Vụ Trịnh Xuân Thanh lý ra đã không làm cho quan hệ ngoại giao Đức-Việt lâm vào cảnh khủng hoảng thậm tệ như vậy.
Nhà báo Huy Đức - ảnh facebook
Việt Nam như người đang lún vào một bãi lầy, càng vùng vẫy thì càng lún. Mọi biện luận của nhà báo, dư luận viên… mọi hành vi chống chế của Việt Nam (trong vụ này) đã trở thành những việc "chống lại quyền lợi của Việt Nam", không chỉ tại Đức, mà còn ở tất cả các nước trong khối Châu Âu.
Nguyên nhân chỉ vì "một nhà báo" Việt Nam.
Ông Huy Đức, đã (vô tình hay có hậu ý ?) tiết lộ tin tức quá sớm. Bộ Công An (không kịp bịt miệng ông Huy Đức ?) sau đó phải ra thông báo Trịnh Xuân Thanh đã về "đầu thú". Hình ảnh, clip video Trịnh Xuân Thanh "thú tội, xin lỗi" loan truyền nhanh chóng trên mạng internet.
Dĩ nhiên phía Đức chỉ chờ có bấy nhiêu để "phản pháo". Bằng chứng rõ ràng : Trịnh Xuân Thanh đang ở trong tay công an Việt Nam. Đức ra thông cáo đòi người. Việt Nam làm thinh câu giờ. Nhưng càng ngày Đức càng "xiết bù long", theo trình tự pháp lý, Việt Nam không trả coi bộ "không xong".
Phải chi Việt Nam (khôn khéo như Trung Quốc) trên dưới thủ khẩu như bình. Cho tới ngày đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa phân xử. "Dây mơ rể má", từ ông X cho tới "những chiếc giỏ xe chở đầy cô Ba" rồi cũng "lộ" ra. Với những bằng chứng "ăn của dân, của đất nước, không từ một thứ gì" tất cả vô lò, củi ướt củi khô đều cháy hết.
Lúc đó chính quyền Đức lên tiếng đòi người cũng không sao. Trả Trịnh Xuân Thanh về thì Đức tốn thêm cơm gạo chớ có ích lợi gì ?
Từ lâu tôi có viết cảnh báo cái cách viết (giỡn nhột với pháp luật) của ông Huy Đức, vụ Đinh La Thăng là thí dụ.
Nội dung đại khái tôi viết rằng :
"Cái cách nhà báo Huy Đức "đốn hạ" ông Đinh La Thăng cho ta cảm tưởng rằng cái gọi là "diệt trừ tham nhũng" của ông Trọng thực tế chỉ là việc tranh giành quyền lực, thanh toán nội bộ trong đảng...
Tham nhũng ở các nước chỉ có thể tiễu trừ bằng pháp luật quốc gia.
Bằng luật pháp quốc gia, các cơ quan hữu trách điều tra người tình nghi tội phạm, thu thập tài liệu, bằng chứng, đúc kết hồ sơ… sau đó truy tố can phạm ra tòa. Mọi hồ sơ điều tra liên quan (các vụ án mang tầm cỡ quốc gia) phải được xếp vài loại "bí mật nhà nước".
Ông Huy Đức khi công bố những tin tức gọi là "bí mật nhà nước", sẽ là một tội phạm hình sự, nếu việc công bố không thông qua các thủ tục được qui định bằng pháp luật.
Ông Trọng muốn sử dụng "quyền lực thứ tư" để khơi động và chuẩn bị dư luận quần chúng. Vì không thông qua một trình tự hợp lý và hợp pháp, "quyền lực thứ tư" thể hiện qua ngòi bút của Huy Đức trở thành "quyền lực đen".
Trong một status khác tôi có phê bình rằng nhà báo Huy Đức rất ít biết về pháp luật, nhưng lúc nào cũng thích nói về "pháp quyền".
(Pháp quyền ở đây lấy từ "nhà nước pháp quyền - état de droit", vốn là một khái niệm về pháp luật. Vì vậy không thể tách rời "pháp quyền" ra khỏi "nhà nước". Tách ra thì "pháp quyền" có nghĩa là "pháp luật - droit", chớ không còn ý nghĩa của "etat de droit").
Người biết luật lệ thì làm việc gì cũng phải "theo luật lệ mà làm". Mà nguyên tắc là không công dân nào có thể vịn vào việc "không biết luật" để biện hộ cho việc phạm luật.
Vụ thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt, nhà báo Huy Đức đã phạm luật, tội "tiết lộ bí mật nhà nước", giống y như trường hợp Đinh La Thăng (hay vụ Trầm Bê).
Việc phạm luật cá nhân không nói làm chi. Nhưng rõ ràng việc này đã đưa cả hệ thống ngoại giao Việt Nam vào tư thế hết sức "phiền toái" với các nước Châu Âu.
Huy Đức lại còn viết bài nhắc đến ông Bắc Hà. Liền sau đó chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" hơn hai tỉ đô la.
Không biết tin tức của ông Huy Đức chính xác tới độ nào. Việc này gây xáo trộn nền kinh tế, thì trách nhiệm cũng không nhỏ.
Vụ Trịnh Xuân Thanh Việt Nam sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn. Không chỉ về ngoại giao, mà còn về an ninh, chính trị. Các mạng "gián điệp" của Việt Nam ở Châu Âu sẽ bị "gỡ" ra hết. Những "điệp viên", về an ninh, văn hóa hay chính trị… cũng bị "bóc mẽ", có nguy cơ trục xuất về Việt Nam. Viện trợ của Đức có thể "đông lạnh", hay sẽ dành cho mục đích khác, như trợ giúp những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Công ước về thương mãi giữa Việt Nam và các nước Châu Âu nói chung, và Đức nói riêng, có thể đình chỉ "vô thời hạn".
Trong khi tai tiếng Việt Nam "không tôn trọng luật lệ quốc tế" sẽ ảnh hưởng dài lâu đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Việt Nam khó có thể dựa vào "luật quốc tế" để bảo vệ quyền lợi của mình. Những toan tính kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế vì vậy cũng có thể bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo Việt Nam hiện nay như người bị "hóc xương", thật là khó chịu.
Trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì không xong. Cả chương trình "củi khô củi ướt" của ông Trọng coi như "lò nóng gặp mưa dầm". Không còn đốt được cái gì.
Mà không trả thì không được.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 11/08/2017