Trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có ít nhất 2 ngày đặc biệt nhắc nhớ đến 2 sự kiện lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam : 50 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa (19/1/1974 –19/1/2024), 45 năm ngày Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước (17/2/1979 –17/2/2024).
50 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa (19/1/1974 –19/1/2024)
Cả hai sự kiện đều liên quan đến Trung Quốc ; cả hai đều cho thấy sự nhu nhược của Hà Nội trước Bắc Kinh khi không dám công khai lên tiếng, tưởng niệm cũng như nhân dịp này có những hành động pháp lý mạnh mẽ, kiên quyết hơn để tố cáo Bắc Kinh trước quốc tế. Chỉ có qua mạng xã hội và báo chí tiếng Việt ở hải ngoại là chứng tỏ lòng dân không quên những gì đã xảy ra, lòng dân rất công bằng, rõ ràng khi đánh giá về lịch sử, cho dù lịch sử ấy đã bị nhà cầm quyền cố tình quên lãng. Bao trùm trên hết từ những bài viết, ý kiến của nhiều người Việt, trong và ngoài nước là nỗi đau, sự tủi hận, phẫn nộ – đau vì một phần lãnh thổ bị cướp mất, vì máu xương của những người Việt đã ngã xuống, trong đó có những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa, những người lính quân đội nhân dân Việt Nam hay thường dân trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung ; tủi hận vì những sự kiện lịch sử đó, những sự hy sinh đó vẫn chưa được đánh giá đúng mức ; và phẫn nộ vì sự yếu hèn của đảng cộng sản Việt Nam.
Đã có rất nhiều bài viết nói về 2 sự kiện lịch sử này, từ nguyên nhân cho tới những bài học cần phải rút ra, kể cả những hệ lụy, thiệt hại, nguy hiểm trong mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt Nam-Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại. Bài viết này chỉ định đề cập đến một vấn đề : Làm thế nào để có thể sống hòa bình một cách bình đẳng, độc lập với Trung Quốc và hạn chế những rủi ro chiến tranh ?
Không thể phủ nhận Trung Quốc đã, đang và sẽ luôn luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc phòng, sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, độc lập về chủ quyền của Việt Nam. Mà không chỉ riêng Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra tham vọng nước lớn của Trung Quốc cũng như Trung Quốc chính là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự hiện nay trên toàn cầu.
Ngạn ngữ từng nói muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho tình huống chiến tranh, phải đầu tư vào quốc phòng, mua vũ khí, rèn luyện tinh thần yêu nước trong nhân dân.
Nhìn lại cuộc chiến năm 1979, công bằng mà nói, dù Việt Nam có bị bất ngờ nhưng nếu kéo dài hơn nữa thì Trung Quốc cũng chưa chắc đã thắng được Việt Nam mà chỉ sa lầy, bởi lúc đó Việt Nam là một quân đội thiện chiến, đầy kinh nghiệm, vừa ra khỏi 2 cuộc chiến tranh lớn với Pháp và Mỹ, vũ khí quân trang tiên tiến phần do Nga cung cấp, phần do Mỹ bỏ lại ở miền Nam còn khá nhiều, trong khi quân đội Trung Quốc bao nhiêu năm không đánh trận, thiếu kinh nghiệm, vũ khí lạc hậu v.v… Nhưng cũng từ cuộc chiến với Việt Nam, Trung Quốc đã tích cực đổ tiền vào quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân, đồng thời đã xậy dựng quần đảo Hoàng Sa, một số đảo nhân tạo trở thành những căn cứ quân sự trên Biển Đông, xây dựng căn cứ quân sự và hải quân ở Campuchia… Có nghĩa là sau 45 năm tương quan lực lượng mọi mặt giữa hai bên đã khác hẳn. Nếu bây giờ cuộc chiến tranh giữa hai bên lại nổ ra, câu hỏi không phải là liệu Việt Nam có cửa thắng không mà là liệu Việt Nam sẽ cầm cự được bao lâu ?
Muốn tránh chiến tranh không phải chỉ "nhũn" nhặn thần phục nước láng giềng, mà phải tự xây dựng đất nước trở thành một quốc gia mạnh, cả về kinh tế, quân sự, quốc phòng – để có thể tự lực không phụ thuộc cũng như không dễ bị bắt nạt, cho tới văn hóa – để không bị "đồng hóa", tan biến.
Nhưng một quốc gia muốn giàu mạnh phải có một mô hình thể chế chính trị có thể giải phóng hết mọi tiềm lực của quốc gia, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, tạo sự cạnh tranh và kiểm soát lẫn nhau trong hệ thống chính trị, có luật pháp nghiêm minh để hạn chế tham nhũng, và sự lãng phí tài nguyên của đất nước, con người, v.v… Mô hình đó dứt khoát không phải là mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng mà đảng cộng sản đã cương quyết bám lấy bao lâu nay. Gần nửa thế kỷ qua, chế độ độc tải dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã chứng minh rõ ràng sự thất bại, tai hại của nó, đã khiến Việt Nam bị mất thêm lãnh thổ lãnh hải vào tay Trung Quốc, bị tụt hậu về mọi mặt, tài nguyên cạn kiệt, đời sống đại đa số người dân khốn cùng, người tài đức không có cơ hội đóng góp cho đất nước, nạn tham những nặng nề tàn phá nền kinh tế và đạo đức xã hội…
Một quốc gia giàu mạnh còn phải mạnh ở tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân, sự đoàn kết gắn bó một lòng vì tương lai chung, vận mệnh chung của đất nước, dân tộc. Vì sợ phật lòng Bắc Kinh, trong nhiều năm dài, Hà Nội đã cố tình lờ những sự kiện lịch sử này và ra tay bịt miệng, đàn áp nếu người dân có bất cứ hành động tưởng niệm nào. Chính sách này đã làm suy yếu đi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, chí khí quật cường của nhân dân. Trong 2 cuộc chiến với Pháp, Mỹ, đảng cộng sản đã khai thác, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân một cách rất hiệu quả, vậy mà bây giờ với Trung Quốc họ lại tìm mọi cách để kìm hãm, bóp nghẹt lòng yêu nước ấy.
Bên cạnh đó, vì những chính sách hà khắc, hẹp hỏi với bên thua cuộc, vì quan điểm "địch, ta" xơ cứng, quyết tâm bám chắc quyền lực dẫn đến việc khước từ mọi cơ hội hòa giải hòa hợp, mọi tiếng nói phản biện, tiếp tục bóp méo lịch sử, không sòng phẳng với quá khứ, không thừa nhận những sai lẩm… của đảng cộng sản, nên nửa thế kỷ rồi mà lòng người vẫn còn chia rẽ. Dưới chế độ độc tài do đảng cộng sàn cai trị, người dân không thực sự cảm thấy gắn bó vì một tương lai chung, vận mệnh chung của dân tộc, sống ở Việt Nam nhưng hàng vạn hàng triệu người vẫn tìm cách để ra đi hoặc ít nhất, xây dựng tương lai con cháu ở một quốc gia khác. Ngay cả tầng lớp quan chức từ thấp đến cao của đảng cộng sản cũng có tâm lý đó, coi đất nước như một tài sản riêng để khai thác, vơ vét càng nhiều càng tốt nhưng lại cho con cháu đi học hay mua nhà, dự tính về hưu hưởng thụ ở một quốc gia dân chủ phương Tây…
Đối nội thì như vậy. Còn đối ngoại ? Chính sách ngoại giao "ba không", "bốn không", "ngoại giao cây tre"… của Việt Nam đối với Trung Quốc và các nước liệu có thực sự đúng đắn, khôn ngoan như đảng cộng sản Việt Nam vẫn tự tin, tự hào ?
Tri ân, những người cựu binh năm xưa cùng về với nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống. (Ảnh : Thanh Tùng/TTXVN)
Đối với Trung Quốc, dù có răm rắp học theo, làm theo Trung Quốc từ mô hình thể chế chính trị cho tới đường lối chính sách đối nội-đối ngoại, dù quan hệ giữa hai bên đã được nâng lên đến mức "cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc", cao hơn cả "đối tác chiến lược toàn diện" (thật ra, đó chỉ là một cách diễn dịch khác đi để tránh những ý nghĩa tiêu cực và sự nghi ngại của người dân Việt Nam từ cụm từ của Trung Quốc "cộng đồng chung vận mệnh" hay chính xác hơn, "nhân loại vận mệnh cộng đồng thể"), dù đã cam kết không chọn phe, không liên kết với bất cứ quốc gia nào chủ yếu để làm yên lòng Bắc Kinh, từ đó các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam hy vọng rằng bằng sự "ngoan ngoãn", thần phục đó, Trung Quốc sẽ để yên cho Việt Nam. Nhưng điều đó chẳng có gì là bảo đảm khi tham vọng của Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở khu vực mà còn muốn sắp đặt lại trật tự thế giới theo luật chơi của mình, muốn như vậy thì trước mắt Trung Quốc phải thoát khỏi thế bị bao vây trong lục địa, phải "sở hữu" Biển Đông và trở thành một cường quốc trên biển. Mà muốn biến Biển Đông thành "ao nhà" thì Trung Quốc phải kiểm soát các nước láng giềng, chiếm thêm một số đảo của các nước trong đó có Việt Nam. Không lẽ Việt Nam cứ phải chịu cảnh có biển mà như không, không thể khai thác dầu khí ngay trong vùng lãnh hải của mình, tàu cá của ngư dân không thể đánh bắt xa bờ, các đảo còn lại dần dần bị chiếm hết và Việt Nam bị kẹt tứ bề : phía Bắc-Trung Quốc, phía Tây-hai quốc gia Lào, Campuchia đã nằm trong vòng kiểm soát của Trung Quốc cho tới Biển Đông ?
Muốn tránh chiến tranh với một nước lớn láng giềng còn phải có đồng minh tin cậy hoặc chí ít, phải có bạn bè.
Trước đây đảng cộng sản Việt Nam đã từng chọn phe và biến đất nước trở thành quân cờ của các nước lớn. Đảng cộng sản đã từng đánh Mỹ cho Liên Xô, Trung Quốc. Sau 1975 lại rơi vào 2 cuộc chiến biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam vì bị kẹt trong những mối xung đột giữa Liên Xô, Trung Quốc và chọn ngả về phía Liên Xô.
Có lẽ vì vậy mà nay đảng cộng sản Việt Nam rút kinh nghiệm, chọn chính sách ngoại giao "bốn không", tuyên bố không chọn phe, làm bạn với tất cả các nước. Nhưng trên thực tế thì Việt Nam vẫn chọn phe, tệ hơn, là một "chư hầu" của Trung Quốc. Đảng cộng sản Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng mọi mặt đối với đảng cộng sản Việt Nam, Việt Nam thường xuyên cử cán bộ từ cấp thấp đến cao sang học hỏi Trung Quốc, hai bên trao đổi tin tức tình báo với nhau, ngay cả cách Việt Nam bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine cũng y hệt Trung Quốc v.v… Hoa Kỳ và các nước dân chủ trên thế giới biết rõ như vậy nên cũng chẳng nước nào thực sự có lòng tin vào Việt Nam.
Nhìn vào những quốc gia nhỏ phải sống cạnh nước lớn, chúng ta thấy các nước nhỏ luôn luôn phải tìm kiếm sự bảo vệ từ đồng minh. Sau khi Nga xâm lược Ukraine, ngay cả những nước chủ trương trung lập bao lâu nay như Phần Lan, Thụy Điển cũng đã phải tìm cách gia nhập khối NATO. Ở khu vực Đông Á, Đài Loan từ lâu đã luôn luôn phải đối phó với âm mưu của Trung Quốc sẽ tiến chiếm bán đảo này một ngày nào đó, nên tích cực mua vũ khí, xây dựng quốc phòng, xây dựng đất nước giàu mạnh cũng như ngày càng có quan hệ tốt với Hoa Kỳ và thế giới, và nếu như Trung Quốc tấn công, chắc chắn Đài Loan sẽ không cô đơn. Hay trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, Mỹ và các nước dân chủ từ Âu sang Á đã tích cực hỗ trợ cho Ukraine, ngay cả khi nếu vì những bất đồng nội bộ mà Mỹ không tiếp tục hỗ trợ được thì Ukraine vẫn còn có thể trông cậy ở các nước Châu Âu, Nhật, Hàn. Sở dĩ Đài Loan hay Ukraine được các nước hỗ trợ trước hết vì họ đang hoặc sẽ đi theo mô hình dân chủ. Còn Việt Nam, nếu lại có chuyện xảy ra với Trung Quốc, chắc chắn thế giới cũng sẽ chỉ lên án Bắc Kinh lấy lệ mà thôi.
Như vậy, cả 3 điều kiện để bảo vệ được đất nước : có đồng minh, đủ mạnh về kinh tế, quốc phòng để không dễ bị bắt nạt, có mô hình thể chế dân chủ để phát huy được nội lực quốc gia và tạo được sự thiện cảm của thế giới tự do từ đó có thể trông cậy được sự hỗ trợ của họ khi cần, Việt Nam đều không có.
Việt Nam cần phải đi theo con đường dân chủ hóa để từ "không" trở thành "có" các điều kiện này. Nhưng có vẻ như đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đặt sự tồn tại của đảng và chế độ lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, như từ trước đến giờ vẫn vậy.
Song Chi
Nguồn : RFA, 18/02/2024