Chiến tranh Ukraine : Zelensky cố thuyết phục Thượng Viện Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự
Phan Minh, RFI, 12/12/2023
Trong bối cảnh Ukraine đang cần sự trợ giúp của Mỹ hơn bao giờ hết để đối phó với quân đội Nga trên chiến trường, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm nay, 12/12/2023, có mặt tại Washington để thuyết phục các quan chức Mỹ đáp ứng yêu cầu viện trợ quân sự của Kiev. Chính quyền tổng thống Joe Biden không ngần ngại tiếp tục hỗ trợ Ukraine, tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không cùng lập trường.
Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại học Quốc phòng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/12/2023 via Reuters – Ukrainian Presidential Press Service
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể :
Đối với Nhà Trắng, việc tiếp đón Volodymyr Zelensky nhằm khẳng định cam kết vững chắc của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ nhân dân Ukraine để họ chiến đấu chống cuộc xâm lược tàn bạo của Nga. Đó là lập trường của chính quyền tổng thống Biden, nhưng các định chế khác thì không đồng tình với quan điểm này, nhất là Quốc hội.
Tuần trước, Thượng Viện đã bác yêu cầu của tổng thống Biden về việc cấp thêm tài chính cho nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ vào năm tới, trong đó có hơn 60 tỷ đô la dành cho Ukraine. Các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa khẳng định sẽ không bỏ phiếu thêm một xu nào cho Ukraine, nếu chính quyền không ban hành các biện pháp ở biên giới phía nam Hoa Kỳ để kiểm soát tốt hơn dòng người di cư. Joe Biden cho biết sẵn sàng thảo luận, nhưng nói thêm rằng trong lúc chờ đợi, nếu không có cuộc bỏ phiếu nào từ giờ đến cuối năm, nguồn tài trợ cho Ukraine sẽ cạn kiệt.
Ngoài cuộc hội đàm và họp báo tại Nhà Trắng, Volodymyr Zelensky sẽ đích thân gặp các thượng nghị sĩ Mỹ. Tuần trước, ông đã hủy bài phát biểu qua video vào phút chót trong một cuộc họp kín diễn ra không suôn sẻ. Lần này, ông Zelensky có thể sẽ thảo luận trực tiếp với James David Vance. Thượng nghị sĩ bang Ohio có lập trường ủng hộ Trump vào cuối tuần trước đã tuyên bố rằng cần phải chấp nhận việc Ukraine nhượng một phần lãnh thổ cho Nga.
Về tình hình chiến sự, thống đốc vùng Zaporijjia Yevgeny Balitski do Moskva bổ nhiệm hôm nay cho biết quân đội Nga đã có những bước tiến "rõ rệt" ở khu vực này. Đây là lần đầu tiên một quan chức Nga tuyên bố có những tiến bộ ở miền nam Ukraine kể từ khi cuộc phản công của Kiev không mang lại kết quả.
Phan Minh
*****************************
Chiến tranh Ukraine : Khi Châu Âu không giữ được lời hứa với Kiev
Anh Vũ, RFI, 12/12/2023
Những hứa hẹn viện trợ mới của phương Tây cho Kiev ở mức thấp nhất kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga. Số phận của Ukraine bị đe dọa khi các đồng minh trở nên "mệt mỏi".
Pháo binh Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công quân Nga tại một mặt trận ở Kharkiv, Ukraine, ngày 14/07/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Tại Ukraine, Châu Âu nói thì nghe được, nhưng chưa tìm ra cách để biến lời nói thành hành động. Trong khi tại Hoa Kỳ, một bộ phận nhỏ nghị sĩ thân Trump đã từ chối đưa vấn đề viện trợ cho Ukraine vào chương trình nghị sự của Quốc hội, thì Liên Âu lại vấp phải việc thủ tướng Hungary Victor Orban muốn rút vấn đề viện trợ cho Ukraine ra khỏi chương trình thảo luận ở Hội Đồng Châu Âu.
Nhưng nguy cơ khó khăn còn rộng lớn hơn thế. Jake Sullivan, cố vấn An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ xác nhận : "Chúng ta đang cạn tiền và gần hết thời gian !". Tình hình cũng tương tự ở Châu Âu. Các lãnh đạo Liên Âu thừa nhận không thể giữ được lời hứa cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraine trước mùa xuân tới. Liên Hiệp Châu Âu hiện mới chỉ giao được 300 nghìn quả đạn cho Kiev.
Mặc dù khả năng sản xuất của Châu Âu đã tăng từ 20 đến 30% kể từ cuộc xâm lược của Nga, các đơn đặt hàng vẫn chậm hoàn thành. Theo Viện Kiel của Đức, những lời hứa viện trợ mới của phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga. Do cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cuộc xung đột ở Ukraine đã biến mất khỏi màn hình radar, bị đẩy ra ngoài thời sự cùng với sự "mệt mỏi" của các đồng minh của Kiev.
"Có vẻ như Liên Hiệp Châu Âu và NATO đã quên mất rằng cuộc chiến tranh tại Ukraine liên quan đến biên giới của họ. Chúng tôi có cảm giác cùng với sự chuyển hướng chú ý sang Trung Đông, nỗi đau khổ của chúng tôi cũng bị giảm đi trên các mặt báo và có thể sẽ không còn nữa trong nay mai", phó thủ tướng Ukraine Olha Stefanichyna đã phát biểu như vậy trong chuyến thăm Paris mới đây. Bà nhấn mạnh những lời kêu gọi viện trợ của lãnh đạo Ukraine sẽ không có, nếu phương Tây không đề nghị Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hồi 1996 khi tách ra độc lập từ Liên Xô.
Nga sản xuất 2 triệu đạn pháo mỗi năm
Bà nhắc lại là "Ukraine đã tuân thủ bản ghi nhớ Budapest sau khi đã có được bảo đảm an ninh" của Hoa Kỳ, Anh và Nga. Vậy nên Kiev chỉ yêu cầu các nước phương Tây "giữ lời hứa". Bà Olha Stefanichyna cũng lưu ý : "Cuộc chiến của người Ukraine chống lại người Nga là cuộc chiến vì tự do và các giá trị của Châu Âu, đồng thời bảo vệ các nước Châu Âu khỏi chiến tranh. Nếu như Nga không hiện diện quân sự ở Liên Hiệp Châu Âu thì đó là do Ukraine ngăn sự xâm lược của Nga".
Tuy nhiên, tại nhiều thủ đô trong Liên Âu, đã bắt đầu xuất hiện những lời to nhỏ bàn về mong muốn ngừng bắn. Sự chậm trễ và lưỡng lự của phương Tây trong việc cung cấp cho Kiev các loại vũ khí cần thiết, đúng thời điểm, để đánh đuổi quân Nga ra khỏi Ukraine, có thể lý giải phần lớn cho thất bại của cuộc phản công mùa xuân vừa qua.
Trong khi EU và Mỹ nhấn phanh viện trợ cho Ukraine, đầu tiên là giữ lại xe tăng, sau đó là máy bay chiến đấu và bây giờ là đạn dược, quân đội Nga, vốn bị phương Tây đánh giá thấp, đã bảo vệ được mình sau một tuyến phòng thủ vững chắc.
"Nền kinh tế chiến tranh" được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói đến chưa bao giờ trở thành hiện thực ở Châu Âu. Trái lại, Nga đã đưa ngành công nghiệp chiến tranh của mình vào thế trận. Họ sẽ sớm đạt mục tiêu sản xuất hai triệu đạn pháo mỗi năm, nghĩa là nhiều hơn cả Hoa Kỳ và Châu Âu cộng lại. Mối nguy hiểm có lẽ chưa bao giờ lớn đến thế kể từ đầu năm. Nguy cơ chính là tương quan lực lượng trên chiến trường đã bị đảo ngược.
"Các nước Châu Âu rõ ràng chưa sẵn sàng chấp nhận những hy sinh cần thiết để giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga trong điều kiện tốt nhất. Hành động hoặc sự thiếu hành động của họ đều đi ngược lại những lời phát biểu của họ", cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud lấy làm tiếc trên mạng X.
Các nước Châu Âu vẫn đang vất vả để hiểu được những thách thức chiến lược của thế giới mới. Sau khi thành công, với rất nhiều khó khăn, trong việc tạo được sự đoàn kết ở đầu cuộc chiến tranh, họ lại một lần nữa bị chia rẽ về chủ đề này. Trong Liên Âu, Hungary không ngại ngùng bảo vệ lợi ích của Nga. Ba Lan thì đang xét lại các nguyên tắc chính ủng hộ Ukraine do lợi ích ích kỷ của một số thành phần kinh tế.
Putin ngẩng cao đầu
Sự mệt mỏi và chia rẽ trong Liên Hiệp Châu Âu chính là điều mà Vladimir Putin đang tính đến để thay đổi cục diện cuộc chiến. Từ nhiều tuần qua, tổng thống Nga đã ngẩng cao đầu trước những hoàn cảnh có lợi cho ông. Quân đội của ông đã trụ được trước quân Ukraine được phương Tây hậu thuẫn. Các nhà lãnh đạo Ukraine bắt đầu tỏ mâu thuẫn công khai. Vladimir Putin đã phá vỡ sự cô lập ở phương Tây và né tránh các biện pháp trừng phạt bằng cách dựa vào các đồng minh chống phương Tây ở "Nam bán cầu".
Ông Putin sẽ sớm tận dụng được khả năng tên lửa đạn đạo của Iran và Bắc Triều Tiên. Ông bắt đầu trở lại các chuyến công du tới Trung Quốc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út. Tiền bán dầu lửa, khí đốt đang tiếp sức cho nền kinh tế Nga. Những thành phần chống đối ông ta bị bịt miệng và chiến dịch tranh cử tổng thống cho tháng 3 tới đang diễn ra tốt đẹp. Cuối cùng, Putin có thể hy vọng vào một cuộc "chuyển hướng" tốt nhất, như cuộc chiến ở Trung Đông đang thu hút mọi sự chú ý.
Tại Wasshington, một bộ phận nhỏ các nghị sĩ theo Trump đã chặn viện trợ cho Ukraine, bất chấp rủi ro Kiev thất bại quân sự. "Bỏ phiếu chống lại viện trợ cho Ukraine là bỏ phiếu để cải thiện vị thế chiến lược của Vladimir Putin. Đó chính là thực tế người ta không thể lẩn tránh được", ông Jake Sullivan cảnh báo. Thế nhưng, Liên Hiệp Châu Âu giờ không có khả năng thay thế cho Mỹ, nếu Washington đóng van viện trợ quân sự. Liên Âu không có cả phương tiện lẫn quyết tâm chính trị. Một quan chức ngoại giao cao cấp của Pháp khẳng định : " Châu Âu phải thức tỉnh. Châu Âu phải hỗ trợ Ukraine nối lại phản công. Với chúng ta, không có giải pháp thay thế. Nếu như hồi năm 1942, Mỹ và Anh đã bỏ rơi các nước Châu Âu thì chúng ta không có như bây giờ. Ukraine ngày nay chính là Châu Âu của 1942". Quan chức này không cho rằng " kịch bản Ukraine thất bại sẽ lại là thắng lợi cho Mỹ". Nếu tình hình cứ tiếp tục, sự "mệt mỏi" của phương Tây sẽ phải trả giá rất đắt ở Châu Âu. Nhà ngoại giao Pháp khẳng định "với một mặt trận đóng băng, Putin sẽ tấn công trở lại. Không thể để Nga thắng trong cuộc chiến này". Nhưng Pháp và các đồng minh Châu Âu liệu có đủ khả năng tạo cho mình phương tiện và thể hiện thiện chí của trên thực tế ?
Như phóng viên Ba Lan gốc Mỹ Anne Applebaum viết trong một bài báo, "thách thức mà Vladimir Putin đặt ra cho Châu Âu và phần còn lại của thế giới vẫn không thay đổi kể từ tháng 2/2022. Sự thật khắc nghiệt là cuộc chiến này sẽ chỉ kết thúc dứt điểm khi giấc mơ đế quốc mới của Nga tàn lụi. Thời thế đã thay đổi. Chúng ta phải bắt đầu giúp người Ukraine chiến đấu trong cuộc chiến này như thể chính chúng ta đang chiến đấu, bằng cách thay đổi quy trình quyết định chậm chạp để thích ứng với tình hình khẩn cấp lúc này".
(Le Figaro)
Anh Vũ
*************************
Zelensky sẽ đến Nhà Trắng bàn về "các nhu cầu khẩn cấp của Ukraine"
Thùy Dương, RFI, 11/12/2023
Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky được đồng nhiệm Mỹ Joe Biden mời đến Nhà Trắng vào ngày mai 12/12/2023 để thảo luận về các nhu cầu khẩn cấp của Ukraine, trong bối cảnh Nghị Viện Mỹ mới đây lại chặn khoản viện trợ cho Kiev cho dù Nga đang gia tăng tấn công Ukraine bằng tên lửa và drone.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, 21/12/2022. AP - Andrew Harnik
Theo AFP, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thông báo lời mời của tổng thống Biden được đưa ra hôm qua 10/12/2023. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "các nhu cầu cấp bách của Ukraine", cũng như "tầm quan trọng sống còn" của viện trợ không gián đoạn của Washington dành cho Kiev, nhất là trong bối cảnh Ukraine đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một nguồn tin từ Thượng Viện cho biết ông Zelensky cũng sẽ có cuộc gặp tại điện Capitol với lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Hạ Viện, Mike Johnson, để bàn về viện trợ.
Về phía Ukraine, trong thông cáo, Kiev xác nhận tổng thống Zelensky sẽ đến Nhà Trắng vào ngày mai 12/12, để thảo luận với đồng nhiệm Mỹ về "hợp tác quốc phòng giữa Ukraine và Mỹ", và đặc biệt là về "sản xuất vũ khí và các hệ thống phòng không".
Ukraine bắn hạ 8 tên lửa Nga phóng đến Kiev
Về tình hình chiến sự, quân đội Ukraine khẳng định sáng sớm nay 11/12 đã hạ được 8 tên lửa mà Nga phóng đến Kiev. Chiến dịch oanh kích Kiev bằng tên lửa đã khiến 4 người bị thương, nhưng không gây thiệt hại cho các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trước đó, trong đêm qua rạng sáng nay, từ bán đảo Crimée mà Matxcơva đã sáp nhập của Ukraine hồi 2014, quân Nga đã phóng 18 drone Shahed, nhưng đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ, đa phần ở vùng Mykolaïv, miền nam Ukraine. Còn về miền đông, chỉ huy các lực lượng trên bộ của Ukraine, Oleksandr Syrsky, trên mạng Telegram thừa nhận tình hình đang rất"khó khăn" do quân Nga không ngừng phản công.
Theo AFP, cơ quan tình báo Anh nhận định quân đội Nga dường như đã bắt đầu chiến dịch mùa đông nhắm vào các cơ sở sản xuất năng lượng của Ukraine. Lần đầu tiên tính từ hôm 21/09, Nga phóng nhiều tên lửa về phía Kiev trong đêm 07 rạng 08/12 và phi đội máy bay ném bom hạng nặng của Nga đã tiến hành các vụ oanh tạc miền trung Ukraine.
Trong khi đó, chính phủ Anh hôm nay 11/12 thông báo sẽ cấp cho Kiev 2 tàu để giúp Ukraine dò mìn ở biển Hắc Hải, nhằm tái thúc đẩy xuất khẩu bằng đường biển.
Thùy Dương
*************************
Cuộc chiến Ukraine : Ông Zelensky đi Mỹ nhằm cứu vãn gói viện trợ quân sự 60 tỷ USD
Robert Greenall, BBC, 11/12/2023
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang tới Washington DC để nỗ lực giành được gói viện trợ quốc phòng trị giá hàng tỷ đô la của Mỹ dành cho Ukraine vốn đang bị đe dọa đổ bể.
Ông Zelensky đã gặp ông Biden tại Washington hồi tháng 9/2023
Gói viện trợ này đã khiến gây tranh cãi giữa các đảng phái chính trị trong nội bộ nước Mỹ.
Đây là chuyến thăm thứ ba của ông Zelensky tới Hoa Kỳ kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Tuần này là một tuần quan trọng đối với Ukraine khi Liên minh Châu Âu cũng đang quyết định xem có nên mở các cuộc đàm phán chính thức về việc nước này gia nhập khối hay không.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã ra chỉ dấu rằng ông phản đối động thái này và có quyền ngăn chặn một quyết định như vậy.
Ông Orban và ông Zelensky đã có cuộc trò chuyện có vẻ căng thẳng khi họ gặp nhau hôm Chủ nhật tại lễ nhậm chức của tân tổng thống Argentina. Các chi tiết về cuộc thảo luận của họ chưa được tiết lộ.
Tổng thống Ukraine đến Washington vào thứ Hai. Ngoài việc có các cuộc gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, gương mặt thuộc Đảng Cộng hòa, ông sẽ phát biểu tại Thượng viện vào sáng thứ Ba.
Nhà Trắng trong một thông cáo ra hôm Chủ nhật nói rằng chuyến thăm của ông Zelensky nhằm "nhấn mạnh cam kết không thể lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ người dân Ukraine khi họ tự bảo vệ mình trước cuộc xâm lược tàn bạo của Nga".
Gói viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, trị giá 60 tỷ USD hiện đang bị ách lại tại Quốc hội do vấp phải sự phản đối từ các đảng viên Cộng hòa, những người cho rằng cần dành nhiều tiền hơn cho an ninh quốc nội ở biên giới Mỹ-Mexico.
Trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện tuần trước, một gói viện trợ đã bị chặn.
Ông Biden đã kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt quỹ tài trợ. Trong bài phát biểu xúc động trên truyền hình vào thứ Tư tuần trước, ông nói gói viện trợ không thể chờ đợi và cảnh báo rằng Nga sẽ không dừng lại ở việc giành chiến thắng trước Ukraine.
Mặc dù Ukraine đã chống đỡ được cuộc tấn công ban đầu của Nga, nhưng cuộc phản công được ca ngợi nhiều trong năm nay của nước này đã bị chững lại, và đã có những dấu hiệu mệt mỏi từ một số quốc gia phương Tây vốn đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, Đệ nhất Phu nhân Ukraine Olena Zelenska nói với chương trình Laura Kuenssberg Chủ Nhật của BBC rằng người Ukraine sẽ "gặp nguy hiểm chết người" nếu các nước phương Tây không tiếp tục hỗ trợ.
"Chúng tôi thực sự cần sự giúp đỡ. Nói một cách đơn giản, chúng tôi không được phép cảm thấy mệt mỏi với tình trạng này, bởi nếu làm vậy, chúng tôi sẽ chết", bà nói.
"Và nếu thế giới mệt mỏi thì đơn giản là họ sẽ để chúng tôi chết".
Robert Greenall
Nguồn : BBC, 11/12/2023