Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/01/2024

Án tử hình : Không có tội nhân nào đáng phải chết ?

Ngô Ngọc Trai

Án tử hình không giúp giảm tình trạng tội phạm, trong khi nếu là án oan sai thì không thể khắc phục được. Luật sư Ngô Ngọc Trai đề xuất cần tiến tới bãi bỏ hình phạt này.

tuhinh1

Vào tháng 11/2011, theo Bộ luật Hình sự Vit Nam năm 2015 thì hình thức xử bắn đã được thay thế bằng tiêm thuốc độc

Hôm 20/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra phán quyết đối với 100 bị cáo trong vụ án khủng bố.

Đây là những người đã thực hiện hoặc liên quan đến hành vi tấn công vào hai trụ sở chính quyền xã thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6 năm 2023.

Mặc dù hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản cũng như an ninh trật tự, nhưng tòa án đã đưa ra phán quyết 10 án chung thân cho các bị cáo cầm đầu và án tù cho những người còn lại.

Tòa án đã không áp dụng án tử hình trong vụ án này.

Tôi cho rằng đây là phán quyết rất đáng ghi nhận khi nhìn nhận theo góc độ về án tử hình.

Tôi cũng cho rằng hình phạt như vậy là đủ tính nghiêm khắc cũng như nhân đạo của pháp luật.

Cùng với sự kiện 18 tử tội được ân xá xuống án chung thân hồi cuối năm 2023, phán quyết ở Đắk Lắk là những bước tiến rất tích cực trong tiến trình phát triển của nền tư pháp.

Nhận thức xã hội

tuhinh2

Ngày 14/9/2020, Tòa án Nhân dân Hà Nội chính thức ra phán quyết với 29 bị cáo liên quan đến vụ đụng độ giữa công an và dân làng rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức (hai con trai cụ Lê Đình Kình) bị tuyên án tử hình.

Có một thực tế là lâu nay vẫn còn nhiều người ủng hộ án tử hình. Điều này tôi chứng kiến được mỗi khi báo chí đưa tin về một vụ trọng án giết người gây phẫn nộ dư luận thì lại thấy có nhiều ý kiến trên mạng xã hội yêu cầu là cần áp dụng án tử hình.

Pháp luật là sự phản ánh mức độ nhận thức của công chúng xã hội, bởi vậy mà trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều án tử hình.

Liên quan đến việc xử lý các vụ án tham nhũng, cũng có ý kiến cho rằng cần có án tử hình để răn đe, ngăn chặn.

Là người có quan điểm ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình, đối với tôi việc không có án tử hình đối với các vụ tham nhũng là điều rất đáng hoan nghênh.

Tôi cho rằng việc xử lý tham nhũng là một phần của tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, trong đó xây dựng là xây dựng về hệ thống chính sách pháp luật, còn phát triển là phát triển về các thang giá trị tiến bộ.

Công khai, minh bạch, liêm chính, dân chủ và tôn trọng quyền sống của con người là một phần trong số đó.

Do vậy, việc không sử dụng án tử hình phù hợp với tiến trình xây dựng và phát triển. Thêm vào đó, điều này còn đưa nền tư pháp Việt Nam tiệm cận với sự phát triển của tiến trình tư pháp các nước.

Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên làm như Trung Quốc, nước đã tuyên nhiều án tử hình đối với các tội tham nhũng.

Tôi cho rằng đúng là Trung Quốc có nhiều cái để học hỏi nhưng về án tử hình thì không nên và không phải cứ có án tử hình thì việc chống tham nhũng mới là mạnh mẽ, hiệu quả.

Lấy dẫn chứng từ Hàn Quốc thì thấy, nhiều người ở Việt Nam ít để ý để thấy rằng lâu nay Hàn Quốc cũng chống tham nhũng rất mạnh mẽ và hiệu quả.

Họ đã xử lý cả tổng thống là bà Park Geun-hye, nếu so với Trung Quốc thì không thể nói là Hàn Quốc xử lý tham nhũng kém mạnh mẽ hơn.

Tổng thống Hàn Quốc hiện nay là người đã có nhiều hoạt động xử lý tham nhũng mạnh mẽ. Ông từng là công tố viên, sau khi đạt được uy tín qua những vụ xử lý tham nhũng, ông đã tham gia tranh cử và được người dân tín nhiệm bầu làm tổng thống.

Và điều cần thấy được là Hàn Quốc từ lâu đã bãi bỏ án tử hình trong thực tế. Cụ thể là Hàn Quốc đã không thi hành án tử hình từ năm 1998, sau lần cuối cùng vào tháng 12/1997.

Dù theo luật thì vẫn còn án tử hình, vẫn còn những bản án tử được tuyên, nhưng đã có những chuyển động lập pháp để tiến tới việc chính thức bãi bỏ. Còn trên thực tế, như đã nói ở trên, việc thi hành án tử hình đã không được thực hiện suốt một phần tư thế kỷ qua tại nước này, bao gồm cả đối với tội tham nhũng lẫn những tội khác.

Đưa ra dẫn chứng như vậy để thấy rằng việc không áp dụng án tử hình đối với tội tham nhũng là điều đáng trân trọng và không ảnh hưởng đến hiệu quả.

Nên giảm

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có số lượng án tử hình cao trên thế giới. Điều này là không nên có. Việc nên làm là thúc đẩy thay đổi nhận thức xã hội để từ đó có thể giảm và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt này.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra cho thấy hình phạt tử hình không có tác dụng răn đe, ngăn chặn và kéo giảm tình trạng tội phạm trong xã hội.

Nhìn từ chính thực tế ở Việt Nam lâu nay thì thấy mặc dù có án tử hình nhưng tình trạng tội phạm vẫn diễn ra một cách phức tạp.

Đã không có tác dụng ngăn giảm tỉ lệ tội phạm, án tử hình khi đã thi hành còn khiến cho những vụ án oan sai không thể nào khắc phục, sửa sai được.

Do nhận thức được như vậy cho nên nhiều năm qua, tôi đã thường xuyên, kiên trì chia sẻ những ý kiến về án tử hình, trong đó bày tỏ quan điểm thẳng thắn rằng pháp luật nên giảm và dần tiến tới bãi bỏ.

Những ý kiến, luận điểm của tôi đã được nghiên cứu, tìm tòi trong một thời gian dài qua các sự vụ thực tế mà tôi tham gia giải quyết.

Đó là quá trình tôi kêu oan cho ông Hàn Đức Long trước kia, trong quá trình kêu xin ân giảm án cho ông Đặng Văn Hiến gần đây hoặc kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải đang làm và trong quá trình tham gia bào chữa tại tòa cho một số vụ án có tử tội.

Thông qua một số vụ việc đạt kết quả, có thể thấy nhiều quan điểm đã được các ban ngành tư pháp chấp nhận. Điều đó đã giúp tôi kiên định với niềm tin trước những công việc liên quan tới tử tội.

Niềm tin nội tâm của tôi đã được củng cố, rằng không có tử tội nào đáng phải bị chết.

Tới nay, sau khi đã tích lũy được một lượng kiến thức tương đối phong phú xung quanh án tử hình, tôi dành sự quan tâm cho việc kêu xin ân giảm án cho các tử tội đã bị kết án.

Đây là công việc mà lâu nay tôi đã làm rồi nhưng bây giờ sẽ được coi trọng hơn như một loại hình dịch vụ pháp lý thường xuyên.

Lâu nay, tôi không biết có tổ chức hành nghề luật sư nào chọn đây là một nội dung công việc chủ yếu, bởi những khó khăn xung quanh một mảng khó như án tử hình cho nên vấn đề ít được quan tâm.

Việc kêu xin ân giảm cho tử tội cũng là cách hỗ trợ cho các ban ngành trong việc nắm bắt thêm thông tin về những trường hợp cần được giảm án.

Tôi cũng hy vọng việc làm của mình sẽ gợi mở cho các luật sư đồng nghiệp cùng quan tâm coi trọng tới dịch vụ pháp lý kêu xin ân giảm án cho tử tội.

Thực tế tư pháp hiện nay đã trở nên thuận lợi. Năm 2022, có 31 người được giảm án ; năm 2023, có 28 người được giảm án.

Điều đó cho thấy việc bị tuyên án tử hình không phải là mọi chuyện đã kết thúc và các luật sư cần tham gia hỗ trợ tích cực hơn cho các tử tội để họ có thêm hy vọng được sống.

Tôi cũng tin là trong năm 2024 này và những năm tiếp theo sẽ có thêm những người tiếp tục được giảm án. Và đó là một tiến trình đúng đắn.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 28/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Ngọc Trai
Read 279 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)