Lý Cường hiểu rõ tâm lý Tập Thủy Hoàng Đế. Tuyên bố trong ba năm sẽ không họp báo sau phiên họp quốc hội là biết phận mình, chấp nhận rằng dân chúng không cần biết mặt ngang mũi dọc ông thủ tướng ; cũng không cần biết ông thủ tướng đang làm công việc gì.
Hiện nay, chân dung Tập Cận Bình được trưng bày khắp nước, tại những địa điểm quan trọng nhất, trên những chỗ cao nhất, không khác Mao Trạch Đông.
Tần Thủy Hoàng đi thăm cung Lương Sơn, nhìn thấy xe ngựa, cờ quạt dưới chân núi ; hỏi tả hữu ai đi mà đông vậy. Chúng thưa đó là Thừa tướng Lý Tư. Ngày hôm sau, Lý Tư vẫn đi qua núi nhưng không thấy ngựa xe tấp nập nữa. Thủy Hoàng nổi giận hỏi ai đã kể chuyện với Lý Tư ; chúng đều chối. Bèn giết hết những kẻ có mặt ngày hôm trước ; và từ đó cấm không cho ai biết hoàng đế đang ở chỗ nào ; Tư Mã Thiên kể trongSử Ký. Hai ngàn năm sau, đời nhà Thanh, ông vua cùng tam cung lục viện sống trong Cấm Thành.
Giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc cũng sống riêng biệt trong khu Trung Nam Hải, một thứ cấm thành mới. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình còn tạo nên một "Cấm Thành Ảo" không cho ai biết bên trong cấm thành đó ông quyết định vận mạng hơn một tỷ người Trung Hoa như thế nào.
Tập Cận Bình trị dân Trung Quốc không khác các vị hoàng đế. Một mình ông quyết định, không chấp nhận một lời phê bình, chỉ trích, và sẽ tiếp tục lãnh đạo đến hết đời. Ông Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, kiêm Tổng bí thư còn mạnh hơn các vị hoàng đế đời xưa, họ vẫn còn hội họp và tham khảo ý kiến với triều đình. Ông Tổng bí thư đời nay chỉ cần hô các khẩu hiệu thật lớn lao và mơ hồ, không cần cho ai biết các chuyện quốc gia đại sự đã được mình tính toán ra sao và có bàn với ai không.
Ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) bị cất chức hơn nửa năm nhưng vẫn chưa có ai thay ; ủy viên Trung ương Đảng Vương Nghị phải kiêm nhiệm. Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và nhiều tướng lãnh cầm đầu lực lượng hỏa tiễn và bom nguyên tử bị cách chức. Lệnh ban ra chỉ nói mơ hồ những người này phạm tội tham nhũng nhưng không đưa bằng cớ và cũng không biết bao giờ sẽ đem xử trước tòa. Bình không thấy có trách nhiệm phải giải thích. Cương và Phúc chỉ mới bị công khai tước mất vai trò đại biểu quốc hội, mấy tuần trước khi cơ quan lập pháp họp thường niên.
Trước đây, sau mỗi phiên họp quốc hội, ông thủ tướng đều mở một cuộc họp báo để công bố các chính sách, trả lời các câu hỏi của nhà báo trong nước và quốc tế. Từ năm 1993, các cuộc họp báo được truyền hình cho cả nước coi. Đó là một thông lệ, tạo cơ hội cho dân chúng thấy có một "Nhà nước" làm công việc cai trị, bên cạnh "Đảng" lãnh đạo. Vị thủ tướng đóng vai trò một chuyên gia, thường đưa ra các chỉ tiêu kinh tế sẽ phải đạt được trong thời gian tới, các biện pháp nâng cao sản xuất, lôi kéo giới đầu tư, vân vân.
Năm nay, Thủ tướng Lý Cường bất ngờ cho biết sẽ không tổ chức họp báo ; còn nói trước rằng sang năm, sang năm nữa cũng sẽ không. Nhiều nhà báo đang muốn đặt câu hỏi vì trong bản báo cáo ông thủ tướng không nêu ra những chính sách và biện pháp cụ thể để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Giới truyền thông sẽ phải chờ đến năm 2027 mới hy vọng được hỏi.
Lý Cường chắc chắn không thể tự mình quyết định bãi bỏ các cuộc họp báo đã có từ 30 năm. Đây phải là lệnh do Tập Cận Bình ban ra. Bãi bỏ cuộc họp báo thường lệ trong ba năm liền chứng tỏ Tập Cận Bình cũng không cần cho dân nhìn thấy có một nhà nước, do một ông thủ tướng đứng đầu.
Chính Tập Cận Bình cũng không thấy cần phải giải thích cho dân chúng về các quyết định của Đảng, của Nhà nước, tức là của chính mình. Công việc quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo cộng sản là hô khẩu hiệu. Mỗi lần Mao Trạch Đông tung ra một khẩu hiệu mới là nước Trung Hoa sắp đảo lộn từ trên xuống dưới : Đánh Phái Hữu ! Bước nhảy vọt ! Tấn công Bộ tư lệnh ! Cách mạng Văn Hóa ! Vân vân.
Một khẩu hiệu vừa được Bắc Kinh đưa ra là "Lực lượng Sản xuất mới !" Đó là một từ ngữ trong lý thuyết kinh tế của Karl Marx, được mở tủ lạnh lấy ra đem hâm lại. Thời Karl Marx ông muốn nói đến các máy móc và giới lao động dùng máy móc. Bây giờ, Tập Cận Bình ám chỉ sức mạnh kinh tế của các máy vi tính, hệ thống internet, và đặc biệt mới nhất là Trí khôn Nhân tạo, gọi tắt là AI, tất cả đang thay đổi cuộc sống kinh tế, thúc đẩy tiến bộ khắp thế giới.
Dân chúng Trung Quốc đang cần được nghe hô khẩu hiệu mới để chữa trị bịnh ù lì, bởi vì trong thực tế họ chỉ lo dành dụm, không chịu tiêu tiền, khiến đà phát triển ngày càng chậm lại. Nhà báo kinh tế Gordon G. Chang mới viết trên báo Newsweek : Tỷ lệ tăng trưởng không lên tới 5.2 phần trăm như nhà nước nói. Thực tế, chỉ tăng 1.5%, theo nhóm Rhodium Group ước tính. Các triệu chứng cho thấy kinh tế đang đi xuống là : giá nhà cửa sa sút, các công ty địa ốc phá sản, tiền vốn rút ra nước ngoài, giảm phát, giá cả xuống vì dân bớt tiêu thụ. Và, từ năm 2021 dân số đang giảm dần.
Trong ba chục năm qua, Cộng sản Trung Quốc chú trọng đến đầu tư, không quan tâm đến sức dân tiêu thụ - so với hơn hai phần ba kinh tế Mỹ dựa vào người tiêu thụ. Nhưng các cuộc đầu tư ở Trung Quốc không đạt hiệu năng, bằng chứng rõ ràng nhất là ngành địa ốc. Một nửa số tiền đầu tư đổ vào các doanh nghiệp nhà nước, như nước đổ xuống biển.
Căn bịnh kinh tế khó chữa nhất là chính sách "cải cách nửa vời." Đặng Tiểu Bình đã mở cho tư doanh hoạt động, nhưng không dám mở hết các cửa. Tập Cận Bình còn đổi chiều, đóng bớt nhiều cánh cửa. Tập không tin tư doanh, nhất là các ngành kỹ thuật cao như tin học, nên tìm cách kiềm chế từ mấy năm qua. Cả những ngành hoạt động "ngây thơ vô tội" như y tế, giáo dục cũng bị kiểm soát chặt trẽ hơn ; muốn loan tin bệnh dịch tái phát phải chờ lệnh trung ương, các lớp học tư trên mạng bị ngăn cấm.
Tư doanh chính là "Lực lượng Sản xuất mới" trong kinh tế Trung Quốc. Muốn các lực lượng sản xuất mới này được triển khai, cần phải cải tổ từ cơ cấu. Nói vậy nghe có vẻ trừu tượng. Nhưng trong thực tế đó là các điều cần thể hiện : Tư doanh hay quốc doanh được đối sử công bằng, tất cả tuân theo cùng một hệ thống luật pháp. Các chính sách của nhà nước, phương pháp điều hành các xí nghiệp, hệ thống kế toán và kiểm tra tài chánh, phải rõ ràng và minh bạch, công khai. Đó là những định chế giúp kinh tế các nước tư bản phát triển. Thiếu một trong những cột trụ này thì kinh tế khó đi lên.
Những người hoạt động kinh tế trong nước Trung Hoa, trong chính quyền cũng như ngoài dân chúng, đều biết những điều kiện trên có thể giúp tháo gỡ cho tình trạng trì trệ. Nhưng tại sao họ không thay đổi ? Bởi vì thay đổi thì đảng Cộng sản sẽ mất độc quyền thống trị ; không còn "chuyên chính vô sản" nữa. Tập Cận Bình chuyên chế hơn tất cả các đời Tổng bí thư trước.
Hiện nay, chân dung Tập Cận Bình được trưng bày khắp nước, tại những địa điểm quan trọng nhất, trên những chỗ cao nhất, không khác Mao Trạch Đông. Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ được suy tôn, sùng bái như vậy. Đời xưa, Tần Thủy Hoàng mang tiếng "đốt sách, chôn học trò" nhưng trong thực tế chỉ có một vụ đốt sách theo lệnh của Thương Ưởng. Tập Cận Bình còn mạnh tay hơn. Bức tường lửa kiểm duyệt tất cả các nguồn thông tin, coi như mỗi giờ đốt sạch hàng triệu chữ viết trên mạng.
Lý Cường hiểu rõ tâm lý Tập Thủy Hoàng Đế. Tuyên bố trong ba năm sẽ không họp báo sau phiên họp quốc hội là biết phận mình, chấp nhận rằng dân chúng không cần biết mặt ngang mũi dọc ông thủ tướng ; cũng không cần biết ông thủ tướng đang làm công việc gì. Lý Cường chắc chắn không bao giờ phạm sai lầm như Lý Tư, người tiền nhiệm hai ngàn năm trước.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 13/03/2024