Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/07/2024

Nguyễn Phú Trọng vừa ra đi, một vài suy nghĩ về người quá cố

Song Chi, Lê Quốc Quân, Nam Việt, Nam Gia, Gió Bấc

Ông Nguyễn Phú Trọng

Song Chi, RFA, 19/07/2024

Khi một lãnh đạo qua đời ở một xứ độc tài

Ở một xứ sở độc tài mà báo chí truyền thông được kiểm soát hết sức chặt chẽ thì người dân thường đã quen với việc đọc "giữa hai hàng chữ" từ những thông tin chính thức, hoặc nhận ra những dấu hiệu phía sau những động tác tưởng như bình thường của nhà nước.

quaco1

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, qua đời lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi.

Khi báo chí trong nước vào ngày 18/7 chỉ mới đồng loạt đưa tin giống hệt nhau rằng :

"…Theo TTXVN, đến nay do yêu cầu phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để Tổng bí thư tập trung điều trị tích cực và để bảo đảm công tác điều hành chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa 13, trước mắt Bộ Chính trị phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định"…

Bên cạnh đó là thông báo của Bộ Chính trị "quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Việt Nam, cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" thì những ai quan tâm theo dõi tình hình chính trị Việt Nam lập tức nhận ra tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đang rất nghiêm trọng rồi.

Trong khi đó, như thường thấy, trên mạng xã hội Facebook và một vài tờ báo bên ngoài khác đã tràn ngập thông tin, lời bình về việc ông Trọng có lẽ đang hấp hối hoặc đã qua đời. Tờ Thời Báo bên Đức thậm chí còn đưa tin rất rõ ràng "Tổng bí thư Nguyễn Trọng đã chết", từ nguồn tin nội bộ, vào ngày 18/7/2024, lúc 1 g30.

Và đến hôm nay thì báo chí chính thức loan tin, ông Nguyễn Phú Trọng từ trần vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024. Vậy không biết nguồn tin bên ngoài hay nguồn tin chính thức là đúng về ngày, giờ ?

Dù sao, không có gì lạ về chuyện này. Kể từ thời ông Hồ Chí Minh cho tới bây giờ, sức khỏe và cái chết của các lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước luôn luôn được xếp vào diện "bí mật quốc gia". Trừ những trường hợp rõ ràng là vì tuổi già sức yếu, họ chết vì nguyên nhân gì không bao giờ người dân được biết, giờ nào công bố về cái chết cũng phải được Bộ Chính trị cân nhắc tới lui.

Sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa, tác động như thế nào đến Việt Nam và thế giới ?

Với người dân có lẽ không có tác động gì nhiều, từ lâu rồi người dân đã quen với việc bị đặt vào vị trí "khán giả bất đắc dĩ" đứng quan sát mọi diễn biến chính trường ở Việt Nam nên ai lên ai xuống, ai sống ai từ trần cũng thế. Với quốc tế có lẽ cũng vậy vì Việt Nam không phải là một nước lớn, có vai trò ảnh hưởng đến cục diện chính trị thế giới như Mỹ, Trung Quốc, các nước Châu Âu… Có chăng là những tác động trong đảng, với những người từ trước đến giờ thuộc phe ông Nguyễn Phú Trọng thì sẽ cảm thấy mất đi chỗ dựa chính trị, cái ghế có khả năng lung lay ; ngược lại, với những người thuộc phe đang lên là ông Tô Lâm - Chủ tịch nước đồng thời vừa được tạm giữ vị trí quyền Tổng bí thư - thì sẽ càng tập hợp quanh ông Tô Lâm, củng cố thêm vị trí của mình.

Từ đây cho tới đại hội đảng khóa XIV vào đầu năm 2026, và trước đó nữa, là Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 dự kiến diễn ra vào tháng 10 theo như ông Nguyễn Phú Trọng khi còn sống cho hay, sẽ bàn phương hướng công tác nhân sự cho Đại hội 14, ông Tô Lâm sẽ phải tiếp tục củng cố quyền lực, mặt khác thuyết phục mọi đảng viên, mọi cá nhân trong Bộ chính trị hoàn toàn thần phục, chấp nhận mình. Khả năng đấu đá tranh giành quyền lực và chuyện khủng hoảng nhân sự sẽ còn tiếp diễn cho đến khi các cái "ghế" đã được sắp xong, nhưng với cái thế rất vững hiện nay của ông Tô Lâm, có lẽ cũng không có biến động gỉ lớn.

Vị trí, tầm ảnh hưởng của ông Nguyễn Phú Trọng

Ở Việt Nam dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo, không có một quan chức lãnh đạo nào từ cấp tỉnh, thành cho tới trung ương có thể một bước nhảy ngang vào một vị trí nào đó, phải là đảng viên đảng cộng sản và có quá trình đi từ dưới lên trên. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng vậy, trước khi ngồi vào ghế Tổng bí thư, ông đã có cả một bề dày hoạt động chính trị, từ Ủy viên trung ương đảng khóa VII cho tới khóa XIII là hơn 30 năm, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII cho tới khóa XIII – hơn 26 năm, từng là Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc hội v.v… Riêng với chức vụ Tổng bí thư, kể từ sau thời Lê Duẩn, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư tại vị lâu nhất –cho đến thời điểm hiện tại là 13 năm hơn 180 ngày. Ông Nguyễn Phú Trọng đã phá bỏ điều lệ đảng quy định về việc chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, cũng như quy định về việc Ủy viên Bộ Chính trị để được tái cử phải "không quá 65 tuổi", để tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, khi đã 77 tuổi (năm 2021).

Sau khi ông Trần Đại Quang, cố Chủ tịch nước qua đời vào tháng 9/2018, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành người thứ ba trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ cả hai cả hai chức vụ đứng đầu Đảng cộng sản và Nhà nước, sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

Nhắc lại những điều này để thấy trong vòng vài thập niên trở lại đây, ông Nguyễn Phú Trọng là người có một vị trí và quyền lực không nhỏ. Cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa quyền lực của đảng trở lại, mạnh hơn quyền lực của bên chính phủ sau thời gian quyền lực của chính phủ lấn lướt đảng dưới thời ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta biết, Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh đạo Quân đội nên Tổng bí thư (kiêm nhiệm Bí thư Quân ủy Trung ương) là chức danh lãnh đạo cao nhất đối với quân đội, ngoài ra ông Trọng cũng cùng lúc đảm nhiệm nhiều chức vụ khác là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV (được thành lập ngày 8/10/2023)… Cho nên quyền lực của ông Trọng phải nói là bao trùm từ đảng, quân đội, công an, cho tới việc xây dựng, giới thiệu nhân sự cho đảng và chính quyền.

Hình ảnh của ông Nguyễn Phú Trọng - Người cộng sản cuối cùng ?

Trong những năm ở đỉnh cao quyền lực, ông Trọng đã tích cực xây dựng hình ảnh của mình với phong cách giản dị, liêm khiết, ăn mặc xuề xòa như các lãnh đạo thời kỳ đầu, và thường xuyên nhắc tới chủ nghĩa Mác Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa v.v… Có lẽ vì vậy mà có nhiều người định danh ông là "người cộng sản cuối cùng" trong một chế độ tuy vẫn là đảng cộng sản nắm quyền tuyệt đối, nhưng từ thực tiễn xã hội Việt Nam cho tới cách sống của đại đa số đảng viên cộng sản đã hoàn toàn đi ngược với lý thuyết, lý luận, mô hình nhà nước của chủ nghĩa cộng sản, với lý tưởng của đảng cộng sản thời kỳ đầu và trong thâm tâm của đại đa số đảng viên cho tới người dân chắc cũng chẳng còn mấy ai tin vào những điều đó nữa.

Nhưng ông Trọng thì người viết bài này tin là ông thực sự vẫn tin vào chủ nghĩa Mác Lenin cho tới con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam cho dù có lần ông đã từng nói "không biết đến cuối thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay chưa". Cả một đời học và công tác, nghiên cứu lý lý luận, xây dựng đảng, ông Trọng rất khó thay đổi. Và đúng là trong mắt ông Trọng thì đúng là đảng cộng sản đã thành công rực rỡ, xã hội cũng như vị thế của Việt Nam đã khá hơn rất nhiều so với thời chỉ có một nửa nước là miền Bắc trước năm 1975 hay thời bao cấp, kinh tế khốn cùng, đối ngoại lại bị bao vây, cấm vận, đến mức ông đã từng thốt lên "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay".

Vừa là hình ảnh của một người cộng sản kiểu cũ, vừa có dáng dấp của một ông giáo làng, ông thầy đồ khi mở miệng ra là nói đạo đức, lẩy Kiều, làm thơ.

Còn trên thế giới, hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng cũng là một chính khách, lãnh đạo quốc gia trông khá là bảo thủ, lạc hậu, kiên định với việc bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Một người thân Trung Quốc và vẫn giữ tình cảm với nước Nga, mặc dù đảng của ông vẫn mở cửa với phương Tây. Với Trung Quốc, điều đó thể hiện qua mối quan hệ gắn bó "cùng chung vận mệnh" giữa hai đảng dù thăng trầm, có những xung đột về chủ quyền, lãnh thổ lãnh hải, còn bản thân ông Trọng thì nhất nhất học theo Tập Cận Bình. Chẳng hạn, họ Tập có phong trào chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi" thì Nguyễn Phú Trọng cũng nêu cao quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng ở Trung Quốc hay ở Việt Nam thì không thể nào tiêu diệt được, một khi hai quốc gia này còn tồn tại mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng với quyền lực của đảng cộng sản đứng trên cả luật pháp, tư pháp, hành pháp lẫn truyền thông. Cho nên chống tham nhũng ở hai quốc gia này chỉ là tiêu diệt phe cánh mà thôi.

Ở Trung Quốc, quyền lực của Tập Cận Bình cực lớn. Việc tư tưởng của Tập Cận Bình được đưa vào bản hiến pháp sửa đổi sau phiên họp của Đảng cộng sản Trung Quốc trong tháng 1/2018 đã đặt ông Tập ngang hàng với hai cố lãnh đạo Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Chưa kể, Đảng cộng sản Trung Quốc vào ngày 25/2/2018 đã đề xuất bỏ điều khoản giới hạn thời kỳ nắm quyền hai nhiệm kỳ của chủ tịch trong hiến pháp nước này, mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền vĩnh viễn, chẳng khác nào một ông Vua.

Nguyễn Phú Trọng có lẽ cũng mơ có một vị trí như thế, nhưng từ tầm nhìn, tư duy, năng lực, cho tới bản lĩnh, ông Trọng vẫn còn thua Tập Cận Bình rất xa. Và chính tính cách, con người của ông Nguyễn Phú Trọng đã góp phần vào sự thất bại của các chính sách lớn trong đời ông, bên cạnh lý do mô hình, thể chế.

Di sản

Ông Nguyễn Phú Trọng vừa nằm xuống, báo chí tiếng Việt khắp nơi nói về di sản của ông. Tựu trung lại, về đối nội, như nhiều người đã chỉ ra, điều lớn nhất mà ông đã làm là chiến dịch đốt lò chống tham nhũng. Nhưng kết quả là gì ? Hàng ngàn đảng viên bị mất chức, vào tù hoặc phải từ chức. Không thể nhớ hết là bao nhiêu người, bao nhiêu vụ án thậm chí đại án, siêu đại án đã được khui ra. Bản thân ông Trọng khơi dậy chiến dịch đốt lò chống tham nhũng này để cứu đảng, cứu uy tín của đảng nhưng lại làm cho đảng mất uy tín hơn, người dân mất lòng tin hơn vào đảng. Ngay cả những người bao nhiêu lâu nay chỉ tin vào đảng vào nhà nước cũng phải thấy là tham nhũng đã trở thành một căn bệnh ung thư của đảng bởi vì chính thể chế này đã tạo ra và nuôi dưỡng tham nhũng. Việc dùng nhân trị, đức trị kiểu như ông Trọng hay nhắc nhở đảng viên không được làm này làm kia v.v… không ăn thua gì, còn dùng luật pháp thì cũng lại vừa "đánh chuột" vừa sợ "vỡ bình". Công cuộc đốt lò đó cũng đã tạo cơ hội cho những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, hạ bệ lẫn nhau : Ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng với Nguyện Xuân Phúc, rồi với Tô Lâm. Cuối cùng quyền lực lại rơi vào tay Tô Lâm.

Người ta cũng nhắc đến thất bại của ông Trọng trong tuyển chọn nhân sự. Hàng loạt người do ông Trọng giới thiệu đều bị khui ra có dính dáng đến tham nhũng và phải rời ghế, mới đây nhất là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.

Đó là chưa nói đến các quyền tự do dân chủ, tình trạng nhân quyền ở Việt Nam dưới thời ông Trọng đã xấu đi tệ hại với bao nhiêu nhà báo, blogger, nhà hoạt động xã hội dân sự, luật sư nhân quyền… phải vào tù, các chỉ số tự do báo chí, tự do tôn giáo… của Việt Nam luôn luôn nằm ở top 5 quốc gia tệ nhất.

Về đối ngoại, người ta nhắc đến chính sách đa phương, "ngoại giao cây tre" của Đảng cộng sản Việt Nam dưới thời ông Trọng.

Dù sao cũng phải thừa nhận là dù vẫn gắn chặt với Tàu, Nga, nhưng Việt Nam vẫn mở cửa với thế giới, tạo lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với phương Tây, nhất là Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục được người Mỹ công nhận tính chính danh của đảng và nhà nước cộng sản, bản thận ông thì được phía Mỹ mời sang thăm Nhà Trắng như một nguyên thủ quốc gia, và ngược lại cũng đã đã đón, gặp mấy đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau tới Hà Nội.

Nhưng "ngoại giao cây tre" về lâu dài lợi hay hại thì còn phải chờ xem.

Cũng có người nhắc đến việc ông Trọng và đảng của ông đã giữ được hòa bình với nước láng giềng Trung Quốc, giữ được ổn định chính trị trong nước. Nhưng câu hỏi là giữ được hòa bình với giá nào ? Kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung Cộng vào năm 1979 (nhưng trên thực tế xung đột vẫn dằng dai cho đến tận năm 1988), trong khi Trung Quốc đã đầu tư "khủng" vào quân đội, quốc phòng, nhất là hải quân, xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa chiếm được của Việt Nam và một số đảo nhân tạo, thì quân đội, hải quân các thứ của Việt Nam ra sao ? Nếu bây giờ lại xảy ra cuộc chiến với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ trụ được bao lâu ? Đó là chưa nói đến mối quan hệ lạnh nhạt đi giữa Việt Nam-Campuchia và Campuchia đã ngả hẳn về phía Trung Quốc, làm tăng thêm mối lo ngại cho Việt Nam.

Còn về sự ổn định chính trị, một điều mà đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam luôn luôn tự hào nhắc đi nhắc lại nhưng thời gian vừa qua, khi những cuộc đấu đá thay người ngay cả ở các cấp cao nhất liên tục xảy ra đã cho thấy sự bất ổn, khủng hoảng chính trị của Việt Nam.

Rồi đây, khi chế độ của đảng cộng sản không còn nữa, lịch sử sẽ được đánh giá lại một cách minh bạch, công bằng, mọi khuôn mặt nổi bật của đảng như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn cho tới Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng…

Tương lai của Việt Nam

Sau thời kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng chuyển sang thời kỳ của ông Tô Lâm, có lẽ tình hình chính trị-xã hội của cũng không thay đổi gì nhiều. Nếu Tô Lâm chính thức trở thành Tổng bí thư, cùng lắm là có chuyện nhất thể hóa 2 chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước như bên Trung Quốc và nếu như vậy có nghĩa là Việt Nam sẽ hoàn tất quá trình trở thành một nhà nước độc tài độc đảng công an trị với quyền lực tập trung chủ yếu vào một người. Còn trong ngắn hạn chưa có triển vọng gì về chuyện dân chủ hóa, đa đảng. Con đường đi vẫn sẽ như vậy, chỉ trừ phi có một biến cố gì lớn trên thế giới làm xáo trộn nhiều thứ và tác động đến Việt Nam, khiến Việt Nam phải đứng trước sự lựa chọn thay đổi hay là chết.

Nhưng tất nhiên, người dân Việt Nam nếu muốn có tự do dân chủ, nếu muốn cho tương lai đất nước, dân tộc Việt Nam sáng sủa hơn thì không thể ngồi chờ sự thay đổi từ bên ngoài hay trên xuống mà mỗi người phải tự mình góp phần vào sự thay đổi ấy.

Song Chi

Nguồn : RFA, 19/07/2024

******************************

Di sản Nguyễn Phú Trọng

Lê Quốc Quân, VOA, 19/07/2024

Người Việt có câu "cái quan định luận" để chốt lại một đời người.

Nghĩa là khi đậy nắp quan thì mới phân biệt được người tốt hay xấu và di sản họ để lại là gì giữa vô vàn thay đổi của kiếp nhân sinh.

quaco2

Ông Nguyễn Phú Trọng đọc diễn từ nhân dịp Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội ngày 10/9/2023.

Giờ đã đến lúc chúng ta có thể bình tĩnh nhìn lại những di sản của một người mang chân mệnh "đế vương" vừa mới qua đời.

Con người đặc biệt

Ông Nguyễn Phú Trọng là một tổng bí thư đặc biệt của Đảng Cộng Sản (ĐCS) Việt Nam, bởi nếu không phải là một "con người đặc biệt" thì không thể được tập thể coi là "trường hợp đặc biệt", đứng trên cả Hiến pháp và Điều lệ đảng trong một thời gian khá dài.

Ông làm Tổng bí thư 3 nhiệm kỳ liên tiếp mặc dù Điều 17 Điều lệ Đảng ghi "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". Khi chỉ là Tổng bí thư, ông cũng đã thay mặt Nhà nước trong rất nhiều hoạt động đối ngoại mặc cho Điều 86 Hiến pháp minh định "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Nói như thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trong một Audio bị rò rỉ ra thì "Tổng bí thư chúng tôi là bằng nguyên thủ quốc gia…".

Ông từng là Chủ tịch quốc hội trong suốt 6 năm và sau đó trở thành người thứ 3 trong lịch sử của Đảng cộng sản vừa là tổng bí thư và Chủ tịch nước, chỉ sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

Sự liêm khiết đã đảm bảo cho ông một uy tín nhất định trong một thời gian dài và được xem là hình mẫu về "người cộng sản cuối cùng" tha thiết tin vào sự trường tồn của đảng giữa một thế giới đang dịch chuyển từng ngày và một thế hệ công chức với những nhân sinh quan khác hẳn đang định hình.

Nhân thân

Sinh năm 1944 tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Huyện Đông Anh, Hà Nội trong một gia đình thuần nông và là con út trong số 4 anh chị em, ông học cấp 2 và cấp 3 tại Trường Phổ thông Trung học Nguyễn Gia Thiều trước khi trở thành sinh viên Khoa văn tại Trường Đại Học tổng hợp Hà Nội vào năm 1963.

Có lẽ không một tổng bí thư nào của Việt Nam đã dành cả đời để nghiên cứu và trở thành chuyên gia, giáo sư tiến sĩ, có một không hai về lĩnh vực xây dựng đảng. Ông bắt đầu làm việc và vào đảng tại Tạp chí Cộng sản từ năm 1967 khi ông vừa tròn 23 tuổi ; bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại khoa Xây dựng đảng thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô.

Sự nghiệp chính trị của ông thực sự khởi sắc khi ông cùng 19 người khác được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản khóa VII, vào giữa nhiệm kỳ 1991-1996.

Không chỉ giỏi về lý luận với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương suốt 6 năm (2001-2006), ông còn được cho là biết giải quyết các bài toán thực tiễn trong chính trị nội bộ Đảng nơi độc tài luôn luôn đi kèm với những nước đi quyền bính đầy mưu lược.

Vậy ông đã để lại di sản gì ? phải chăng "sau tôi là Hồng thủy" ? (Après moi, le déluge)

Di sản đối nội : Đốt lò

Khi đảm nhiệm 2 chức vụ quan trọng nhất cùng một lúc là Tổng bí thư và Chủ tịch nước, ông khiêm tốn lẩy Kiều "Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không".

Có thể nói rằng : Cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay, mọi việc vẫn còn dang dở và không được "vuông tròn" như ông mong ước. Những nhân sự ông gầy dựng đều đã phải ra đi do chiến dịch đốt lò cho chính ông khởi xướng.

Đầu tiên, ông đã bắt đầu một kế hoạch có lớp lang để tiến hành tiêu diệt các quan tham, củng cố sự lãnh đạo và gia tăng uy tín của Đảng cộng sản, thay mặt Bộ chính trị ban hành Quyết định số 162-QD/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung Ương (TW) về phòng, chống tham nhũng do chính ông làm trưởng ban.

Tiếp theo là báo đài bắt đầu ca ngợi ông về sự bình dị, liêm khiết đồng thời lên án sự xa hoa và lãng phí của những quan tham trong chính quyền, tạo bức xúc tập thể đối với những con người chỉ biết phá hoại của công và nhũng nhiễu dân chúng.

Ông sử dụng nhiều hình ảnh đậm chất văn chương để nói về công cuộc chống tham nhũng. Nhưng cách nói hình tượng nhất của ông khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng rằng "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".

Kể từ đó, những thanh củi nhỏ tầm cấp vụ được đưa vào lò, rồi đến thành viên chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị ; cả chủ tịch nước và 2 Phó thủ tướng phải từ chức. Đỉnh điểm là cùng một lúc 3 cựu Ủy viên Trung Ương đảng cùng dắt tay nhau trước vành móng ngựa trong vụ Việt Á, và trong vòng 2 năm Việt Nam đã phải thay thế đến 3 đời Chủ tịch nước. Ông loay hoay tìm kiếm người kế vị nhưng chỉ gặp toàn "củi" cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.

Một mặt trừng trị các quan tham, mặt khác xây dựng ông như là tấm gương sáng, là niềm hy vọng của nhiều người, đặc biệt tầng lớp cần lao. Cuốn sách "Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" được Báo Nhân dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức in ấn và giới thiệu gồm gồm 263 bài viết, thơ, thư, điện ca ngợi ông là một "Nhà lãnh đạo cấp cao có tầm tư duy chiến lược, luôn trăn trở, lo toan cho dân, cho nước, có lối sống giản dị, không màng quyền lực và vun vén cho gia đình".

Công cuộc đốt lò của ông đã được nhiều người nức nở ca khen, nhưng cũng phơi bày ra trước mắt nhân dân rằng quan chức đảng cộng sản thực sự là một "bầy sâu" và bất cứ ai cũng có thể thành củi. Ông đã mở ra hộp "Pandora" và giờ đây sự dữ luôn lẩn khuất chung quanh hàng ngũ cấp cao nhất của đảng cộng sản.

Di sản đối ngoại : Cây tre

Về mặt đối ngoại có lẽ chưa ai có được cơ hội tiếp xúc và gặp gỡ nhiều lãnh đạo thế giới, cả Đông và Tây như ông Nguyễn Phú Trọng.

Với 6 năm làm chủ tịch Quốc hội, 12 năm làm Tổng bí thư, trong đó có 3 năm vừa là chủ tịch nước và tổng bí thư, ông đại diện cả Nhà nước và Đảng cộng sản trong nhiều hoạt động đối ngoại và có cơ hội gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo thế giới trong suốt 20 năm qua.

Chuyến đi quan trọng đầu tiên là đến Trung Quốc vào năm 2011 sau khi được bầu làm Tổng bí thư, ông đã gặp chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình khi đó đang là Phó chủ tịch nước Trung Quốc.

Vào tháng 7/2015, ông thực hiện chuyến đi lịch sử đến Hoa Kỳ, và là lần đầu tiên một Tổng bí thư của ĐCS Việt Nam được tổng thống Obama tiếp đón và hội đàm tại Nhà Trắng.

Dưới thời của ông, Việt Nam phiêu lưu di chuyển trên một đường ranh quan trọng giữa lúc mâu thuẫn giữa hai cường quốc dâng cao và thế giới như đang chia phe rõ rệt.

Đông và Tây chưa đủ, trong 12 năm qua, nền ngoại giao Việt Nam thực sự sôi động bằng việc hội nhập rất cao và rộng mở với thế giới ; hình ảnh đó được ông khái quát là nền ngoại giao cây tre. Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có 6 Đối tác Chiến lược Toàn diện và 12 Đối tác Chiến lược và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do song và đa phương.

Vào cuối năm 2023, ông Nguyễn Phú Trọng còn "vời" được 2 lãnh đạo của 2 cường quốc lớn nhất thế giới là Joe Biden và Tập Cận Bình bước đến trụ sở nhỏ bé của Đảng cộng sản Việt Nam đóng tại số 1 Hùng Vương, Hà Nội để hội đàm hầu kiến tạo một tương lai lâu dài cho Việt Nam.

Và cách đây vừa đúng 1 tháng, ông tiếp Putin cũng ngay tại Trụ sở Trung ương Đảng và đây là lần gặp gỡ nguyên thủ nước ngoài cuối cùng của ông. Chính sách ngoại giao cây tre đang thực sự bấp bênh và đầy thách thức cho những người kế nhiệm giữa một thế giới đang phân cực rõ ràng.

Kiểm soát xã hội và bóp nghẹt tự do

Tiếc rằng, với quyền lực lớn lao của mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã không đặt được một nền tảng lâu dài có tính hệ thống cho Việt Nam. Hiến pháp 2013 được thông qua vẫn ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và Kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Báo chí bị quy hoạch và bất đồng chính kiến bị bắt tràn lan. Xã hội dân sự bị tấn công và ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ.

Kinh tế Việt Nam bắt đầu chậm lại và nhiều thiết chế xã hội bị lu mờ. Đã một thời người ta hy vọng có được một Nhà nước Pháp quyền, một xã hội dân sự lành mạnh và nền tư pháp được cải cách. Tất cả những điều đó hầu như đang dừng lại, đặc biệt là tự do báo chí.

Giờ đây dân chúng quan tâm đến những tín hiệu từ "Ủy ban kiểm tra trung ương" và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng hơn là những luận cứ công khai từ Viện kiểm sát hay Tòa án dựa trên tính độc lập của một nền tư pháp lành mạnh.

Theo tổ chức Human rights watch (HRW) ở Việt Nam đang có hơn 160 tù nhân lương tâm bị giam cầm vì chỉ thực thi các quyền cơ bản của mình và tình hình nhân quyền năm 2023 được tóm tắt bằng một từ : "u ám".

Người ta sẽ nhớ ông những gì ?

Chiến dịch đốt lò, Ngoại giao cây tre và Đàn áp bất đồng chính kiến là những gì người dân Việt Nam sẽ nhớ mãi về ông.

Họ cũng sẽ nhớ đến những "niềm tin chân thành" và "nỗ lực vô vọng" của ông nhằm xây dựng một thế hệ người cộng sản chân chính giữa một xã hội đầy rẫy tư bản đỏ đang trở nên xa lạ với quần chúng cần lao.

Dân cũng sẽ nhớ đến hình ảnh ông được Obama tiếp đón tại Nhà Trắng và hình ảnh đứng cạnh Tập Cận Bình giữa tiếng đại bác nổ và quân nhạc cử quốc thiều, rồi sau đó là cam kết về "chia sẻ một tương lai chung" với Trung Quốc.

Lê Quốc Quân

Nguồn : VOA, 19/07/2024

**************************

Một đời công cốc có đòi được không ?

Nam Gia, RFA, 19/07/2024

Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - vừa được trao tặng huân chương Sao Vàng ngày 18/7/2024 vào lúc 13 giờ 43 phút - báo VnExpress cho hay [1]. Sau đó 16 phút, cũng báo VnExpress đưa tin (trích) : "...ưu tiên dành thời gian để Tổng bí thư tập trung điều trị tích cực và để bảo đảm công tác điều hành chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa 13, trước mắt Bộ Chính trị phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định…" (hết trích) [2].

tbt phat ngon  - 4

Anh Nguyễn Phú Trọng hao hư sao rồi ?

Sao Vàng năm cánh bồi hồi

Bỏ qua 6 con chữ dài dòng và rối rắm "tập trung điều trị tích cực" - ông Trọng được báo giới loan tin - bởi vì Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam - văn bản tối cao cho hoạt động của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng từ cấp cơ sở đến trung ương - gồm 48 điều [3], để đi vô chi tiết điều lệ, người ta không thấy quy định vai trò - chức trách - quyền hạn của Tổng bí thư. Càng không tìm thấy, khi Tổng bí thư vắng mặt vì bất cứ lý do nào đó, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ giải quyết ra sao. Đây là một lỗ hổng rất lớn trong điều lệ đảng, vốn mang tính pháp quy không thể thiếu được. Lỗ hổng đó đã làm bối rối Đcộng sản Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nội bộ người cộng sản Việt Nam đã buộc phải chọn ngay ông Tô Lâm - xét trên nhiều phương diện, tạm hội đủ các điều kiện để thay mặt ông Trọng, vào lúc tình huống bất ngờ xảy ra.

Song song với việc đảm đương chức trách Tổng bí thư, báo Thanh Niên ra ngày 19 tháng Bảy năm 2024 cho biết : "Tối muộn 18/7, ban tổ chức ra thông báo hoãn vì lý do kỹ thuật" cho chương trình Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình dự kiến diễn ra ngày 19/7 tại Kỳ đài bờ Bắc - Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương (tỉnh Quảng Trị)". Trong khi đó, đài VOA có bài "Chương trình chính luận lớn bị hoãn ở Quảng Trị sau tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘điều trị tích cực’ [5]. Một chương trình mang ý nghĩa chính trị quan trọng cỡ này, tại sao đến "tối muộn" báo giới mới đưa tin, với nguyên nhân "lý do kỹ thuật" nghe thật mơ hồ !

Vĩ tuyến 17 - lằn ranh phân đôi mảnh đất hình chữ S - mang đầy ý nghĩa lịch sử chánh trị, được vạch ra vào ngày 21/7/1954. Tính đến nay - tròn 70 năm - người Pháp đã rút quân từ lâu nhưng máu và nước mắt vẫn triền miên chảy dài, theo khoảng thời gian đó !

Ông Nguyễn Phú Trọng sanh ngày 14/4/1944. Ngày phân đôi Nam - Bắc, ông ta chỉ là cậu bé lên mười. Giờ đây, một ông già tuổi 80 đang phải "điều trị tích cực" bởi sự săn sóc tận tình của bác sĩ. Chỉ có điều, ông già đó là "người đứng đầu thiên hạ" trong xứ sở "thiên đàng mù lòa" mới đáng ngẫm suy ! Chính vì lẽ đó, người đời thường kiểm đếm "di sản" của những nhân vật chính trị gia trên toàn thế giới, khi họ khuất núi. Dĩ nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng cũng xứng đáng để làm cái việc "cân - đong - đo - đếm" - chi ly như thời bao cấp - những "di sản" của ông ta để lại. Có gì nhỉ ? Nhắc đến đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải thành thật mà nói, có quá nhiều phát ngôn và việc làm cần mổ xẻ. Tuy vậy, có một phát ngôn và một việc làm, bàn dân thiên hạ không thể nào quên.

Phát ngôn "Tổng bí thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận !" vào năm2015 [5]. Có lẽ cho đến nay, ông ta đã thành toại.

Việc làm nổi bật nhứt mang tên "Đốt Lò" được ông ta khởi xướng vào năm 2013. Với quyết tâm cao độ và tràn đầy hứng khởi, cùng "niềm tin tất thắng" được nhồi sọ hàng chục năm qua nhưng quả đáng tiếc ! Bởi hơn 10 năm qua, lòng nhiệt thành "vì dân vì nước" của ông Trọng đã phơi bày thất bại toàn diện với hàng ngàn đảng viên, trong đó các đảng viên cấp cao và siêu cao lần lượt vô tù và rời ghế trong lặng lẽ. "Lò" càng cháy rực, người cộng sản Việt Nam càng sa lầy. Nếu không sa lầy, có lẽ quy định "bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" đã không có lý do để chào đời hoặc mới đây, ngày 18/7/2024, trang tạp chí điện tử của Hội Luật sư Việt Nam cho biết [7] "...Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, để thể chế hóa quy định 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về tạm đình công tác đối với công chức trong trường hợp cần thiết (về thẩm quyền tạm đình chỉ, căn cứ tạm đình chỉ, thời hạn tạm đình chỉ, quy trình xem xét tạm đình chỉ)…" đối với cán bộ cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Rõ ràng, khi "Đốt Lò", ông Trọng cùng Bộ Chính trị không hề nghĩ ra những "thanh củi mục nát phẩm giá đảng viên" biết... co rút lại để tránh bị thẩy vô "lò" (!). 

Một phát ngôn ngạo nghễ đã thành toại, một việc làm "vì dân vì nước" đã thất bại - Đã đủ cho ông Trọng nhẹ nhàng về với "Mác - Lê Nin thế giới người hiền" như vị "cha già dân tộc" của ông ta chưa nhỉ ?

Nay có thơ rằng :

Sao Vàng tặng Tổng bí thư

Anh Nguyễn Phú Trọng hao hư sao rồi ?

Sao Vàng năm cánh bồi hồi

Nhớ thời vùng vẫy đứng ngồi không yên

"Đốt Lò" anh quyết ưu tiên

Tham ô hủ bại dẹp liền gian tham

Mười năm quả thật gian nan

Công thành danh toại tưởng an thân già

Bỗng đâu tai biến đọa đày

Cuối đời bại xụi mơ màng tơ vương

Một đời phận lỡ ẩm ương

Gàn gàn dở dở thiệt thương giống nòi

Hốc hang rách nát lều chòi

Một đời công cốc có đòi được không ?

Nam Gia

Nguồn : RFA, 19/07/2024

Tham khảo :

[1] https://vnexpress.net/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-duoc-trao-tang-huan-c...

[2] https://vnexpress.net/bo-chinh-tri-thong-bao-ve-suc-khoe-cua-tong-bi-thu...

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Dieu-le-Dang-Cong-s...

[4] https://thanhnien.vn/hoan-chuong-trinh-nghe-thuat-vi-tuyen-17-khat-vong-...

[5] https://www.voatiengviet.com/a/chuong-trinh-chinh-luan-lon-hoan-quang-tr...

[6] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/north-peo-ug...

[7] https://lsvn.vn/de-xuat-tam-dinh-chi-cong-tac-voi-can-bo-co-tinh-dun-day...

****************************

Hành trình vô định của Nguyễn Phú Trọng đã chấm dứt

Nam Việt, RFA, 19/07/2024

Khi dân Việt Nam đang ngẩn tò te, không ai biết chuyện gì đang diễn ra sau cánh màn nhung của chóp bu Ba Đình, nhưng hầu như các nhà quan sát quốc tế và các hãng tin lớn đều nhận được nguồn tin riêng từ Hà Nội rằng một thông cáo ban hành ngày 18/7 đầy ngụ ý, cho hay nhà lãnh đạo cuộc đốt lò của đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng, đang hấp hối. Thậm chí, nhiều nguồn tin đồn đãi bắt đầu lan nhanh từ ngày 19, cho biết chính quyền đã chuẩn bị một hậu sự, bao gồm cuộc chuyển giao quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

quaco4

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, xuất hiện tại nghị trường vào sáng 15/01/2024.

Có nhiều lời bàn, thậm chí là thuyết âm mưu được dẫn giải, cho rằng Nguyễn Phú Trọng có thể bị đẩy nhanh đến cái chết hơn, tương tự như các Trần Đại Quang, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ… nhưng thực tế thì ông Trọng đã gắng gượng hết sức sống của mình trong giai đoạn cuối đời mình để chứng kiến cuộc "đốt lò vĩ đại" của mình, bao gồm cắn răng nhìn những tay chân thân tín của mình cũng bị cháy đỏ vì tuyên bố không thể rút lại của ông "đốt lò không có vùng cấm".

Trọng yếu dần là điều thấy rõ về thể chất, nhưng khó ai biết được là Trọng có yếu đi vì tuyệt vọng khi thấy cơ đồ mình dựng ra, trở thành chuyện dọn ổ sẵn cho một kẻ quyền lực tàn bạo tiến vào. Mấy tháng nay, kể từ khi con cờ sắp đặt quan trọng của ông Trọng là Vương Đình Huệ bị vạch mặt sai phạm, ông gần như vắng mặt rất nhiều trong các cuộc tiếp khách nước ngoài. Trong phân tích của nhiều đài nước ngoài có được trong tay băng hình cuộc tiếp miễn cưỡng của Trọng với Putin, người ta thấy Putin phải nghiêng người nói với ông Trọng (không phải vì ông ta không nghe được, vì mọi thứ đã có thông dịch viên), vì vẻ mặt đờ đẫn không có dấu hiệu sự sống của Trọng đã khiến Putin phải tiếp xúc gần hơn trước ống kính ngoại giao.

Cũng vài lần, các tin tức lan đi trên các trang mạng cho thấy thời gian ra vào Viện quân y 108 của ông Trọng bắt đầu nhiều hơn, nhưng mọi thứ vẫn bị bưng bít như kiểu "tau vẫn khỏe chứ có chi mô", bởi sức khỏe của lãnh đạo cộng sản Việt Nam luôn là điều tối mật.

Ông Trọng đã cố giữ cho mình một hình ảnh thanh liêm và là một người cộng sản chân chính, nhưng mọi thứ vỡ toang vào những ngày cuối của ông, với hồ sơ sai phạm đến 3000 tỷ của dự án Ciputra Hà Nội, thời mà ông Trọng là bí thư Hà Nội. Thậm chí cay nghiệt hơn, khi vắng mặt ông, câu hỏi đặt ra về trách nhiệm sai phạm của Trọng trong vụ Ciputra được cất lên ở giữa Quốc hội. Dĩ nhiên, ai cũng biết, đó là một trong những đòn quyết định của Tô Lâm khi dấy động hồ sơ cũ để chỉ ra : Kẻ đốt lò cũng tham nhũng như ai.

Cay đắng hơn, kẻ mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn xem như hổ nuôi trong nhà, lại chính là người nhẹ nhàng chiếm lấy ghế Tổng bí thư của ông, mà theo thông cáo nhanh lẹ, bất thường chưa từng có "Bộ Chính trị đã giao Chủ tịch nước Tô Lâm quản lý Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư". Bộ Chính trị là ai ? Họp khi nào, lấy ý kiến thế nào mà nhanh gọn vậy ? Hay Bộ Chính trị chỉ là những đảng viên cấp cao mà giờ đây cũng nơm nớp nhìn Tô Lâm đang nắm hồ sơ tham nhũng của mình ?

Trọng có thể là một đảng viên cộng sản, lý tưởng với thế chế sẽ trong sạch của mình, tương tự như Gorbachov của Liên Xô cũ, nhưng hành động của Gorbachov thì đem đến sự sụp đổ của một đế chế độc tài, mở ra những cơ hội cho nhiều quốc gia bị buộc tham gia về hệ thống cộng sản của Stalin dựng nên. Còn Trọng thì trong cuộc đốt lò lý tưởng của mình, ông đã không ngờ mình làm sụp đổ hệ thống lãnh đạo tứ trụ, để cho một tên độc tài tàn bạo sẽ nắm tập quyền.

Nguyễn Phú Trọng được nhiều nhà phân tích thời sự quốc tế nhận định là một người đáng kính trọng về chuyện thanh liêm, hành động chống tham nhũng không mệt mỏi. Nhưng thời đại của Nguyễn Phú Trọng là thời đại mà Việt Nam tương nhượng với Trung Quốc nhiều hơn, hình thành một hệ thống đa nghi và chống phương tây đến tận cùng, Và tồi tệ hơn, đàn áp một cách dã man hơn, với vô số những người bất đồng chính kiến đã vào tù theo điều 331 và 117, và phân quyền cho các hệ thống công an khắp đất nước tùy tiện hành động đàn áp với người dân.

Kẻ thù lớn của Trọng không phải là những cán bộ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Mà quan trọng hơn hết, Trọng luôn căn dặn công an phải hành động mạnh mẽ đối với những thành phần đòi đa nguyên, đa đảng và chống xã hội dân sự một cách triệt để.

Các thống kê cho thấy, là có hàng chục ngàn vụ tham nhũng, lạm dụng quyền để trục lợi cá nhân đã bị xử. Thống kê của Đảng cộng sản Việt Nam cũng cho thấy là có khoảng 175.000 đảng viên đã bị kỷ luật hay bị trừng phạt. Nhưng trên thực tế đó là việc Đảng cộng sản đang xử tội những thành viên phản bội mình. Còn với dân tộc Việt Nam và đất nước, thì Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mọi thứ bóng tối mơ hồ và đầy đen tối của con đường giữ vững lý thuyết cộng sản, bao gồm các vụ đàn áp và gán tội không cần chứng cớ.

Có câu hỏi ra được đặt ra, là vì sao, với kinh nghiệm hoạt động quốc tế và hệ thống tư vấn đang vận hành chung quanh mình, tại sao Thủ tướng Phạm Minh Chính không nhận nhiệm vụ lãnh đạo thay ông Trọng vào lúc này, mà lại là Tô Lâm, một người vừa mới nhậm chức, cũng như đầy tai tiếng ở Châu Âu ?

Những ý kiến ẩn danh trong nội bộ cộng sản Việt Nam khẳng định một điều rằng Lâm và Chính chưa bao giờ thuận ý với nhau, bằng mặt mà không bằng lòng. Điều này không chỉ thể hiện ở trong nội bộ, mà thậm chí bộc lộ ở ngay trong những cuộc công du mà hai người có cùng chuyến đi. Và dĩ nhiên, vụ án của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – người tình của ông Chính theo đồn đãi - vẫn được tái đi tái lại, nhắc liên tục, cũng là cách mà Tô Lâm muốn ra mặt vỗ vai Phạm Minh Chính.

Cuộc họp mật của Bộ chính trị về chuyện sắp đặt cho Tô Lâm thay quyền lãnh đạo tạm thời, thế cho ông Nguyễn Phú Trọng, không thấy ý kiến gì của Thủ tướng Chính cho thấy, Chính cũng nhận ra kẻ thù của mình đã cầm sẳn vũ khí gì trong tay. Khi cái chết của Nguyễn Phú Trọng được cử hành xong, cuộc chiến cuối giữa hai đồng chí cùng xuất thân trong ngành Công an chắc chắn sẽ diễn ra, êm thắm hay gay gắt thì cũng rất khó lường.

Những bản tin của nhà nước khẳng định về chuyện chấm dứt thời kỳ cầm quyền của ông Trọng được chứng minh việc trao cho ông ta huân chương Sao Vàng, một huân chương vốn phần lớn là truy tặng cho người quá cố. Nhưng dù chết ở thể chất hay tinh thần, Nguyễn Phú Trọng sẽ khó nhắm mắt, vì ông ta biết tự mình đã làm sụp đổ cả một cơ đồ cộng sản lý tưởng, khi vô tình dọn mâm sẵn cho Tô Lâm bước vào ăn món bò dát vàng.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 19/07/2024

***************************

Nguyễn Phú Trọng : công với ai và tội với ai ?

Gió Bấc, RFA, 19/07/2024

Ngày 17/7, người dân Việt chợt giật mình khi Bộ Chính Trị lần đầu tiên ban bố đặc ân hé ra cho người dân thông tin tối mật về sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng. Té ra bấy lâu nay ông Trọng "vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe" nay đã đến lúc "cần phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để đồng chí Tổng bí thư tập trung điều trị tích cực".

quaco5

Có người khen Nguyễn Phú Trọng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Phú Trọng cũng tự hào về điều đó dù tuyên bố rằng con đường lên chủ nghĩa xã hội còn dài lắm không biết bao giờ mới tới.

Thật ra đây chỉ là cái cớ, là thông tin nền, chủ đề chính, nội dung cốt lõi của bản tin này là công bố "tân nhiếp chính vương" : "Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, trước mắt, Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định" (1).

Bổ nhiệm nhiếp chính khi vua chưa băng hà là ngoại lệ chưa từng có trong các triều đại cộng sản "cường thịnh", từ Lenin, Stalin ở Nga, Mao ở Tàu hay Lê Duẩn ở ta. Các "lãnh tụ anh minh yêu đảng, yêu nước vĩ đại" luôn phấn đấu hy sinh phụng sự đến hơi thở sau cùng. Chính vì vậy, khi lãnh tụ trút hơi tàn thì đám cận thần phải sống mái dành vị trí quan trọng nhất trong ban lễ tang, vị trí đứng cạnh quan tài để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, cũng đồng thời gián tiếp thể hiện vai trò kế vị. Thông thường là tắm máu. Trotsky đã đào tẩu vẫn bị truy sát. Beria phải dựa cột. Tứ nhân bang phải vào tù để tế cờ cho vương triều mới.

Công bố quyền lực Nhiếp Chính Vương kèm theo lời hiệu triệu "toàn đảng đoàn kết", vừa huấn thị, vừa răn đe trước khi báo tang, hy vọng quyền lực đã và sẽ được chuyển giao êm thắm mà không phải tắm máu như các tiên triều của đàn anh.

Triều đình ít biến động, chém giết, hy vọng rằng dân đen cũng đỡ lầm than khổ nạn tai bay họa gió. Phải chăng đây là tiên liệu, là sự sắp đặt của "người đốt lò vĩ đại", vị tổng bí thư ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng ?

E rằng không mà còn ngược lại ! Càng về cuối nhiệm kỳ ba, quyền lực Tổng Trọng ngày càng suy giảm, song hành với tình trạng sức khoẻ ; nhưng sự suy giảm quyền lực chừng như không phải do sức khỏe mà do hậu quả những tính toán sai lầm trong "công cuộc đốt lò", trong việc điều hành các nhóm lợi ích, các phe nhóm dưới trướng. Lửa đốt lò càng lúc càng đậm nhưng củi đưa vào lò càng lúc càng xa tay với của chủ lò.

Về công cuộc đốt lò, nhiều người khen Nguyễn Phú Trọng là đầu tàu chống tham nhũng nhưng có không ít ý kiến nghi ngại đây chỉ là công cụ chiến lược tạo thế cho bọn đàn em thành lũ quần ngư tranh thực để Tổng Trọng tọa sơn quan hổ đấu, ngư ông đắc lợi. Thoạt đầu, củi đốt lò là đàn em thân tín của Ba X như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà… Nhưng trước những thanh củi to Lê Thanh Hải, Vũ Huy Hoàng, lửa lò lại chập chờn khi nóng khi lạnh.

Lửa thật sự dữ dội từ sau "tai nạn" bò dát vàng của Tô Đại Tướng. Câu nói xa gần của Tổng Trọng : "Tôi nhớ nhà văn Nga Maxim Gorky có nói : ‘Con người – hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao !’. Nhưng con người cũng có không ít tật : ‘Kém một miếng không chịu được’, ‘Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu !’. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ" (2).

Chừng như đã kích hoạt năng lượng tiềm tàng của thanh kiếm Tô Lâm, mục tiêu đốt lò dần chuyển hướng. Từ vụ test kit Việt Á, đến chuyến bay giải cứu, rồi đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tăng dần đến Hậu Pháo, Phúc Sơn, cái trật tự quyền lực Công an báo cáo, kiểm tra, kết luận, Công an khởi tố đã bị đảo lộn. Công an khởi tố sân sau, bắt nóng trợ lý lãnh đạo cấp cao thậm chí cả Ủy viên Trung ương đảng đương nhiệm như Hoàng Thị Thúy Lan, bí thư Vĩnh Phúc ; buộc Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ phải tự xin từ chức. Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải cập rập bẽ bàng đề nghị kỷ luật đảng viên với những phạm nhân. Uy thế của hai cánh tay quyền lực của Đảng ngày càng mờ nhạt, thụ động hợp thức hóa các quyết định tố tụng của Công an.

Mới đây nhất, Phó ban Nội chính Nguyễn Văn Yên bị bắt giam, cuộc điều tra các dự án môi trường đang mở rộng, số phận của Trưởng ban Nội chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra rung lắc như cây non trong bão lớn, càng cho thấy "công cuộc đốt lò" đã nằm ngoài tầm tay của Nguyễn Phú Trọng và trước sau nó hoàn toàn không nhằm chống tham nhũng như đã nhân danh. Thực chất nó chỉ là cuộc đấu đá giữa các nhóm quyền lực và lợi ích.

Quy mô, tính chất các vụ tham nhũng đã lộ sáng, càng về sau càng lớn hơn các vụ trước với cấp số nhân. Với Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng số tiền thiệt hại tham nhũng ngàn tỷ đã là con số khủng nhưng các đại án sau này như Trịnh Văn Quyết, SCB số tiền thiệt hại là chục ngàn, trăm ngàn tỷ. Trong cái nhìn của giới chuyên môn, vẫn còn đó nhiều vụ án tiềm năng giá trị thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ hoặc lớn hơn.

Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng qua ba khóa Tổng bí thư của Tổng Trọng, hàng loạt ngân hàng phải quản lý đặc biệt, phải mua lại 0 đồng ; kinh khủng nhất là ngân hàng SCB, nhà nước phải chi 25 tỉ USD (bằng 6% GDP cả nước năm 2023) để giải cứu. Thế nhưng các Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, Lê Minh Hưng không chịu trách nhiệm gì, mà còn thăng tiến vào Bộ Chính trị. Rõ là "công cuộc đốt lò" không ngăn chặn, giảm thiểu, mà tham nhũng ngày càng lớn mạnh hơn.

Giới chức tự xưng yêu đảng, tung hô Nguyễn Phú Trọng có công xây dựng đảng. Quả thật, Nguyễn Phú Trọng nói nhiều, ra nhiều quy định mới, in nhiều sách về xây dựng đảng nhưng nhìn lại cái đảng sau gần ba khóa được Trọng xây dựng, đã rệu rã như thế nào ?

Với tầng lớp lãnh đạo cao cấp do Tổng Trọng đào tạo, tuyển chọn trong khóa 13 này thì 7/18 Ủy viên Bộ Chính trị bị cách chức, cho thôi giữ chức do bị nhúng chàm. Hơn 30 Ủy viên Ban chấp hành trung ương bị bắt, cách chức, cho thôi giữ chức vì tham nhũng. Cấp thấp hơn tuần tự là số trăm, số ngàn. Những thiệt hại nhân sự khủng khiếp chưa từng có, ngay cả trong thời non trẻ hoạt động bí mật bị thực dân Pháp đàn áp hay trong chiến tranh cũng cao chưa đến như vậy. Đây chỉ là con số nhúng chàm đã bị lộ, con số đảng viên cán bộ nhúng chàm chưa bị lộ thì khó có thể thống kê.

Đảng có trăm tai nghìn mắt, đảng viên ai cũng học theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện 19 điều cấm, kê khai tài sản hàng năm… theo chương trình xây dựng đảng của Tổng Trọng. Thế nhưng, nhờ bọn tin tặc lừa đảo, đảng mới biết chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị chiếm đoạt hơn 170 tỉ đồng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc nhưng cũng chẳng ai giải đáp thắc mắc của người dân số tiền khổng lồ ấy từ đâu mà có. Cơ quan chống tham nhũng, xây dựng đảng thực chất chỉ làm công việc xử lý lấp liếm sai phạm lộ liễu không thể giấu và cố tình che đậy thô thiển những gì có thể che đậy.

Một chính sách lợi hại của Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng đảng là luân chuyển cán bộ. Nhưng thực chất đó chỉ là thủ thuật xào bài, cài người phe đảng để Trọng chiếm đa số Ủy viên Trung ương, lật đổ Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội khóa 12 và duy trì quyền lực cho Trọng trong khóa 13. Điểm lại các trường hợp cán bộ lãnh đạo bị lộ, bị xử lý, hầu hết là sai phạm từ nhiều năm trước, từ những chức danh trước đó mấy khóa và chỉ bị lộ ra nhờ những nguyên cớ tình cờ.

Trịnh Xuân Thanh sai phạm từ thời làm ở xây dựng dầu khí, được luân chuyển về Bộ Công thương, luân chuyển tiếp về Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang mới bị lộ nhờ vụ xe bảng trắng bảng xanh. Đinh La Thăng cũng sai phạm từ dầu khí, luân chuyển về Bô Giao thông, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, bị lộ từ nâng đỡ Trịnh Xuân Thanh. Võ Văn Thưởng sai từ khi làm Bí thư Quảng Ngãi, luân chuyển hàng tá chức lên đến Chủ tịch nước thì mới lộ vì đàn em Hậu Pháo…

Nói cách nào đó, luân chuyển là phương cách hữu hiệu để kẻ sai phạm chuyển vùng hoạt động né tránh, che giấu hậu quả sai phạm của mình. Luân chuyển cán bộ cũng là cơ hội, phương tiện cho loại hình tham nhũng mới là mua bán chức quyền.

Có người khen Nguyễn Phú Trọng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyễn Phú Trọng cũng tự hào về điều đó dù tuyên bố rằng con đường lên chủ nghĩa xã hội còn dài lắm không biết bao giờ mới tới. Chủ nghĩa Mác – Lê có hai phần chính là ảo tưởng về xã hội tốt đẹp phân phối theo lao động, người dân hạnh phúc ấm no nhờ phúc lợi dồi dào mà hiện các nước Bắc Âu đang thụ hưởng. Phần thứ hai là thực thể chuyên chính vô sản với chính quyền độc tài toàn trị và công cụ bạo lực là công an, quân đội. Xem ra ba nhiệm kỳ của ông Trọng những chỉ số phúc lợi an sinh xã hội của nhà nước không có gì khởi sắc nếu không nói là ảm đạm. Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố, năm 2021, dự toán chi ngân sách cho Bộ công an là khoảng 96 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và Bộ giáo dục là 7,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023 (3).

Ngoài ra, ngành Công an còn được trích đến 85% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, bán đấu giá bản số xe… điều này cho thấy ông Trọng không kiên định với đường lối, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà kiên định và đầu tư chăm chút cho thực thể bộ máy chuyên chính vô sản.

Sự đàn áp, tước đoạt tài sản người dân nhất là trong lĩnh vực đất đai trong ba nhiệm kỳ của Tổng Trọng quy mô lớn, tàn bạo và đẫm máu nhất so với các Tổng bí thư khác từ 1975 đến nay. Nhà nước đã dùng pháp quyền hành chính, hình sự và cả sức mạnh súng đạn để đàn áp người dân vừa cướp đất vừa bắn giết, tù đày những người mất đất. Điển hình là vụ Cống Rộc, Hải Phòng với gia đình Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang, Hưng Yên… Đặc biệt, vụ Đồng Tâm, Hà Nội, dân thôn Hoành bị cướp hàng chục ha đất. Cụ Lê Đình Kình, đảng viên lão thành trên 60 năm tuổi đảng bị thảm sát, con cháu bị án tử hình, chung thân, ngược lại ba hung thủ trong số hơn 300 tên khủng bố nửa đêm xông vào nhà dân bắn giết lại được chính Nguyễn Phú Trọng ký truy tặng huân chương.

Báo chí, tôn giáo dưới thời Nguyễn Phú Trọng cũng bị bóp nghẹt hơn bao giờ hết. Quy hoạch báo chí, Luật An ninh mạng, điều 331 đã giết chết hoàn toàn tự do báo chí và cả không gian mạng xã hội. Nhiều nhà báo phản biện hay điều tra chống tiêu cực như Phạm Đoan Trang, Mai Phan Lợi, Nguyễn Hoài Nam, Trương Châu Hữu Danh… bị kết án tù rất nặng nề.

Ngay trong số cán bộ đảng viên, Nguyễn Phú Trọng cũng có sáng kiến độc đáo, vũ khí đặc biệt để đàn áp, bóp nghẹt tiếng nói phản biện. Đó là khái niệm mơ hồ "tự chuyển biến, tự chuyển hóa, tha hóa mất phẩm chất" và bị kết tội về những hành vi mơ hồ ất ơ lợi dụng chức vụ quyền hạn, trốn thuế như vị lão tướng nhà báo Nguyễn Kim Hoa, luật sư Trần Vũ Hải. Gần đây nhất là Phó ban Dân nguyện quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, nhà báo Huy Đức, Luật sư Trần Đình Triển, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân.

Đạo lý của dân tộc, nghĩa tử là nghĩa tận, lẽ ra không nên nặng lời với người đã khuất. Nhưng ngay khi chúng tôi viết những dòng chữ này thì cả hệ thống truyền thông đồ sộ của Đảng đang huy động hết công suất ca ngợi công đức của Nguyễn Phú Trọng bằng ngôn từ dối trá, hài hước không kém "Người kể chuyện phi thường" Hồ Chí Bảo và "Quốc Trung hiền sĩ" tán tụng khen nhau. Một lần nữa họ lại lấy tiền của, phương tiện hiện đại của đất nước, của người dân để đầu độc nhận thức cộng đồng. Ai đã tuyệt nghĩa tử nghĩa tận với cụ Lê Đình Kình khi thi hài cụ bị bị hành hạ, phanh thây, tang lễ cụ bị bao vây ? Ai sẽ nói thay những người đã và đang bị cướp tài sản, bị đàn áp giam cầm ?

Lịch sử đảng cộng sản, các tổ chức độc tài khác sẽ tán dương công đức, tài trí kinh nghiệm củng cố thể chế chuyên quyền đàn áp của Nguyễn Phú Trọng. Phần còn lại của thế giới cần phải hiểu và nhận diện con người thật của ông ta.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 19/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi, Lê Quốc Quân, Nam Việt, Nam Gia, Gió Bấc
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)