Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/05/2024

Cuộc chiến vào ngôi vị lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nóng lên…

Zachary Abuza

Cuộc chiến vào ngôi vị lãnh đạo Việt Nam nóng lên sau hàng loạt các vụ cách chức làm giảm số lượng đối thủ

ngoivi1

Bà Trương Thị Mai, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính - Minh họa của Amanda Weisbrod/RFA - AP, Wikicommons, Adobe Stock

Cuộc đua vào ngôi vị lãnh đạo ở Hà Nội đang bắt đầu diễn ra - hơn 18 tháng trước Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2026.

Theo quy định của Đảng, để đủ điều kiện trở thành Tổng Bí thứ Đảng cộng sản Việt Nam, ứng cử viên phải có đủ hai nhiệm kỳ là Ủy viên Bộ Chính trị. Với việc các ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng  và Vương Đình Huệ đều buộc phải từ chức kể từ thời điểm tháng 12/2022, hiện chỉ còn ba ứng cử viên đủ điều kiện cho vị trí cao nhất, đó là : Bà Trương Thị Mai, ông Phạm Minh Chính và ông Tô Lâm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở nhiệm kỳ thứ ba. Và trong khi ông có thể tự coi mình là người duy nhất có thể loại bỏ được nạn tham nhũng trong Đảng, tuổi tác và sức khỏe của ông lại là những trở ngại.

Ông bị một cú đột quỵ vào năm 2021, trước Đại hội 13. Tin đồn ông chết lan truyền vào tháng 1 năm nay. Mặc dù ông đã xuất hiện tại một phiên họp Quốc hội vài ngày sau đó nhưng nhà tư tưởng 80 tuổi này trông ốm yếu một cách rõ rệt.

Với việc Đảng cộng sản Việt Nam đã tổ chức hai phiên lập kế hoạch, một về văn kiện đại hội và một về nhân sự, thì việc xem xét ba ứng cử viên và đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của họ, bao gồm cả những trở ngại có thể khiến chỉ còn một người trụ lại là việc đáng làm.

Bà Mai - có năng lực và kinh nghiệm

Bà Trương Thị Mai đứng thứ ba trong Bộ Chính trị và sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được miễn nhiệm vào tuần trước, bà được dự đoán sẽ trở thành nữ chủ tịch của cơ quan lập pháp này. Bà là người phụ nữ có được vị trí bổ nhiệm cao nhất trong lịch sử Việt Nam và sở hữu nhiều kinh nghiệm làm việc trong các khắp các cơ quan Đảng và Quốc hội.

Bà Mai là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 2006 và được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra vào năm 2016.

Bà Mai có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân vận và đã kinh qua các vị trí lãnh đạo trong hai tổ chức của thanh niên trước khi được đề bạt làm Trưởng Ban Dân Vận Trung ương. Đối với một đảng ngày càng được cho là đã lỗi thời và mất tính chính danh đối với giới trẻ, công tác dân vận là một ưu tiên quan trọng.

Trong giai đoạn 2016-2021, bà Mai là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, cơ quan lãnh đạo và đại diện cho Quốc hội khi Quốc hội không trong kỳ họp.

ngoivi2

Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai, áo đỏ, đứng trên bục phát biểu tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh : Hoàng Đình Nam/ AP

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, bà Mai giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương – cơ quan được cho là phụ trách công tác nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong bất cứ hệ thống cộng sản nào, người giữ danh sách nhân sự là một vị trí quan trọng chịu trách nhiệm cho tất cả các bổ nhiệm từ mức trung đến cao cấp.

Bà được đề bạt làm Thường trực Ban Bí thư - cơ quan phụ trách các công việc hàng ngày của Đảng cộng sản Việt Nam - vào tháng 3/2023.

Nữ lãnh đạo 66 tuổi được cho là có năng lực và kinh nghiệm sâu rộng nhất trong số ba ứng cử viên nói trên [cho chức Tổng bí thư]. Nhưng bà lại là một phụ nữ trong chính trường Việt Nam – một địa hạt mà đàn ông vốn thống trị. Bên cạnh đó, bà còn là người Quảng Bình, một tỉnh ở miền Trung, trong khi từ trước đến nay Đảng cộng sản Việt Nam chỉ chọn người miền Bắc làm Tổng bí thư.

Bà Mai tương đối trong sạch. Mặc dù gia đình bà có các các cổ phần trong lĩnh vực y tế, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được công bố công khai.

Dành phần lớn thời gian nắm giữ các vị trí trong Đảng, bà Mai ít gặp gỡ tiếp xúc với các nhà lãnh đạo phương Tây mặc dù bà ngồi ngay bên phải ông Trọng trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 năm ngoái. Bà Mai cũng đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và những người đồng cấp của bà tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2023.

Ông Chính – gặp gỡ, đi lại nhiều

Thủ tướng Phạm Minh Chính, xếp ở vị trí thứ hai (trong Bộ Chính trị), là người được biết đến nhiều nhất trong các lãnh đạo cấp cao, thường xuyên gặp gỡ với các quan chức và doanh nhân nước ngoài.

Trước khi tham gia chính trị, ông Chính đã có một thời gian dài làm việc trong ngành công an. Từ năm 2006-2009, ông là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an, sau đó, làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần và Công nghệ trong một thời gian ngắn. Từ năm 2010 đến năm 2011, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ này.

Ông Chính xuất thân từ Thanh Hóa – một tỉnh Bắc Trung bộ. Ông giữ chức Bí thư Tỉnh Quảng Ninh từ năm 2011-2015. Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ 12 diễn ra vào năm 2016 và đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, ông Chính được bầu làm Thủ tướng cho dù không có kinh nghiệm quản lý kinh tế ở tầm quốc gia cũng không từng kinh qua chức vụ Phó Thủ tướng. Chính phủ của ông đã bị chỉ trích vì không có những đối phó hiệu quả trong thời kỳ xuất hiện những biến thể Covid-19 mới cũng như trong điều hành mua vắc-xin.

ngoivi3

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu trong lễ ký kết thương mại tại Quốc hội New Zealand ở Wellington. Ảnh chụp ngày 11/3/2024. Nguồn ảnh : Marty Melville/AFP

Ông Chính, 65 tuổi, dính líu với các vụ bê bối liên quan tới Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC Group) và Giám đốc điều hành Nguyễn Thị Thanh Nhàn . AIC là một công ty thương mại tổng hợp, nổi lên chủ yếu là nhờ có gắn kết với những đợt thăng cấp của ông Chính.

Bà Nhàn từ lâu đã được đồn là tình nhân của ông Chính. Bà đã bị kết án vắng mặt  vào tháng 1/2023 và lãnh án 30 năm tù giam. Vào tháng 10/2023, bà lại nhận bản án 10 năm trong phiên tòa thứ hai về gian lận trong đấu thầu và vụ việc lần này xảy ra chính ở tỉnh Quảng Ninh. Bênh cạnh đó, việc hai lãnh đạo cấp cao khác của tỉnh Quảng Ninh đã bị bắt vào cuối năm 2023 – động thái được xem là một cố gắng gây áp lực tiếp theo đối với ông Chính.

Ông Chính được cho hay là đã nộp bản tự phê bình lên Bộ Chính trị. Việc này và thực tế là không có người thay thế rõ ràng, có thể đã cứu ông. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã bị kỷ luật vì một vụ gian lận đấu thầu liên quan đến AIC. Mỗi vụ việc của công ty AIC đều có thể mang tai họa đến cho ông Chính vào bất cứ lúc nào.

Mặc dù dưới sự lãnh đạo của ông Chính, kinh tế Việt Nam đã có được một giai đoạn tăng trưởng nhưng vẫn tiếp tục không đạt được các mục tiêu đề ra. Việt Nam có được đầu tư nước ngoài nhưng Chính phủ đã thất bại trong việc thúc đẩy các hoạt động cải cách quan trọng đồng thời phải đối mặt với không ít vấn đề  - từ khủng hoảng ngân hàng cho tới bong bóng bất động sản, thiếu điện, đóng băng/đình trệ trong chi tiêu công...Những vấn đề này đều chưa được giải quyết dưới thời ông.

Mặc dù ông có những hạn chế trong công tác quản trị và quản lý kinh tế nhưng vị trí Tổng bí thư không có chức năng điều hành. Ông Chính có thể được xem là một ứng cử viên thỏa hiệp – đây vốn là điểm mạnh lớn nhất của ông.

Ông công an Tô Lâm

Ông Tô Lâm là một công an chuyên nghiệp, tham gia ngành cảnh sát từ khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 1979. Ông là người miền Bắc, quê ở tỉnh Hưng Yên.

Ông đi lên qua các cấp bậc và trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội 11 - năm ông trở thành Thứ trưởng. Với cấp bậc Đại tướng, ông Lâm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an từ khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội 12 vào năm 2016. Ông được xếp thứ tư [trong bộ Chính trị].

ngoivi4

Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm trước cuộc họp tại Hà Nội trong ngày 30/10/2020. Nguồn ảnh : Hoàng Thống Nhất/TTXVN/AP

Trong bối cảnh toàn bộ sự nghiệp của ông được gây dựng tại Bộ Công an đầy bí hiểm, có rất nhiều điều mà người bên ngoài không biết về ông cho dù hầu hết các chức vụ ông kinh qua đều nằm trong Tổng cục An ninh – cơ quan lớn nhất của Bộ Công an.

Năm 2016, người tiền nhiệm của ông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bổ nhiệm ông đứng đầu ban chỉ đạo chống tham nhũng và ban chỉ đạo các vấn đề Tây Nguyên – một khu vực tiếp tục có những bất ổn từ phía cộng đồng người Thượng thiểu số. Đây là hai trong số những vấn đề nhạy cảm nhất đối với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông Tô Lâm gần như đã bị hạ bệ bởi chính vụ bê bối của mình. Trong chuyến đi London (Anh) vào tháng 11/2021, sau khi đặt vòng hoa tại mộ Karl Marx, ông đã bị quay phim khi đang ăn miếng bít-tết dát vàng trị giá 2.000 USD  tại nhà hàng của đầu bếp nổi tiếng Salt Bae và video clip này đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng. Ông đã lần theo những người công khai móc máy ông để trả thù.

Ông Tô Lâm giữ được vị trí của mình nhưng nhận ra rằng cách phòng thủ tốt nhất đối với ông là tiếp tục tấn công.

Ông làm theo chiến dịch "Đốt lò" chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và trong quá trình này ông đã vũ khí hóa các cuộc điều tra chống tham nhũng để hạ bệ các đối thủ chính trị của mình.

Hai nhà kỹ trị có năng lực, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh  đã ngã ngựa vào cuối năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị bật bãi vào tháng 2/2023 và các ủy viên Bộ Chính trị Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ đều bị sa thải trong năm nay.

Ông Tô Lâm không trong sạch hơn các chính trị gia khác. Giống như các chính trị gia khác, gia đình ông có những lợi ích tập đoàn kinh doanh to lớn xuất phát từ vị trí và quyền lực của ông. Cho đến nay, thông tin về những vấn đề này chưa được công bố công khai.

Trong khi là người bảo vệ Đảng cộng sản, ông Tô Lâm không phải là một nhà tư tưởng. Các nhà ngoại giao và doanh nhân phương Tây đã từng gặp ông mô tả ông là người thực dụng.

Mặc dù vậy, ông đã lãnh đạo chiến dịch chống lại những người bất đồng chính kiến, đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, thắt chặt kiểm soát internet và lên kế hoạch bắt cóc một quan chức điều hành doanh nghiệp nhà nước bỏ trốn sang Đức.

Ở nhiều phương diện, ông Tô Lâm là ứng cử viên ít phù hợp nhất nhưng lại đảm bảo nhất. Ông hiện có cái mà tất cả các đối thủ của ông không có, đó là quyền lực điều tra rộng khắp của Bộ Công an – thứ mà ông sử dụng rất nhanh chóng và hiệu quả vì ông có chiến lược trở thành người cuối cùng trụ lại.

Hệ thống chính trị của Việt Nam là một hệ thống tuyển cử trong đó những cơ quan cấp cao hơn lựa chọn cấp dưới, cho họ kinh nghiệm qua các vị trí trong Đảng, Nhà nước và địa phương.

Sự trung thành với Đảng là phẩm chất quan trọng nhất. Bộ Chính trị luôn là một sự pha trộn tinh vi của các lợi ích mang tính cạnh tranh, đối chọi trong đó các yếu tố đối chọi giữa đảng với nhà nước, vùng miền và phe phái. Có thêm yêu cầu phải có kinh nghiệm hai nhiệm kỳ (trong Bộ Chính trị) của Đảng cộng sản Việt Nam, nguồn ứng viên chính trị, vì thế, vừa nông vừa ít ỏi.

Điều này có quan trọng ? Tổng bí thư không có chức năng điều hành. Khác với Trung Quốc, vị trí Chủ tịch nước và Tổng bí thư ở Việt Nam là khác biệt nên ngoại giao không phải là chức năng cốt lõi của người đứng đầu Đảng.

Nhưng Tổng bí thư là "người đứng đầu trong các đồng chí - primus inter pares", đưa ra đường lối của Đảng và có quyền lớn trong việc triệu tập và đưa ra chương trình nghị sự. Các mối quan tâm của Tổng bí thư, chẳng hạn như chiến dịch "Đốt lò" trở thành ưu tiên của Đảng. Nhân sự và chính sách của Chính phủ phải tuân theo chỉ đạo của Đảng.

Mặc dù ông Tô Lâm hiện là ứng cử viên hàng đầu cho việc kế nhiệm ông Trọng, Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam gồm 180 người sẽ có tiếng nói quyết định. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã từng bác bỏ các quyết định nhân sự của Bộ Chính trị trong quá khứ và họ có thể thay đổi hoặc từ bỏ các quy định của Đảng để cho phép người chỉ một nhiệm kỳ kinh nghiệm trong Bộ Chính trị làm Tổng bí thư.

Và trong bối cảnh tiềm năng có thể có bế tắc, chúng ta không thể loại trừ khả năng ông Trọng sẽ đưa mình vào vị trí ứng cử viên thỏa hiệp. Rốt cuộc, nếu việc kế nhiệm gây chia rẽ đến vậy thì cần gì phải có người kế nhiệm ?

Zachary Abuza

Nguồn : RFA, 02/05/2024

Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Zachary Abuza
Read 323 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)