Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/12/2023

VinFast tố cáo theo điều 331

Tuấn Khanh - VOA

Mạng xã hội Việt Nam xôn xao khi tin tức lan khắp nơi, khi một kỹ sư tin học và phân tích tài chính Sonnie Tran, tên thật là Trần Mai Sơn, sinh năm 1986, đột nhiên bị công an đưa đi thẩm vấn với lý do "VinFast tố cáo theo điều 331". Sơn cho biết anh bị mời làm việc suốt nhiều ngày liền, từ 18 tháng 12 cho đến hết tuần này ở trụ sở của Bộ Công an nằm trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân mà Sơn phải làm việc với công an, là những bài viết phân tích về vấn đề tài chính cũng như hoạt động của Vinfast đủ nhức nhối đến mức khiến anh rơi vào tình trạng khó khăn này. 

sonnie1

VinFast cáo buộc nhà phân tích Facebook lạm dụng quyền tự do ngôn luận

Tuy nhiên, theo điều tra của giới báo chí độc lập cho biết, là dường như đơn tố cáo không đặt vấn đề là những phân tích và vạch trần của anh Sơn đúng hay sai, mà anh bị điều tra là liệu có tổ chức phản động nào đứng sau những bài viết của anh không. Máy tính và điện thoại của anh đã bị tịch thu và dữ liệu đã được sao chép, truy vấn với các mối quan hệ qua mạng xã hội.

Trong ngày đầu điều tra, anh Trần Mai Sơn được Công an đưa cho xem một trang gọi là đơn tố cáo của VinFast theo điều 331. Anh Sơn nói không biết liệu công ty VinFast có ý định tranh luận hay phản bác những điều anh viết trên Facebook về những sai lầm của VinFast, nhưng anh biết chắc chắn là anh bị VinFast đưa vào tội "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí và các quyền tự do dân chủ khác nhằm xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". 

Một người đọc facebook nhận định về hành động này của VinFast là vô cùng kiêu ngạo, khi dùng đến công an để phủ định những quan điểm và phân tích chính xác của anh Sơn. "Vậy nếu như Sonnie Trần giúp người ta nhận ra Vinfast đang lợi dụng quyền ngôn luận và báo chí để lừa gạt người sử dụng hàng của họ thì có bị tội 331 không", người này nói.

Quan sát trang facebook cá nhân của anh Sonnie Trần, với hơn 3.000 người theo dõi, người ta thấy chứa đầy trên đó là các bài đăng luôn soi rõ những thiếu sót và điểm yếu kém trong hoạt động và sản phẩm của VinFast. Các bài viết gần đây được coi là nguyên nhân của lời "tố cáo" gồm như ‘VinFast giấu mình như thế nào’, ‘Lộ diện đầy đủ các nhà phát triển đằng sau các dòng xe của VinFast’ và ‘VF bị kiện ở Mỹ vì xe chất lượng kém’... đã gây ra nhiều tranh cãi. Các văn bản này cáo buộc rằng các dòng xe của VinFast chủ yếu được thiết kế và phát triển bởi các nhà sản xuất Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời công ty đang phải đối mặt với các vụ kiện có thể xảy ra ở Mỹ do thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ. Trước đó, Sonnie Trần nói cho bạn bè biết, có những cuộc gọi thăm dò từ người của VinFast về nguồn tư liệu của anh. Thế nhưng, hầu hết là những bài báo được đăng trên các mạng báo nước ngoài.

Những người đọc Facebook của Sonnie Trần nói họ có cảm giác các bài viết phân tích về VinFast như bị "che" đi - một thuật toán về chuyện giảm tương tác của facebook mà lâu nay người Việt đã quen gặp. Nhiều người đã lưu về nhà giữ lại những bài và anh Sonnie Trần vạch ra VinFast có liên hệ với hàng loạt công ty vỏ bọc được cho là dùng để che giấu tổn thất và các giao dịch tài chính phức tạp. Những bài viết này đã được copy, và đăng lại trên một diễn đàn facebook có tên là ‘Financial Expose’, nơi có hơn 176.000 thành viên, từ đó tạo ra sự lan tỏa nhanh chóng. 

Sonnie Trần nói anh không có mục đích kiếm tiền, gây hấn hay được một tổ chức nào trợ lực sau lưng mà khẳng định rằng mục đích của anh là cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, giúp họ đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định sáng suốt. Sonnie Trần cũng trích dẫn những vụ sụp đổ của công ty trước đây là kết quả của thông tin bị che giấu hoặc bị thao túng. Có vẻ như cáo buộc của VinFast dành cho ông Sonnie Trần là muốn đẩy ông về phía một thế lực theo phản động nào đó đang muốn chống lại một sản phẩm mang màu sắc "quốc gia yêu nước".

VinFast, được nói là thuộc sở hữu của "cá nhân giàu nhất Việt Nam" Phạm Nhật Vượng và là một phần của tập đoàn VinGroup, được thành lập vào năm 2017 và nuôi dưỡng những kế hoạch đầy tham vọng về phát triển xe điện trên toàn cầu. Tính đến tháng 11/2022, VinFast trở thành hãng ô tô Việt Nam đầu tiên xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên lịch sử phát triển của Vinfast cũng gắn liền với những câu chuyện trấn áp, kiện tụng những người phàn nàn về sản phẩm của họ hoặc chỉ trích về hoạt động của họ mà được coi là bất minh. 

Một nguồn tin riêng chưa được kiểm chứng cho biết, là anh Sonnie Trần cảm thấy khó chịu về cách hình sự hóa sự việc của công ty VinFast, và có dự định mời luật sư để khởi kiện ngược lại công ty này về cách đã nguỵ tạo lời tố cáo, mượn tay công an để tạo áp lực với anh.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 21/12/2023

***************************

Facebooker Sonnie Tran hay phân tích về VinFast bị công an câu lưu trong hàng chục giờ

VOA, 20/12/2023

Một Facebooker thường viết bài phân tích về tình hình hoạt động và tài chính của hãng VinFast mới bị công an tạm giữ, chất vấn ở thành phố Hồ Chí Minh trong hàng chục tiếng đồng hồ, một nguồn tin nắm vấn đề cho VOA biết.

sonnie2

Hôm 20/12, Facebooker Phuong Ngo đăng ảnh chụp chung với Facebooker Sonnie Tran.

Theo nguồn tin, từ tối 18/12, ông Trần Mai Sơn, 37 tuổi, chủ tài khoản Facebook có tên Sonnie Tran, bị các nhân viên công an buộc phải đi theo họ về trụ sở của Tổng cục Cảnh sát phía Nam thuộc Bộ Công an, nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, Tp.HCM.

Ông Sơn phải “làm việc” với công an ở đó hai lần trong các ngày từ 18 đến 20/12, với tổng thời gian lên đến khoảng 35 giờ, nguồn tin không muốn nêu danh tính cho hay.

Khi VOA liên lạc được với ông Sơn, ông chỉ nói ngắn gọn rằng ông không muốn thảo luận về vấn đề này vì không muốn gặp rắc rối thêm nữa.

Trong khi đó, nguồn tin ẩn danh nói rằng phía công an thông báo với ông Sơn rằng ông bị hãng ô tô VinFast cáo buộc là các bài viết của ông trên mạng xã hội có nội dung tiêu cực gây tác động xấu đến hãng, vi phạm vào Điều 331 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Điều luật này viết rằng những ai “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và một loạt các quyền tự do dân chủ khác “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sẽ bị phạt các mức từ cảnh cáo cho đến ngồi tù từ 6 tháng tới 7 năm, tùy mức độ vi phạm.

Công an đã chất vấn ông Sơn có động cơ gì khi viết bài mổ xẻ về tình hình VinFast và có tổ chức, hội nhóm nào đứng sau việc làm của ông không. Công an cũng thu giữ một số đồ điện tử của ông Sơn và sao chép dữ liệu từ các thiết bị này, nguồn tin nắm được diễn biến chia sẻ lại với VOA.

VOA cố gắng liên lạc với trụ sở của Tổng cục Cảnh sát phía Nam nhưng không kết nối được. VOA gửi email tới hãng VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng để hỏi xem hãng có liên quan như thế nào đến sự việc được nguồn tin kể lại như nêu trên, nhưng hãng chưa có hồi đáp tính đến lúc bài này được đăng.

Theo quan sát của VOA, trang Facebook mang tên Sonnie Tran của ông Sơn có tổng cộng hơn 3.000 người theo dõi, bao gồm gần 1.000 người bạn. Ông Sơn tự giới thiệu trên trang rằng ông làm việc cho CapIgnite, một nền tảng gọi vốn cộng đồng có mục đích giúp các hãng khởi nghiệp gọi vốn từ các nhà đầu tư vào tiền điện tử mã hóa hoặc các nhà đầu tư khác.

Trang của ông có hàng loạt bài viết về các vấn đề, khiếm khuyết, nhược điểm trong hoạt động cũng như trong các sản phẩm của VinFast, nổi bật là 3 bài viết gần đây có tên “VinFast Đã Giấu Mình Như Thế Nào?” hôm 4/12, “Lộ Diện Đầy Đủ Các Bên Phát Triển Các Dòng Xe VinFast, Hoàn Toàn Không Phải Vinfast Như Tuyên Bố” hôm 28/11, và “VF Bị Kiện Ở Mỹ Vì Xe Chất Lượng Kém” hôm 27/11.

Ông Sơn nêu trong các bài viết rằng ông chỉ tổng hợp, chắt lọc các thông tin được trích dẫn từ chính các báo cáo của VinFast, bên cạnh đó là các tài liệu nước ngoài như hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng Tata, Ấn Độ; hồ sơ IPO của LongChuan, Trung Quốc; và trang web của UniCourt.

Chỉ riêng trong 3 bài viết kể trên, ông Sơn chỉ ra rằng các dòng xe của VinFast thực chất là do các cơ sở thuộc các hãng Ấn Độ và Trung Quốc thiết kế, phát triển; ngoài ra, hãng xe của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng đang đối mặt nguy cơ bị kiện ở Mỹ vì đưa ra thông tin sai hoặc không tiết lộ đầy đủ thông tin; và đáng chú ý nhất, hãng này gắn với một loạt các công ty “vỏ bọc” che giấu các khoản lỗ và các luồng luân chuyển tài chính hết sức phức tạp.

Những bài viết nổi bật của ông Sơn cũng được đăng lại trong diễn đàn trên Facebook có tên “Bóc phốt tài chính” gồm hơn 176.000 thành viên, thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác gồm các phản ứng yêu thích, chia sẻ và nhiều lời bình luận.

Trên cả trang cá nhân lẫn trong diễn đàn, ông Sơn đều thể hiện quan điểm rằng ông viết các bài về VinFast chỉ nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tự xem xét, cân nhắc các rủi ro mà rút ra quyết định. Ông liên hệ đến thực tế đã có những vụ đổ vỡ doanh nghiệp lớn như FLC, Vạn Thịnh Phát-SCB… vì thông tin bị giấu giếm, bị thao túng nên các nhà đầu tư không nắm được tình hình.

VinFast được tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup và là người giàu nhất Việt Nam, thành lập vào năm 2017 và tuyên bố nhiều kế hoạch phát triển xe ô tô điện đầy tham vọng ở nước ngoài. Hãng này trở thành nhà sản xuất xe hơi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu xe vào thị trường Mỹ hồi tháng 11/2022.

Hồi giữa tháng 8 năm nay, VinFast được niêm yết trên Nasdaq, Mỹ, sau khi hoàn tất thương vụ sáp nhập với Black Spade, một công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC), hay còn gọi là công ty séc khống.

Đến tháng 11, như VOA đã đưa tin, hãng luật Robbins Geller, một trong những công ty khởi kiện hàng đầu của Mỹ công bố họ điều tra về những vi phạm có thể xảy ra của VinFast theo luật chứng khoán của Hoa Kỳ.

Cuộc điều tra sẽ “tập trung vào việc liệu VinFast và một số giám đốc điều hành hàng đầu của hãng có đưa ra những tuyên bố sai trái và/hoặc gây hiểu lầm và/hoặc không tiết lộ thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư hay không”, theo thông cáo của Robbins Geller.

Hãng luật Mỹ này kêu gọi công chúng nếu có thông tin có thể hỗ trợ cho cuộc điều tra, hoặc nếu là nhà đầu tư của VinFast bị thua lỗ và muốn tìm hiểu thêm về cuộc điều tra hãy liên hệ với Robbins Geller.

Một đại diện của VinFast nói trên báo chí Việt Nam hôm 17/11 rằng việc kiện tụng là “hết sức bình thường” và hãng “luôn sẵn sàng đối diện”.


Nguồn : VOA, 20/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Khanh, VOA tiếng Việt
Read 392 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)