Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/01/2024

Những kẻ hủy hoại Thành phố Đà Lạt bị bắt

Phong Lan - Ban Mai

Củi tươi Lâm Đồng

Phong Lan, VNTB, 28/01/2024

Hiện tỉnh Lâm Đồng đã đóng góp cho chiến dịch đốt lò của ông Trọng 3 cây củi gộc còn tươi và có thể sẽ còn góp thêm cả củi tươi lẫn củi khô nữa.

lamdong1

Ba cây củi gộc còn tươi của Lâm Đồng vừa bị đưa vào lò : Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và Bí thư thành ủy Đà Lạt Đặng Trí Dũng. 

Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh đã bị bắt và khởi tố ngày 4/3/2023 khi còn đương chức với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến dự án Sài Gòn-Đại Ninh. Ngày 15/3/2023, ông Ánh bị Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng bỏ phiếu đề nghị khai trừ ông Ánh ra khỏi Đảng. 

Những người tham gia bỏ phiếu kỷ luật đảng đối với ông Ánh có cả các ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh lúc đó đang nằm trong Ban thường vụ Tỉnh ủy. Chưa đầy một năm sau mới cũng lộ ra rằng họ ngoài là đồng chí thì đồng thời họ cũng là đồng bọn.

Ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị bắt vào ngày 2/1/2024. Ông Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đi Hà Nội công tác từ ngày 4/12/2023 và bị câu lưu luôn cho tới khi chính thức có tin bị bắt ngày 24/1/2024.

Cả ông Hiệp lẫn ông Quận đều dính dáng tới vụ bê bối từ dự án khu đô thị Nam Đà Lạt hay còn gọi là dự án Sài Gòn - Đại Ninh. Ông Quận đã bị đồng chí của mình trong Bộ chính trị đề nghị khai trừ đảng, trước đó ông Trần Văn Hiệp cũng đã bị Ban bí thư khai trừ đảng ngày 27/1/2024.

lamdong2

Bán đảo Davos Hills của Dự Án Sài Gòn - Đại Ninh

"Đi công tác" cùng đợt với ông Trần Đức Quận còn có ông Đặng Trí Dũng, Bí thư thành ủy Đà Lạt. Bí thư Thành ủy Đà Lạt Đặng Trí Dũng "vắng mặt" tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 của thành ủy Đà Lạt, một cuộc họp quan trọng của thành ủy. Sự việc dường như lặp lại việc ông Trần Đức Quận "đi vắng", HĐND tỉnh Lâm Đồng đã hoãn phiên họp Thường trực HĐND tỉnh lần thứ 24 do ông Trần Đức Quận chủ trì vào ngày 9/1/2024.

Việc vắng mặt của ông Đặng Trí Dũng trong lúc này, cùng với vụ án nổi cộm đang bị điều tra dính dáng tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ông Nguyễn Cao Trí đã hứa hẹn một điều rằng ông Đặng Trí Dũng sẽ là củi tươi kế tiếp góp vào lò trong dịp trước tết Giáp Thìn.

Đà Lạt - Lâm Đồng chưa bao giờ rúng động tới như vậy khi quan chức cấp cao của Tỉnh lần lượt dính chàm. Trước đây, có lẽ vì đầu tư bên ngoài không nhiều lắm, sốt đất không rầm rộ, tỉnh Lâm Đồng còn nghèo thì chưa thấy ai mất chức vì ăn hối lộ, tham nhũng lớn. 

Lúc trước chỉ mỗi lần có lễ hội này kia, tỉnh Lâm Đồng thiếu tiền đến độ phải bán biệt thự thuộc sở hữu nhà nước để lấy tiền trang trải. Số tiền chỉ chừng mươi tỉ đổ lại đủ xài cho một dịp lễ hội rồi thì thôi. Giờ một năm, mấy cái lễ hội. Hết sự kiện này tới sự kiện khác thì tiền ở đâu ra để làm lễ hội và sự kiện ?

Giờ dự án nào cũng có giá hàng ngàn tỉ đồng, chỉ cần 5-10% hoa hồng thì đã là một con số không nhỏ và không ai có thể làm ngơ. Chưa kể đến Lâm Đồng Đà Lạt hiện đang được ưu ái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tiền rót vô không ít cho cơ sở hạ tầng cũng lại là một miếng bánh ngon mà chắc chắc ai cũng có phần. 

Dự án Sài Gòn - Đại Ninh kéo dài mười mấy năm chưa hoàn thành, giờ lại khiến một loạt quan chức Đà Lạt - Lâm Đồng ngã ngựa. Dự án qua mấy đời chủ tịch, bí thư tỉnh ủy và thành ủy, nên có thể củi tươi vào lò trước rồi từ từ khai quật củi khô. Những quan chức nào đã được rút về trung ương, hay được luân chuyển chưa chắc đã thoát được đợt sóng lớn này.

Đà Lạt - Lâm Đồng vốn là nơi trưởng thành của bà Trương Thị Mai nên ít nhiều cũng có nhiều gắn bó với lớp quan chức đã cùng bà Mai đi lên từ tỉnh đoàn Lâm Đồng. Nếu củi Lâm Đồng tiếp tục bị đốt nhiều hơn nữa, có thể đoán được rằng, trong hai năm tới, lớp đàn em của bà Mai sẽ bị quét sạch. Cuộc chiến ác liệt giữa quân xanh quân đỏ đi tới hồi khốc liệt.

Phong Lan

Nguồn : VNTB, 28/01/2024

************************

Tiếc nuối một hàng thông

Ban Mai, VNTB, 30/01/2024

Thông bị chặt. Than thở bị rào. Đồi thông hai mộ bị xây tường. Thung lũng tình yêu cũng không còn như trước….

dalat1

Hồ Xuân Hương góc Đập Ông Đạo, Đà Lạt năm 1969 Ảnh : Bill Robie

Đà Lạt, nhắc kể nhớ về, đối với những du khách ở lứa tuổi trung niên, đó có thể là tiết trời se lạnh của sáng sớm, có thể là một ấp Ánh Sáng ; một chợ Âm phủ Đà Lạt với những ly sữa đậu nành nóng ; là một nhà hàng Thủy Tạ với những hồi ức cùng gia đình vừa ngồi dưới cái lạnh vừa nhâm nhi một ly cà phê, một ly sữa nóng… vừa chuyện trò… hoặc chăng, đó còn có thể là những hàng thông.

Nhắc đến Đà Lạt, trong hồi ức của ông Hai, không nói đến thông, e là một điều thiếu sót. Tuy không sinh ra lớn lên ở Đà Lạt nhưng thời trai trẻ, ông Hai từng có một khoảng thời gian khá dài làm việc ở Đà Lạt. Với ông Hai, mỗi khi nhắc đến hai tiếng Đà Lạt là ông cảm thấy bồi hồi chi lạ, những hình ảnh của quá khứ như ùa về.

"Tui rất muốn lên lại Đà Lạt, không phải là do tài chính hay sức khỏe, nhưng con cháu tui đi du lịch về, kể lại. Nó không còn là một Đà Lạt của ngày xưa. Nên thôi, tui muốn những kỷ niệm của tui với Đà Lạt là nguyên vẹn, chứ không phải là những mảnh ghép của công trình".

Ghi nhận thông tin từ báo chí, tóm lược trong những năm gần đây.

Ngày 22/4/2021 : Xót xa hàng loạt cây thông trăm tuổi bị cưa hạ giữa Đà Lạt. Ngày 14/7/2023 : Lâm Đồng : Gần 150 cây thông hàng chục năm tuổi bị cưa hạ trái phép. Ngày 2/10/2023 : Nhiều mảnh rừng thông ở Lâm Đồng bị kẻ gian hạ độc, chết khô. Ngày 24/10/2023 : Hơn 800 cây thông ‘biến mất’ trong dự án khu du lịch ở Đà Lạt… Có thể thấy, số lượng cây thông ở Đà Lạt đang bị suy giảm hằng năm.

Hàng loạt thông cổ thụ trăm tuổi có đường kính rất lớn ngay trung tâm TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị bức tử, cưa hạ nằm la liệt, còn ứa nhựa khiến nhiều người bức xúc.

"Nó chặt cây nó làm công trình, nó xây dựng đủ thứ nhà này nọ. Mấy năm trở lại đây, thấy không, lô cốt rồi công trình, thông bị hạ ráo trọi", một ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà giấu tên vì sợ chính quyền làm khó dễ chia sẻ bức xúc.

"Nhà nước nó chặt, nó cưa ra, nó xẻ ra để bán gỗ đó. Hồi xưa thì nó nhiều, giờ thì nó còn lại bao nhiêu đâu. Theo quan sát của cô thì 100 cây còn chắc khoảng 20 cây. Hồi xưa chạy lên tới bờ hồ cây thông nhiều lắm, bây giờ cưa, còn ít, cưa nhiều lắm. Mất tiếc. Mà cũng làm được gì ? Cũng mong muốn trồng cây cho có bóng mát. Chứ thời tiết giờ ít lạnh hơn hồi xưa"., bà Thâm, một cư dân sống lâu năm ở Đà Lạt chia sẻ.

"Nếu như lúc trước nói đi Đà Lạt, thật sự mê. Mê cái không khí trên đó, sáng sáng với cái không khí se lạnh. Phần mình cũng có kỷ niệm với gia đình trên Đà Lạt nữa. Nhưng giờ, đi Đà Lạt về, hết mê. Biết là theo cuộc sống, mọi thứ phải phát triển nhưng cách phát triển hiện tại của Đà Lạt, ai mê mình không biết nhưng cá nhân mình thấy nó không ổn. Lên Đà Lạt để tránh mấy công trình, tránh sự ồn ào, tránh khói bụi… chứ không phải lên Đà Lạt để tận hưởng một "Thành phố Hồ Chí Minh thu nhỏ", một du khách đã chia sẻ như vậy trong chuyến công du Đà Lạt cách đây hai năm.

Chợt nhớ lại 1 đoạn trong bài hát Thương về miền đất lạnh của tác giả Minh Kỳ & Dạ Cầm :

"Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời

Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi

Lữ khách bâng khuâng, thương nhớ vô vàn

cuộc tình duyên nàng Trinh Nữ".

Thông bị chặt. Than thở bị rào. Đồi thông hai mộ bị xây tường. Thung lũng tình yêu cũng không còn như trước…. Nói theo suy nghĩ của ông Hai, xem ra, lưu giữ một Đà Lạt của ngày xưa, vẫn hay hơn nhiều…

Ban Mai

Nguồn : VNTB, 30/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phong Lan, Ban Mai
Read 194 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)