Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2017

Tự diễn biến có cả tốt và xấu

BBC tiếng Việt

Cụm từ 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' vốn thường được truyền thông ở Việt Nam nêu ra để răn đe và yêu cầu ngăn chặn, nhưng một cựu quan chức Đảng cao cấp vừa nêu 'tự diễn biến' có cả hướng tốt và hướng xấu.

tu1

Ông Vũ Ngọc Hoàng từng là Ủy viên trung ương Đảng, Phó Ban thường trực của Ban Tuyên giáo trung ương

Trong một bài trên báo Tuyên Giáo số tháng 6/2017, nguyên phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng đã đặt lại và mở rộng vấn đề này để phê phán 'tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng xấu' do các lợi ích nhóm gây nên.

Hiện nay ở Việt Nam có hai cách nghĩ, kể cả trong giới lãnh đạo về "tự diễn biến".

Một là niềm tin rằng đây là biểu hiện của "thoái hóa tư tưởng", khiến cán bộ cộng sản thụ động bị "đổi màu".

Hai là ý kiến nói có những thế lực thù địch nào đó đang thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" một cách "thâm độc, nguy hiểm".

Nhưng ông Vũ Ngọc Hoàng, viết bài từ Quảng Nam, cho rằng tự diễn biến, tự chuyển hóa theo hướng tốt "là sự vận động tự nhiên, theo đúng quy luật khách quan".

Đặc biệt, ông bác bỏ một quan điểm khá phổ biến tại Việt Nam từ ngày Đổi Mới là cần ủng hộ cách làm "tham nhũng nhưng được việc".

"Mấy năm trước cũng có một số ý kiến cho rằng có những người tuy có "lợi ích nhóm" nhưng họ có khả năng đổi mới thì nên giao cho họ làm, tham nhũng đủ rồi thì không tham nhũng nữa, còn tốt hơn là không "lợi ích nhóm" nhưng bảo thủ trì trệ ?"

Ông cho rằng "chẳng thể nào có thể dẫn dắt xã hội đi theo hướng tốt bằng những động cơ xấu, cá nhân chủ nghĩa và bè phái vụ lợi".

Tuy thế, ông Vũ Ngọc Hoàng cũng phê phán cả phái quan phương, bảo thủ, giáo điều, và mạnh dạn cho rằng cứ như thế cũng sẽ dẫn tới sự tan rã của hệ thống.

"Nếu như chủ quan, bảo thủ, bất chấp khoa học, không đủ nhạy bén và thông minh để nhìn ra lẽ đúng thì cũng có thể sai lầm, dẫn xã hội đi theo hướng xấu, thậm chí là đến bờ vực của sụp đổ, dù không cố tình như vậy".

Ông lên tiếng bảo vệ cho tư duy tự do, và cảnh báo việc quy kết cho những ý tưởng mới là sai trái, dù chưa có hành động.

"Suy nghĩ, tư tưởng của con người là cái tự do. Xã hội không thể không có tự do về tư tưởng. Chỉ có chế độ toàn trị mới quản lý, giám sát tư tưởng của con người".

"Mà toàn trị là thứ chống lại tự do - giá trị thiêng liêng đối với cuộc sống của con người. Toàn trị không phải là chế độ dân chủ và tiến bộ, mà là một chế độ lạc hậu, xa lạ và trái ngược với chủ nghĩa xã hội".

Đánh chú ý hơn, dù làm việc nhiều năm trong ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản, ông cho rằng "những ý muốn chủ quan, giáo điều, bảo thủ, không đủ cơ sở khoa học, thì chưa phải là căn cứ khoa học, cùng lắm thì đó cũng mới là ý kiến tư biện có lô-gich".

"Nếu diễn biến và chuyển hóa theo hướng tốt thì chẳng có gì đáng phải lo ngại..".

Ám ảnh Liên Xô tan rã

tu2

Ba lãnh đạo, Leonid Kravchuk (Ukraine), và Stanistav Shushkevich (Belarus - ngồi bên trái), cùng Boris Yeltsin (Nga- bìa phải) ký văn bản giải tán Liên bang Xô Viết

Chủ đề 'tự diễn biến' được bộ máy của Đảng Cộng sản nêu ra ở Việt Nam chủ yếu để phòng ngừa chính các cán bộ từ cao cấp trở xuống bị mất đi ý chí "cách mạng" theo mô hình cũ.

Trang Quân đội Nhân dân hôm 15/06/2017 nêu ra 'Một số giải pháp phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên'.

Bài báo cho rằng cần "thường xuyên tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh...nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và những hạn chế không thể tránh khỏi trên con đường phát triển".

Dù Việt Nam đang nỗ lực để được công nhận là nền kinh tế thị trường, luồng tư tưởng này vẫn phê phán chủ nghĩa tư bản và khẳng định "loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội", theo trang Quân đội Nhân dân.

Cách đặt vấn đề này vẫn còn bị ảnh hưởng nặng của tư duy "Liên Xô sụp đổ" và cho rằng chính vì nội bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu khi đó không "vững vàng" nên nền chính trị của họ bị tan rã.

Nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hà Đăng, viết hôm 16/01/2017 rằng khối Đông Âu tan rã là 'cơn động đất chính trị' của thế kỷ 20.

Trước đó, Tiến sĩ Hà Ngọc Tấn viết trên Quân đội Nhân dân rằng sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa là "bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho nhân loại tiến bộ".

Nhưng báo chí chính thống ở Việt Nam không nói đến các số liệu rằng nhiều năm sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu cũ tan rã, các nước Đông Âu đều có nền kinh tế phát triển mạnh và thu nhập tiếp tục cao hơn Việt Nam.

Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến hết năm 2015, Ba Lan có GDP đạt 545 tỷ đôla trên 38 triệu dân, Slovakia : 87,2 tỷ (5,4 triệu dân), Hungary : 121 tỷ (9,8 triệu dân), Romania : 177 tỷ (19,8 triệu dân), và Bulgaria : 50 tỷ (7,1 triệu dân).

tu3

Thu nhập bình quân đầu dân của Việt Nam so với một số nước xã hội chủ nghĩa cũ tại Đông Âu

Nước cựu cộng sản Albania nghèo nhất Châu Âu cũng có GDP 11,3 tỷ đôla cho 2,8 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người là 4.280 đôla vẫn cao hơn Việt Nam (1.990 đôla).

Là quan chức tuyên giáo, ông Vũ Ngọc Hoàng thừa nhận tác động của tư duy cũ từ Liên Xô đến bộ máy ở Việt Nam, mà ông cho là có nhiều điều sai tư tưởng của Marx :

"Như tôi hiểu, trong tư duy cũ, từ Liên Xô và Trung Quốc đã tác động vào Việt Nam ta, cách hiểu, cách nghĩ về chủ nghĩa xã hội có nhiều điều không đúng khoa học, không đúng theo cách tư duy của K. Marx, đến nay qua đổi mới ta đã điều chỉnh khá nhiều...".

Đây không phải là lần đầu tiên ông Vũ Ngọc Hoàng nêu ý kiến rõ rệt về các vấn đề mang tính hệ thống ở Việt Nam.

Hồi đầu năm 2016, khi còn ở cương vị Ủy viên trung ương Đảng, phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, ông đã nói trên tờ Tuổi Trẻ rằng "nhà lãnh đạo phải trong sạch và đổi mới".

Nguồn : BBC, 05/07/2017

Quay lại trang chủ
Read 1091 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)