Cả tập đoàn lãnh đạo chế độ toàn trị đã lên đồng bóng tập thể không chỉ cho người vừa mất mà cho chính họ, nên Tô Lâm đã nắm ngay ghế Tổng bí thư !
*****************
Phần I : Ông "đốt lò", ông "đặc biệt", ông "đổi mới"
Phần 2 : Ông "ngoại giao cây tre", ông để lại gia tài như thế nào, tương lai chế độ đi về đâu dưới quyền của Tô Lâm ? Ông Tô Lâm là ai ? Đã làm gì và thành tích ra sao ?
Đường đi và trách nhiệm thời đại của những người Dân chủ ở trong và ngoài nước
Ông Tô Lâm phát biểu trong lễ an táng cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 26/07/202
Trong những ngày gần đây sau khi Nguyễn Phú Trọng vừa mất, những người cầm đầu chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam và cả hệ thống báo chí chế độ toàn trị lại mặc đồng phục rất diêm dúa, trịnh trọng cùng ngồi lên "đồng bóng" đọc các điếu văn, phổ biến hàng loạt bài ca tụng Nguyễn Phú Trọng như một thánh sống, một người toàn năng về toàn diện. Các tờ Cộng sản,Tạp chí Cộng sản, Nhân dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Chính phủ… bên cạnh các bài ca tụng thành quả của Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng đảng, chống tham nhũng, ngoại giao, kinh tế, văn hóa giáo dục… còn cả loạt bài ca ngợi bảo là tính bình dị, dễ thương trong cuộc sống hằng ngày trong gia đình, với các bạn và các thầy - cô giáo thời còn đi học.
Hàng loạt các bài này ca tụng cá tính, khả năng, thành tích mọi mặt của Nguyễn Phú Trọng cũng tuyệt vời như "Bác" (Hồ Chí Minh) và ông "Trăm Nến" (Lê Duẩn). Nhưng tuyệt nhiên không thấy có những bài của các báo lề Đảng nói về những sai lầm tày trời trong tư duy, hành động và tư cách thực của Nguyễn Phú Trọng. Vì nếu quả thực tuyệt vời như thế thì tại sao vào những năm cuối đời làm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại phải hấp tấp bắt họp hết Hội nghị trung ương và Quốc hội họp bất thường để loại Chủ trảm Tướng, kể cả nhiều thân tín, để tìm cách giữ ngai vàng trong lúc là ngọa long, trước khi mất lại phải để chúa tể bộ máy công an Tô Lâm tiếp tục nắm giữ gia tài ?
Cho nên không ngạc nhiên trong "Lời Điếu" của Tô Lâm, từ vài tuần qua đang đứng đầu chế độ, đã tô hồng hết mình ông Trọng :
"Gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... thời kỳ đổi mới -về nơi an nghỉ cuối cùng… Một nhân cách lớn, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng, vì dân. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng trong sáng, "chí công vô tư", lối sống giản dị, liêm khiết, chân thành, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt, nhất quán giữa nói và làm, tôn trọng và yêu thương con người, rất đỗi gần gũi với nhân dân (1).
Cũng vào dịp này và cũng là ngày kỉ niệm thương binh liệt sĩ, Phạm Minh Chính để Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định thay mình về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ.
Theo đó "đối với các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được bố trí cho thuê nhà ở công vụ đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều kiện công tác và yêu cầu an ninh, bảo vệ theo quy định.
Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được bố trí cho thuê biệt thự công vụ cao không quá 4 tầng, diện tích đất xây dựng từ 450m2 - 500m2, có khuôn viên sân, vườn, hàng rào và lối ra vào riêng biệt, đảm bảo hệ thống an ninh, bảo vệ theo quy định; định mức kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất không gắn liền với nhà ở công vụ là 350 triệu đồng" (2).
Cho thấy các quan đỏ Tứ trụ, các ủy viên Bộ chính trị đã tự giành cho nhau không chỉ quyền lực cao mà còn bòn rút ngân sách nhà nước tối đa những lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Cần lưu ý, đây là chưa kể những ưu đãi khác như ăn uống, quần áo, đi lại… họ được hưởng cuộc sống rất vương giả như các nhà đại tư bản ! Các cấp dưới từ các bộ trưởng, bí thư tỉnh, thành phố… cũng giành những ưu đãi đặc biệt của chế độ toàn trị.
Ở Việt Nam có hủ tín đồng bóng cực kì mê tín dị đoan. Bọn thầy cúng hay các mụ phù thủy tin mình thấy được linh hồn người đã mất và có thể gọi vong linh người đã khuất nhập vào mình và trong buổi lễ với quần áo rất diêm dúa oang oang kể lại cho những người nghe mê tín cả tin. Tính đồng bóng này cũng được nhiều cao thủ chính trị dùng các thủ đoạn để đánh lừa người nhẹ dạ. Họ dùng ngôn ngữ đao to búa lớn kể về người đã mất để tự ca tụng mình là đệ tử trung thành, là người kế nghiệp chính đáng, bất chấp dư luận !
Chính vì thế muốn nhận định về thành quả của một chính trị gia, nhất là người đứng đầu chế độ, phải nghiêm túc đứng trên tinh thần khoa học, phân tích và so sánh giữa lời nói và hành động của họ. Như thế mới tìm ra con người thực của họ như thế nào. Muốn vậy phải tìm hiểu và nhận ra được tư duy, tâm lí và thái độ của chính trị gia này.
Mỗi người, kể cả người đứng đầu một chế độ hay một nước, có những thói quen ước muốn hàng ngày và trong cuộc sống nhất định, không dễ từ bỏ, nó trở thành tập quán suy nghĩ, tiêu chuẩn giá trị chọn lựa và hành động hàng ngày của họ. Vì thế muốn nắm vững tham vọng, hành động của một Chính trị gia thì phải căn cứ thói quen và các hành động từ trước tới nay của họ, Nhờ đó nhận xét và dự đoán về họ sát hơn.
Các hoạt động chính trị của các chính trị gia và các tổ chức chính trị bất kể theo mầu sắc hay ý thức hệ nào liên quan trực tiếp tới sinh mệnh và cuộc sống của bao nhiêu triệu người. Nó là những việc của công luận, nên phải được công luận của nhân dân các giới theo dõi, phân tích và nhận định nghiêm túc.
Ông Trọng làm Tổng bí thư trên 13 năm (từ tháng 1/2011) suốt gần ba khóa (11, 12 và 13). Ông đã theo đuổi nhiều mục tiêu trên các lãnh vực khác nhau ; kết quả như thế nào, có đạt tới những hoài bão cho cá nhân và hứa hẹn với Đảng và nhân dân không ? Để có cái nhìn chính xác và khách quan, cẩn phải phân tích và nhận định theo tinh thần khoa học, đặc biệt là khoa học chính trị và khoa học xã hội. Nhờ thế nắm rõ được tâm lí, động lực, cá tính, kiến thức và khả năng thực sự của Nguyễn Phú Trọng trong suốt thời gian cầm đầu chế độ toàn trị.
Khi sinh thời Nguyễn Phú Trọng và nhiều người cầm đầu toàn trị trước cũng như hiện nay vẫn rao giảng là "Thực tiễn chứng minh lí thuyết", hãy xem kết quả như thế nào để kết luận về lí thuyết và việc làm của họ đúng hay sai. Cùng nhau chúng ta hãy nghiêm túc, bình tâm đối chiếu các kết quả so với những lời nói và hành động cụ thể của Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Tổng bí thư suốt trên 13 năm qua.
Mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và tự bốc là sáng kiến đột phá của Nguyễn Phú Trọng không được ai chú ý.
Phần I
Ông "đốt lò", ông "đặc biệt", ông "đổi mới"
Ông đốt lò hay cung cách chống tham nhũng
Một trong những mục tiêu chính và lãnh vực hoạt động trọng tâm trong suốt trên 13 năm làm Tổng bí thư của ông Trọng là chống tham nhũng. Ông đã ra nhiều Nghị quyết phòng chống tham nhũng và tiêu cực, trong tư cách là Tổng bí thư, Trưởng tiểu ban trung ương phòng chống tham nhũng và tiêu cực và Trưởng tiểu ban nhân sự trong các đai hội dưới quyền. Trên đường xây dựng quyền lực riêng cho mình để thuyết phục đảng viên và đánh lừa nhân dân, ông Trọng đã đưa ra phong trào chống tham nhũng với những tiêu chí rất cao, tuyệt vời trong việc huấn luyện và tuyển chọn các cán bộ cấp chiến lược để đưa vào Trung ương đảng, Bộ trưởng, Ban bí thư và cả Tứ trụ. Nhiều lần hùng hổ đe dọa là "củi tươi cũng phải cháy", quyết "nhốt quyền lực vào trong lồng"…
Suốt 5 năm đầu làm Tổng bí thư của Khóa 11 (2011-16) Nguyễn Phú Trọng đã mở cuộc trường kì kháng chiến để loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và công tác chống tham nhũng được tiếp tục trong nhiệm kì 2 làm Tổng bí thư (2016-21) với các vụ án Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Cao điểm nhất của phong trào chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng là từ Đại hội 13, trong nhiệm kì Tổng bí thư thứ ba của ông, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng nổ tàn khốc trên toàn quốc và các hậu quả của nó trong các vụ tham nhũng động trời có hệ thống trong toàn Đảng, Chính phủ trong các năm 2021-2024 như Việt-Á, Chuyến bay giải cứu, vụ án Vạn Thịnh Phát… Trong số 17 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 đã 7 người bị cách chức, phải từ chức, trong đó có cả những người thuộc tứ trụ như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, hai Phó Thủ tướng… (3).
Lạ lùng thay là giữa khi các đồng liêu thân cận, kể cả những người được coi là do chính Nguyễn Phú Trọng tuyển chọn để sẽ kế nghiệp làm Tổng bí thư, đã bị tai tiếng dính líu vào tham nhũng hay lợi dụng để trục lợi trong các chuyến bay giải cứu trong suốt các năm đại dich Covid 19 thì chính Nguyễn Phú Trọng lại nhắm mắt kí Quyết định số 264/QĐ-Chủ tịch nước (10/3/2021) "Tặng Huân chương lao động hạng ba cho công ti Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19" cho công ti Việt Á… một trong những ổ chính gây ra tham nhũng giữa lúc hàng triệu nhân dân khốn khổ, đói khát phải bồng bế con thơ rời các căn trọ chật hẹp, bẩn thủi trong các khu kinh tế ở các thành phố lớn. Thay vì công khai nhận trách nhiệm trước nhân dân và đảng viên, Nguyễn Phú Trọng lại sợ vỡ cái bình quí, trong đó ưu tiên và quan trọng nhất là cái ghế Tổng bí thư và uy tín của mình, nên ông Trọng dùng thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng (4). Hành động và thái độ này chứng tỏ ý thức trách nhiệm và tư cách rất tồi của người cầm đầu chế độ.
Chẳng những thế trong suốt những năm trực tiếp chỉ huy chống tham nhũng, nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không dám đụng vào nguyên nhân gây ra tệ trạng tham nhũng, tham quyền. Đó chính là chế độ độc tài toàn trị theo Marx-Lenin nhưng chính ông luôn luôn lên tiếng bảo vệ bằng mọi giá. Các tòa án, viện kiểm sát, công an điều tra, báo chí… đều thuộc độc quyền của Đảng. Từ nhiều năm chế độ cộng sản Việt Nam vẫn đứng đội sổ về tự do báo chí trên thế giới. Như thế là cố tình làm vô hiệu các nhiệm vụ và sứ mạng của các cơ quan này. Nguyễn Phú Trọng còn cố duy trì và bảo vệ quyền sở hữu đất đai là độc quyền của chế độ toàn trị ; dựng lên các doanh nghiệp nhà nước để độc quyền kinh tế. Đó là để cho bọn quan đỏ bất tài tự do tiêu sài Ngân sách quốc gia, tài nguyên đất nước, đầu cơ buôn bán đất đai, tạo thành những nhóm lợi ích trong mọi ngành mọi cấp. Như thế chứng tỏ trình độ kiến thức về kinh tế, xã hội của Nguyễn Phú Trọng cực kì tồi !
Chính vì vậy chính sách và phương pháp đốt lò chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng sau trên 13 năm đã hoàn toàn thất bại và còn đang biến chế độ thành các nhóm Mafia chống đối lẫn nhau rất tàn bạo. Tại sao ? Vì Nguyễn Phú Trọng kiến thức hẹp chỉ biết thực hành cách cai trị theo kiểu Marx-Lenin độc tài tàn bạo cực kì sai lầm và đã phá sản trên 30 năm qua. Ông lại ngang bướng và cực kì bảo thủ nên các biện pháp đưa ra hoàn toàn đi ngược với kiến thức khoa học chính trị-xã hội hiện đại của nhân loại đã được thực tế chứng minh ở những nước có nền dân chủ đa nguyên cao. Chỉ cần kiến thức phổ thông và tấm lòng trung thực thì ai cũng nhận ngay ra rằng, trên thế giới hiện nay nước nào có chế độ phân quyền nghiêm minh giữa Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, có chế độ báo chí độc lập và tư do, có hệ thống các tổ chức dân sự độc lập thì ở đó các tệ trạng tham nhũng, lạm quyền trở thành vắng bóng. Điển hình như ở nhiều nước Bắc Âu luôn luôn đứng đầu bảng về trong sạch trên thế giới, tham nhũng không còn đất đứng. Tiến trình này cũng đang diễn ra ở một số nước trong khu vực gần Việt Nam như Nam Hàn và Đài Loan trong các năm gần đây.
Ông đặc biệt
Cách nắm quyền và hành xử quyền lực suốt trên 13 năm qua trong tư cách Tổng bí thư đã tự tạo cho ông một vị thế rất đặc biệt có một không hai trong hàng lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Trong đó ông Trọng đã nhiều lần giẫm nát cả Điều lệ Đảng, vứt đi những nguyên tắc vẫn được coi là nền tảng tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam như tập trung dân chủ, mặc dầu chính ông luôn luôn đề cao, bắt các đảng viên phải triệt để tôn trọng. Điều rất đặc biệt nữa là, không chỉ thực hiện một lần mà liên tiếp nhiều lần do chính ông mưu mẹo và thực hiện bất kể lương tâm và lòng tự trọng. Những tính toán, lươn lẹo để nắm ghế Tổng bí thư lần thứ nhất (1/2011) và cố tình kéo dài thêm hai nhiệm kì tiếp theo, ai theo dõi đều có thể kiểm chứng được.
Theo qui định của Điều lệ Đảng thì trên 65 tuổi không được quyền đảm nhiệm một nhiệm vụ mới trong Đảng. Nhưng trước Đại hội 11 Nguyễn Phú Trọng – khi ấy là Chủ tịch quốc hội - đã bày ra mưu kế vận động để Đỗ Mười - người gần như thất học, bị bệnh tâm thần nhưng cực kì bảo thủ như Nguyễn Phú Trọng - đưa mình vào ghế Tổng bí thư thay thế Nông Đức Mạnh sau hai nhiệm kì theo Điều lệ Đảng. Khi ấy đã 94 tuổi suy yếu nên Thái thượng hoàng Đỗ Mười muốn về nghỉ. Nhưng có trở ngại lớn về tuổi tác của Nguyễn Phú Trọng (14/04/1944). Nếu theo đúng Điều lệ Đảng thì Đại hội 11 sớm nhất chỉ có thể diễn ra sau 5 năm tức vào cuối tháng 4/2006 (Đại hội 10 24/04/2006). Nếu giữ thời điểm này thì khi đó Nguyễn Phú Trọng sẽ trên 65, theo Điều lệ Đảng không có quyền ứng cử vào chức vụ mới cao hơn nữa. Vì thế họ đã để Đại hội diễn ra ngay từ 12/01/2011, vài tháng sớm hơn thường lệ để Nguyễn Phú Trọng không bị chỉ trích là đã quá tuổi theo Điều lệ Đảng.
Thế rồi tới cuối nhiệm kì 11 vào đầu năm 2016 đúng ra theo Điều lệ Đảng thì Nguyễn Phú Trọng không có quyền ứng cử thêm, vì khi đó đã gần 72 tuổi. Nhưng Nguyễn Phú Trọng lại vận động bằng cách mua chuộc vây cánh và quyền lực trong Bộ Chính trị và Trung ương đảng để được xếp vào "trường hợp đặc biệt" (5). Âm mưu độc tài này gây bất bình lớn trong Trung ương đảng và Bộ Chính trị, Nguyễn Phú Trọng vội vã hô hoán lê rằng "Nguy cơ đối với cách mạng, trước nhất từ trong nội bộ Đảng" đồng thời chính ông Trọng đã vội vã cho vây cánh ép Nguyễn Tấn Dũng phải "về làm người tử tế", để cho Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nói thẳng ý đồ của Nguyễn Phú Trọng là "tài không nệ tuổi" "bỏ dỡ mọi khuôn sáo cơ học cứng nhắc về vấn đề này"…. Ngôn ngữ này của Nhị Lê là tính toán thầm kín và khẩu lệnh của Nguyễn Phú Trọng nên không nhân vật nào trong Bộ Chính trị còn dám cản. Chính Nhị Lê vào dịp Nguyễn Phú Trọng mất đã xác nhận vẫn coi ông Trọng là "bậc thầy" ! (6).
Tham lam quyền lực như thế vẫn chưa đủ. Liền sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất (21/09/2018), Nguyễn Phú Trọng vội vồ ngay cơ hội để nắm thêm cả chức Chủ tịch nước. Lần này Nguyễn Phú Trọng lại cho tay sai Nhị Lê ra cứu mình. Khi ấy Nhị Lê, đã hô hào cho giải pháp "nhất thể hóa" hai chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào tay Nguyễn Phú Trọng là "rất chín muồi" (7). Nhưng liền sau khi nắm được ghế Chủ tịch nước thì hai cơ quan Văn phòng Tổng bí thư và Văn phòng Chủ tịch nước vẫn giữ nguyên. Như thế ông Trọng đã để ông Nhị Lê đánh lừa đảng viên và nhân dân để giành ghế Chủ tịch nước !
Người đứng đầu chế độ toàn trị đạp lên Điều lệ Đảng suốt 10 năm để giành cho mình "trường hợp đặc biệt" và từ 14/04/2019 đã bị bệnh rất nặng, nhưng lòng tham quyền lực và danh vọng vẫn chưa thấy đủ, nên Nguyễn Phú Trọng lại thi thố mọi thủ đoạn tồi tệ để quyết giữ ghế Tổng bí thư thêm nhiêm kì thứ ba. Vì thế ngay trong diễn văn khai mạc Đại hội ngày 26/01/2021 Nguyễn Phú Trọng còn cho lồng cả một số cuộc phỏng vấn của các cao thủ tuyên truyền của chế độ để tâng bốc và dọn đường cho ông ta thực hiện ý đồ đen tối. Trong đó Nhị Lê lại được ra trận nói thẳng ý đồ của chủ tướng, quyết bằng đủ mọi giá chiếm ghế Tổng bí thư lần thứ ba tiếp tục công khai đạp lên Điều lệ Đảng, coi Trung ương đảng và Đại hội chỉ như bù nhìn. Nhị Lê đã nói không úp mở :
"Điều lệ [ý nói Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam] là do chúng ta làm ra. Khi điều lệ không bao chứa hết được sự vận động của lịch sử thì chúng ta sửa điều lệ. Quyền này là cao nhất của Ban chấp hành Trung ương đảng. Cho nên vấn đề cùng với sự phát triển của thông lệ trên cơ sở của điều lệ chúng ta có trường hợp biệt lệ, trường hợp ngoại lệ, thậm chí trường hợp siêu biệt lệ để giải quyết những tình thế mà lịch sử yêu cầu… Không có một công việc gì dù khó khăn đến mấy chúng ta không vượt qua…" (8).
Ông đổi mới
Sau chiến thắng trong cuộc nội chiến tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam tháng 4/1975, thay vì Hòa giải và hòa hợp giữa nhân dân hai miền Nam và Bắc để hàn gắn thực sự vết thương dân tộc và từ đó nhanh chóng kiến thiết lại quê hương, phát triển nhanh. Nhưng chiến thắng đã làm họ mù quáng nên ông Trăm Nến đã vội vã bưng toàn bộ hệ thống cai trị xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc áp đặt lên miền Nam : Phá bỏ kinh tế tư nhân, áp dụng chế độ doanh nghiệp nhà nước, bắt hàng trăm ngàn binh sĩ, công chức, chuyên viên, văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa vào các trại cải tạo, cưỡng bức hàng triệu tư thương lên các vùng hoang vu lập các khu kinh tế mới, hàng triệu người đã bị kì thị và phân biệt đối xử nên phải liều mình bỏ nước ra đi trở thành thuyền nhân làm cả thế giới xúc động ! Họ còn mở cuộc chiến xâm lược Campuchia, tạo cớ để Đặng Tiểu Bình mở cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979, đồng thời Hoa Kì và EU phong tỏa kinh tế và tẩy chay ngoại giao (9).
Hậu quả tai hại của các chính sách cực kì sai lầm và phiêu lưu này là từ giữa thập niên 80 của thể kỉ trước diễn ra nạn đói trầm trọng nhất từ sau 1945, nạn lạm phát phi mã lên tới 700-800%, cùng lúc phải đương đầu với hai cuộc chiến với phương Bắc và sa lầy ở Campuchia, Liên Xô thời Gorbachev cắt viện trợ, ngoại thương và ngoại giao bị cô lập. Bởi thế tại Đại hội 6 (12/1986) Nguyễn Văn Linh đã phải lên tiếng "Đổi mới hay là chết" ! Khi ấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trần Độ, Trần Xuân Bách… và nhiều trí thức xã hội chủ nghĩa tiến bộ đã kêu gọi phải đổi mới thực sự bằng cả hai chân kinh tế và chính trị. Nhưng Đỗ Mười và phe bảo thủ giáo điều đã tìm mọi cách chống lại, sợ bị chệch hướng, mất Đảng, mất quyền, nên đã thề thốt "đổi mới nhưng không đổi mầu" (10) !
Từ khi nắm chức Tổng bí thư (tháng 1/2011), sau hai thập niên Liên Xô tan rã, nhà giáo điều Nguyễn Phú Trọng lại vẫn tiếp nối đường lối cực kì bảo thủ và sai lầm của Đỗ Mười, đã không dám mở mắt nhìn vào thực tế mà còn điên cuồng không chỉ giữ nguyên và còn tăng cường toàn bộ hệ thống cai trị theo mô hình Marx-Lenin. Đầu tháng 11/2017, vào dịp kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, ông Trọng vẫn gân cổ lên hết lời ca ngợi : "Tinh thần Cách mạng Tháng Mười và những thành quả lịch sử cũng như những cống hiến to lớn của nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đối với loài người mãi mãi không bao giờ phai mờ, mãi mãi sẽ còn ghi đậm trong tâm trí của mọi người có lương tri trên toàn thế giới" (11) !
Trong chính trị thì tái lập lại các Ban Trung ương để ngăn cản thế lực của Nguyễn Tấn Dũng, trong kinh tế thì mở rộng và nâng cao vai trò kinh tế quốc doanh thành các tổng công ti và tập đoàn nắm toàn bộ các huyết mạch kinh tế, mặc dầu cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước bất tài và chỉ lo tham nhũng và lợi ích nhóm. Vì thế doanh nghiệp nhà nước phần lớn làm ăn thua lỗ trở thành gánh nặng cho Ngân sách quốc gia. Trong khi ấy các giới doanh nhân và tư thương Việt Nam bị khinh rẻ, nông dân và nông thôn bị bỏ rơi. Mô hình này Nguyễn Phú Trọng gọi đó là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và tự bốc là sáng kiến đột phá của chế độ toàn trị. Nhưng suốt từ cuộc hội đàm của Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama ở Tòa bạch ốc năm 2015 đã kêu gọi Hoa Kì nhìn nhận Việt Nam là nền kinh tế thị tường nhưng đến nay hoàn toàn thất bại. Mới ngày 2/8/2024 Hoa Kì đã công khai không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đúng ra chính phủ Mĩ đã công bố quyết định này tình cờ vào dịp Nguyễn Phú Trọng mất, nhưng muốn tránh cùng một lúc chịu hai cú sốc cho Đảng cộng sản Việt Nam, nên họ đã hoãn lại ít ngày. Điều này cho thấy, cách tổ chức và điều hành xã hội giữa Hoa Kì và chế độ cộng sản Việt Nam đặt trên những giá trị hoàn toàn khác biệt với nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội như đen với trắng (12) !
Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được tâng bốc là các "đại bàng" lại được chế độ Nguyễn Phú Trọng ưu đãi tối đa, từ mức thuế và đất đai xây xí nghiệp rất thấp, và được tự do chuyển tiền về mẫu quốc ; giữa khi ấy lương công nhân Việt Nam rẻ mạt nên phải sống chui rúc trong các nhà ổ chuột trong các khu kinh tế. Năm 2023, FDI thực hiện ở Việt Nam đạt trên 23 tỷ USD và đây là con số kỷ lục trong 36 năm thu hút FDI (13).
Chính sách kinh tế khinh nội trọng ngoại của Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ rệt nhất trong thảm họa môi trường vào tháng 4/2016 làm cá chết trắng xóa ở nhiều tỉnh miền Trung do công ti Formosa gây ra ở Hà Tĩnh. Khi ấy Nguyễn Phú Trọng lại đủng đỉnh tới thăm và khen ngợi Ban giám đốc Formosa, nhưng lại không thèm gặp các nạn nhân. Mãi tới cuối năm 2016 Nguyễn Phú Trọng mới thản nhiên cho biết "Trước đây chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây giờ chúng ta phải trả giá". Có phải tiền tỉ Dollar của bên ngoài đã làm lóa mắt các đại quan đỏ ? Đúng là sự thông thái của những người lãnh đạo độc tài toàn trị theo kiểu xây nhà không xây cầu tiêu ! Đây chính là sự xa vời thực tế, không biết cuộc sống cực khổ hàng ngày của nhân dân. Vì những nhà lãnh đạo độc tài đã được hưởng mọi chế độ sinh hoạt ưu đãi (xem phần trên). Chẳng những thế chế độ công an trị đã còn thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình của nhân dân (14) !
Hô hào kết án tư bản nhưng lại nâng niu chiều chuộng đại bàng tư bản gộc vào tự do đầu tư, bóc lột công nhân nghèo Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Vì chính các đại quan đỏ và phe cánh đều được hưởng lợi nhiều mặt khác nhau. Đảng là đội tiên phong bảo vệ quyền lợi nhân dân lao động, nhưng hàng triệu công nhân nam nữ, đặc biệt là giới trẻ ở nông thôn, vì nông nghiệp bị bỏ rơi nên phải bỏ quê lên tỉnh biến thành công nhân bị bóc lột trong các công xưởng của các đại bàng đại tư bản, nên phải sống chui rúc trong các nhà chật hẹp như ổ chuột, bẩn thỉu như chuồng gà trong các trung tâm công nghiệp ở các thành phố nước ngoài ! Họ sẵn sàng hứa hẹn thi hành các biện pháp bảo vệ công nhân và bênh vực nhân quyền để kí nhanh hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại với các nước phát triển, như Hoa Kì, EU, Nhật, Nam Hàn... Nhưng sau đó thì vứt lời hứa vào sọt rác, vẫn cấm công nhân tự do lập nghiệp đoàn độc lập, bỏ tù những cán bộ muốn tiến hành các thỏa thuận trong các Hiệp định (15). Sau gần 40 năm "Đổi mới", nhưng năng suất lao động ở Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, thua xa ngay cả với nhiều nước trong khu vực. Theo ước tính của Tổ chức Năng suất Châu Á (AFO), năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt mức 6,4 đô-la trên một giờ làm việc, chỉ bằng 2/3 Phi Luật Tân, và không bằng 1/2 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore (16).
Tóm lại, sau gần 40 năm gọi là "đổi mới" nhưng trước sau vẫn duy trì và củng cố chế độ độc đảng và mô hình kinh tế quốc doanh, không có cạnh tranh lành mạnh, lại chỉ o bế FDI và bỏ rơi nội lực. Nên kinh tế tư nhân Việt Nam bị rơi vào một cổ ba tròng, bị FDI chèn ép, bóc lột, bị quốc doanh khinh rẻ, lại phải đút phong bì cho công an và các cơ quan kiểm tra, vì thế không thể ngẩng đầu lên được.
**************************
Phần 2
Ông "ngoại giao cây tre", ông để lại gia tài như thế nào, tương lai chế độ đi về đâu dưới quyền của Tô Lâm ?
Ông Tô Lâm là ai ? Đã làm gì và thành tích ra sao ?
Đường đi và trách nhiệm thời đại của những người Dân chủ ở trong và ngoài nước
Bản sắc "ngoại giao cây tre" của ông Nguyễn Phú Trọng biến thể ra sao sau khi ông qua đời ?
Ông ngoại giao cây tre
Mục tiêu ngoại giao-quốc phòng của một nước là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Một chính đảng cầm quyền và một chính trị gia có quyền lực, nếu thông minh, sáng suốt và có lòng yêu nước thực sự thì phải biết kết hợp hai yếu tố nội lực và ngoại lực để thực hiện mục tiêu ngoại giao-quốc phòng trong từng giai đoạn của lịch sử dân tộc và thế giới. Địa lí chính trị của một nước hầu như không thay đổi, nhưng hoàn cảnh và tương quan chính trị khu vực và thế giới thay đổi từng thời kì tùy theo các tương quan lực lượng quốc phòng, kinh tế, chính trị trong từng giai đoạn. Vì thế một chính trị gia thức thời, có lòng yêu nước sáng suốt phải biết nắm bắt được thời cơ để củng cố và nếu cần phải đủ đảm lược biết kịp thời thay đổi sách lược ngoại giao quốc phòng để thực hiện mục tiêu bảo tồn độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giầu, nước mạnh.
Nói một cách chung, từ khi cướp được chính quyền năm 1945, Hồ Chí Minh về mặt lí thuyết tuy hiểu rằng, "Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn động minh của ta" (17), nhưng trong thực tế trước sau đã cột chặt ý thức hệ cộng sản theo mô hình Marx-Lenin làm kim chỉ nam trong cả nội trị và đối ngoại (ngoại giao-quốc phòng). Từ đó ông và các người kế nghiệp đã đặt thứ tự ưu tiên thay đổi toàn diện, từ yêu nước khi chưa nắm được chính quyền đã biến thành yêu Đảng (cộng sản), yêu chủ nghĩa xã hội ngay từ 1945. Hậu quả thực tế cực kì tai hại và nguy hiểm là chính sách ngoại giao-quốc phòng của Việt Nam từ đó đến nay bị cột chặt vào Liên Xô và Trung Quốc. Từ khi Liên Xô sụp đổ (1991) thì những người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam từ Đỗ Mười tới Nguyễn Phú Trọng đã quay đầu sang thần phục Bắc kinh, các cao điểm là Hội nghị Thành đô (9/1990) và hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội 12/2023 giữa Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình, trong đó Nguyễn Phú Trọng đã ngoan ngoãn chui vào cái rọ của Tập Cận Bình vừa ru ngủ vừa đe dọa là xây dựng "Cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam" nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt biến Đông Dương và các nước khu vực thành vùng đệm để bảo vệ an ninh quốc phòng cho Trung Quốc (như Đông Âu cộng sản thời Liên Xô), từ đó mở rộng ra thực hiện giấc mơ vĩ đại để thế giới theo mô hình của Trung Quốc trong thế kỉ này ! Vì Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu bảo thủ cộng sản Việt Nam chỉ biết đội Đảng lên đầu cho nên vẫn tin rằng, trụ được thì cộng sản Việt Nam cũng trụ được, còn đảng còn mình, tương lai đất nước ra làm sao và cuộc sống tinh thần và vật chất của nhân dân như thế nào, không phải là điều kiện tiên quyết đối với họ. Chính họ Tập đã nói thẳng hầu như ra lệnh cho Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp trên là đừng để Hoa Kì và phương Tây tạo ra "Cách mạng mầu và diễn biến hòa bình" : "Không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển của chúng ta" (18).
Dưới thời Nguyễn Phú Trọng kéo dài hơn 13 năm trong chính sách ngoại giao-quốc phòng vẫn giữ nguyên nền tảng cũ. Nhưng do tình hình thế giới và quốc nội, đặc biệt trong Đảng cộng sản Việt Nam, để bảo vệ ghế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải vài lần thay đổi chiến thuật "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Khi vừa nắm ghế Tổng bí thư, uy thế chưa đủ mạnh cả trong Đảng lẫn bên ngoài nên ông Trọng đã tập trung xây dựng quan hệ đặc biệt với Tập Cận Bình khi ấy cũng vừa nắm chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước Trung Quốc và công khai theo đuổi mục tiêu bá quyền của Trung Quốc ngay trong thế kỉ này : "Thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ vĩ đại nhất của dân tộc Trung Hoa kể từ cận đại tới nay". Mặc dầu đầu tháng 5/2014 họ Tập đã cho hàng trăm tầu chiến hộ tống đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 đi sâu vào thềm lục địa Việt Nam nhiều tuần lễ. Ông Trọng đã cấm Trung ương đảng và Chính phủ lên tiếng phản đối. Tập Cận Bình còn từ chối đề nghị của Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh. Giữa tháng 5/2014 đã có các cuộc biểu tình của nhân dân ở Hà Nội, Sài Gòn, chống Bắc Kinh và các cuộc đình công tại một số xí nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam (19).
Cũng thời gian này cuộc tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đang lên tới tột đỉnh một sống một chết. Cao điểm là tạp chí điện tử "Chân dung quyền lực" của phe Nguyễn Tấn Dũng ra đời vào lúc này đánh trực diện vào Nguyễn Phú Trọng. Vì thế Nguyễn Phú Trọng phải tìm cách vận động thành phần thân Tây phương và đứng giữa ở Trung ương đảng để cô lập phe Nguyễn Tấn Dũng vì Đại hội 12 không còn xa. Sau chuyến gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh (7-10/4/2015) ba tháng sau đã sang Hoa Kì gặp Tổng thống Barack Obama (6-10/7/2015) giữa lúc ông đang thực hiện chiến lược "quay trục quốc phòng sang Châu Á-Thái Bình Dương". Đây là chuyến thăm Mĩ đầu tiên và duy nhất của ông Trọng. Chỉ bốn tháng sau Nguyễn Phú Trọng lại trân trọng mời Tập Cận Bình sang nói trước Quốc hội ngày 6/11/2015 ở Hà Nội. 500 đại biểu đã phải vảnh tai 20 phút nghe hô Tập thuyết giảng là "Người Hán không có cái "gen" xâm lấn các dân tộc khác" :
"Dân tộc Trung Hoa từ trước tới nay đều yêu hòa bình, cái "gen hòa" của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi… Từ hơn 2400 năm trước, cổ nhân Trung Quốc đã nêu ra đường lối "lễ chi dụng, hòa vi quí" (sử dụng lễ nghĩa thì lấy hài hòa, hòa thuận là quí trọng làm đầu). Nguyện vọng hòa bình được mọc rễ từ trong con tim của mọi người Trung Quốc, hòa nhập vào dòng máu của dân tộc Trung Hoa (20)".
Như thế họ Tập đã phủ nhận lịch sử gần 1000 năm Trung Quốc nhiều lần xâm chiếm và đô hộ Việt Nam. Dịp này ông còn khuyên Nguyễn Phú Trọng, nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam và các đại biểu quốc hội phải tin vào "lòng tốt" của Bắc Kinh : "Lòng tin là cái căn bản của tình bạn". Trong suốt 20 phút họ Tập không một lần nhắc tới những cuộc xâm chiếm các đảo của Việt Nam trên Biển Đông và cả việc chính ông đã ra lệnh cho giàn khoan HD 981 xâm phạm hải phận Việt Nam hơn một năm trước ! Nhưng chỉ ngày hôm sau khi tới Singapore họ Tập đã công khai tuyên bố : "Hãy để tôi nói rõ : Những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa". Và còn đe dọa "Chính quyền Trung Quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung Quốc" (21) !
Tất cả những vận động ngoại giao từ Đông sang Tây trong những năm này của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm mục tiêu bằng mọi thủ đoạn loại trừ Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh trong Bộ Chính trị và Trung ương đảng để ép các đồng liêu phải xếp ông vào "Trường hợp đặc biệt" nhằm chiếm ghế Tổng bí thư lần thứ 2 vào cuối tháng 1/2016, mặc dầu theo Điều lệ Đảng thì ông ta phải nghỉ. Nguyễn Phú Trọng đã tự bộc lộ tư cách tồi tệ như thế. Yêu Đảng, yêu nước chỉ là khẩu hiệu suông ! Yêu ghế Tổng bí thư mới là cội nguồn mọi hành động thầm kín của Nguyễn Phú Trọng !
Sự tham lam quyền lực không còn biết liêm sỉ và lòng tự trọng vẫn được Nguyễn Phú Trọng và phe cánh tiếp tục đẩy mạnh trong Đại hội 13 (cuối tháng 1/2021) và đặc biệt vào những năm cuối từ 2020 tới nay, mặc dù sức khỏe ngày càng kiệt quệ và khả năng nhận thức ngày càng suy sụp, ý thức trách nhiệm đã hoàn toàn mất. Mặc dầu những lầm lỗi cực kì tồi tệ của Nguyễn Phú Trọng trong thời đại dịch Covid-19, ông đã không đủ đảm lược rút lui, lại chỉ ngồi làm ngọa long hoàng đế, đồng thời lại rất tàn nhẫn cách chức, bắt ép hai Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và hàng loạt cán bộ cao cấp. Trong số này có nhiều người đã từng tin ông và được cất nhắc để có thể làm người kế nghiệp !
Mặc dù không phải là Chủ tịch nước nhưng chính Nguyễn Phú Trọng lại tự chủ trì các cuộc mời và đón Tổng thống Biden tháng 9/2023 (22) và Chủ tịch nước Tập Cận Bình tháng 12/2023 và Putin tháng 6/2024 (23), tức là qua mặt Chủ tịch nước theo qui định của Hiến pháp. Các hành động này cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã tự phá nguyên tắc "tập trung dân chủ", chính ông đã nói đó là cái xương sống của Đảng, ai phá nó là phá đảng.
Bệnh bảo thủ giáo điều tột độ của Nguyễn Phú Trọng đã khiến ông không còn biết nhìn xa trông rộng trong tư cách người đứng đầu chế độ. Chúng ta đã chứng kiến ở nhiều nước, mặc dù địa lí chính trị không thay đổi, nhưng khi tình hình khu vực và thế giới thay đổi và kĩ thuật quốc phòng thay đổi thì nhiều lãnh tụ sáng suốt đã biết chuẩn bị để thay đổi từ cội rễ chính sách ngoại giao quốc phòng, tham gia những liên minh mới tiến bộ phù hợp với sự pháp triển của dân tộc mình trong thời đại mới, mặc dù địa lí chính trị cách nhau cả chục ngàn cây số.
Như khi những cải cách sâu rộng của Gorbachev ở Liên Xô từ đầu thập niên 80 của thế kỉ trước đã mở ra cơ hội mới, nên nhiều nước cộng sản Đông Âu đã lần lượt rũ bỏ những ràng buộc với Liên Xô, từ bỏ chế độ độc tài Marx-Lenin và thiết lập các chế độ dân chủ đa nguyên, gia nhập EU và NATO. Hay trong Thế chiến Thứ 1 và 2 Pháp-Đức là tử thù của nhau, nhưng sau khi Thế chiến Thứ 2 chấm dứt các nhà lãnh đạo hai nước đã nhận ra con đường thù hận, chủ nghĩa dân tộc cực đoan là sai lầm nên họ đã dứt khoát thay đổi từ thù thành bạn thực sự, và cùng với nhiều nước Châu Âu khác lập nên EU và tham gia NATO để cùng với Hoa Kì ngăn chặn hữu hiệu các chủ trương xâm lấn của Liên Xô, nhờ đó tránh cho Châu Âu những cuộc chiến tranh tàn khốc. Nay chỉ còn nhà độc tài Putin vẫn mù quáng nuôi tham vọng vực dậy đế quốc Nga, đang bị hầu như cả thế giới kết án và khinh bỉ, chỉ có Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình vẫn ca tụng ! Cuối tháng 6 vừa qua chỉ vài tuần trước khi mất ông Trọng vẫn long trọng tiếp Putin!
Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng thì phải hiểu thời biết thế, không được nhìn gà hóa cuốc, cứ tưởng đỏ là chín. Khẩu hiệu "ngoại giao cây tre" thời Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ nhằm gạt người nhẹ dạ, như khẩu hiệu "đổi mới" treo đầu dê bán thịt chó suốt gần 40 năm qua. Nó cũng như khẩu hiệu "Yêu nước" của Hồ Chí Minh. Khẩu hiệu "yêu nước" là khẩu hiệu nằm lòng của Đảng cộng sản Việt Nam, tự đề cao chỉ họ mới là người yêu nước. Ngọn cờ này họ đã tung ra từ 1945 ! Nhưng trong suốt gần 80 năm thực tình họ chỉ thờ chủ nghĩa Marx-Lenin, yêu Đảng và yêu cá nhân những lãnh tụ của họ thôi. Còn nước, dân tộc thì mặc kệ !
Chính vì thế, sau Hội nghị Thành Đô 9/1990 đã gây tranh cãi lớn giữa Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh và một bên với Võ Văn Kiệt và Phạm Văn Đồng. Khi ấy chính cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã nói thẳng là, Hội nghị Thành Đô mở đầu cho thời kì mới cho sự bành trướng của Trung Quốc :
"Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa "diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc do Mĩ đứng đầu" (24).
Nguyễn Phú Trọng mất trùng với dịp kỉ niệm 70 năm Hội nghị Geneva chia đôi Việt Nam (20/7/1954). Dịp này hai cán bộ cao cấp từng phục vụ trong ngành ngoại giao đã cho biết thêm các nước đàn anh vĩ đại Liên Xô và Trung Quốc đã chèn ép vá bán đứng quyền lợi của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Geneva. Nguyên Đại sứ Võ Văn Sung từng tham gia chuẩn bị cho Hội nghị Geneva 1954 nói :
"Cần nói thêm, thời điểm đó, các đồng minh của ta là Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa thật sự họ đã giúp chúng ta rất nhiều. Nhưng cần phải luôn nhớ rằng, trong quan hệ quốc tế, bên cạnh cái chung, còn có cả lợi ích riêng, nên việc giúp đỡ chúng ta còn phụ thuộc vào lợi ích riêng của từng nước… Hội nghị Geneva nhóm họp do sáng kiến và yêu cầu của các nước lớn nhằm thảo luận và tìm giải pháp cho hai cuộc chiến tranh nóng là chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Vì vậy sau trận Điện Biên Phủ, nếu ta tiếp tục đánh tới thì cả Liên Xô và Trung Quốc sẽ không giúp ta nữa" (25).
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cũng đã xác nhận :
"Đàm phán đa bên là với các nước lớn, do các nước lớn triệu tập, do các nước lớn chủ trì. Anh nào đi đàm phán cũng vì lợi ích của dân tộc của họ, coi trọng lợi ích của họ, làm sao coi trọng đến các nước nhỏ bé được".
"Nhiều vấn đề lợi ích của Việt Nam, quan điểm Việt Nam, mặc dù Liên Xô trong thâm tâm thì ủng hộ nhưng cuối cùng lại vì phương Tây và cũng vì lợi ích của họ. Cho nên Liên Xô, Trung Quốc cũng không ủng hộ đối với mình như mình mong muốn" (26).
Là Tiến sĩ Lịch sử Đảng Nguyễn Phú Trọng biết rõ Liên Xô, Trung Quốc các đồng minh chính của Đảng cộng sản Việt Nam đã bao lần bỏ rơi, bán đứng quyền lợi của nhân dân ta và của cả Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng ông Trọng vẫn ca ngợi "ngoại giao cây tre". Như thế chính ông đã đánh lứa lừa Đảng và nhân dân. Tư cách của người lãnh đạo tồi tệ đến như thế !
Gia tài của Nguyễn Phú Trọng để lại
Nói tóm lại, so sánh giữa những kết quả -ai bình tâm đều có thể thấy được- với những lời nói và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong suốt trên 13 năm cầm đầu chế độ toàn trị trên các lãnh vực chính là giành đặc quyền cho cá nhân, chống tham nhũng, đổi mới, ngoại giao. Cho tới những năm tháng cuối cùng cho thấy, ông Trọng đã không còn làm chủ được tình hình trong tất cả các lãnh vực. Các kết qủa thực tiễn đã không đạt được, thậm chí còn đi ngược lại với các mục tiêu, chủ trương xuyên qua các lời hứa của ông với Đảng và nhân dân !
Cả đến việc cực kì quan trọng là chọn một người kế nghiệp cho mình ông Trọng cũng hoàn toàn bị động, lúng túng, cô lập ! Hết họp Hội nghị trung ương và Quốc hội bất thường này tới Hội nghị trung ương và Quốc hội bất thường kia, để hạ Chủ trảm Tướng nhiều lần trong các năm cuối cùng ; nhưng đùng một cái Nguyễn Phú Trọng lại để Tô Lâm nhẩy lên ghế Chủ tịch nước và tại Hội nghị trung ương đặc biệt ngày 3/8/2024 được đưa lên nắm luôn ghế Tổng bí thư, như vậy Tô Lâm là người nắm quyền lực thống soái hiện nay của chế độ độc tài toàn trị !
Chúng ta biết gì về tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm ?
Ông Tô làm là ai ? Đã làm gì và thành tích ra sao ?
Tại lễ Kỷ niệm 75 năm "Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" ; 75 năm Ngày truyền thống Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2023)" trước mặt Nguyễn Phú Trọng, bộ trưởng Công an Tô Lâm đã công khai lập lại châm ngôn hành động của công an là "còn Đảng còn mình" ! Chẳng những thế họ Tô còn khúm núm cúi mình trước Nguyễn Phú Trọng. Khi chủ trì cuộc hội thảo của Bộ Công an để giới thiệu sách mới xuất bản về chống tham nhũng của ông Trọng. Ông đã nịnh Nguyễn Phú Trọng, gọi sách đó là "cẩm nang" và bắt bộ máy Công an phải "thường xuyên tu dưỡng" (27).
Chỉ một năm trước Đại hội 13 (tháng 2/2021), được sự đồng ý của Nguyễn Phú Trọng, bộ trưởng Công an Tô Lâm đã mở cuộc hành quân với 3000 cảnh sát cơ động gây ra thảm trạng Đồng Tâm vào đầu tháng 1/2020, gây ra cái chết thật vô cùng thảm thương cho cụ Lê Đình Kình trên 84 tuổi, gần 60 tuổi đảng, làm thương tích cho nhiều thân nhân của cụ và nhân dân Đồng Tâm ; đồng thời còn bắt báo chí lề đảng mở phong trào kết án, mạ lị các nạn nhân và mở cuộc khủng bố nhiều người dân ở Đồng Tâm và nhiều nhân sĩ, trí thức và những người dân chủ trên toàn quốc ! Chỉ nội ngày hôm sau Nguyễn Phú Trọng, khi ấy trong tư cách Chủ tịch nước đã vội vã kí "Truy tặng huân chương Chiến công hạng nhất" cho ba công an đã thiệt mạng để bảo vệ cho Tô Lâm trước sự chống đối của công luận (28).
Tháng 7/2017, thực hiện lệnh của Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm đã trực tiếp tổ chức sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đang tị nạn chính trị ở Đức. Hành động chà đạp công pháp quốc tế của Tô Lâm đã gây ra bế tắc ngoại giao với Đức trong mấy năm. Đầu tháng 11/2021 Tô Lâm và một số người tháp tùng sau khi thăm mộ Karl Marx đã ăn "thịt bò dát vàng" trong một nhà hàng rất sang trọng ở London với giá hàng chục ngàn bảng Anh, giữa lúc hàng triệu người ở Việt Nam đang bị đói khát và bệnh tật trong đại dịch Covid-19 (29). Khi trở lại Việt Nam họ Tô vẫn bình chân như vại vì được sự hậu thuẫn của ông Trọng.
Chỉ ba tháng trước, khi nhẩy lên làm Chủ tịch nước, với sự thông qua của Nguyễn Phú Trọng Tô Lâm và một số Ủy viên Bộ Chính trị đã tổ chức "đại tiệc" âm nhạc sang trọng, tinh tế và !ậm sắc Xuân" đúng vào ngày 17/2/2024 kỉ niệm 45 năm Trung Quốc mở chiến tranh xâm lược ở biên giới, khai trương cho Nhà hát Hồ Gươm do chính Bộ Công an xây. Tại sao từ lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" 45 năm trước, nay theo lệnh khép lại quá khứ của Bắc Kinh, nhưng lại mở đại tiệc mừng Xuân (30) ?
Tại "Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất giữa Bộ công an hai nước Việt Nam - Trung Quốc" ngày 10/01/2024 ở Hà Nội để thực hiện quyết định chung "xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam". Tô Lâm đã khép nép nói với Thứ trưởng công an Trung Quốc : "Với Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam coi trọng cao độ phát triển quan hệ với Trung Quốc, đặt Trung Quốc ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình" và "Hai bên nhất quán sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao ; tăng cường trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan chủ nghĩa xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý ; chống tham nhũng ; kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn xã hội, qua đó, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa". Tô Lâm còn đi xa hơn nữa hứa tăng cường các biện pháp đàn áp nhân dân : "Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đấu tranh với hoạt động của các tổ chức lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống Đảng, Nhà nước, phá hoại đoàn kết quan hệ Việt Nam - Trung Quốc" (31).
Đặc biệt cần phải chú ý là, từ khi Tô Lâm nắm ghế Chủ tịch nước (22/05/2024), một loạt bổ nhiệm và thay đổi nhân sự ở cấp cao trong Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã gây ra những lo ngại rất lớn không chỉ trong Đảng mà còn cho toàn xã hội. Ai thực sự và các phe nhóm nào đang thao túng kiểm soát Đảng và Nhà nước hiện nay (32) ?
Tất cả những việc làm và hành động trên của ông Tô Lâm trong những năm gần đây đều được dư luận trong nước và quốc tế theo dõi sát và rất lo ngại. Những động cơ nào đã khiến Tô Lâm, người đứng đầu ngành công an nội trị trước đây và từ ngày 3/8/2024 nắm cả chức Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, bất chấp dư luận, đạp bỏ Điều lệ Đảng, công pháp quốc tế, coi thường quyền lợi của đất nước và sinh mạng của nhân dân ? Có phải vì trung thành với Đảng và Nguyễn Phú Trọng ? Hay chỉ vì tham vọng cá nhân, nên đã dám làm mọi thứ miễn là phục vụ lợi ích cá nhân ?
Đường đi và trách nhiệm thời đại của những người Dân chủ ở trong và ngoài nước
Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại một gia tài đen tối, một chế độ rất độc tài tàn bạo cho Đảng với các phe nhóm lợi ích tham quyền-tiền quỉ quyệt như Mafia. Thật là rất đau buồn cho đất nước và nguy hiểm cho nhân dân ! Không những thế ông Trọng còn chọn người kế nghiệp hiện nay với tư cách đạo đức và khả năng tồi tệ như vậy. Điều đó chứng minh rõ ràng đức độ và tài năng của ông như thế nào sau trên 13 năm độc quyền thao túng Đảng bằng lừa dối đảng viên, đàn áp những người dân chủ và bội ước với nhân dân !
4 năm trước khi kết thúc tập sách "Việt Nam Đổi mới" ?! Hay treo đầu dê bán thịt chó ?" sau trên 10 năm nghiên cứu và phân tích về mô hình gọi là Đổi mới từ 1986 dựa trên nền tảng Chế độ độc đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin + kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo cùng với các hậu quả của cách cai trị theo văn hóa chuyên chính Marx-Lenin dùng bạo lực trong giai cấp đấu tranh và nhà nước -ở đây là Đảng cộng sản- độc quyền tư hữu đất đai. Nên tác giả đã thấy rõ nguy cơ của viễn tượng:" Tại sao sau 32 năm "Đổi mới" Đảng đang bị biến thể thành các nhóm tham nhũng quyền lực và tiền bạc và đang xâu xé nhau? Viễn tượng chuyển thành độc tài cá nhân như thế nào?" (33) Vì thế tác giả đã giành ba chương cuối với trên 130 trang để vạch ra những hậu quả tai hại như thế nào của mô hình Đổi mới này và đề nghị các giải pháp thoát Trung, chấm dứt độc tài, xây dựng một nước Việt Nam mới.
Nguyên nhân trung tâm của mọi thất bại sau gần 80 năm cướp và nắm chính quyền từ 1945 suốt từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Van Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh tới Nguyễn Phú Trọng là do đã áp dụng Văn hóa cai trị theo mô hình của Marx-Lenin hoàn toàn sai lầm và đã phá sản toàn bộ. Vì :
- Văn hóa Marx-Lenin độc tài và sai lầm dựa trên lừa đảo và xảo trá đã được những người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam nhắm mắt áp dụng ngay từ khi ra đời.
- Văn hóa Marx-Lenin độc tài còn đang làm nổ tung bệnh thần thánh hóa lãnh tụ và làm bùng nổ bệnh nịnh trên đạp dưới trong Đảng và chính quyền.
- Văn hóa Marx -Lenin ru ngủ làm ngu dân (34).
Trọng tâm bài này là căn cứ trên những kết quả thực tiễn cực kì tai hại cho cả Đảng lẫn nhân dân và đất nước để nhận định về con người thực của Nguyễn Phú Trọng từ khi làm Tổng bí thư trên 13 năm qua trên mọi lãnh vực đã cho thấy nói và làm của Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn trái ngược nhau như nước với lửa, ngày với đêm !
Thật là oái ăm và đau đớn, đoạn dưới đây của chính Nguyễn Phú Trọng đã tóm tắt những giá trị nào cần thiết cho một cá nhân, nhất là những ai cầm đầu một chế độ. Suốt trên 13 năm làm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn luôn lên giọng dạy bảo các thành phần cán bộ chiến lược cao cấp từ trong Đảng tới Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và đảng viên. Nhưng thật lạ lùng, chính Nguyễn Phú Trọng suốt cuộc đời làm chính trị ông đã hành động hoàn toàn ngược lại lời dưới đây của chính ông :
"Nếu không liêm thì của gì cũng cả gan lấy. Không sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế không chỉ rước họa làm "thân bại danh liệt" và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến. Huống chi, kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn mà làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được. Khi không có tài đức mà dám cầm trọng trách để cho cơ đồ tan hoang, đổ vỡ. Khi mình đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ. Những người chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố là vô hình trung đã vứt bỏ mất danh dự, liêm sỉ, tức là lòng hổ thẹn của mình rồi" (35).
***
Trong những ngày này mọi người, mọi giới ở trong và ngoài nước từ trí thức, chuyên viên, văn nghệ sĩ, thanh niên, nông dân và công nhân yêu nước và khát vọng dân chủ, kể cả các đảng viên cộng sản tiến bộ biết quí lòng tự trọng, cần giữ tinh thần sáng suốt, quan sát và phân tích chín chắn để nhận ra những tuyên truyền giả dối, lừa bịp từ thời Hồ Chí Minh, Lê Duẩn tới Nguyễn Phú Trọng đã nhắm mắt tuân theo và áp dụng văn hóa cai trị theo mô hình độc đảng toàn trị theo Marx-Lenin gần một thế kỉ qua đã để lại những gia sản cực kì tồi tệ, tàn bạo như thế nào cho Việt Nam, mặc dầu bao nhiêu triệu đồng bào ta xuyên qua nhiều thế hệ đã bị hi sinh, thương tật. Những người cầm đầu cộng sản Việt Nam từ Hồ Chí Minh tới Nguyễn Phú Trọng đã vấp vào những sai lầm căn bản :
- Ôm ấp chủ nghĩa Marx-Lenin sai lầm và tôn thờ bạo lực
- Ôm ấp Đảng độc tài
- Ôm ấp quyền lực ích kỉ cho chính mình và phe nhóm
Những thất bại và đang rơi vào ngõ bí cho Đảng cộng sản, đất nước và nhân dân cho thấy các mục tiêu và sách lược của họ chỉ như xây nhà trên cát. Đối với nhân dân họ đã thất hứa, bội ước. Gia tài của họ để lại cho Đảng sau gần 80 năm cai trị thật là tồi tàn, cho nhân dân thật là tang thương và cho đất nước thật là vô cùng bấp bênh !
Nhưng không nên buồn, hãy tha thứ cho những ai sai lầm nhưng thực lòng đã biết thức tỉnh ! Đồng bào từ Nam chí Bắc, cả hải ngoại hãy bình tĩnh cùng nhau biến đau thương từ những sai lầm và tội ác thành những hành động can đảm, thông minh, với đảm lược cao cùng nhau đoàn kết thực lòng bắt đầu lại ! Hãy nghiêm túc rút ra bài học từ những sai lầm trong quá khứ !
Quyết chí đồng lòng từ nay nắm tay nhau theo tiếng gọi của trí tuệ và lương tâm, rũ bỏ ý thức hệ sai lầm Marx-Lenin và bạo lực trong đấu tranh giai cấp. Hãy đi theo và tiến lên con đường Dân chủ Đa nguyên của thời đại mới ; để thế kỉ 21 này nó sẽ nẩy mầm, trổ hoa, kết trái trên đất nước thân yêu Việt Nam của chúng ta, cho 100 triệu nhân dân được hưởng những thành quả thực sự cả vật chất lẫn tinh thần là hạnh phúc, tự do dân chủ và nhân quyền ! Biết liên kết với các nước Dân chủ Đa nguyên tiến bộ trong khu vực và thế giới để thoát Trung, ra khỏi nanh vuốt đế quốc của chủ nghĩa Đại Hán của Tập Cận Bình và tham vọng vực dậy chủ nghĩa Đại Nga của Putin. Đó chính là mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đồng thời gìn giữ hòa bình và thịnh vương chung trong khu vực và thế giới !
Âu Dương Thệ
(06/08/2024)
Ghi chú :
1. Tô Lâm, Toàn văn Lời điếu của Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ truy điệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Công an Nhân dân, 26/07/2024
2. Thu Hằng, Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ rộng 500m2, VietnamNet, 27/7/2024
3. Trân Văn, ‘Quy hoạch nhân sự’ và ‘từ bất ngờ này đến bất ngờ khác’ (P1), VOA, 23-24/5/2020.24 ; BBC, 25/5
4. Âu Dương Thệ, Thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng, Thông Luận, 20/01/2023
5. Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó !, Tập I và Tập II, chương 7 và 8. Tập sách gồm trên 700 trang với gần 1500 ghi chú tài liệu sử dụng.
6. Âu Dương Thệ, Tập II, chương 7, IX tr. 112 t.th. ; Kim Thanh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : Tấm gương sáng của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, VoV1.vn, 27/07/2024
7. VietnamNet, 4/10/2018
8. Trực tiếp phiên Khai mạc Đại hội XIII của Đảng, VTV NOW, 26/01/2021 ; Âu Dương Thệ, Đại hội 13 : Triều đại phong kiến của Ngọa long Nguyễn Phú Trọng được nhìn nhận công khai !, Tiếng Dân, 16/02/2021
9. Âu Dương Thệ, Chương một : "Tại sao phải đổi mới ?" và Chương 2 : "Đại hội 6 (12/1986), Sách lược cứu chế độ trong tình thế hiểm nghèo", tr. 21-90
10. Âu Dương Thệ, Chương 3, I : "Một số trí thức phản bác chủ nghĩa Marx-Lenin", tr. 90-93
11. Âu Dương Thệ, Tập II, tr. 287
12. Âu Dương Thệ, Tập II, chương 8, II : "Tại sao Nguyễn Phú Trọng phải tạm dùng giải pháp "hòa với Mĩ" trước Đại hội 12 ?", tr. 132-150 ; VOA, BBC 3/8/2024
13. VietnamNet, 4/3/2024
14. Âu Dương Thệ, Tập II, chương 9, V, "Nguyễn Phú Trọng ưu ái Formosa", tr. 206-12
15. Bốn thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam, VOA, 27/06/2024 ; IFJ : Nhà báo nổi tiếng Huy Đức bị bắt do những bài bình luận trên mạng xã hội, RFA, 11/06/2024 ; EU công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam : ‘Không gian dân sự bị thu hẹp’, 30/05/2024 ; Chỉ thị mật 24 của Việt Nam khiến nhóm tư vấn EU quan ngại, BBC News tiếng Việt 12/06/2024.
16. Dân trí, 22/02/2024
17. Âu Dương Thệ, Tập II, Chương kết, "Những điều nên nhớ, nên tránh và nên làm : Ngoại giao mù quáng đưa tới phá sản nội lực và lệ thuốc bên ngoài. Không được lấy mộng làm thực", tr. 289-294
18. Âu Dương Thệ, Tương lai lại tự chui vào rọ !, Thông Luận, 18/12/2023
19. Âu Dương Thệ, Tập II, chương 7, IV. "HD 981 gây đảo lộng tình hình và lộ trình của cánh giáo điều Nguyễn Phú Trọng", tr. 49-65
20. Âu Dương Thệ, Tập II, chương 3, III. : "Tập Cận Bình nói tại Quốc hội của cộng sản Việt Nam : Trung Quốc không có "Gen" xâm lấn nước khác", tr. 151-155
21. Như trên
22. Âu Dương Thệ, "Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại vừa phải giở trò cũ ?", Thông Luận, 20/09/2023
23. Chính phủ online, 20/06/2024
24. Âu Dương Thệ, Tập I, chương 2, VII : "Hội nghị Thành Đô - Cầu hòa với Bắc kinh ở thế Kim ngưu", tr. 80- 86.
25. Tuấn Anh, Thành Huế, Nguyễn Lâm, "Nhìn lại Hiệp định Geneva : Bài học lớn là giữ vững độc lập, tự chủ", phỏng vấn Võ Văn Sung - đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Pháp, VietnamNet, 20/11/2021
26. "70 năm Hiệp định Geneve : Sức ép trên bàn đàm phán hòa bình", phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, VoV.vn, 8/7/2024
27. Âu Dương Thệ, "Văn hóa Marx-Lenin còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ?", Thông Luận, 14/03/2023
28. Âu Dương Thệ, "Biến cố Đồng Tâm báo hiệu rất xấu cho Đại hội 13", Tiếng Dân, 04/02/2020
29. Diễm Thi, "Bộ trưởng công an Tô Lâm ăn bò dát vàng bằng tiền của ai ?", RFA, 05/11/2021 ; "Việt Nam : Hình ảnh Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng gây bão dư luận", BBC News Tiếng Việt, 05/11/2021
30. Âu Dương Thệ, "Văn hóa Marx-Lenin còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ?", Thông Luận, 14/03/2023
31. Như trên
32. Như 3
33. Như 5
34. Âu Dương Thệ, "Văn hóa Marx-Lenin còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ?", Thông Luận, 14/03/2023
35. Nguyễn Hằng- Lại Hoa/VOV1, "Bảo toàn Danh dự đảng viên - điều thiêng liêng và cao quý nhất", VoV.vn, 29/8/2021
[ii] . Ủy viên Bộ Chính trị được thuê biệt thự công vụ rộng 500m2 (vietnamnet.vn) 27.7.24
[iii] . ‘Quy hoạch nhân sự’ và ‘từ bất ngờ này đến bất ngờ khác’ (P1) (voatiengviet.com) 23-24.5.24, BBC 25.5
[iv] . Thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng | doithoaionline (wordpress.com)
[v] . Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó! Tập I (lulu.com) và Tập II, chương 7 và 8. Tập sách gồm trên 700 trang với gần 1500 ghi chú tài liệu sử dụng.
[vi] . Cùng tác giả, T.II, chương 7,IX tr. 112 t.th. ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tấm gương sáng của nền Báo chí cách mạng Việt Nam (yenbaitv.org.vn)
[vii] . VNNet 4.10.18
[viii] . Trực tiếp phiên Khai mạc Đại hội XIII của Đảng ngày 26.1.2021. (Trong video vào thời gian 2:32). Đại hội 13: Triều đại phong kiến của Ngọa long Nguyễn Phú Trọng được nhìn nhận công khai! | Tiếng Dân (baotiengdan.com)
[ix] . Cùng tác giả, chương một: Tại sao phải đổi mới và chương 2: Đại hội 6 (12.1986) Sách lược cứu chế độ trong tình thế hiểm nghèo, tr. 21-90
[x] .Cùng tác giả, chương 3, I: Một số trí thức phản bác chủ nghĩa Marx-Lenin, tr. 90-93
[xi] . Cùng tác giả, Tập II, tr.287
[xii] . Cùng tác giả, T.II, chương 8, II: Tại sao Nguyễn Phú Trọng phải tạm dùng giải pháp „hòa với Mĩ“ trước Đại hội 12, tr. 132-150; VOA, BBC 3.8.24
[xiii] . VNNet 4.3.24
[xiv] . Cùng tác giả, T. II, chương 9, V, Nguyễn Phú Trọng ưu ái Formosa, tr. 206-12
[xv] . Bốn thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam, voa 27.6.24; IFJ: nhà báo nổi tiếng Huy Đức bị bắt do những bài bình luận trên mạng xã hội, RFA 11.6. 2024; EU công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam: ‘Không gian dân sự bị thu hẹp’ 30/05/2024; Chỉ thị mật 24 của Việt Nam khiến nhóm tư vấn EU quan ngại - BBC News Tiếng Việt 12.6.24
[xvi] . Dân trí 22.2.24
[xvii] . Cùng tác giả,T II, chương kết, những điều nên nhớ, nên tránh và nên làm: Ngoại giao mù quáng đưa tới phá sản nội lực và lệ thuốc bên ngoài. Không được lấy mộng làm thực, tr. 289-294
[xviii] . THÔNG LUẬN - Tương lai lại tự chui vào rọ ! (thongluan-rdp.org)
[xix] . Cùng tác giả, TII, chương 7, IV. HD 981 gây đảo lộng tình hình và lộ trình của cánh giáo điều Nguyễn Phú Trọng, tr.49-65
[xx] . Như trên,Tập II, chương 3, III.: Tập Cận Bình nói tại Quốc hội của CSVN: Trung quốc không có „Gen“ xâm lấn nước khác., tr. 151-155
[xxi] . Nh.t
[xxii] . THÔNG LUẬN - Tại sao Nguyễn Phú Trọng lại vừa phải giở trò cũ ? (thongluan-rdp.org)
[xxiii] . Chính phủ 20.6.24
[xxiv] . Cùng tác giả ,T. I, chương 2, VII: Hội nghị Thành Đô- Cầu hòa với Bắc kinh ở thế “Kim ngưu”, tr. 80- 86).
[xxv] . Nhìn lại Hiệp định Geneva: Bài học lớn là giữ vững độc lập, tự chủ (vietnamnet.vn), phỏng vấn Võ Văn Sung - đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Pháp.
[xxvi] . 70 năm Hiệp định Geneve: Sức ép trên bàn đàm phán hòa bình (vov.gov.vn), phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao., vov 8.7.24
[xxvii] .Văn hóa Marx-Lenin còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ? (Âu Dương Thệ) - THÔNG LUẬN (thongluan.blog)
[xxviii] . Biến cố Đồng Tâm báo hiệu rất xấu cho Đại hội 13 | Tiếng Dân (baotiengdan.com)
[xxix] . Bộ trưởng công an Tô Lâm ăn bò dát vàng bằng tiền của ai? — Tiếng Việt (rfa.org) VN: Hình ảnh Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng gây bão dư luận - BBC News Tiếng Việt
[xxx] . THÔNG LUẬN - Văn hóa, văn minh như vậy sao ? (thongluan-rdp.org)
[xxxi] . Như trên
[xxxii] . Như 3
[xxxiii] . Như 5
[xxxiv] . Văn hóa Marx-Lenin còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ? (Âu Dương Thệ) - THÔNG LUẬN (thongluan.blog)
[xxxv] . Bảo toàn Danh dự đảng viên - điều thiêng liêng và cao quý nhất (vov.vn) vov 29.8.2021