Một truyền thống lâu đời tại Việt Nam là dọn dẹp nhà cửa kỹ lưỡng trước khi Tết đến, năm nay vào ngày 10/2 dương lịch, để tránh quét mất may mắn trong năm mới.
Đảng cộng sản Việt Nam cũng tin vào truyền thống này, khi vừa phế chức một ủy viên Bộ Chính trị, người thứ ba trong vòng 13 tháng. Đây là một phần của chiến dịch chống tham nhũng "đốt lò" đang diễn ra.
Như hệ thống "song quy" khét tiếng của Trung Quốc, các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam trước hết phải chịu kỷ luật Đảng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, do Ủy viên Bộ Chính trị Trần Cẩm Tú đứng đầu, chịu trách nhiệm tiến hành điều tra các đảng viên cấp cao. Chỉ sau khi đảng đưa ra phán quyết, đảng viên vi phạm mới được giao cho chính quyền dân sự để truy tố.
Ủy ban Kiểm tra trung ương có thể đưa ra bốn mức hình phạt : khai trừ đảng, cách chức trong đảng, cảnh cáo và khiển trách.
Hai hình phạt cuối có thể được áp dụng cho cấp ủy đảng chứ không chỉ cho các cá nhân đảng viên. Kể từ tháng 1/2021, khoảng 1.400 tổ chức đảng đã bị kỷ luật.
Trước Tết năm ngoái, các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều bị buộc từ chức. Hai người sau thuộc Bộ Chính trị gồm 18 thành viên ưu tú được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1/2021.
Những cuộc thanh trừng cấp cao này đã làm rung chuyển thị trường tài chính và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Ba người này được coi là những nhà quản lý và đàm thoại với cộng đồng doanh nghiệp có năng lực nhất. Đối với một đất nước có nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài như Việt Nam, chiến dịch "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm dấy lên lo ngại về ổn định chính trị.
Trong khi chiến dịch chống tham nhũng vẫn tiếp tục, mục tiêu đã chuyển sang các quan chức cấp thấp hơn và đối tác kinh doanh của các chính trị gia (tất cả họ đều có đối tác kinh doanh). Tất nhiên, ví dụ điển hình nhất là đại án Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, vụ lừa đảo và tham ô trị giá 12,3 tỷ USD.
Ngành năng lượng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự tin rằng tham nhũng trong Đảng là mối đe dọa hiện hữu. Kể từ Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, hơn 60.000 đảng viên CVP đã bị kỷ luật ; 80 người trong số họ là cán bộ cấp trung ương. 10% trong số 180 ủy viên Trung ương Đảng ban đầu được bầu vào năm 2021 đã mất việc, ba trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị cũng vậy.
Năng lượng được coi là một trong những điểm yếu về kinh tế của Chính phủ và là điều thực sự gây khó chịu cho các nhà đầu tư. Các nhà sản xuất yêu cầu nguồn điện ổn định, trong khi các nhà đầu tư vào ngành năng lượng cảm thấy khó chịu vì tình trạng tham nhũng của chính phủ, các quy định không rõ ràng và tốc độ thực thi chính sách chậm chạp. Do bị quản lý chặt chẽ nên ngành năng lượng dễ xảy ra tham nhũng.
Không đáng ngạc nhiên khi Ủy ban Kiểm tra trung ương đã tập trung đánh vào ngành này. Hơn 80% số người bị kỷ luật tại kỳ họp Ủy ban Kiểm tra trung ương lần thứ 25 vào tháng 1, bao gồm 15 cá nhân và chín cấp ủy, đều thuộc các doanh nghiệp Nhà nước hoặc các bộ ngành của Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận rằng Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nên quyết định số phận của bốn đảng viên cấp cao, dù khuyến nghị rằng họ nên có "hình phạt thích đáng".
Bốn người này gồm Ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh , Trưởng ban Kinh tế Trung ương, người đứng đầu Đảng về các vấn đề kinh tế. Từ năm 2016-2021, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương, nơi ông giám sát hoạt động của ngành năng lượng.
Cựu Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (giữa) tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 15 /5/2016 - Reuters
Ngày 31/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp đột xuất và ông Anh nộp đơn từ chức. Dường như ông đã được cho một lối thoát để giữ thể diện vì cha ông, Trần Đức Lương, từng giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1997-2006.
Dưới quyền ông Anh còn có hàng loạt quan chức khác có dính líu đến ngành năng lượng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khiển trách ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, Chánh văn phòng Chính phủ (cơ quan phối hợp liên bộ), và Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, người phụ trách ngành năng lượng.
Trục lợi cấp tỉnh ủy
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng khai trừ hai người khác vừa bị bắt vì tham nhũng là Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, và Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ông Hải bị bắt ngày 21/12/2023 vì nhận hối lộ của Công ty Xuyên Việt Oil, một công ty đã "hạ bệ" nhiều quan chức. Công ty này là một trong 40 công ty có giấy phép nhập khẩu dầu, nhưng là một trong hai công ty thống trị nhập khẩu ở miền Nam, kiểm soát khoảng 40% thị trường phía Nam.
Sự quản lý yếu kém của công ty góp phần lớn vào tình trạng khan hiếm xăng dầu xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quý ba năm 2022, khi mức nhập khẩu xăng dầu giảm 40% và mức nhập khẩu dầu diesel giảm 35%. Công ty đã vỡ nợ 62 triệu USD tiền thuế và nợ ngân hàng khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng (225 triệu USD).
Họ đã tìm cách hối lộ để thoát khỏi các trách nhiệm pháp lý và tài chính.
Đây chắc chắn là một vụ bê bối lớn, làm xấu mặt chính phủ, làm "mồi ngon" cho giới truyền thông và khiến các nhà đầu tư lo lắng. Năm ngoái là năm nóng kỷ lục và đợt nắng nóng sớm đã dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng đáng kể. Quy hoạch điện VIII (PDP8) vốn bị đình trệ từ lâu của đất nước, kéo dài đến năm 2035, không đạt được kỳ vọng đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, và các hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được phê duyệt.
Các hình phạt cũng đã được áp dụng đối với các cán bộ cấp tỉnh.
Trần Đức Quận, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, bị bắt ngày 24/1 vì vi phạm công tác quản lý liên quan đến bất động sản. Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật bốn quan chức cấp tỉnh khác trong tháng đó.
Lãnh địa của dòng họ
Nhưng trường hợp của Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, mới thực sự đáng nói.
Ông Chiến có ít nhất 23 người họ hàng ở các vị trí lãnh đạo trong hầu hết các ban ngành, tổ chức trong tỉnh, từ dân sự, phúc lợi xã hội đến giáo dục. Bắc Ninh không còn là một tỉnh mà giống như một lãnh địa của dòng họ hơn.
Điều này không được phép xảy ra. Năm 2018, Đảng cộng sản Việt Nam đã thông qua các quy định đảm bảo rằng các cán bộ sẽ làm việc ở nhiều tỉnh khác nhau để ngăn chặn các thái ấp này. Trong khi số lượng cán bộ cấp cao đã làm việc ở chỉ một tỉnh đã giảm, trên trung bình có khoảng 20 trong số 63 người được nhận vào theo hệ thống cũ.
Trường hợp của ông Chiến là lý do cần đẩy nhanh việc áp dụng toàn diện các quy định năm 2018.
Trước Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026, chúng ta sẽ thấy nhiều nỗ lực chống tham nhũng tập trung vào lãnh đạo cấp tỉnh, những người chiếm khoảng 1/3 Ban Chấp hành Trung ương. Với quyền lực khá phi tập trung của Việt Nam, các tỉnh – tức các nơi thật sự nhận phần lớn nguồn đầu tư nước ngoài – là nơi tham nhũng.
Nhưng việc ông Trần Tuấn Anh là người thứ ba bị buộc phải từ chức trong vòng 13 tháng cũng đặt ra những câu hỏi về nền chính trị cấp trung ương và các ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội thứ 14.
Ban Chấp hành Trung ương đang bế tắc trong việc thay thế ông Minh và Phúc. Hiện nay, với ba chỗ trống, Ban Chấp hành Trung ương có thể bị buộc phải hành động, nhất là trước những tin đồn về sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể cố gắng tận hưởng không khí Tết, do cuộc "dọn nhà" càn quét của ông Trọng, không ai có thể quá thoải mái. Một số người đã thấy vận may – và những nguồn lợi bất chính của mình – bị quét đi.
Zachary Abuza
Nguồn : RFA, 12/02/2024
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.