Một chiến lược mới phải cân bằng giữa phương tiện và mục đích
Cuộc phản công của Ukraine dường như đã bị đình trệ, giống như thời tiết ẩm ướt và lạnh giá đã kết thúc mùa giao tranh thứ hai của Kyiv nhằm đảo ngược tình thế trước Nga. Trong khi đó, thiện chí chính trị trong việc tiếp tục hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine đã bắt đầu suy giảm ở cả Mỹ và Châu Âu. Trong bối cảnh này, chiến lược hiện tại mà Ukraine và các đối tác đang theo đuổi đòi hỏi phải được đánh giá lại một cách toàn diện.
Lễ tưởng niệm những binh sĩ Ukraine đã hy sinh, Kyiv, tháng 10/2023 - Thomas Peter / Reuters
Việc đánh giá lại như vậy cho thấy một thực tế đáng lo ngại rằng Ukraine và phương Tây đang đi trên một quỹ đạo không bền vững, được đặc trưng bởi sự không phù hợp rõ ràng giữa mục tiêu và các phương tiện sẵn có. Mục tiêu chiến tranh của Kyiv là đẩy lui quân đội Nga khỏi đất Ukraine và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm Crimea. Nhưng về mặt chiến lược, chúng nằm ngoài tầm với, tất nhiên là trong tương lai gần và thậm chí có thể xa hơn nữa.
Đã đến lúc Washington phải đi đầu trong việc xây dựng một chính sách mới đặt ra các mục tiêu có thể thực hiện cũng như điều chỉnh các biện pháp và mục đích. Mỹ nên bắt đầu tham vấn với Ukraine và các đối tác Châu Âu về một chiến lược trong đó tập trung vào việc Ukraine sẵn sàng đàm phán ngừng bắn với Nga, đồng thời chuyển trọng tâm quân sự từ tấn công sang phòng thủ. Kyiv sẽ không từ bỏ việc khôi phục lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc buộc Nga phải chịu trách nhiệm về mặt kinh tế và pháp lý đối với những hành động của mình. Nhưng nó sẽ thừa nhận rằng các ưu tiên trước mắt của họ cần chuyển từ cố gắng giải phóng thêm lãnh thổ sang bảo vệ và phục hồi hơn 80% diện tích lãnh thổ vẫn nằm d ưới sự kiểm soát của họ.
Nga có thể sẽ từ chối đề nghị ngừng bắn của Ukraine. Nhưng ngay cả khi ĐiệnKremlin thể hiện thái độ không thỏa hiệp, việc chuyển từ tấn công sang phòng thủ của Ukraine sẽ hạn chế tổn thất liên tục của binh lính. Nó cho phép nước này dành nhiều nguồn lực hơn cho việc tái thiết và phòng thủ lâu dài. Củng cố sự ủng hộ của phương Tây bằng cách chứng minh Kyiv có một chiến lược khả thi nhằm đạt được mục tiêu của mình. Về lâu dài, sự thay đổi chiến lược này sẽ cho Nga thấy rằng nước này không thể đơn giản hy vọng kéo dài lâu hơn Ukraine và phương Tây sẵn sàng hỗ trợ họ. Nhận thức này cuối cùng có thể thuyết phục Moscow từ chiến trường đến bàn đàm phán – đó là động thái mang lại lợi thế cuối cùng cho Ukraine. Bởi vì ngoại giao không ch ỉ đưa ra con đường thực tế nhất để chấm dứt xung đột mà còn để chấm dứt sự chiếm đóng lâu dài của Nga trên lãnh thổ Ukraine.
Sự bế tắc
Tình hình hiện tại trên chiến trường tạo ra một bức tranh nửa đầy nửa trống rỗng. Một mặt, Ukraine đã thể hiện quyết tâm và kỹ năng đáng kinh ngạc trong việc chống lại Nga. Mặt khác thể hiện ở những tổn thất nhân lực cũng như kinh tế khổng lồ của cuộc chiến, và thực tế là Nga đã thành công trong việc sử dụng vũ lực để chiếm một phần đáng kể lãnh thổ Ukraine, ít nhất là cho đến nay. Bất chấp cuộc phản công mạnh mẽ của Ukraine, Nga thực sự giành được nhiều lãnh thổ hơn Ukraine vào năm 2023. Nhìn chung, không bên nào đạt được tiến bộ đáng kể. Cuộc chiến giữa quân đội Ukraine và Nga đã thực sự rơi vào bế tắc.
Vậy chúng ta nên làm gì ? Một lựa chọn của phương Tây là làm nhiều điều tương tự hơn nữa, tiếp tục cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine với hy vọng điều này sẽ cho phép quân đội Ukraine cuối cùng sẽ đánh bại quân đội Nga. Vấn đề là, Quân đội Ukraine không có dấu hiệu có khả năng phá vỡ hệ thống phòng thủ mạnh mẽ của Nga cho dù họ chiến đấu bao lâu và nỗ lực như thế nào. Phòng thủ thường có lợi thế hơn tấn công, quân đội Nga bị chôn vùi hàng dặm sau những bãi mìn, chiến hào, bẫy và công trình phòng thủ. Phương Tây có thể gửi thêm xe tăng, tên lửa tầm xa, và cuối cùng là máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên không có viên đạn bạc nào có thể thay đổi cục diện trên chiến trường. Nh ư Valery Zaluzhny, vị tướng hàng đầu của Ukraine gần đây đã thừa nhận, "rất có thể sẽ không có một bước đột phá sâu sắc và đẹp đẽ". Chúng ta đang ở trên chiến trường Ukraine, và nơi chúng ta đang ở có vẻ như là một sự bế tắc tốn kém.
Thời gian sẽ không đứng về phía Ukraine nếu chiến tranh cường độ cao kéo dài vô thời hạn. Nền kinh tế và cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga đang trong tình trạng chiến tranh. Moscow cũng đang nhập khẩu vũ khí từ Triều Tiên và Iran và có quyền tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng có chứa công nghệ mà nước này có thể tái sử dụng cho mục đích quân sự. Nếu Nga cần tăng cường hiện diện quân sự ở Ukraine, nước này sẽ có một nguồn nhân lực đáng kể để khai thác. Nga cũng đã tìm được thị trường mới cho năng lượng của mình, trong khi các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Nga. Ông Putin dường như an toàn về mặt chính trị và kiểm soát được các đòn bẩy quyền lực từ quân đội và các cơ quan an ninh cho đến truyền thông và tường thu ật công khai.
Trên thực tế, Nga đã giành được nhiều lãnh thổ hơn Ukraine vào năm 2023
Trong khi đó, ở Ukraine, các báo cáo thiệt hại về nhân mạng vẫn gia tăng, quân đội đang cạn kiệt kho vũ khí. Nền kinh tế đã suy giảm khoảng một phần ba (mặc dù đang bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng). Trong số những người ủng hộ phương Tây ở Ukraine, sự mệt mỏi của Ukraine bắt đầu ảnh hưởng đến sự sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Kyiv của họ. Mỹ vẫn là trung tâm viện trợ của phương Tây cho Ukraine, nhưng sự phản đối việc cung cấp thêm số lượng hỗ trợ lớn đang gia tăng trong Đảng Cộng hòa, và đến nay yêu cầu của chính phủ Biden về nguồn tài trợ mới đã bị bãi bỏ. Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên chính của đảng Cộng hòa, luôn đứng về phía Nga, giữ khoảng cách với các đối tác của Mỹ, trong đó có Ukraine. Việc ông Trump dẫn trước Biden trong cuộc b ỏ phiếu ở các bang then chốt chỉ làm gia tăng sự không chắc chắn về quỹ đạo chính sách của Mỹ. Sự bất ổn của Mỹ đối với Ukraine sẽ làm gia tăng sự bất ổn ở Châu Âu. Slovakia, một trong những nước thành viên của Liên minh Châu Âu, đã quyết định ngừng viện trợ quân sự cho Kyiv.
Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7 tháng 10 và cuộc xung đột tiếp theo ở Gaza cũng đã thu hút sự chú ý của thế giới, đẩy cuộc chiến ở Ukraine sang một bên. Vấn đề không chỉ là Washington bị phân tâm ; quân đội Mỹ chỉ có nguồn tài nguyên hữu hạn và cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ có năng lực sản xuất quá hạn chế. Washington bị dàn mỏng khi hỗ trợ hai đối tác đang tham gia vào các cuộc chiến tranh nóng bỏng. Theo một nghiên cứu gần đây của RAND đã đưa ra, các nhà phân tích quốc phòng đã tuyên bố chiến lược quốc phòng của quốc gia là "vỡ nợ". Những người khác cho rằng Mỹ nên dành sự quan tâm và nguồn lực của mình cho những thách thức chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về mặt chính trị, Ukraine hoặc phương Tây sẽ không dễ dàng đối mặt với những thực tế chiến lược nghiêm trọng này. Nhưng tốt hơn hết là cả Kyiv và những người ủng hộ nên thực hiện một chiến lược mới giúp cân bằng lại mục đích và phương tiện hơn là tiếp tục theo đuổi một con đường đã dẫn đến ngõ cụt. Và chẳng bao lâu nữa có thể dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.
Thay đổi cục diện
Washington cần đi đầu trong việc khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và các đồng minh phương Tây, nhằm thuyết phục Kyiv đưa ra lệnh ngừng bắn tại chỗ. Đồng thời chuyển trọng tâm chiến lược từ tấn công sang phòng thủ. Phương Tây không nên ép buộc Ukraine từ bỏ việc khôi phục lại biên giới năm 1991 hay buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những mất mát và sự tàn phá do hành động quân sự của họ gây ra. Tuy nhiên, họ phải cố gắng thuyết phục người dân Ukraine rằng họ cần áp dụng một chiến lược mới để đạt được những mục tiêu này.
Một lệnh ngừng bắn sẽ cứu sống được nhiều mạng người, kinh tế được tái thiết và cho phép Ukraine sử dụng số vũ khí mới của phương Tây vào an ninh lâu dài của mình thay vì nhanh chóng sử dụng chúng trên một chiến trường bế tắc. Các điều khoản chính xác của lệnh ngừng bắn – thời gian, địa điểm chính xác của đường dây liên lạc, thủ tục rút vũ khí và quân đội, các điều khoản để giám sát và thực thi – phải được đưa ra dưới sự giám sát quốc tế rộng rãi. Rất có thể dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hoặc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu.
Lệnh ngừng bắn sẽ chỉ có hiệu lực nếu cả Ukraine và Nga đồng ý với các điều khoản của nó. Sự tuân thủ của Moscow không phải là không thể. Quân đội Nga đã bị tổn thất trên chiến trường và hành động gây hấn của Điện Kremlin rõ ràng là phản tác dụng. Bằng việc củng cố NATO, sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương và quyết tâm của Ukraine vĩnh viễn thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga. Putin có thể nắm bắt cơ hội để thực thi một thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, nhiều khả năng Moscow sẽ từ chối đề xuất ngừng bắn. Putin vẫn nuôi dưỡng mục tiêu chiến tranh mở rộng ở Ukraine và dường như tin rằng Nga có sức mạnh bền bỉ hơn Ukraine. Ông chắc chắn đang theo sát các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ cho thấy việc Trump trở lại Nhà Trắng là một khả năng thực tế. Một kết quả chắc chắn sẽ suy yếu nếu không chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine. Ngay cả khi Điện Kremlin muốn tránh việc từ chối thẳng thừng đề xuất ngừng bắn nhằm tránh những tổn thất về mặt danh tiếng khi làm như vậy, thì Điện Kremlin vẫn có thể phản đối bằng những điều khoản chắc chắn không thể chấp nhận được đối với Ukraine và phương Tây.
Ukraine cần chuyển sang chiến lược phòng thủ
Tuy nhiên, cuối cùng, nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn giữa Kyiv và Moscow không phải là để đạt được điều gì, mà là để tiết lộ điều gì đó. Ngay cả khi Nga từ chối đề xuất ngừng bắn, thì việc kyiv đặt nó lên bàn đàm phán cũng là điều hợp lý. Làm như vậy sẽ cho phép Ukraine giành được thế chủ động chính trị, nhắc nhở công chúng phương Tây và các nước khác rằng cuộc chiến này vẫn là cuộc xâm lấn trái phép của Nga. Việc điện Kremlin từ chối ngừng bắn sẽ giúp các Chính phủ phương Tây duy trì và tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và giúp Ukraine đạt được sự hỗ trợ quân sự và kinh tế lâu dài.
Cho dù lệnh ngừng bắn có hiệu lực hay không, Ukraine cần chuyển sang chiến lược phòng thủ thay vì chiến lược tấn công hiện tại. Cách tiếp cận hiện tại của Kyiv, vốn tốn kém và có triển vọng ảm đạm, khiến người Ukraine rơi vào tình thế khó xử khi họ yêu cầu sự hỗ trợ không giới hạn từ phương Tây để thể hiện một nỗ lực ngày càng ít cơ hội thành công. Thay vào đó, Ukraine nên tập trung vào việc nắm giữ và xây dựng lại lãnh thổ mà họ đang kiểm soát, đảo ngược cán cân tấn công sang phòng thủ. Khiến Nga phải gánh chịu chi phí cao cho các hoạt động tấn công chống lại lực lượng Ukraine được đào sâu mở rộng hệ thống phòng không. Ngay cả khi Ukraine chuyển sang chiến lược phòng thủ dọc tiền tuyến, nước này vẫn có thể tiếp tục sử dụng vũ khí tầm xa, khí tài hải quân và các hoạt động bí mật để tấn công các vị trí của Nga ở hậu phương và Crimea. Từ đó làm tăng chi phí cho việc tiếp tục chiếm đóng. Nếu có bằng chứng rõ ràng cho thấy khả năng hoặc ý chí quân sự của Nga đang dao động, Ukraine sẽ giữ lại lựa chọn quay trở lại chiến lược thiên về tấn công hơn.
Sự thay đổi chiến lược theo hướng này sẽ đảo ngược tình thế đối với Nga, đòi hỏi các lực lượng của nước này phải hoàn thành một nhiệm vụ mà cho đến nay họ đã không thể hoàn thành : tác chiến tấn công vũ trang liên hợp hiệu quả. Đồng thời, sự thay đổi này sẽ cứu sinh mạng và tiền bạc của Ukraine, đồng thời giảm nhu cầu quốc phòng của nước này từ phương Tây. Điều này có thể là cần thiết nếu sự hỗ trợ của Mỹ không còn và Châu Âu phải đảm trách gánh nặng. Ukraine sẽ khôn ngoan khi dành các nguồn lực sẵn có cho an ninh và sự thịnh vượng lâu dài của mình thay vì sử dụng nó trên chiến trường mà không thu được lợi ích hiệu quả.
Thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người dân nước này thay đổi đường lối sẽ không dễ dàng, vì chính nghĩa của mình họ đã hy sinh tất cả. Nhưng thực tế là cuộc chiến này được bắt đầu như một cuộc chiến cần thiết cho Ukraine – một cuộc chiến để tồn tại – đã biến thành một cuộc chiến của sự lựa chọn, một cuộc chiến giành lại Crimea và phần lớn Donbass ở miền đông Ukraine. Đây không chỉ là một cuộc chiến không thể thắng ; theo thời gian, nó có thể mất đi sự ủng hộ của phương Tây. Đối với Ukraine, việc đảm bảo phần lớn đất nước dưới sự kiểm soát của Kyiv trở thành một nền dân chủ thịnh vượng và an toàn có ý nghĩa hơn là mạo hiểm tương lai của đất nước để giành lại lãnh thổ vẫn nằm d ưới sự kiểm soát của Nga. Việc Ukraine trỗi dậy trở thành một nền dân chủ thành công và kiên cường có khả năng tự vệ sẽ là một thất bại hoàn toàn đối với tham vọng của Nga.
Một sự lựa chọn tốt hơn
Những người bạn của Ukraine ở phương Tây có thể và nên xoa dịu điều vốn là trái đắng của người Ukraine. Hoa Kỳ và các thành viên NATO được lựa chọn (Liên minh Những người bạn của Ukraine) nên cam kết không chỉ hỗ trợ kinh tế và quân sự lâu dài mà còn đảm bảo nền độc lập của Ukraine. Cam kết này sẽ dựa trên Điều 4 của Hiệp ước NATO, trong đó quy định rằng các cuộc tham vấn cần được tiến hành ngay lập tức bất cứ khi nào "toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh" của một quốc gia thành viên bị đe dọa. Liên minh Châu Âu, gần đây đã công bố ý định bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Kyiv, đẩy nhanh lịch trình gia nhập của Ukraine và cung cấp cho nước này các thỏa thuận ưu đãi đặc biệt phù hợp với EU trong thời gian tạm thờ i. Các đồng minh phương Tây cũng nên nói rõ rằng hầu hết các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi quân đội Nga rời khỏi Ukraine và sẽ giúp Ukraine khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của mình tại bàn đàm phán.
Triển vọng về một lệnh ngừng bắn được hai bên thống nhất và các cuộc đàm phán lãnh thổ tiếp theo sẽ được cải thiện đáng kể sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Nếu người chiến thắng hứa hẹn tiếp tục đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh và chủ quyền của Ukraine, Putin sẽ không có lý do gì để cho rằng thời gian sẽ đứng về phía Nga. Tuy nhiên vẫn còn một năm nữa cuộc bầu cử Mỹ mới diễn ra, điều này có thể khiến Ukraine gặp khó khăn. Cả Washington và Kyiv đều không nên mạo hiểm như vậy. Mỹ hiện cần hợp tác với Ukraine để chuyển sang một chiến lược mới phản ánh thực tế quân sự và chính trị. Nếu không, đó là một canh bạc tuyệt vọng về tương lai của Ukraine.
Richchard Haass & Charles Kupchan
Nguyên tác : Redefining Success in Ukraine - A New Strategy Must Balance Means and Ends, Foreign Affairs, 17/11/2023
Nguyên Nguyễn biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu chiến lược, 23/11/2023
Richchard Haass là Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cố vấn cấp cao tại Centerview Partners.
Charles Kupchan là thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Georgetown, từng là người phụ trách về các vấn đề Châu Âu trong Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Obama.