Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/03/2024

Kỷ nguyên mới của sức mạnh hải quân

Alessio Patalano

Ukraine tuyên bố đã đánh chìm một tàu chiến khác của Nga, Sergei Kotov, trên Biển Đen. Liên tục mất đi tàu Kotov và trước đó tàu Tsezar Kunikov vào tháng trước hiện đồng nghĩa với việc một phần ba hạm đội Biển Đen của Nga đã bị vô hiệu hóa. Kotov và Kunikov đã cùng với soái hạm Moskva nằm dưới đáy Biển Đen và củng cố thực tế rằng chiến trường hàng hải trong cuộc chiến tranh ở Ukraine là cuộc xung đột hải quân quan trọng nhất kể từ cuộc chiến Falklands hơn bốn thập kỷ trước.

newage01

Tàu ngầm tấn công hạt nhân Trường Chinh 15 ở phố cảng phía đông Thanh Đảo, ngày 23/4/2019. (Kyodo /Maxppp)

Những sự kiện có tính chất như David đối đầu với Goliath này đặt ra một câu hỏi quan trọng. Liệu thiết bị không người lái (drone) ngày càng tiên tiến có khiến các hạm đội hải quân trở nên lỗi thời ? Việc Ukraine giành chiến thắng trên biển dường như gợi ý điều đó. Tuy nhiên, việc vội vàng thừa nhận lập luận này đã bỏ qua hai điểm mấu chốt.

Thứ nhất, chiến tranh trên biển là chiến tranh tiêu hao. Như một nghiên cứu gần đây được thực hiện tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đã chỉ ra, chiến tranh hải quân hiện đại phụ thuộc rất nhiều vào khái niệm số đông (mass). Số lượng vũ khí – tàu nổi, tàu ngầm và máy bay – cùng khả năng tái tạo chúng với quy mô lớn chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong chiến tranh trên biển. Hải quân Mỹ trong Thế chiến thứ II là một ví dụ điển hình. Vào tháng 6 năm 1940, hạm đội Mỹ chỉ có 478 tàu chiến. Nhưng đến Ngày Chiến thắng Nhật Bản năm 1945, Hải quân Mỹ đã có 6.768 tàu chiến đang hoạt động, vượt xa bất kỳ cường quốc nào khác trên Trái đất.

Drone và tên lửa của Ukraine đang minh chứng cho một chân lý có từ lâu : khả năng vượt qua tổn thất là yếu tố tạo nên sự khác biệt trong chiến tranh trên biển. Trong một cuộc xung đột, tàu chiến chỉ an toàn khi nằm ngoài tầm pháo kích. Bất kỳ bên tham chiến nào, đặc biệt là bên yếu hơn về số lượng, đều sẽ tìm cách thu hẹp khoảng cách và đây là giả định mà các lực lượng hải quân cần giải quyết, nếu không họ sẽ mất cả hạm đội. Tuy nhiên, tổn thất không phải là lý do chính đáng để cho rằng hạm đội sắp lỗi thời.

Điều này dẫn đến điểm thứ hai. Các tổn thất của Nga không thể hiện được mức độ mà sức mạnh hải quân – và các hạm đội có khả năng hoạt động trong môi trường tranh chấp – đã trở lại như một yếu tố trung tâm trong các cuộc chiến giành quyền lực từ Biển Đen đến Biển Đỏ, Biển Đông và eo biển Đài Loan. Đây không chỉ đơn thuần là về giá trị chiến lược của các tàu chiến chủ lực (capital ships) trong việc thể hiện vị thế và tham vọng quốc tế của một quốc gia trong một hệ thống quốc tế vô chính phủ.

Sức mạnh hải quân ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết bởi vì mối quan hệ giữa các xã hội hiện đại với biển cả đã phát triển một cách nhanh chóng. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế kỷ của đại dương, nơi nền tảng của sự thịnh vượng thúc đẩy các nền kinh tế mở dựa vào kết nối vật lý và kỹ thuật số trên biển.

Các tuyến đường biển nuôi sống chúng ta, sưởi ấm cho chúng ta và vận chuyển đồ đạc thiết yếu hằng ngày. Khoảng 97% internet và một phần lớn năng lượng quốc tế phụ thuộc vào một mạng lưới cáp và đường ống ngầm dưới đáy biển, giống như một đĩa mì spaghetti, bám sát các tuyến vận chuyển thương mại. Mạng lưới kết nối vật lý và kỹ thuật số nhiều lớp này chỉ an toàn và đáng tin cậy cho đến khi nó không còn an toàn nữa.

Trong những năm gần đây, những nơi như Somalia, Tonga, Anh và Đài Loan đã phải chịu thiệt hại kinh tế do sự gián đoạn về cơ sở hạ tầng quan trọng dưới đáy biển. Vào đầu năm nay, năng lực tương đối tinh vi của phiến quân Houthi ở Yemen đã phơi bày sự mong manh của nguồn cung cấp ổn định các mặt hàng thiết yếu – từ túi trà được sử dụng các hộ gia đình trung lưu ở Anh, cho đến các thành phần cốt lõi của xe điện trên khắp Châu Âu.

Sự phụ thuộc chưa từng có vào kết nối hàng hải này đã biến các hoạt động trên biển thành mục tiêu chính của các chế độ độc tài và các nhóm phi nhà nước. Các hành động như phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream 2, đường ống dẫn khí nối Estonia, Phần Lan và Thụy Điển, hoặc việc gây gián đoạn các tuyến đường vận chuyển hang hải quốc tế do tên lửa và máy bay không người lái của Houthi gây ra đều có một điểm chung.

Những hành động này nhấn mạnh nhận thức của các nhà lãnh đạo ở Moscow, Bắc Kinh và Tehran rằng kết nối hàng hải là một điểm yếu có giá trị chính trị đáng kể. Đặc biệt, các quốc gia như Trung Quốc đang theo đuổi các phương tiện hải quân để nắm bắt các cơ hội xuất phát từ nhận thức trên. Cho dù trong lĩnh vực công nghệ thăm dò và khai thác đáy biển sâu, năng lực vận chuyển hàng hải, và trên hết là trong bối cảnh sức mạnh hải quân tuyệt đối, Trung Quốc đang thiết lập các kỷ lục mới về cả số lượng và chất lượng đầu tư. Chỉ trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã đóng thêm tàu cho hạm đội mặt nước của mình với số lượng gấp đôi tổng số tàu mà toàn bộ Hải quân Pháp sở hữu.

Chính quyền Trung Quốc hiểu rằng, trong kỷ nguyên biển, việc họ tiếp tục xây dựng lực lượng hải quân là khoản đặt cọc cho ưu thế hàng hải, thậm chí là sự thống trị trên biển trong một cuộc chiến tranh lớn tiềm tàng ở Biển Đông, eo biển Đài Loan hoặc xa hơn nữa. Việc Tập Cận Bình bổ nhiệm Hứa Trung Minh, một chỉ huy tàu ngầm dày dặn kinh nghiệm, đứng đầu hải quân Trung Quốc cho thấy một thế hệ sĩ quan chỉ huy mới được giao phó trọng trách đảm bảo sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết.

Đây là lý do tại sao hải quân lại quan trọng và tại sao Mỹ cùng các đồng minh ở Châu Âu và Châu Á đang tích cực tranh luận về việc đầu tư cho chúng. Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia như Nhật Bản và Úc đang đầu tư vào hải quân của họ, từ khả năng phản công đến khả năng triển khai tàu nổi, tàu sân bay và tàu ngầm, để cùng nhau đối phó với thách thức ngày càng gia tăng từ các chế độ độc tài trên biển. Điều đó bao gồm việc Nhật Bản công bố ngân sách quốc phòng lớn nhất trong lịch sử hậu chiến vào tháng 12 năm 2023, và Australia, quốc gia đã mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thông qua AUKUS, cũng tuyên bố kế hoạch tăng gấp đôi hạm đội tàu nổi của mình vào tháng trước.

Tuy nhiên, những quốc gia khác, như Mỹ và Anh, đang gặp khó khăn hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về hải quân. Tại Mỹ, Hải quân sẽ chỉ yêu cầu một tàu ngầm lớp Virginia cho ngân sách năm tài chính tới thay vì hai chiếc, do giới hạn năng lực sản xuất của ngành công nghiệp. Ở Anh, một báo cáo gần đây của Quốc hội lưu ý rằng các kế hoạch đưa vào sử dụng một số lớp tàu mới trước hết cần thêm các nhà máy đóng tàu.

Trong một thế kỷ biển đầy tranh chấp, chúng ta nên bắt đầu coi hải quân là chính sách bảo hiểm an ninh quốc gia tối thượng. Giống như bất kỳ loại bảo hiểm khác, chúng đòi hỏi đầu tư thường xuyên để phòng ngừa những rủi ro có thể không xảy ra nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng. Hải quân hoạt động tốt nhất để ngăn chặn các hành vi xâm lược tiềm ẩn, nhưng nền tảng công nghiệp để tạo ra năng lực cho hải quân lại chính là nền tảng bảo đảm cho uy tín quân sự. Quan trọng nhất, khi mọi nỗ lực khác đều thất bại, uy tín đó sẽ đảm bảo rằng trong thời điểm cần thiết, những thách thức khó khăn nhất sẽ được đáp ứng và vượt qua.

Alessio Patalano là giáo sư về chiến tranh và chiến lược ở Đông Á và đồng giám đốc Trung tâm Chiến lược lớn tại King’s College London, nơi ông chuyên về học thuyết và chiến lược hàng hải.

Alessio Patalano

Nguyên tác : "The New Age of Naval Power"The Times, 06/03/2024

Viên Đăng Huy biên dịch

Nguyễn Thế Phương hiệu đính

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Alessio Patalano, Viên Đăng Huy, Nguyễn Thế Phương
Read 429 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)