Nếu tin đồn lại đúng thì vài ngày nữa, các thành viên của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 lại tụ tập bất thường thêm một lần nữa để gật đầu, chấp nhận cho ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – từ nhiệm (từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền).
Vương Đình Huệ tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội, 13/12/2023.
Theo tin đồn thì ông Huệ không chỉ bảo kê một số tập đoàn tư nhân, hỗ trợ lũng đoạn chính sách, kinh tế - xã hội để được hối lộ hàng ngàn tỉ đồng mà còn vi phạm các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống[1]. Cuộc tấn công ông Huệ bắt đầu bằng việc bắt giữ các nhân vật chủ chốt của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An vì "vi phạmquy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ", bắt giữ một số viên chức làm việc trong Ban Quản lý các dự án của tỉnh Bắc Giang vì "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ" [2], kế đó bắt giữ ông Phạm Thái Hà vì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Cuộc tấn công vừa kể được xem là "vô tiền khoáng hậu" vì lời lẽ liên quan tới việc bắt giữ ông Hà đanh thép bất thường.
Việc thư ký, trợ lý của các nhân vật nắm giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bị bắt vốn đã trở thành điều "bình thường mới" nhưng chưa bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại cho phép các cơ quan truyền thông chính thức loan báo rộng rãi và cặn kẽ lai lịch bị can như khi bắt giữ ông Phạm Thái Hà.
Nhân thân ông Hà được xác định rõ ràng là "Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ". Chưa hết, việc cố tình liệt kê "quá trình công tác" của bị can Phạm Thái Hà còn nhằm minh định ông Hà chính là "thủ túc" của ông Huệ, ông Huệ đi đến đâu, ông Hà theo tới đó, thành ra ông Hà "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" thì ông Huệ không thể vô can Khi ông Huệ là Tổng Kiểm toán nhà nước, ông Hà được chọn làm Thư ký Tổng Kiểm toán nhà nước. Lúc ông Huệ làm Bộ trưởng Tài chính, ông Hà là Thư ký Bộ trưởng Tài chính. Ông Huệ trở thành Trưởng Ban Kinh tế Ban chấp hành trung ương đảng, ông Hà là Thư ký trưởng ban. Rồi ông Huệ đảm nhiệm vai trò Phó Thủ tướng, ông Hà là Trợ lý Phó Thủ tướng. Lúc ông Huệ được điều động làm Bí thư Hà Nội, ông Hà là Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Một số cơ quan truyền thông chính thức, trong đó có VTV1 (kênh số 1 của Đài Truyền hình quốc gia) còn đi xa hơn khi nhấn mạnh :Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản[3].
Từ sự hiểu biết về "thế và lực" của ông Huệ, đối chiếu những yếu tố bất thường trong việc bắt giữ và công bố thông tin khởi tố - tạm giam ông Phạm Thái Hà, sự xuất hiện của website vuonghamy.com[4] – khuê danh của ái nữ ông Huệ - nhằm bơm thêm dầu vào lửa những người am tường hậu trường chính trị Việt Nam phòng đoán, cuộc chiến giành quyền lực trong Đảng cộng sản Việt Nam đã đến giai đoạn "một mất, một còn" !
***
Thương tuần tháng 2/2021, khi tuyên bố bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam (Đại hội 13), ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba – khẳng định : Đại hội đã tiến hành nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng, sáng suốt lựa chọn và bầu các đồng chí đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13.Nhiệm kỳ khóa 13 phải tốt hơn nhiệm kỳ khóa 12 [5].
Sau đó, tại cuộc họp báo nhằm công bố kết quả Đại hội 13, ông Trọng tuyên bố :Đại hội 13 đã thành công rất tốt đẹp cảvề nội dung, cách thức, tạo ra không khí tin cậy lẫn nhau, hồ hởi, phấn khởi. Công tác nhân sự cho Đại hội 13của đảng được chuẩn bị chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó. Do vậy khi đưa ra đại hội đã nhận được sự thống nhất rất cao[6].
Giống như ông Trọng, nhiều viên chức minh định "kỳ vọng các đồng chí trong Ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ này là những người ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm". Thậm chí một Ủy viên Bộ Chính trị còn bảo, đại ý :Việt Nam đã đủ điều kiện để lập nên "kỳ tích" như Nhật, như Hàn[7]...
Đến nay, tuy chỉ mới hơn hai năm sau khi "thành công rất tốt đẹp" nhưng Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 13 đã tụ tập 14 lần (6/14 là tụ tập bất thường ngoài kế hoạch) và 10/14 lần tụ tập chỉ để loại bỏ những cá nhân từng được ca tụng là "ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm".
Vì sao lại thế ?
Cả hai vị Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Trần Tuấn Anh đều đã thôi chức. Hình chụp ngày 15/11/2020
Trong vòng 27 tháng từ khi Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 nhận nhiệm vụ lãnh đạo toàn đảng, toàn dân (1/2021 – 4/2024), có 20/180 Ủy viên chính thức bị kỷ luật, gần một nửa bị tống giam và nếu thật sự tôn trọng tiêu chí "sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật" thì hơn một nửa còn lại cũng phải vào tù.
Đáng lưu ý là trong số đó có bốn Ủy viên Bộ Chính trị (Phạm Bình Minh – Phó Thủ tướng Thường trực, Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước, Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Ban chấp hành trung ương, Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước). Nếu tin đồn là đúng, sắp có thêm Ủy viên thứ năm của Bộ Chính trị lãnh "búa" !
Nếu chịu khó quan sát thì chỉ từ cuối năm ngoái đến nay, các Ủy viên Bộ Chính trị liên tục bị "búa". Tháng 12/2022 là ông Phạm Bình Minh. Tháng sau (1/2023) là ông Nguyễn Xuân Phúc. Tháng 1/2024 tới lượt ông Trần Tuấn Anh. Tháng 3/2024 là ông Võ Văn Thưởng. Tháng này dường như sẽ là ông Vương Đình Huệ !
Vì lẽ gì mà những cá nhân vốn ở vị thế còn cao hơn những cá nhân được xưng tụng là "ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" liên tục bị "búa" ? Những người am tường chính trị Việt Nam bảo rằng nguyên nhân nằm ở các quy định về quy hoạch nhân sự.
***
Tháng 1/2020, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12 ban hành Quy định số 214-QĐ/TW nhằm định "khung" để xác lập "tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" thì chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã "tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên" [8].
Đến tháng 2/2022, Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 ban hành thêm Hướng dẫn 16-HD/BTCTW xác lập "một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ". Hướng dẫn này nhấn mạnh "quy hoạch chức danh cao hơn", đòi hỏi "chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm".
Theo hai văn bản vừa đề cập, những Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm đã bị "búa", nếu không bị "búa" đều đủ tư cách trở thành ứng viên cho năm vị trí cao nhất vì đáp ứng được tiêu chuẩn đã "tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên" và khi tiến hành quy hoạch nhân sự phải đặt họ vào vị trí cao hơn.
Loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị chính là loại trừ những đối thủ cạnh tranh các vị trí cao nhất : Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà việc loại bỏ các Ủy viên Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 diễn ra vài tháng sau khi Hướng dẫn 16-HD/BTCTW ra đời ! [9]
***
Trừ ông Phạm Bình Minh là nhân vật duy nhất không có tai tiếng nhưng bị loại bỏ khỏi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 và vị trí Phó Thủ tướng Thường trực vì liên đới về trách nhiệm đối với scandal "giải cứu", các Ủy viên Bộ Chính trị bị "búa" (Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng) đều thừa tai tiếng.
Tại sao ông Trần Tuấn Anh đã có thể nhẹ nhàng rũ bỏ toàn bộ trách nhiệm khi điều hành Bộ Công thương với hậu quả như đã biết để tiếp tục tham gia Ban chấp hành trung ương khóa 13 và nhảy tót vào Bộ Chính trị, thay đảng định hướng kinh tế quốc gia ông Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng từ lâu vì vợ con "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" song không chỉ vô sự mà còn được đặc miễn về tuổi tác để tiếp tục tham gia Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13, tham gia Bộ Chính trị và trở thành Chủ tịch nước ông Võ Văn Thưởng vẫn tiếp tục thăng tiến dù đã có rất nhiều tai tiếng khi làm Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau khi có Hướng dẫn 16-HD/BTCTW thì cả ba tuần tự bị xử lý do "liên đới trách nhiệm" với các sai phạm mà thiên hạ đã kháo nhau từ lâu ? Ngoài chuyện diệt trừ đối thủ chính trị, còn có cách nào khác để lý giải việc công an Việt Nam đột ngột xuống tay với Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn khiến ông Thưởng từ nhiệm bởi trót dây với Phúc Sơn 12 năm trước ?
Tương tự, trong mười năm qua Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An liên tục thắng các gói thầu từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn. Nnăm năm gần đây, doanh nghiệp này tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, chưa kể bốn gói thầu đang chờ kết quả, tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỉ nhưng vì sao công an Việt Nam không thấy, không nghe, không lên tiếng, không hành động ? Đột vào Thuận An, bắt Phạm Thái Hà còn lý do nào khác ngoài quy hoạch nhân sự Ban chấp hành trung ương đảng khóa 14 ?
Từ tháng 8 năm ngoái, các cơ quan trung ương và các địa phương bắt đầu tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành trung ương đảng khóa 14 (nhiệm kỳ 2026 – 2031). Thiên hạ bắt đầu dự đoán về nhân vật sẽ kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ được xem là sáng giá nhất và đột nhiên công an vào cuộc !
Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Tập Cận Bình tại Hà Nội, 12/12/2023. Ông Nguyễn Phú Trọng là người chủ trương phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai" nhưng đồng thời "đánh chuột đừng để vỡ bình".
Cách nay mười năm (tháng 10/2014), trong vai đại biểu Quốc hội, trả lời chất vấn của cử tri về phòng – chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đại ý :Chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó. Đây là công việc đòi hỏi sựkhôn ngoan, có con mắt chiến lược.Chống tham nhũng không phải là xớitung tấtcả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm. Đánh chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình, tức là phải giữ cho được sự ổn định[10].
Thực tế cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đã diễn ra đúng như thế. Tai tiếng không cản được sự thăng tiến của nhiều cá nhân. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn tiếp tục biến những cá nhân bị công chúng dè bỉu, chỉ trích, thậm chí kịch liệt thành các nhân vật "ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức" [11]. Chuyện một số nhân vật trong nhóm đột nhiên trở thành "chuột" vì những tì vết trong quá khứ chỉ chứng minh phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đúng là "phức tạp" !
"Bình" hay sự "ổn định chính trị", chính xác hơn là duy trì toàn trị cộng sản, tạo ra "chuột" rồi chọn chuột để "đánh". Vì lẽ gì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đột nhiên "đánh" hàng loạt "chuột", thậm chí không ít là "chuột" đầu đàn, tạo cảm giác "xới tung tất cả", không ngại "gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau" và đã cũng như đang "gây rối loạn" trong chính các hệ thống ? Dường như cách thức điều hành đảng đã kích thích tham vọng làm "chủ", kiểm soát toàn bộ "bình".
***
Ông Nguyễn Phú Trọng là người giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai" [12] nhưng ông cũng chính là người chủ trương "đánh chuột đừng để vỡ bình" và cam kết sẽ "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" khi điều hành công cuộc phòng chống tham nhũng[13]. Làm sao có thể giúp"quyết liệt, nghiêm minh" sánh duyên với "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" ? Ông Trọng là người duy nhất làm được chuyện vốn dĩ bất khả thi ấy !
Cứ xem lại diễn biến công cuộc phòng chống tham nhũng từ khi ông Trọng giữ vai trò Tổng bí thư ắt sẽ thấy, làm "chủ", kiểm soát toàn bộ "bình" đồng nghĩa với việc có quyền định đoạt, biến cá nhân nào trong nhóm "ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức" thành "chuột". Dẫu về nguyên tắc, đã cắn phá thì phải xử lý "quyết liệt, nghiêm minh" song nhờ sức sáng tạo của ông Trọng, việc đính kèm "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" giúp một số "chuột" chỉ bị phê bình, hay khiển trách hoặc cảnh cáo, một số "chuột" dù phải tự nguyện từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị hệ thống công quyền nhưng thoát trách nhiệm hình sự. Dường như sự "uyển chuyển" trong hướng dẫn sử dụng"quyết liệt, nghiêm minh" và "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" đã triệt tiêu khả năng phản kháng của "chuột" trong "bình".
Theo Khoản 1, Điều 17 trong Điều lệ hiện hành của Đảng cộng sản Việt Nam, một cá nhân không thể đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ [14]. Tuy nhiên không có đại biểu nào tham dự Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam thứ 13 "quyết liệt" phản đối việc giới thiệu ông Trọng tham gia Ban chấp hành trung ương (Ban chấp hành trung ương) khóa 13 để bảo vệ sự "nghiêm minh" của đảng. Việc ông Trọng thản nhiên "gánh vác" vai trò Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba vi phạm điều lệ của tổ chức chính trị do ông lãnh đạo trở thành điều "bình thường mới". Vì sao ? Có thể do không ai dám từ bỏ "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" của ông Trọng khi "hữu sự" ! Đó không phải lần đầu tiên các thành viên cốt cán của đảng bất chấp các quy định của chính họ, bất kể "kỷ cương", từ bỏ "quyết liệt, nghiêm minh" để thực thi "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" với ông Trọng.
Ông Trọng trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2011. Tuy Đảng cộng sản Việt Nam quy định hết sức chặt chẽ về tuổi trong quy hoạch nhân sự nhưng trước khi mãn nhiệm kỳ, Ban chấp hành trung ương khóa 11 (2016 – 2016) nhất trí xác định ông Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất thuộc "trường hợp đặc biệt" (tuổi tác quá quy định cần phải rời chính trường) sẽ tham gia Ban chấp hành trung ương khóa 12 (2016 – 2021) để làm Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa[15]. Tương tự, lúc chuẩn bị mãn nhiệm, Ban chấp hành trung ương khóa 12 lại tiếp tục xác định ông Trọng là "trường hợp đặc biệt" để tham gia Ban chấp hành trung ương khóa này (khóa 13) và làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba (2021 – 2026). Liệu ông Trọng có đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa chăng ? Không thể nói có vì tình trạng sức khỏe của ông không tốt, cũng chẳng thể nói không vì rõ ràng cần giữ cho đảng không "rối loạn" ! [16].
Nhìn một cách tổng quát, ông Trọng vừa "quyết liệt, nghiêm minh" trong công cuộc phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng, vừa "nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình" cả với chính ông. Thành ra dù liên tục là người phụ trách công tác tuyển chọn, sắp đặt nhân sự của Ban chấp hành trung ương đảng hai khóa 12 và 13, đồng thời còn là người đứng đầu nhưng ông hoàn toàn vô sự vì vô can trong việc các Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, các thành viên trong Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng cả hai khóa bị xử lý kỷ luật vì những sai phạm từ hồi nẩm ! Chuyện các thành viên Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng khóa này tự nguyện từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vì "nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân" không làm ông ngại, bởi đảng còn cần ông "nêu gương" ! Tấm gương này có không ít ảnh phản chiếu...
Một loạt quan chức, gồm Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Trương Minh Tuấn… bị phạt tù trong vụ AVG – Mobifone. Nhưng liệu Bộ Công an có vô can với các công văn số 4352/BCA-A81, 418/BCA-TCAN, và 2889/BCA-A61 ? Hình chụp trong phiên xử tháng 12/2019.
Trừ ông Phạm Bình Minh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực), lý do khiến các ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13), Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước), Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước) mất tất cả chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là đã giúp sức cho một số doanh nghiệp thu lợi bất chính. Ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch quốc hội) – nhân vật vừa nối gót ba ông vừa kể cũng cùng lý do. Tuy nhiên, nếu vô tình hay hữu ý, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp sức cho doanh nghiệp tư nhân thu lợi bất chính là nghiêm trọng tới mức phải xử lý thì ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an) vô sự là hết sức vô lý.
***
Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ này bị một số thành viên Mobifone tố cáo cả bằng đơn, thư gửi cho các cá nhân, cơ quan hữu trách lẫn bày ra trên Internet nhằm tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào bận tâm đến những tố cáo và cảnh báo ấy. Đầu năm 2016, thương vụ hoàn tất. Tố cáo vẫn không ngừng. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra chính phủ tiến hành thanh tra vụ nhận chuyển nhượng cổ phần này. Dù Tổng bí thư và Ban Chỉ đạo phòng - chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng Thanh tra chính phủ vẫn không công bố Kết luận thanh tra.
Thế rồi ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đột nhiên nhất trí hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Hai hôm sau – 14/3/2018 – Thanh tra chính phủ công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra vụ AVG chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone.
Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên, trong đó có Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an… đã cùng tham gia, để AVG nâng giá trị của doanh nghiệp này lên 7.000 tỉ nữa.
Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi Thanh tra chính phủ chính thức công bố kết luận được xem là có đạo diễn lành nghề giúp sức ! Nhờ sự chủ động từ bỏ khoản chênh lệch lên tới 7.000 tỉ trước khi Thanh tra chính phủ công bố Kết luận thanh tra hai ngày, tuy là chủ mưu nhưng ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù. Còn những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù !
Cần lưu ý là trong Kết luận thanh tra vụ Mobifone dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn giá trị thực 7.000 tỉ, Thanh tra chính phủ xác định, việc Bộ Công an phát hành ba văn bản : "Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định" [17]. Những công văn đó mở đường cho Mobifone mua AVG với giá cao bởi Bộ Công an cho là "hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị", nếu AVG muốn chuyển nhượng thì doanh nghiệp nhà nước phải nhận chứ không thể để AVG nhà đầu tư ngoại quốc nắm những cổ phần này.
Nếu chịu khó dành thời gian ngó qua ba công văn của Bộ Công an mà Thanh tra chính phủ đề cập, hiện có trên trang web của Tiếng Dân[18] tất sẽ nhận ra sự can dự của Thượng tướng Tô Lâm. Có công văn tính từ lúc Bộ Thông tin và truyền thông ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền ở Bộ Công an xem xét - chỉ đạo - soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu chỉ vỏn vẹn bốn ngày. Sự can dự được thể hiện ở chỗ, bất kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người đặt bút ký tên.
Không có ai, nơi nào dám dòm ngó, bình phẩm về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vì Thượng tướng Tô Lâm xếp nó vào loại "Mật", yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông "chỉ đạo hai doanh nghiệp không công khai, tuyên truyền sự việc, quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp".Đồng thời Thượng tướng Tô Lâm còn "đề nghị Bộ Thôngtin và truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp này" (Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015 – xếp loại "Tối mật").
Không phải tự nhiên mà trong Kết luận thanh tra, Thanh tra chính phủ kiến nghị :Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 03 văn bản tham gia ý kiến với Bộ Thông tin và truyền thông nêu tại điểm 6 Mục II. Khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị đảng xử lý kỷ luật vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này không xảy ra với Thượng tướng Tô Lâm dù lật lại vụ án Mobifone – AVG tự nhiên sẽ thấy, trách nhiệm của "đồng chí" tương đồng với các bị cáo.
***
Quy hoạch nhân sự đã nâng Thượng tướng Tô Lâm – Thứ trưởng Công an lên Đại tướng – Bộ trưởng Công an, đưa ông vào Bộ Chính trị. Các quy định về quy hoạch nhân sự hứa hẹn sẽ đưa những người ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ vươn tới đỉnh của quyền lực, ông Tô Lâm cũng thế và đột nhiên chỉ trong vòng hai tháng, hai trong số vài ứng cử viên cho vị trí Tổng bí thư phải từ nhiệm vì những "vi phạm, khuyết điểm" mà bản chất chẳng khác gì hành vi của ông Tô Lâm trong scandal Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Có bao giờ hành vi ấy trở thành "vi phạm, khuyết điểm". Không thể nói có cũng chẳng thể nói không vì sự "phức tạp" của quy hoạch nhân sự còn xa hơn nữa !
Ông Trương Tấn Sơn (người cầm hoa) được các lãnh đạo cao nhất của tỉnh Long An tiếp đón ngày 22 tháng 12, 2023. (Ảnh chụp màn hình báo Pháp Luật)
Hạ tuần tháng 12 năm ngoái – cách nay chừng bốn tháng – nhiều người ngạc nhiên khi biết ông Trương Tấn Sơn (lúc đó 39 tuổi), Ủy viên Thường vụ quận ủy Tân Bình, Phó Chủ tịch quận Tân Bình được điều động từ Thành phố Hồ Chí Minh về Long An để làm cán bộ của Tỉnh ủy Long An[19].
Nhiệm sở đầu tiên của ông Sơn (Kỹ sư Xây dựng – Địa chính) là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) – doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó lấy Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế, học Cao cấp Lý luận chính trị và thăng tiến rất nhanh. Đến khi ông trở thành Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist thì trong một "kỳ họp bất thường" diễn ra hồi tháng 3/2020, ông đột nhiên được Hội đồng nhân dân quận Tân Bình tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch quận cho phần còn lại của nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Đến nhiệm kỳ sau (2021 – 2025), ông Sơn tiếp tục được "tín nhiệm" để đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch quận và năm 2022 được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh "tín nhiệm" chọn làm Ủy viên Thường vụ Quận ủy Tân Bình cho phần còn lại của nhiệm kỳ 2020 – 2025. Không rõ vì lý do gì, ông Sơn lại được Long An "tín nhiệm" để mời về công tác tại Tỉnh ủy ?
"Sự nghiệp chính trị" của ông Sơn tuy khác thường (nhảy từ hoạt động kinh tế qua điều hành chính quyền, đảm nhiệm thêm công tác đảng, rồi trở thành cán bộ đảng chuyên nghiệp) và trong vài năm gần đây luôn là người được trám vào những vị trí bị khuyết giữa các nhiệm kỳ, "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" qua các cấp song lại hết sức bình thường. Nói theo kiểu cộng sản Việt Nam thì sự ngạc nhiên trước những dấu hiệu khác thường ấy là "lạc hậu", bởi việc thăng tiến như vậy hoàn toàn "đúng quy trình", kể cả nhảy từ quận ủy một quận thuộc đơn vị hành chính trực thuộc trung ương này vào tỉnh ủy của một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương khác.
Trung tuần tháng 2/2022, Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW để định hướng cho công tác quy hoạch cán bộ. Mục thứ 3 của văn bản này giải thích yêu cầu "thực hiện phương châm quy hoạch đóng và mở", theo đó : Quy hoạch "mở" được hiểu là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị[20]. Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW chính là dành cho những người như ông Sơn – quý tử của ông Trương Tấn Sang (cựu Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch nước).
***
Nếu chịu khó lướt qua các văn bản liên quan đến lựa chọn, sắp đặt nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam, tự nhiên sẽ thấy chúng được soạn thảo chỉ nhằm hỗ trợ một số cá nhân "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" đến đỉnh quyền lực. Làm gì còn chỗ cho hiền tài cống hiến trí lực, sức lực, có không gian thực thi "đổi mới công tác nhân sự" khi Nghị quyết số 26-NQ/TW (tháng 5/2018) xác định "đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược" phải được xây dựng theo hướng "cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới" và muốn lên cao hơn phải "có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" [21] ?
Với những quy định theo kiểu như thế, chẳng riêng thường dân, ngay cả cán bộ - đảng viên không phải "con ông, cháu cha", không thuộc phe nào, nhóm nào cũng chẳng có "cửa". Chỉ cần dành ra ít phút, ngẫm nghĩ một chút ắt sẽ nhận ra thâm ý của những đòi hỏi như chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên trong Quy định số 214-QĐ/TW của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12 ban hành hồi tháng 1/2020[22], hay "chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm" trong Hướng dẫn 16-HD/BTCTW...
Không phải tự nhiên mà hàng loạt Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13, trong đó có tới năm Ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng. Trận bão nhân sự này chỉ diễn ra sau khi sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng sa sút và khả năng ông không thể đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ tư trở thành hết sức rõ ràng. Việc soạn thảo, ban hành các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự nhằm hạn chế cạnh tranh quyền lực trong đảng trở thành nguyên nhân khiến triệt hạ để loại bỏ đối thủ chính trị trở nên tàn khốc hơn, bất chấp điều đó "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước" nghiêm trọng hơn cả sai phạm cụ thể của các đương sự.
Không chỉ có thế. Khi việc soạn thảo, ban hành các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự còn nhằm hồi sinh "con vua thì lại làm vua" như trường hợp ông Trương Tấn Sơn – quý tử của ông Trương Tấn Sang, trường hợp các ông Nguyễn Thanh Nghị[23], Nguyễn Minh Triết [24] – những quý tử của ông Nguyễn Tấn Dũng, đã mở đường cho các viên chức ở cấp thấp hơn thi đua thực hiện phong trào "cả họ làm quan" và dù vô lý thế nào, bất cập ra sao cũng vẫn "đúng quy trình". Trung ương bất chính, địa phương tắc loạn. Các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự chính là những bằng chứng sinh động minh họa cho bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa - công dân có nghĩa vụ làm thần dân đời đời, kiếp kiếp.
Sông dẫu đã cạn, núi dẫu đã mòn, kinh tế dẫu đã suy thoái đến mức khó tưởng, dân chúng lầm than nhưng quy hoạch nhân sự vẫn thế, không thay đổi. Xem cách hành xử của những viên chức hữu trách cao cấp nhất, dường như quốc kế, dân sinh chỉ là vấn đề thứ yếu, vấn đề chính yếu vẫn chỉ là làm sao giữ được ghế và tiếp tục leo lên vị trí cao nhất !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/04/2024
Chú thích
[1]https://baotiengdan.com/2024/04/25/vuong-dinh-hue-chinh-thuc-rut-lui-khoi-chinh-truong/
[2]https://tuoitre.vn/bat-ong-nguyen-duy-hung-chu-tich-tap-doan-thuan-an-20240412185924043.htm
[10] https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-diet-chuot-dung-de-vo-binh-200746.html
[15] https://tuoitre.vn/mot-truong-hop-dac-biet-la-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1043203.htm
[16] https://thanhnien.vn/10-truong-hop-dac-biet-trung-cu-ban-chap-hanh-tu-khoa-xiii-1851033967.htm