Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/08/2017

Viện trợ chính thức

Nguyễn Xuân Nghĩa

Sau khi tiến hành đổi mới được 30 năm, kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi, Nhưng một thay đổi bất ngờ là từ giữa năm nay, Việt Nam hết được Ngân Hàng Thế Giới viện trợ như trước nên phải tìm nguồn tài trợ khác cho nền kinh tế. Nhân sự kiện này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về sự lợi hại của hình thái việc trợ chính thức, thường được gọi tắt là ODA….

Xe máy, xe hơi đi qua tuyến đường sắt trên cao đang xây dựng ở Hà Nội hôm 4/7/2017

Xe máy, xe hơi đi qua tuyến đường sắt trên cao đang xây dựng ở Hà Nội hôm 4/7/2017 -  AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong tiết mục Diễn đàn Kinh tế tuần này. Thưa quý thính giả, từ Tháng Bảy này Ngân Hàng Thế Giới có thể chấm dứt viện trợ kinh tế cho Việt Nam vì kinh tế đã có cải thiện và Việt Nam được xếp vào thành phần quốc gia có lợi tức trung bình kể từ năm 2009 và sau này sẽ phải vay tiền trên thị trường. Song song, vào tháng trước, Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Quốc hội Nhật Bản tiếp tục viện trợ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, trong khi dư luận không quên khá nhiều tai tiếng về nạn tham nhũng khi sử dụng viện trợ. Vì vậy, thưa ông Nghĩa, kỳ này ta sẽ tập trung tìm hiểu hình thái viện trợ chính thức, là Official Development Assistance hay ODA. Ông thấy rằng thính giả của chúng ta nên ghi nhớ những gì về hiện tượng viện trợ ấy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi lại xin nói ngược, rằng khi Việt Nam hết được viện trợ chính thức nữa thì đấy là một tin mừng. Nhưng trước hết, ta hãy tìm hiểu về bối cảnh đã.

Thứ nhất, về định nghĩa và ngôn từ, “viện trợ” là hình thức trợ giúp tài chính và kỹ thuật do một cơ quan “cấp viện” cung cấp cho một quốc gia “cầu viện”. Cơ quan cấp viện có thể là một tổ chức quốc tế, như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, hay một bộ phận chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, hoặc là của một quốc gia như Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Đó là khác biệt giữa “đa phương” và “song phương” mà đa phương cũng là do quyết định của quốc gia góp tiền cho các tổ chức quốc tế này.

Thứ hai, ta có loại viện trợ nhân đạo cho các nước nhất thời bị thiên tai hay đói kém chẳng hạn, ở đây, ta chỉ quan tâm đến loại viện trợ kinh tế, và tập trung vào hình thái gọi là “viện trợ phát triển” qua các chương trình hay dự án nhất định.

Thứ ba, khi nói đến “viện trợ phát triển”, ta cần nhớ là các nước ít khi cho không mà thường là cho vay, tức là viện trợ tài chính, nhưng với ba điều kiện dễ dãi, là lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại trên thị trường, thời gian ân hạn là từ khi cho vay tới ngày bắt đầu trả tiền lời là nhiều năm, và sau cùng là kỳ hạn cho vay kéo dài có thể vài chục năm. Giới kinh tế kết hợp ba điều kiện ưu đãi ấy để tính ra “giá trị tặng dữ” hay “grant element”, và cho rằng yếu tố tặng dữ tức là cho không, phải ở khoảng một phần ba khi so với việc đi vay thông thường trên thị trường thì mới được gọi là viện trợ chính thức.

Nguyên Lam : Ông vừa trình bày là chừng một phần ba ngạch số của viện trợ chính thức phải là yếu tố tặng dữ hay cho không thì tại sao ông lại cho rằng Việt Nam khi hết được viện trợ chính thức là một tin mừng ? Xin ông giải thích cho nghịch lý đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thực chất kinh tế của việc đi vay là để tiêu sớm, nên khi tiêu thì phải cân nhắc yêu cầu trả nợ sau này. Nếu cứ quen đi vay với điều kiện ưu đãi dễ dãi thì sẽ có ngày mang họa. Vì vậy, yếu tố then chốt là kỷ luật chi tiêu. Nhưng vấn đề còn phức tạp hơn vậy, là vì sao lại có hiện tượng cấp viện ? Vì sao lại có quốc gia viện trợ cho xứ khác ?

Trên diễn đàn này, tôi đã nhiều lần nói đến một thực tế nghiệt ngã là chẳng ai có thể lãnh đạo một mình mà cần chia chác quyền lợi cho các thành phần ủng hộ mình. Thực tế ấy xuất phát từ sự kiện là mọi chính trị gia đều nhắm vào ba mục tiêu, thứ nhất nắm quyền, thứ hai duy trì quyền lực đó, và thứ ba là quản lý được tối đa tài nguyên quốc gia để thực hiện hai mục tiêu đầu tiên là nắm quyền và giữ quyền. Tài nguyên quốc gia cần hiểu theo nghĩa rộng là tiền tệ, thuế khóa, đất đai và cả nhân lực, v.v…. Đấy là quy luật chung của mọi chế độ chính trị dù là dân chủ hay độc tài.

Nguyên Lam : Bây giờ xin đề nghị ông trình bày chân lý phũ phàng ấy trong lĩnh vực đối ngoại vì hình như ngày xưa ông từng là cố vấn cho Chính phủ Sàigòn về ngoại viện và đã nhiều lần thương thuyết về viện trợ cho miền Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đơn giản hóa vấn đề mà phân biệt chế độ dân chủ với độc tài.

Tại các nước dân chủ, ưu tiên của lãnh đạo là tranh thủ quần chúng đã ủng hộ mình, sau đó về đối ngoại là tranh thủ các nước khác để có đồng minh. Viện trợ nằm trong loại mục tiêu tranh thủ đồng minh, nhưng bị giới hạn bởi yêu cầu ưu tiên về nội chính, và bị ràng vào cơ chế dân chủ nên thường trao quyền quyết định về viện trợ cho Quốc hội, gồm giới đại biểu vốn cũng có ưu tiên thỏa mãn cử tri đã bỏ phiếu cho họ. Vì vậy, viện trợ có các điều kiện ràng buộc nhằm bảo vệ quyền lợi của quốc dân và các địa phương ; như Mỹ có điều kiện dùng tiền viện trợ mua thiết bị hay kỹ thuật Mỹ, viện trợ của Nhật là để tạo việc làm cho doanh nghiệp Nhật, Đức thì mua hàng Đức, v.v. Hào phóng như một nước Bắc Âu là Đan Mạch khi viện trợ dự án sửa phà trị giá 45 triệu đô la cho Bangladesh thì đòi đưa phà về sửa trong hải cảng Đan Mạch với phí tổn gấp bốn lần việc sửa ở tại chỗ, Bangladesh phản đối thì mất luôn số viện trợ ấy.

Cái hợp lý éo le ở đây là của nước cấp viện phải ưu tiên lo cho người dân của họ. Một éo le khác là vì yêu cầu an ninh hay chiến lược, một nước dân chủ có thể viện trợ cho chế độ độc tài, mà đã là độc tài thì dân đen không được hưởng kết quả viện trợ vì chế độ độc tài cần ưu tiên ban phát quyền lợi cho tay chân và thân tộc ở trên cùng. May là nền dân chủ còn có báo chí và các tổ chức phi chính phủ hay NGO để nêu vấn đề và vận động thay đổi….

Nguyên Lam : Bây giờ, thưa ông, về các nước độc tài thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước độc tài thì cần đồng chí và vì độc tài nên khó phát triển khiến cho việc viện trợ thật ra không nhiều. Ngày xưa, Liên Xô cũng từng viện trợ cho các nước đồng chí trong khối COMECON mà thực chất là phân công lao động để các chư hầu cầu viện thành vệ tinh và lụn bại trong cơ chế tập trung kế hoạch kiểu Xô viết. Ngoài ra cũng phải nhắc tới các khoản quân viện như Liên Xô hay Trung Quốc đã cho các chế độ độc tài để bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Sau đó, các nước cầu viện vẫn phải trả nợ bằng cách này cách khác như người Việt Nam mới chỉ hiểu ra sau một cuộc chiến tương tàn. Ngày nay, khi Trung Quốc viện trợ cho các nước, như qua Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ, thì mục tiêu vẫn là an ninh lồng vào kinh tế trong chính sách bành trướng của Bắc Kinh, với Việt Nam nằm trên tuyến đầu.

Nguyên Lam : Bây giờ chúng ta bước qua phần hai là xin ông giải thích vì sao mà Việt Nam không nên nhận viện trợ chính thức nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, nhiều người đi từ thái cực này qua thái cực khác khi mừng là được xứ này xứ kia viện trợ, rồi lại oán thán những ràng buộc họ gọi là bất lợi của viện trợ. Điển hình là của viện trợ Nhật Bản, quốc gia hào phóng nhất đã viện trợ cho Việt Nam từ 1992. Khi viện trợ cho Việt Nam thì tất nhiên Nhật đòi ta thuê công ty tư vấn Nhật, để họ yêu cầu Việt Nam áp dụng công nghệ Nhật mà mua thiết bị của Nhật, chứ chẳng lẽ Nhật viện trợ để làm lợi cho các doanh nghiệp Âu Châu hay Hoa Kỳ ? Phải mất 25 năm mới hiểu ra sự thật này thì quả là thê thảm.

Thứ nữa, loại viện trợ đa phương từ các định chế tài chính quốc tế có thể tránh được sức ép song phương của quốc gia cấp viện, nhưng cũng có nhược điểm của nó. Đó là ai quyết định về các ngân khoản hay mục tiêu viện trợ ? Thành phần then chốt này là các chuyên gia thực chất là công chức quốc tế. Họ ưu tiên lo cho sự nghiệp của họ, kết tinh vào ngân khoản hay số dự án nhiều khi chẳng thích hợp cho nhu cầu thật của quốc gia cầu viện. Sau khi mãn hạn thì họ qua xứ khác phục vụ mà khỏi bị đánh thuế. Vấn đề chính là cách thẩm định kết quả thì vẫn gây thất vọng, điển hình là kế hoạch quy mô do Liên Hiệp Quốc phát động năm 2000, gọi là Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ hay Millenium Developemt Goals, cho tới nay vẫn còn bị chỉ trích là không thích hợp cho yêu cầu thực tế của nhiều nước nghèo, thí dụ như về canh nông, nữ quyền, môi sinh hay nhân quyền, v.v…. Thành thử vấn đề chính ở đây là từng quốc gia phải tự lo lấy nhu cầu phát triển bền vững của mình và cố gắng thoát khỏi hoàn cảnh đi xin viện trợ.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ chúng ta phải đi xa hơn, là tìm hiểu về nhu cầu phát triển bền vững như ông vừa trình bày. Thưa ông, nhu cầu ấy là những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Tôi còn nhớ là khoảng 60 năm trước, hai nước Đông Á là Đài Loan và Nam Hàn đã có quốc sách là phải sớm giã từ viện trợ để tự lực tự cường nên nhắm vào ngoại thương hơn ngoại viện để tìm lực đẩy cho nền kinh tế quốc dân. Sau đó, cũng hai quốc gia này tự ý xây dựng nền dân chủ, chấp nhận đa đảng và bầu cử để rồi trở thành một nước “tân hưng” và ngày nay là cường quốc kinh tế có dân chủ. Ngẫm lại ta thấy ra một bài học căn bản là mọi lợi ích kinh tế đều phải nhắm vào người dân và khởi đi từ thành phần nghèo nhất ở dưới cùng.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ chúng ta phải đi xa hơn, là tìm hiểu về nhu cầu phát triển bền vững như ông vừa trình bày. Thưa ông, nhu cầu ấy là những gì ?

Chính sách kinh tế chỉ chú trọng đến đà tăng trưởng hay tiêu chí trừu tượng thường là do lãnh đạo từ trên ban xuống, dọc đường thì bị trưng thu hay cưỡng đoạt để củng cố quyền lợi của thiểu số ở trên bằng luật pháp hay tham nhũng, trong khi người dân ở giai tầng cuối thì vẫn khó thoát khỏi sự nghèo khốn. Ở cấp quốc tế cũng vậy, chính sách ngoại viện do các nước đề ra cũng nhắm vào những mục tiêu ở trên mà quên dân nghèo không có tiếng nói ở dưới cùng. Nếu có tự do dân chủ thì ít ra tiếng nói ấy không bị bóp nghẹt.

Sau cùng, quy luật tài chính căn bản là có vay có trả, khi đi vay trên thị trường thì việc trả nợ trở thành ưu tiên nên đòi hỏi kỷ luật trong việc sử dụng. Khi được viện trợ thì ta bị ràng buộc vào điều kiện của cơ quan cấp viện, lại ỷ vào yếu tố tặng dữ mà quên hẳn kỷ luật chi thu. Nếu đi vay trên thị trường tự do với giá đắt hơn thì các nước phải thận trọng hơn khi sung dụng tài nguyên quốc dân. Sự cẩn trọng ấy sẽ tránh được nhiều lãng phí, hết dần cái cảnh cha chung không ai khóc. Kết luận ở đây là chẳng nên oán quốc gia cấp viện mà nên thay đổi cái nhìn của giới cầm quyền trong các nước cầu viện. Đã đến lúc người Việt Nam nên nhìn ra sự thật đó.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.

Nguồn : RFA, 01/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 660 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)