Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2017

Ngành Sư phạm đang đi vào ngõ cụt ?

Hòa Ái

Mức điểm chuẩn tuyển sinh của một số trường cao đẳng sư phạm năm 2017 hạ xuống rất thấp, làm dấy lên mối lo ngại rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục của Việt Nam trong tương lai. Nguyên nhân và hậu quả của vấn đề vừa nêu như thế nào ?

supham1

Ảnh minh họa : Một giờ học tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội hôm 26/04/2010. Photo : RFA

Tuyển sinh tràn lan

Mùa tuyển sinh đại học năm 2017 thu hút sự quan tâm của dư luận với kết quả điểm trúng tuyển được công bố cao ngất ngưởng, như 30, 5 điểm vào Học viện An ninh Nhân dân, nhưng càng gây bất ngờ lẫn hoang mang khi một giáo viên tương lai chỉ cần đáp ứng đủ 9 điểm đầu vào cho 3 môn thi.

Đại diện của một trong số các trường cao đẳng sư phạm công bố điểm trúng tuyển ở mức 9 điểm cho 3 môn, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư Phạm Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Tuyến, vào sáng ngày 9 tháng 8, cho Báo mạng Zing.vn biết lý do tuyển sinh đầu vào với tiêu chuẩn thấp như thế là vì tạo cơ hội cho học sinh đến nhập học theo nguyện vọng 2 và 3 cũng như những học sinh bị loại khỏi các khoa có điểm chuẩn cao và giúp cho học sinh có khả năng nhưng "sơ suất" bị điểm kém trong thi cử.

Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư Phạm Bắc Ninh còn cho biết nhà trường cũng lấy điểm trúng tuyển thấp tương tự từ năm 2016, là thời điểm Bộ Giáo Dục-Đào Tạo không còn đưa ra quy định mức điểm sàn cao đẳng và trong bối cảnh khó khăn chung của các trường sư phạm, không được xếp vào danh sách nghề nghiệp chọn lựa hàng đầu của sinh viên.

Theo truyền thống của người Việt Nam, nghề dạy học được xem là một trong những nghề cao quý. Tuy nhiên, sinh viên không muốn trở thành những "kỹ sư tâm hồn" vì tỉ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp rất cao, trung bình trong hai năm vừa qua, có đến 4000 sinh viên ra trường mỗi năm không có việc làm. Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên, được tổ chức hồi tháng 6 năm 2016, cũng đưa ra số liệu đến năm 2020 Việt Nam dự kiến sẽ dư thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp.

Giải thích về hậu quả của vấn đề dư thừa như thế, các giáo viên và những nhà quản lý giáo dục cho rằng nguyên nhân là do sự bất cập trong việc tuyển sinh tràn lan, đào tạo quá nhu cầu sử dụng. Nhà giáo Phạm Toàn, từ Hà Nội nói với RFA các trường hạ điểm chuẩn đầu vào thấp xuống để đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh, theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn hoạt động do Bộ Giáo Dục-Đào Tạo đề ra. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một giáo viên thâm niêm luôn đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục, chia sẻ quan điểm của ông là giải pháp cho thực trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm thì giống như một mạng nhện có nhiều mắt lưới mà càng gỡ thì càng rối. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định :

"Thời gian vừa rồi đào tạo nhiều như thế thì làm sao giải quyết được ? Nếu có cho tôi là bộ trưởng giáo dục đi chăng nữa thì tôi cũng không thể giải quyết nỗi vấn đề việc làm cho các thầy cô giáo trẻ mới bước vào ngành. Không có cách nào giải quyết được. Không cách nào đổi mới. Thôi thì chấp nhận hiện tại và cất tấm bằng lại, coi như là một thất bại trong việc chọn nghề, trừ những con ông cháu cha xin xỏ được. Rất nhiều chuyện tiêu cực trong ngành mà nói ra thì không thể nào giải quyết được".

Đồng quan điểm với thầy giáo Đỗ Việt Khoa, một số giáo viên giảng dạy lâu năm mà chúng tôi tiếp xúc cho biết rất thông hiểu cho hoàn cảnh của hầu hết các sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp phải tốn công, tốn sức và nhiều người phải chạy vại hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu để có được công việc với mức lương vài ba triệu đồng/một tháng. Và điều mà các giáo viên thâm niên nhấn mạnh rất đau lòng khi nhìn thấy không ít giáo viên trẻ tuổi có tâm huyết với nghề, nhưng đành phải xếp xó tấm bằng sư phạm và trở thành công nhân, lao động tay chân trong nhà máy, cơ xưởng…

supham2

Học sinh, sinh viên tại Hà Nội tìm hiểu thông tin du học, ảnh chụp hôm 4/10/2016. Photo : AFP

Giải quyết hậu quả ra sao ?

Trước đây giới sinh viên thường truyền khẩu cùng nhau "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", nhưng giờ đây dẫu rằng có "chạy cùng sào" cũng không muốn học ngành sư phạm. Nhất là thời gian gần đây, Bộ trưởng Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ đưa ra đề án thử nghiệm bỏ biên chế giáo viên khiến cho nhiều bạn trẻ đánh đồng nghề dạy học sẽ không ổn định. Và khi sinh viên quay lưng với ngành sư phạm thì dù các cơ sở đào tạo, bao gồm trường đại học và cao đẳng sử dụng cách thức lấy điểm chuẩn ở mức thấp cũng không thu hút được đầu vào.

Mặc dù vậy, cách thức tuyển sinh này bị giới chuyên môn phản đối là "không thể chấp nhận được" và gây nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục. Báo mạng Zing.vn dẫn lời của Phó Giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận định về việc lấy mức trúng tuyển 9 điểm cho 3 môn để vào ngành sư phạm là nguy hại và là nỗi lo cho thế hệ tương lai vì sẽ đào tạo ra những giáo viên không đủ chất lượng. Phó Giáo sư Văn Như Cương còn cho rằng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Việt Nam thì việc đầu tiên là thay đổi giáo viên.

Thế nhưng, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy trong và ngoài nước cũng như tiếp cận với nhiều nền giáo dục của thế giới hàng chục năm, lại quả quyết :

"Nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ là lạc hậu mà còn là lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa, nhưng đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được".

Một trong những lụy nghiêm trọng nhất mà Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng đề cập đó là ngành sư phạm đang đi vào ngõ cụt và viễn ảnh giáo dục của Việt Nam được so sánh như một bức màn đen mà không tia sáng nào lọt qua được, nếu như giới lãnh đạo giáo dục cấp thượng tầng không bao giờ nhận thức họ đang bị lạc đường.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong mùa tuyển sinh năm 2017, mặc dù đa số các trường đại học và cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn rất thấp, khoảng từ 9 đến 15, 5 điểm để thu hút đầu vào nhưng một số trường cho biết đến ngày 9 tháng 8 chỉ có số ít sinh viên đăng ký nhập học. Trong khi đó, một điểm sáng đối với ngành sư phạm khi hai trường Đại học Sự phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn trúng tuyển lần lượt là 27,5 và 26,5 điểm.

Tuy nhiên, mùa khai trường năm học mới 2017-2018 chưa đến, nhưng rất nhiều giáo viên khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam âu lo trước thông tin có đến 51 giáo viên thuộc các trường tiểu học và trung học cơ sở ở huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên nhận thông báo bị cắt hợp đồng làm việc.

 

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 10/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)