Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/07/2024

Tham - Sân - Si và thầy chùa ngày nay (!)

Nam Gia

Theo trang hoasen.org giảng nghĩa [1] : 

"Tham" là tham lam. Ham muốn thái quá. Đắm say, thích thú muốn có nhiều những thứ mình ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng v.v… 

"Sân" là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận, thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù. 

"Si" là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người. Si, vô minh theo thế tục gọi là "dại" hay "ngu". Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gặm nhấm từ bên trong con người, khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên.

thamsansi1

Cách cúng dường Tam Bảo bằng tiền, gạo và cách cúng dường Tam Bảo ở chùa

Phàm ở đời, không ai không có lòng tham. Từ lâu nay, đạo Phật hầu như chỉ nói về lòng tham theo nghĩa xấu. Thử nghĩ về lòng tham theo nghĩa tốt. Bởi ở nghĩa tốt, không có lòng tham, xã hội khó lòng phát triển. Không có lòng tham, xã hội không hình thành khái niệm "làm giàu" hay các khái niệm : "tích lũy tài sản", "di chúc", thừa kế", "cho - biếu - tặng". Tại sao khái niệm "cho - biếu tặng" được đưa vô phạm vi "lòng tham"? Vì con người cũng dành những gì tốt đẹp nhứt, để đưa cho những người mà mình thương yêu (vợ chồng - con cháu - cha mẹ - người yêu v.v.) Không có lòng tham, chắc chắn không có các khái niệm: "phát minh", "sáng tạo", "phát hiện" (trong các ngành khảo cổ học - thiên văn học - y học v.v.). Không có lòng tham, chắc chắn nhơn loại không đang hưởng những tiện ích từ internet, vốn được phát minh chỉ từ thập niên 70 thế kỷ trước, cùng những tiện nghi tân kỳ ngày nay.

Ngoài ra, nếu con người không có lòng tham, chắc chắn không sinh đẻ khủng khiếp, với dân số toàn cầu xấp xỉ 8 tỷ con người và nó trở thành vấn đề đau đầu cho Liên Hiệp Quốc cùng nhiều quốc gia phải đối phó giải quyết. Kèm theo đó là tệ nạn đầy dãy từ việc sinh đẻ, trong đó việc phá thai vẫn đang là tranh chấp lớn, trong tư tưởng của nhiều nguyên thủ quốc gia.

Không có lòng tham, chắc chắn "thượng tọa" Thích Chân Quang không cần lấy tấm bằng tiến sĩ với đề tài [2] "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam" - vừa gây ngạc nhiên về "trí tuệ", vừa gây bàng hoàng về thời gian "siêu tốc độ", lại vừa thảng thốt về "trình độ" của những giảng viên hướng dẫn đề tài, cùng "đầu óc" của vị hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, khi cấp bằng "tiến sĩ Luật" cho "tiến sĩ" Vương Tấn Việt.

Dĩ nhiên, không một ai dám nói, bản thân mình biết hết mọi vấn đề trong xã hội loài người, kể cả vũ trụ bao la quanh mình, dù đó là nhà bác học tài ba, lừng danh trên thế giới. Bởi "Học - một tập hợp con trong lòng tham", vốn là biển rộng mênh mông, không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Học không chỉ từ sách báo - trường lớp, vì sách báo - trường lớp, suy cho cặn kẽ, đó là nơi tập hợp lại kinh nghiệm rút ra từ tất cả các BÀI HỌC TRƯỜNG ĐỜI. Vậy cho nên mới có khái niệm "Trường Đời" với ca dao : 

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời"

Hoặc tục ngữ "Học thầy không tày học bạn", v.v.

Tại sao người đời ví von học như là biển cả ? Bởi có những điều, mình ngỡ biết rành từ lâu nhưng vẫn phải học lại từ đầu. Cho nên, học không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc là vậy.

Như vậy, "tham" là khởi đầu cho loài người tồn tại và phát triển, thông qua lao động - học hành. "Tham" cũng là khởi nguyên cho vô số tệ nạn trên toàn thế giới. Cho nên, đủ khẳng định chắc nịch : Còn con người, tức là lòng tham còn tồn tại.

Theo đạo Phật lưu truyền, từ "Tham" mà sanh ra "Sân". Từ "Tham" và "Sân" mà tạo ra "Si". Như vậy, còn con người tức là khái niệm "ngu dại" còn tồn tại. 

Phàm ở đời, có lẽ không ai dám nói bản thân mình không "Sân và Si". Người đời không rõ các ông khoác áo nâu sồng cùng cái đầu trọc, kèm tên tuổi vang lừng trong chúng sanh, họ đã bao giờ dám tuyên bố trước hàng triệu bá tánh, bản thân họ thoát khỏi "Sân và Si" hay không nhưng vô số tai tiếng về "thất tình lục dục" đi kèm lời giảng pháp ngớ ngẩn, cùng hành vi tay thoăn thoắt chụp lấy "bao thơ tiền" cúng dường đã đủ trả lời cho câu hỏi (!).

Đạo Phật tại Việt Nam trong ít nhứt nửa thế kỷ qua, có vẻ khiến chúng sanh sa đà vào mê tín - dị đoan với sự hù dọa - đe nẹt và dụ dỗ từ các ông (bà) khoác áo nâu sồng nhiều hơn là làm cho thiên hạ "bừng hai con mắt", khi vốn dĩ mang thân phận "kiếp làm người". Đạo Phật dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, khiến chúng sanh ngỡ rằng theo trường phái Duy Tâm, vốn thật ra nó thuộc về trường phái Duy Lý. Nghĩa là, căn bản nhứt - hầu hết đều nghe và hiểu về Luật Nhân Quả. Gieo Nhân nào gặt Quả đó. Không thể có chuyện gieo "Nhân đắng cay" lại đòi gặt "Quả ngọt bùi". Và vậy là, các ông (bà) trụ trì của hơn 31.000 đền chùa - miếu mạo chỉ dạy cho hàng triệu bá tánh "chuộc tội lỗi", bằng cách cúng tiền (mà còn) không được cúng tiền lẻ. Quả là hay ho !

Nam Gia

Nguồn : RFA, 08/07/2024

[1] https://thuvienhoasen.org/a1167/6-tam-doc-tham-san-si

[2] https://thuysanvietnam.com.vn/thuong-to%CC%A3a-thich-chan-quang-va-luaan...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nam Gia
Read 342 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)