Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/02/2024

Nhân quyền Việt Nam : ‘Cần phi chính trị hóa’

Vũ Quốc Dụng, Mỹ Hằng

Mặc dù là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam liên tục không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng của quốc tế về nhân quyền. Bức tranh nhân quyền Việt Nam năm qua được đánh giá là ‘u ám’, theo báo cáo toàn cầu công bố hồi đầu năm 2024 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

nhanquyen1

Ba nhà hoạt động môi trường (từ trái qua) : Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên 3 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2023 ; bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt tháng 9/2023 và bị truy tố với tội danh ‘chiếm đoạt tài liệu’, ông Đặng Đình Bách bị tuyên 5 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2022

Trong chuyến đi cuối năm 2023 tới Đức tìm hiểu về cuộc sống một số nhà hoạt động Việt Nam sau khi tỵ nạn tại đây, BBC News tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền (VETO !) – tổ chức từng tham gia vận động để kêu gọi trả tự do thành công cho một số nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam bỏ tù, trong đó trường hợp của bà Đỗ Thị Minh Hạnh, bà Mai Thị Dung, ông Nguyễn Bắc Truyển và ông Nguyễn Văn Đài,…

BBC : Nhận định của ông về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hiện nay ?

Vũ Quốc Dụng : Cái tôi thấy là tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong mấy năm vừa qua xấu đi rất nhiều.

Bây giờ làn sóng đàn áp đã lan sang các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký. Đây là các tổ chức hoạt động hợp pháp từ nhiều năm qua trong các lĩnh vực ‘không nhạy cảm’ đối với chính quyền Việt Nam, chẳng hạn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, chứ không phải quyền dân sự hay chính trị.

Nhiều cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khí hậu, như bà Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách… đã bị bắt với những tội danh hình sự mà chúng tôi cho là có động cơ chính trị. Bởi vì đối với những người có đóng góp cho việc cải thiện khí hậu, môi sinh như vậy thì không cần phải dùng đến các biện pháp hình sự như thế.

Điều đó là sự quan ngại chung.

BBC : Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ?

Vũ Quốc Dụng : Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, theo tôi thì có mấy tầng.

Vấn đề thứ nhất là nội luật hóa. Việt Nam không chỉ khó khăn về mặt thích ứng với luật quốc tế mà còn khó áp dụng luật quốc tế.

Luật Điều ước quốc tế của Việt Nam đã quy định rằng trong trường hợp luật Việt Nam, về mặt nội dung, nếu khác với luật quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, hay ký kết, thì ưu tiên áp dụng điều luật quốc tế.

Thế nhưng việc này hiện không được áp dụng trên thực tế.

Vấn đề thứ hai là ý thức về nhân quyền.

Việc bảo vệ nhân quyền chưa nằm sâu trong ý thức của người cầm quyền trong khi người dân cũng không được phổ biến hay hiểu sâu về quyền của mình. Chuyện đó thì không trách được vì nó liên quan đến việc quốc gia đó giáo dục về nhân quyền cho người dân như thế nào.

Vấn đề thứ ba là cách diễn dịch các luật quốc tế về vấn đề nhân quyền sang tiếng Việt chưa đúng. Ví dụ bản dịch tiếng Việt Điều 18 Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị - mà Việt Nam tham gia từ 1982 - chỉ đề cập quyền tự do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do tôn giáo.

Còn trong luật gốc quốc tế thì Điều 18 đó bao gồm quyền tự do lương tâm. Đây là một điều rất quan trọng. Tại sao chúng ta nói đến những tù nhân lương tâm ? Bởi vì đó là những người hoạt động vì lương tâm của họ. Họ bị bắt, quốc tế xem họ là tù nhân lương tâm.

Nếu trong các bản dịch mà thiếu quyền tự do lương tâm thì làm sao trong đời thường người ta có thể áp dụng được các quyền tự do lương tâm ? Ví dụ trên thế giới, ở nhiều nước, người dân sử dụng quyền này để từ chối đi nghĩa vụ quân sự. Vì lý do tôn giáo của họ, vì lý do nhân sinh quan của họ, họ từ chối không cầm súng để bắn người khác. Cái đó là quyền tự do lương tâm.

Ở Việt Nam, người dân không có quyền từ chối đó. Tức là họ không được công nhận quyền tự do lương tâm của họ.

Có lẽ muốn cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì phải thay đổi rất nhiều, về khung luật, về nội luật hóa, thực thi luật và ý thức về quyền của mình trong dân chúng.

BBC : Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ?

Vũ Quốc Dụng : Tôi nghĩ rằng Việt Nam mong muốn hội nhập quốc tế về kinh tế nhưng không thực tâm hội nhập về nhân quyền.

Thành ra nếu không có sự bắt buộc thì Việt Nam không tự nguyện cải thiện nhân quyền và cũng cho rằng không cần cải thiện.

Do đó đó mới có những cái đợt đàn áp như nói ở trên. Tôi nghĩ rằng các quốc gia, tổ chức quốc tế cần phải để ý nhiều hơn đến việc giúp cho Việt Nam hội nhập nhiều hơn, thực chất hơn trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền.

Có thể có nhiều lý do khiến quốc tế xao nhãng trong việc nhắc nhở Việt Nam trong vấn đề cải thiện nhân quyền. Có thể có những lý do nội bộ mà mình không thể hiểu hết được, rồi lý do mâu thuẫn giữa các quốc gia phương Tây và Trung Quốc và dịch Covid.

Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Theo quy chế, các quốc gia thành viên phải làm gương cho các quốc gia khác trong vấn đề bảo vệ nhân quyền.

Nếu so sánh thành tích của Việt Nam trong việc bảo vệ nhân quyền với lời hứa của họ khi làm đơn ứng cử vào ghế thành viên hội đồng này thì có sự khác biệt một trời một vực.

Do đó, thời gian vừa rồi chúng ta thấy các tổ chức của Liên Hợp Quốc gia tăng những đề nghị, câu hỏi, yêu cầu cho chính quyền Việt Nam trả lời.

Nhưng trong một số trường hợp mà chúng tôi biết, những câu trả lời của Chính phủ Việt Nam không đúng sự thật, xa thực tế và chỉ nhằm mục đích chống chế.

Chờ đợi của quốc tế đối với một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong trường hợp Việt Nam, đã không được thỏa mãn.

BBC : Trong trường hợp như vậy, liệu Liên Hợp Quốc có các biện pháp trừng phạt hay không ?

Vũ Quốc Dụng : Trong quy chế hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc thì thường không có những quy định về xử phạt. Ngoại lệ duy nhất là Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ xử các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng, thí dụ như tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Có lẽ là nhiều người chờ đợi Liên Hợp Quốc gia tăng các cái hình thức xử phạt. Nhưng vấn đề đó đã tồn tại 75 năm nay, chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.

Do đó, tôi cho rằng bổn phận của các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc là phải thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bằng những phương tiện mình đang có trong tay.

Ví dụ, khi một quốc gia có các quan hệ ngoại giao, kinh tế, tài chính hay quân sự với một quốc gia khác thì họ cần dùng các quan hệ đó để thúc đẩy quốc gia đó cải thiện nhân quyền. Như vậy mới hi vọng tình trạng nhân quyền được cải thiện từ từ.

nhanquyen2

Ông Vũ Quốc Dụng trao đổi với đại diện Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) ngày 18/11/2015 tại Washington

Nhưng đó là cách mình trông chờ ở một tác nhân khác để giúp đỡ mình.

Tôi nghĩ nhiều hơn đến những người ở trong nước, trong một cách thức nào đó họ vẫn đóng góp cho việc cải thiện nhân quyền. Ví dụ, các tổ chức bảo vệ môi sinh mà tôi đề cập ở trên.

Họ không ồn ào nhưng làm được rất nhiều việc trong 10 năm qua, trước khi một số lãnh đạo bị bắt. Họ đào tạo người, họ kết nối với những đối tác ở trong nước và ngoài nước, họ đối thoại với chính quyền và phần nào đó xây dựng được ý thức về môi trường.

Đây là bước tiến trong mảng vận động quốc nội.

Mình cần phải biết rằng là trong hoàn cảnh tại Việt Nam thì khung pháp luật, chính sách, cách ứng xử của các viên chức như thế nào trong vấn đề nhân quyền.

Sau đó thì tùy vào năng lực, mỗi tổ chức chú ý vào giáo dục cho các viên chức, như công an chẳng hạn, hoặc vận động chính phủ để tổ chức các khóa học về nhân quyền.

BBC : Theo ông, các tổ chức nhân quyền cần có những thay đổi gì trong đường hướng hoạt động để giải quyết được gốc rễ vấn đề, thay vì chỉ kêu gọi trả tự do cho một vài trường hợp nhỏ lẻ ?

Vũ Quốc Dụng : Với những tổ chức bảo vệ nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ phải có nhiều sáng kiến, phải nghiên cứu những sách lược phù hợp để mà trong bất cứ tình huống nào họ vẫn có thể hoạt động được chứ không trông chờ thời cơ thuận lợi thì mới hoạt động.

Đây là bài toán không đơn giản được đặt ra đối với tất cả những người bảo vệ nhân quyền. Sẽ không có một phép màu hay một công thức cố định, mà cần có sự đầu tư về trí tuệ để có thể tồn tại hoặc cải thiện dù tình hình quốc tế và tình hình chính trị ở quốc gia đó không thuận lợi.

Cuối cùng, nhân quyền là một mảng của xã hội dân sự để vận động cho những giá trị đạo đức và sự tuân thủ về mặt luật pháp. Nó không phải là một vấn đề đe dọa đến an ninh quốc gia, đến sự tồn tại của một thể chế. Vận động nhân quyền không phải là vận động chính trị mà nhằm bảo vệ nền tảng giá trị chung của nhân loại, để xã hội được phát triển trong hòa bình và đem lại tiến bộ chung. Cho nên chúng ta không nên nhìn nhân quyền dưới lăng kính chính trị. Mà cần nhìn nhân quyền như một điều đương nhiên mà con người phải có. Những quyền này một phần cũng đã được quy định trong luật pháp và hiến pháp Việt Nam.

Vấn đề bây giờ chỉ là thực hiện nó. Còn những điểm chưa phù hợp thì phải tiếp tục hoạt động để thay đổi, cải thiện. Tôi cho rằng cần phi chính trị hóa nhân quyền.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 01/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Quốc Dụng, Mỹ Hằng
Read 126 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)