã được chính phủ Campuchia thông báo về dự án này ; tuy nhiên, chính phủ Campuchia đã nhầm lẫn khi chỉ định dự án này là dự án được thực hiện trên một nhánh sông Mekong. Sông Bassac, theo định nghĩa, không phải là một nhánh của sông Mekong. Đúng hơn Bassac là một nhánh của dòng chính sông Mekong. Theo thuật ngữ thủy văn, sông Bassac là "phân lưu" vì nó phân phối nước từ dòng chính về đồng bằng sông Cửu Long. Một cách để dễ dàng kiểm tra xem con sông này là một nhánh hay một phần của dòng chính là hỏi nước trong sông đến từ đâu. Nếu nước trong sông bắt nguồn từ dòng chính thì nó là một phần của dòng chính : đây là trường hợp rõ ràng, không thể tranh cãi của sông Bassac.

Do đó, Tiến sĩ Brian nhấn mạnh rằng vì lợi ích tốt nhất của tất cả các bên liên quan ở Việt Nam, Campuchia và khu vực nói chung, MRC và Chính phủ Campuchia nên gọi tên chính xác dự án kênh đào này là dự án dòng chính sông Mekong. Điều này sẽ bắt đầu quá trình Thông báo trước, Tham vấn trước (PNPCA) của Hiệp định Mekong và tạo ra một cuộc đối thoại mang tính xây dựng có thể làm giảm bất kỳ tác động có hại nào của kênh đào này và tăng lợi ích mà con kênh mang lại. Mỗi lần quá trình PNPCA được khởi động cho các đập dòng chính sông Mekong, thiết kế đập và kết quả tổng thể của các dự án đều được cải thiện. Điều quan trọng là những cải tiến này chưa làm hài lòng tất cả các bên.

Theo Tiến sĩ Brian Eyler, người ta có thể đưa ra lập luận hợp lý rằng dự án kênh đào cần phải có thông báo PNPCA vì nó chuyển nước từ lưu vực sông Mekong vào đại dương, nơi thực chất là một lưu vực sông (watershed) khác. Theo Hiệp định Mekong năm 1995, tất cả các dự án lấy nước ra khỏi lưu vực sông Mekong cũng phải trải qua quy trình PNPCA. Người ta cũng có thể lập luận rằng hệ thống khóa (lock systems) làm giảm lượng nước rời khỏi lưu vực sông Mekong, nhưng không thể phủ nhận rằng một phần nước sẽ rời khỏi hệ thống sông Mekong do dự án này. 

Cuối cùng, vị Giám đốc của Chương trình Đông Nam Á ở Stimson Center cho rằng các tác giả của Hiệp định Mekong năm 1995 có thể đã không lường trước được một dự án đặc biệt và đầy tham vọng như Kênh đào Funan Techo và vì thiếu sự rõ ràng về các kênh chuyển nước từ sông Mekong ; thay vào đó, Hiệp định 1995 chỉ thảo luận về các dự án thủy lợi và kênh dẫn nước từ sông Mekong đến các lưu vực khác như Chao Phraya ở Thái Lan. Kênh đào Phù Nam mang đến cơ hội duy nhất để giải thích vấn đề nêu trên trong Hiệp định Mekong năm 1995. Cơ hội này cần được khai thác chứ không nên bỏ qua.

Nguồn : RFA, 11/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Minh Quang, Brian Eyler
Read 318 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)