Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/07/2024

Chia chác quyền lực trong Đảng cộng sản vẫn chưa ngã ngũ

Alexander L Vuving, Carl Thayer

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng

Alexander L Vuving, Carl Thayer, BBC, 09/07/2024

Sáng 9/7, vị tổng bí thư 80 tuổi đã không xuất hiện trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Quy định số 144. Trước đó, ông cũng vắng mặt ở hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 8/7 và hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7.

npt1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa 15, khai mạc vào 15/1, giữa tin đồn về sức khỏe sau hai tuần vắng bóng

Ngày 24/6, ông Trọng ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng ông cũng không dự lễ ra mắt sách này.

Lần xuất hiện gần đây nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước công chúng là trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội vào 20/6, đến nay đã gần hai tuần.

Vắng mặt bất thường

Ngày 8/7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá về công tác sáu tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm 2024.

Hội nghị lần này có sự tham dự của nhiều ủy viên Bộ Chính trị gồm : Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai đều là ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là phó bí thư thì chủ trì, điều hành hội nghị.

Một số ủy viên Bộ Chính trị khác không thuộc Quân ủy Trung ương nhưng cũng tham dự, gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú ; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Theo một nhà quan sát, việc những ủy viên Bộ Chính trị này tham dự là vì hội nghị lần này có chuyên đề giới thiệu nhân sự cho Đại hội 14.

Với sự tham dự của nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt như vậy nhưng nhân vật quan trọng nhất, bí thư Quân ủy Trung ương, là ông Nguyễn Phú Trọng lại vắng mặt.

Báo chí Điện tử Chính phủ viết về sự việc này như như sau :

"Vì điều kiện không thể về dự Hội nghị trực tiếp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương gửi nội dung phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số nội dung quan trọng để Hội nghị Quân ủy Trung ương tham khảo trong quá trình thảo luận".

Tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7, ông Trọng là thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhưng cũng không đến dự. Ông cũng đã gửi nội dung phát biểu dài hơn 4.000  từ đến cuộc họp này vì "không thể dự trực tiếp". Ông Trọng là tổng bí thư đầu tiên có mặt trong Đảng ủy Công an Trung ương.

Báo chí, truyền thông trong nước đưa tin về sự vắng bóng bất thường của ông Trọng chỉ bằng những câu từ khá mơ hồ như "điều kiện không thể về dự" và "không thể dự trực tiếp" chứ không nêu lý do cụ thể.

Điều này dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người đứng đầu Đảng.

npt2

Lần gần nhất Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trước công chúng là khi Tổng thống Putin đến thăm Hà Nội vào 20/6/2024

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và đầy kịch tính đang diễn ra giữa các đồng chí trước Đại hội 14, sức khỏe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính trị Việt Nam.

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye từng nhận định với BBC rằng, việc bà Trương Thị Mai từ chức bó hẹp lựa chọn người kế vị  cho vị trí đứng đầu Đảng.

Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng : ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo Giáo sư Vuving, việc chỉ còn hai người kế nhiệm sẽ nâng cao khả năng ông Trọng giữ ghế, làm tiếp một nhiệm kỳ thứ tư vô tiền khoáng hậu.

Thế nhưng, nếu sức khỏe ông Trọng không đảm bảo thì chuyện kế vị ông Trọng sẽ được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), nhận định với BBC News Tiếng Việt mới đây rằng Bộ Chính trị khóa 14 sắp tới sẽ có nhiều gương mặt mới so với thông thường và có khả năng "sẽ có một tổng bí thư mới".

Sức khỏe tổng bí thư

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944 và đã đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản từ năm 2011, liên tục trong ba nhiệm kỳ và điều này là đã trái với Điều lệ Đảng.

Đầu năm nay, ông Trọng đã vắng bóng trong hai tuần liền và bỏ lỡ một số sự kiện ngoại giao quan trọng. Thời điểm đó đã nảy sinh đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông.

Hãng tin Bloomberg ngày 12/1 đã dẫn lời hai quan chức giấu tên của Việt Nam nắm vấn đề về sức khỏe của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết ông Trọng, 79 tuổi, đã nhập viện.

Tới ngày 15/1, ông Trọng xuất hiện trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội khóa 15.

Một số video về cuộc họp Quốc hội quay cận cảnh vị tổng bí thư cho thấy ông đi lại khó khăn. Cụ thể, khi đứng lên chào các đại biểu, ông Trọng phải bấu ghì vào bàn và đồng thời được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngồi cạnh đỡ lên thì mới đứng dậy được.

Sau cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 vào ngày 13/3, ông Trọng tiếp tục vắng mặt nhiều ngày hồi tháng 4 và 5, kể cả trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Tô Lâm  và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Trong tháng sáu, ông xuất hiện tại hai sự kiện : cuộc họp lãnh đạo chủ chốt vào chiều 12/6 và đón Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/6, rồi sau đó vắng mặt.

npt3

Video trên trang Thanh Niên online có đoạn ông Trọng đứng lên chào đã phải bấu vào bàn và được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đỡ dậy

Sức khỏe của ông Trọng đã nhiều lần trở thành tâm điểm của dư luận.

Vào ngày 14/4/2019, ông Trọng - khi đó là Tổng bí thư, Chủ tịch nước - được cho là bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang. Sau 10 ngày từ khi có tin đồn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới lên tiếng : "Cường độ làm việc cao đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng".

Về phần mình, có đôi lần Tổng bí thư Trọng nói ông không khỏe lắm.

Khi tái đắc cử nhiệm kỳ ba của tổng bí thư "vô tiền khoáng hậu" vào tháng 2/2021, ông Trọng nói trong cuộc họp báo sau khi bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 13 rằng: "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành".

Tháng 10/2019, ông Trọng chia sẻ với các cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 là "năm nay 75 rồi, cũng đang là bệnh nhân".

Hồi năm 2018, khi kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, ông Trọng nói :

"Trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp ; điều đó cũng không có gì lạ trong khi năng lực, hạn chế của tôi là rất rõ mà tuổi tác lại lớn rồi".

Chuyện Việt Nam không công bố tình trạng sức khỏe của ông Trọng là theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Điều đáng chú ý là thông tin về sức khỏe lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam không nằm trong một mục "bí mật nhà nước" riêng, mà được xếp chung với vi sinh vật và dược liệu quý hiếm.

Như vậy, nếu đúng vì lý do sức khỏe mà ông Trọng không thể tham dự các sự kiện quan trọng gần đây thì cách báo chí đưa tin chung chung, không rõ ràng có thể là đang chấp hành bảo vệ bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, trong nền chính trị Việt Nam, dù có luật trên hay không, thường là bộ máy chỉ tiết lộ thông tin về sức khỏe lãnh đạo sau một thời gian dài, khi công chúng cơ bản đã biết qua các kênh không chính thức.

Chẳng hạn, chỉ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào tháng 9/2018 giới chức y tế mới cho biết ông từng sang Nhật Bản điều trị.

Nguồn : BBC, 09/07/2024

******************************

Hội nghị Trung ương Đảng 10 : Bàn về nhân sự Đại hội 14, có gì chú ý ?

Carl Thayer, BBC, 09/07/2024

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 dự kiến diễn ra vào tháng 10 sẽ bàn phương hướng công tác nhân sự cho Đại hội 14.

npt4

Tứ Trụ" Việt Nam hiện tại, từ trái qua : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Công tác nhân sự từ trước đến nay luôn được ông Trọng nhấn mạnh là nhiệm vụ "then chốt của then chốt" và "liên quan đến vận mệnh của Đảng và tiền đồ phát triển của đất nước".

Thế nhưng, Bộ Chính trị khóa 13 - nhóm những nhân vật quyền lực nhất trong hệ thống Đảng Cộng sản - đến nay đã có tới bảy người "xin thôi" vì mắc khuyết điểm.

Điều này đã đặt ra những nghi vấn về công tác nhân sự do vị tổng bí thư dẫn dắt.

Giáo sư Carl Thayer bình luận với BBC vào ngày 6/7 :

"Việc mất bảy ủy viên Bộ Chính trị là dấu hiệu cho thấy ưu tiên xây dựng đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sụt giảm bởi chiến dịch chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong Đảng.

"Ba nhiệm kỳ tổng bí thư của ông, quá trình lựa chọn nhằm xác định và chọn lọc các lãnh đạo 'hồng, chuyên và sạch' đã thất bại".

Tình trạng nhân sự cấp cao

Công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù là vấn đề liên quan đến lợi ích công, có tính chất quan trọng đối với vận mệnh đất nước, vẫn luôn được giữ bí mật. Điều này đã được luật hóa.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị khóa 13 đã chứng kiến biến động dữ dội về nhân sự khi có tới bảy nhân vật từng được chính Đảng Cộng sản chọn lọc kỹ và đánh giá là vừa có đức, vừa có tài nhưng đã phải rời sân khấu chính trị vì mắc khuyết điểm. Ba trong số đó nằm trong nhóm năm lãnh đạo cấp cao nhất.

Có thể nói, chưa từng có khóa nào mà các ủy viên Bộ Chính trị lại rời ghế liên quan đến các vấn đề kỷ luật khi chưa hoàn thành trọn nhiệm kỳ nhiều như khóa 13 này.

Đặc biệt trong năm 2024 thì tần suất mất chức rất dày đặc. Mở đầu là trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (tháng 1), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (vào tháng 3), tiếp đó là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 4), rồi Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (tháng 5) và mới đây nhất là Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (tháng 6).

Trước đó là hai trường hợp Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

npt5

Bảy ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 đã "xin thôi" tính tới hiện tại (từ trái qua, hàng trên) : Phạm Bình Minh, Trương Thị Mai, Trần Tuấn Anh ; (hàng dưới) : Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng

"Việt Nam đang đối mặt với một hoàn cảnh chưa từng có. Hiện chỉ còn hai ủy viên Bộ Chính trị có thể làm trọn một nhiệm kỳ 5 năm và đủ điều kiện về tuổi để tái ứng cử, tức dưới 65 tuổi (tuổi nghỉ hưu bắt buộc) khi Đại hội 14 diễn ra. Đó là Trần Thanh Mẫn và Trần Cẩm Tú", Giáo sư Thayer đánh giá.

Số còn lại, 13 ủy viên trong Bộ Chính trị có thể được chia thành ba nhóm :

Nhóm đầu tiên gồm ba ủy viên đã phục vụ ít nhất trọn vẹn hai nhiệm kỳ : là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Tô Lâm. Cả ba đều sẽ quá 65 tuổi và cần được xếp vào trường hợp đặc biệt, tức được miễn trừ tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Riêng ông Trọng đã "3 lần trường hợp đặc biệt" vì ông vốn đã quá tuổi từ Đại hội 11 vào năm 2011. Thêm nữa, việc ông làm thêm nhiệm kỳ thứ ba đã là trái với Điều lệ Đảng rồi.

Nhóm thứ hai gồm sáu thành viên sẽ làm trọn một nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2026 là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Tương tự nhóm 1, cả sáu người này sẽ quá 65 tuổi vào tháng 1 năm 2026 (thời điểm dự kiến diễn ra Đại hội 14).

Nhóm thứ ba gồm bốn gương mặt mới được bầu bổ sung vào giữa khóa là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Tất cả đều dưới 65 tuổi vào năm 2026. Lưu ý là những người này đến năm 2026 vẫn chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị.

npt6

Tình hình tuổi tác của Bộ Chính trị khóa 13 vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 14 năm 2026

Cần lưu ý, Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có nêu việc xem xét trường hợp đặc biệt. Diện đặc biệt vào "Tứ trụ" sẽ được Ban Chấp hành Trung ương quyết định còn chức thường trực Ban Bí thư thì do Bộ Chính trị quyết.

Điều này nghĩa là các nhân vật quá 65 tuổi vào thời điểm diễn ra Đại hội 14, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp thì phải vào "Tứ Trụ" hoặc làm thường trực Ban Bí thư.

Ngoài các ủy viên Bộ Chính trị nói trên thì những ủy viên Ban Bí thư cũng có thể trở thành ủy viên Bộ Chính trị khóa 14. Trong đó, cả Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đều chưa quá 65 tuổi vào tháng 1/2026 và có khả năng nằm trong quy hoạch nhân sự cho Đại hội 14.

Với tình hình nhân sự hiện tại, Giáo sư Thayer đánh giá rằng việc chuyển giao quyền lực đã trở nên cứng nhắc ngay cả trong thời điểm tốt nhất :

"Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương sẽ phải đề xuất nhiều trường hợp ngoại lệ hơn về độ tuổi hoặc thay đổi các quy tắc, quy định để kéo dài tuổi nghỉ hưu hơn thì mới có thể lấp đầy tất cả các ghế trong một Bộ Chính trị mới".

Theo Điều lệ Đảng, số lượng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư là do Ban Chấp hành Trung ương mỗi khóa quyết định. Do đó, chưa rõ Bộ Chính trị khóa 14 sẽ có quy mô như thế nào.

Tuy nhiên, Giáo sư Thayer dự đoán rằng, có vẻ Bộ Chính trị sẽ có số lượng lớn những gương mặt mới hoàn toàn so với thông thường, "chưa kể đến khả năng sẽ có một tổng bí thư mới".

npt7

Ông Lê Minh Khái và ông Lê Hoài Trung là hai ủy viên Ban Bí thư có thể thăng tiến vào Bộ Chính trị 14

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tiểu Ban nhân sự

Cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 là vào tháng 3/2024, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đứng đầu tiểu ban - chủ trì.

Ông Trọng cho biết rằng các kỳ đại hội Đảng thường có nhiều nội dung, nhưng có hai vấn đề quan trọng nhất là "văn kiện và công tác nhân sự" và ông là người đứng đầu cả hai tiểu ban này cho Đại hội Đảng 14.

Theo diễn giải của Đảng, Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương ; kế hoạch giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng - ở đây bao gồm "Tứ Trụ" và thường trực Ban Bí thư.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từng trả lời BBC trước đây rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự, trách nhiệm của ông là điều phối công việc của tiểu ban, làm việc theo nguyên tắc tập thể.

"Ông Trọng có thể giới thiệu nhân sự tổng bí thư, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư… và các ủy viên khác của tiểu ban cũng có quyền giới thiệu, lựa chọn và tất cả cùng đánh giá.

"Cuối cùng, Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể", ông Hợp nói với BBC.

Một nhà quan sát khác giấu tên nhận định với BBC rằng, Tiểu ban Nhân sự quyết định cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn của các vị trí chủ chốt, nên về cơ bản, Tiểu ban Nhân sự "là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương về vấn đề nhân sự trước mỗi kỳ đại hội".

Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của Tiểu ban Nhân sự do ông Trọng nắm và vai trò của cá nhân ông trong việc giới thiệu, lựa chọn những lãnh đạo hàng đầu của Đảng.

Lưu ý : Tổng bí thư Trọng cũng là người cầm trịch Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12, 13.

Thực tế khóa 12 và 13 có có tổng cộng tới 10 ủy viên Bộ Chính trị bị "xử lý", nhiều ủy viên Trung ương Đảng phải đi tù.

npt8

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đã lãnh án tù

Trao đổi với BBC, Giáo sư Thayer nói rằng quá trình tuyển chọn do ông Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt nhằm xác định và sàng lọc các lãnh đạo "hồng, chuyên và sạch" đã thất bại.

"Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương sẽ phải cho phép nhiều trường hợp ngoại lệ hơn về độ tuổi nghỉ hưu hoặc thay đổi các quy định và kéo dài tuổi nghỉ hưu hơn để có thể lấp đầy tất cả các ghế trong Bộ Chính trị mới", ông nói.

'Lò' tiếp tục nóng

Trong bài phát biểu dài hơn 4.000 từ tới hội nghị của Đảng ủy Công an Trung ương vào ngày 4/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, mong muốn lực lượng công an làm tốt vai trò "thanh bảo kiếm" của Đảng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đấu tranh "từ xa" và bảo vệ tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội 14.

Ông Trọng đã chỉ đạo lực lượng công an "bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi..".

Chỉ đạo của ông Trọng gợi ý rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp diễn, với mức độ quyết liệt không giảm.

Chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò", được đánh giá là di sản, dấu ấn trong suốt ba nhiệm kỳ làm tổng bí thư của ông Trọng.

Ông được ca ngợi là "người đốt lò vĩ đại" với những phát ngôn đanh thép về chống tham nhũng như "không vùng cấm, không ngoại lệ" hay "lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".

Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra Chỉ số Nhận thức Tham nhũng hằng năm để xếp hạng các quốc gia theo thang điểm từ 100 (rất trong sạch) đến 0 (rất tham nhũng).

Khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư vào năm 2011, Việt Nam đạt 27 điểm và Việt Nam đã liên tục tăng điểm một cách bền vững cho đến năm 2023, nước này bị giảm từ 42 xuống còn 41.

Xét từ năm 2011, Việt Nam đã thăng gần 20 hạng, từ 112/182 lên 82/180.

npt9

Chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam. Nguồn : Tổ chức Minh bạch Quốc tế

Giáo sư Carl Thayer đánh giá cao những mặt tích cực của chiến dịch chống tham nhũng nhưng ông cho rằng, tình trạng tham nhũng vẫn còn tràn lan ở Việt Nam.

"Rõ ràng có một số lĩnh vực quản trị, chẳng hạn như đất đai, phát triển bất động sản, xây dựng, dễ dẫn đến tình trạng hối lộ hơn những lĩnh vực khác. Có vẻ như việc quan chức lợi dụng môi trường này để trục lợi là điều khá bình thường".

Xét các ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 bị khởi tố, bắt giam về các nhóm tội tham nhũng thì cũng có thể dễ dàng nhận thấy đa phần họ đều liên quan đến các tập đoàn lớn: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan (vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn) ; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái (vụ Thuận An) ; Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận (vụ án Đại Ninh)...

Xét về "hồng" và "chuyên" trong số những lãnh đạo, quan chức phải rời ghế vì có sai phạm trong khóa 13, có thể thấy và Trương Thị Mai và ông Võ Văn Thưởng là những ủy viên Bộ Chính trị được đánh giá là "hồng hơn cả hồng".

Điều này có nghĩa là ngay cả những người mà học vấn và sự nghiệp họ gắn liền với Đảng, trưởng thành và đi lên từ Đoàn, Đảng thì cũng không thoát khỏi việc bị Đảng cho là mắc khuyết điểm, phải xin thôi chức.

Điều đáng lưu ý là, theo Giáo sư Carl Thayer, trong số bảy ủy viên Bộ Chính trị phải từ chức, không có ai thuộc phe phái, nhóm lợi ích hay có hành động đi ngược lại với lý tưởng, nguyên tắc, chính sách của Đảng vì lý do chính trị.

"Nói cách khác, họ tham lam hoặc kém cỏi về mặt quản lý nhưng không hề bất trung với đảng về mặt chính trị", ông Thayer đánh giá.

Nguồn : BBC, 09/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Alexander L Vuving, Carl Thayer, BBC tiếng Việt
Read 243 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)