Ông Nguyễn Phú Trọng sắp tàn đời, giờ ông chỉ còn cố níu kéo thời gian tại vị để thỏa mãn bệnh ham muốn quyền lực mà thôi. Rồi đây, sau khi ông chết đi, người ta sẽ đánh giá các di sản mà ông để lại. Ngoài di sản là một Đảng cộng sản Việt Nam lộn xộn, mâu thuẫn và chia rẽ, ông còn để lại một Đảng cộng sản mất cân bằng nghiêm trọng.
Nguyễn Phú Trọng đã đánh bật được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, trong khi Trương Tấn Sang chỉ là người hay núp lùm và tránh va chạm trực diện
Trước đây, khi bắt đầu thâu tóm quyền lực, ông Trọng đã đối đầu với thế lực mạnh nhất miền Nam – là Nguyễn Tấn Dũng. Phải mất 5 năm, ông Trọng mới đánh bật được ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị. Và cũng kể từ đó, thế lực miền Nam dần lụi tàn.
Đối với thế lực hùng mạnh như Nguyễn Tấn Dũng, hay Lê Thanh Hải, ông Trọng đều triệt hạ cho bằng được. Ông đã tìm cách chặn đứng sức mạnh của gia tộc Lê Trương khét tiếng đất Tiền Giang và Sài Gòn. Với người hay núp lùm và tránh va chạm trực diện như ông Trương Tấn Sang, thì ông Trọng chọn con đường hợp tác. Còn với những người ngoan ngoãn dễ bảo, thì ông Trọng chọn phục vụ cho quyền lực của ông, như trường hợp Nguyễn Văn Nên và Võ Văn Thưởng.
Một khi Nguyễn Văn Nên và Võ Văn Thưởng chấp nhận đứng dưới cái bóng của ông Trọng, thì 2 người này mãi mãi là "gà công nghiệp", không thể tự đứng ra lập nhóm lợi ích độc lập, để tranh hùng tranh bá. Chính vì thế, chỉ cần một lần ra đòn, Tô Lâm đã hạ ngay được Võ Văn Thưởng. Và với Nguyễn Văn Nên cũng thế, nếu bị đẩy lên sàn đấu trực chiến với kẻ khác, thì ông Nên khó mà đứng vững trước các "võ sĩ" khác.
Xâu chuỗi lại thì sẽ thấy, Tổng Trọng đánh mạnh vào nhóm lợi ích miền Nam nào đủ sức đứng độc lập, đồng thời hợp tác hoặc sử dụng những người không đủ lực để tạo nhóm. Qua thời gian, các nhóm lợi ích mạnh của miền Nam dần tan rã, và từ đó, họ không còn đủ sức để ra điều kiện trong các hội ăn chia quyền lực. Thế lực miền Nam vắng bóng dần khỏi Tứ trụ, và cũng ít dần trong Bộ Chính trị.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh – địa phương có nền kinh tế lớn nhất Việt Nam, đóng góp vào ngân sách Trung ương nhiều nhất, mà lại chỉ có 2 ủy viên Trung ương. Trong khi đó, Hà Nội có đến 18 ủy viên Trung ương và 1 ủy viên Bộ Chính trị. Mặc dù đã bị rụng hết 2 ủy viên Trung ương là Chu Ngọc Anh và Bùi Nhật Quang, nhưng Hà Nội vẫn là đơn vị có nhiều ủy viên Trung ương nhất. Ở Đại hội 14 sắp tới, rất có thể, Hà Nội sẽ có đến 2 hoặc 3 ủy viên Bộ Chính trị.
Trong 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư, ông Trọng đã trở thành cái ô dù lớn, che chở cho nhóm lợi ích quê hương của ông Hồ Chí Minh, là Nghệ An và Hà Tĩnh. Đồng thời, ông cũng che chở cho Hà Nội, nổi lên thành địa phương có rất nhiều đại diện trong Trung ương Đảng.
Hiện nay, tỷ lệ 2 miền (tạm chia theo ranh giới của vĩ tuyến 17) trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, rất mất cân bằng. Miền Bắc đang thịnh và miền Nam đang suy. Nhóm lãnh đạo miền Nam thường cởi mở hơn đối với phương Tây, đồng thời, họ cũng biết ra chính sách và quản lý kinh tế tốt hơn. Nhóm lãnh đạo miền Bắc thì nghiêng về Bắc Kinh nhiều hơn, và chủ nghĩa bè phái địa phương mạnh hơn. Ở Trung ương hiện đang nổi lên 5 nhóm lợi ích lớn, toàn là các nhóm miền Bắc. Đó là : Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, và Hà Nội.
Võ Văn Thưởng và Nguyễn Văn Nên bị xếp vào loại gà công nghiệp, không có phe phái và thực lực riêng
Nếu không có chính sách trọng Bắc khinh Nam của Tổng Trọng, thì Trung ương đã không loạn sứ quân một cách nghiêm trọng như bây giờ.
Các nhóm lợi ích miền Bắc luôn đặt nặng quyền lợi địa phương lên trên quyền lợi đất nước. Vì thế, cho dù nhóm lợi ích nào trong số 5 nhóm lợi ích lớn kia nắm quyền, thì đất nước này cũng sẽ tan nát, để tư túi, để gầy dựng sức mạnh chính trị cho bản thân và cho nhóm của họ.
Trần Chương