Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/08/2024

Hà Nội lo sợ tinh thần Bangladesh xảy ra tại Việt Nam

Ngô Nhân Dụng - RFA

Dân Bangladesh lật đổ chế độ độc tài

Ngô Nhân Dụng, VOA, 12/08/2024

Các cuộc biểu tình trên đường phố khiến Sheikh Hasina phải bỏ chạy, trốn qua Ấn Độ, sẽ khiến giới lãnh đạo ở Hà Nội phải lo lắng ; mặc dù bà thủ tướng Bangladesh chỉ nắm quyền từ gần 20 năm, so với hơn 80 năm từ khi đảng Cộng sản Việt Nam lên nắm quyền.

bangladesh1

Thân nhân những người mất tích trong giai đoạn cầm quyền của liên đoàn Awami tuần hành đòi trả người tại Dhaka, 11 tháng Tám.

Vụ thay đổi chế độ ở Bangladesh không phải là một cuộc đảo chính như thường thấy. Không có cảnh xe tăng bao vây dinh thủ tướng ; không thấy các tướng lãnh họp nhau bàn thay đổi ; họ cũng không đứng ra nắm quyền khi có cơ hội. Vị thủ tướng mới chưa bao nuôi tham vọng đứng ra nhận chức vụ này, đã 83 tuổi, vốn không phải là một chính trị gia và đang ở Paris, làm cố vấn cho đoàn lực sĩ quốc gia dự Olympics.

Quá trình lật đổ Sheikh Hasina diễn ra ngoài đường phố. Các sinh viên bắt đầu biểu tình vì một lý do : Họ cũng muốn làm công chức. Họ chỉ phản đối quy chế bất công trong việc tuyển mộ thư lại. Luật lệ dành 30% số ghế nhân viên nhà nước cho mấy loại ứng viên, đã được thi hành từ lâu. Nhóm người được ưu đãi nhất là con cháu của những "chiến sĩ lập quốc" ; là những người đã tham dự cuộc chiến đấu chống quân đội Pakistan để tách ra thành lập một quốc gia độc lập, từ năm 1970. Những người hưởng lợi nhất trong quy chế tuyển mộ công chức này chính là các đảng viên của Liên đoàn Awami, do bà Hasina thành lập. Họ quy tụ con cháu của các "anh hùng lập quốc", như chính chị em bà Hasina.

Lãnh thổ Bangladesh trước đây là một phần của Pakistan, quốc gia thành hình sau năm 1947, khi Đế quốc Anh trả lại độc lập cho dân bán đảo Ấn Độ. Những người theo Hồi giáo lập một quốc gia riêng, gồm hai vùng nằm ở phía Tây và phía Đông nước Ấn Độ ; chính quyền trung ương nằm ở vùng Tây Pakistan. Dân hai vùng theo chung một tôn giáo nhưng chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục khác nhau. Sau hơn 20 năm, dân miền Đông Pakistan thấy chính quyền ở thủ đô Islamabad bất công, đưa công chức và quân đội từ miền Tây qua bắt họ đóng thuế nhưng không cung cấp đủ các dịch vụ. Có thể so sánh với cảnh Hà Nội đưa người từ miền Bắc vào nắm quyền ở miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Dân Đông Pakistan bất mãn, nổi lên đòi quyền lợi, bị quân đội đàn áp nặng nề.

Cuối cùng nhờ quân Ấn Độ giúp, họ thành lập nước Bangladesh. Sheikh Mujibur Rahman lên nắm quyền, được coi là một anh hùng lập quốc. Năm 1975, quân đội đảo chính, cả gia đình ông bị giết, chỉ hai người con gái, Sheikh Hasina và Sheikh Rehana thoát chết vì họ không có mặt trong nước (Sheikh là một danh hiệu vinh dự). Họ lập Liên đoàn Awami và thành công nhờ ảnh hưởng tinh thần của Sheikh Rahman.

Năm 1996, đảng Awami chiếm đa số trong quốc hội, Sheikh Hasina lên làm thủ tướng. Năm 2000 bà thất bại, phải nhường chức thủ tướng cho bà Begum Khaleda Zia, Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP). Kể từ đó, các cuộc tranh cử giữa hai phụ nữ với cá tính mạnh mẽ tiếp diễn sau mỗi lần quân đội Bangladesh đảo chính, dựng lên những chính phủ lâm thời để tổ chức bầu cử lại. Năm 2009 bà Hasina đắc cử lần thứ hai, nắm quyền cho tới năm nay.

Điều may mắn cho Sheikh Hasina là gần đây kinh tế Bangladesh đi lên. Năm 2022, Tổng sản lượng nội địa tăng thêm 7,2%. Kinh tế Việt Nam cũng phát triển như vậy, nhờ xuất cảng hàng hóa qua các nước Âu Mỹ thay thế hàng Trung Quốc bị cấm vận hoặc giá đắt vì công nhân đòi lương cao hơn. Nhưng chỉ các xí nghiệp chủ nhân hưởng lợi ; giới lao động vẫn nghèo. Những người giàu nhất nước chiếm một phần mười dân số, kiểm soát 41 phần trăm lợi tức quốc gia, theo bản tin Al Jazeera. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng nặng nề, cũng không khác gì tình cảnh đang diễn ra ở Việt Nam. Giới sinh viên ra trường còn chịu cảnh bất công vì hơn 30% số việc làm cho chính phủ đã được dành riêng cho một thành phần ưu đãi.

Ngày 1/7/2024, sinh viên Đại học Dhaka bắt đầu biểu tình. Dần dần, sinh viên các đại học lớn khác tới theo. Họ hô các khẩu hiệu đòi công bằng, chống tham nhũng và đòi trả tự do cho những giới đối lập bị bắt bớ vô lý. Các cuộc biểu tình biến thành bạo động khi bà Hasina cho đám "thanh niên xung phong" của Liên đoàn Awami xuất hiện, tấn công các sinh viên biểu tình. Dần dần, dân chúng cũng xuống đường ủng hộ giới trẻ. Họ thắt một băng đỏ trên đầu, như các sinh viên, để bày tỏ tình đoàn kết, theo hãng tin Associated Press. Phong trào lớn lên dần vì những uất ức chất chứa từ hàng chục năm có cơ hội biểu lộ. Những người tham dự biểu tình bao gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, với cả các diễn viên kịch nghệ và điện anh, các ca sĩ và nhạc sĩ, theo báo The Guardian.

Dân chúng từ nhiều tỉnh kéo về thủ đô Dhaka. Hơn 300 người chết không khiến họ chùn bước. Người ta hết sợ những họng súng và bắt đầu chống lại bằng vũ khí. Riêng ngày Chủ Nhật, 94 người thiệt mạng, trong đó có 13 nhân viên cảnh sát, theo Agence France-Presse.

Tối cao Pháp viện tuyên án thay đổi quy chế tuyển mộ công chức, nhưng quá trễ. Trưa ngày Thứ Hai, cảnh sát bắt đầu bỏ cuộc, để cho sinh viên và dân chúng phá đổ các rào cản, tiến vào trung tâm thành phố, tới vây dinh thủ tướng. Quân đội không can thiệp. Thứ Sáu trước, Tướng chỉ huy trưởng Waker-Uz-Zaman đã gặp các sĩ quan cấp dưới, nghe họ yêu cầu không ra lệnh bắn vào dân chúng, theo bản tin BBC. Nhiều quân nhân đã bắt tay với sinh viên và dân biểu tình.

Sheikh Hasina không tuyên bố từ chức nhưng đành bỏ chạy. Những người lãnh đạo biểu tình yêu cầu ông Muhammad Yunus đứng ra lập chính phủ lâm thời. Ngày 8/8, tổng thống Mohammed Shahabuddin tuyên bố giải tán quốc hội và chủ tọa lễ tuyên thệ của ông Yunus, với nhiệm vụ tổ chức bầu cử quốc hội mới, theo tin AP.

Muhammad Yunus, sinh năm 1940, tốt nghiệp PhD tại Đại học Vanderbilt bên Mỹ, thường được gọi là "Nhà Ngân hàng của Dân nghèo". Ông được trao Giải Nobel Hòa Bình năm 2006 vì sáng kiến "tín dụng nhỏ" (microfinancing). Trong một cuộc phỏng vấn với AP năm 2004, ông Yunus nói ông nảy ra ý kiến này khi gặp một bà bán các món đồ làm bằng tre. Ông ngạc nhiên vì bà đã làm ra những vật dụng tinh xảo, đẹp đẽ như vậy mà tại sao không kiếm đủ tiền trả nợ. Ông tin rằng các "nhà kinh doanh nhỏ" này không bao giờ "quịt nợ" nếu được tin cậy để vay tiền với lãi suất thấp hơn. Năm 1983 ông lập Ngân hàng Grameen Bank với các chương trình cho giới làm ăn nhỏ được vay tiền, mà các ngân hàng khác thường từ chối họ vì thấy không đủ điều kiện. Sáng kiến "tín dụng nhỏ" của ông đã trở thành một phong trào được nhiều nước nghèo bắt chước làm theo. Năm 2013, ông Yunus đã bị chính quyền Hasina đưa ra tòa vì "tội nhận tiền mà không xin phép chính phủ". Đó là những món tiền ông lãnh từ Giải Nobel, cũng như tiền bản quyền các cuốn sách của ông được in ở nước ngoài !

Từ Paris trở về nước ngày 8/8, Muhammad Yunus kêu gọi tái lập trật tự và đoàn kết quốc gia : "Bangladesh là một đại gia đình. Chúng ta cần đoàn kết với nhau", ông tuyên bố. Bà Khaleda Zia, cựu thủ tướng, đang nằm trong bịnh viện cũng lên tiếng yêu cầu những người ủng hộ mình đừng để cho đất nước chia rẽ.

Bangladesh đã lật đổ chế độ độc tài, bước vào một trang sử mới, hoàn toàn do các cuộc biểu tình của sinh viên và những người dân bình thường. Đây là một bài học cho người Việt Nam suy nghĩ.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : VOA, 12/08/2024

*****************************

Chính phủ Việt Nam sợ tinh thần phản kháng ở Bangladesh lan đến Việt

RFA, 14/08/2024

Tại Bangladesh, các cuộc biểu tình kéo dài liên tục trong nhiều tuần qua đã buộc thủ tướng cầm quyền 15 năm của nước này là bà Sheikh Hasina phải từ chức và chạy trốn khỏi đất nước vào ngày 5 tháng 8 vừa qua. 

bangladesh2

Một sinh viên vẫy quốc kỳ Bangladesh ở gần Đại học Dhaka ở thủ đô vào ngày 12/8/2024. AFP

Hãng tin AP loan tin các cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong ôn hòa và được lãnh đạo bởi chủ yếu là sinh viên - những người thất vọng với chính sách việc làm mà họ cho là thiên vị những người có quan hệ với đảng cầm quyền. 

Tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân bị đánh giá là trì trệ khi gần 32 triệu thanh niên không có việc làm hoặc không được học hành trong tổng dân số 170 triệu người.

Ngày 15/7, các cuộc biểu tình trở thành bạo lực khi các sinh viên đụng độ với lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ chính quyền. Sự việc tới nay đã khiến gần 300 người thiệt mạng, bao gồm cả sinh viên và cảnh sát.

Ngay cả sau khi Bangladesh bãi bỏ hạn ngạch, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, lan rộng ra ngoài phạm vi sinh viên. Người dân thường cũng đổ xuống đường bày tỏ sự tức giận với đối với chính phủ của bà Hasina.

Hãng tin Reuters loan rằng các nhà hoạt động nhân quyền tố cáo không gian cho hoạt động dân chủ cũng đã bị thu hẹp dưới thời bà Hasina. Chính phủ bị cáo buộc là kìm hãm bất đồng chính kiến, vùi dập tiếng nói của giới truyền thông và những người chỉ trích chính phủ, và bỏ tù những người chỉ trích mạnh mẽ nhất. 

Truyền thông nhà nước định hướng dư luận

Báo chí nhà nước Việt Nam, khi đưa tin về sự kiện diễn ra tại Bangladesh đã mô tả những cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân thành những cuộc bạo loạn đầy bạo lực, tàn phá nền kinh tế và gây rối an ninh - trật tự tại quốc gia Nam Á này. 

Đơn cử, báo Công an nhân dân có bài viết hôm 7/8 với tiêu đề "Những cuộc biểu tình phá tan nền kinh tế Bangladesh" ; hôm 19/7, mạng báo VnExpress có bài "Bạo loạn ở Bangladesh vì hạn ngạch viên chức" ; Trang báo mạng của VTV - Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam hôm 5/8 đăng bài về tình hình ở Bangladesh rằng "Biểu tình bạo lực tiếp tục nổ ra ở Bangladesh, gần 100 người thiệt mạng". 

Bên cạnh đó, các trang fanpage của dư luận viên cũng đăng nhiều bài viết chỉ trích các cuộc biểu tình ở Bangladesh. Page Chính trị Việt Nam cảnh báo rằng những cuộc biểu tình như ở Bangladesh chính là nguyên nhân gây ra bạo loạn, bất ổn chính trị. Và rằng, Việt Nam là một đất nước đang ổn định, bình yên nên mọi người "cần cảnh giác trước những âm mưu lợi dụng khát vọng dân chủ, tự do của nhân dân để thực hiện những "cách mạng màu" nhằm lật đổ chính quyền hợp hiến". 

Một người hoạt động dân chủ trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nhận định rằng việc truyền thông bị kiểm duyệt đưa tin theo định hướng như là một hành động cướp phá bạo lực là do họ muốn ngăn chặn sự lan rộng của phong trào này, nhất là trong hoàn cảnh tình hình kinh tế xã hội ngày càng bất ổn như hiện nay. 

"Việc đưa tin một phía sẽ bóp méo tính chính nghĩa và mục đích cao đẹp của phong trào, làm người dân hiểu lầm về tính hợp pháp xã hội của một cuộc đấu tranh bất bạo động, làm cho phong trào bị hiểu nhầm thành công cụ của các phe nhóm chính trị, và mất đi tính đại diện hợp pháp cho nguyện vọng của nhân dân".

Ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động chính trị Việt Nam nói với RFA rằng rõ ràng là nhà nước Việt Nam đang chỉ đạo đưa tin một chiều về tình hình ở Bangladesh hiện nay :

"Qua cái cách trình bày vấn đề của phía báo chí nhà nước, thì chúng ta thấy cái cách đưa tin nó hoàn toàn một chiều. Họ hoàn toàn không lý giải được là tại sao lại dẫn đến những cái cuộc biểu tình hay bạo loạn. Giả sử như là đúng ý họ nói là bạo loạn thì tại sao người dân phải như vậy ? Tại vì khi người dân dám bạo loạn thì họ phải đối đầu với súng đạn của công an và quân đội ? Tại sao họ bất chấp cả cái chết họ dám làm chuyện như vậy ?... thì họ không lý giải được".

Lo ngại tinh thần dân chủ lan truyền tới Việt Nam

Nguyên nhân mà nhà nước Việt Nam chỉ đạo đưa tin về những cuộc biểu tình ở Bangladesh một cách đầy bạo lực và tiêu cực như vậy, theo ông Nguyễn Tiến Trung, là do họ lo sợ tinh thần phản kháng, đòi dân chủ ở Bangladesh sẽ lan truyền và tác động tới người dân Việt Nam : 

"Việt Nam chúng ta cũng nằm trong chế độ độc đảng dưới sự cai trị độc tài của Đảng cộng sản, họ đàn áp đối lập và người dân không có tiếng nói gì.

Khi nghe thấy có thêm một nước chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ thì họ chắc chắn phải sợ hãi và sợ cái tinh thần mà đấu tranh của người dân Bangladesh có thể lan truyền đến Việt Nam và khi người dân Việt Nam tiếp nhận được thông tin đó, thấy được tinh thần đấu tranh của người dân Bangladesh và sẽ học hỏi theo. Cho nên chắc chắn là phía Đảng cộng sản Việt Nam phải sợ hãi rồi".

Đồng quan điểm, nhà hoạt động giấu tên cho rằng sự việc xảy ra tại Bangladesh có ảnh hưởng to rộng đến những nước đang ở thể chế toàn trị. Do đó, Việt Nam phản ứng như vậy không phải là điều bất ngờ :

"Những cuộc biểu tình, đấu tranh ôn hòa luôn tạo ra một làn sóng lan tỏa và truyền động lực cho những người có cùng hoàn cảnh như vậy. Cụ thể là như những người dân tại Bangladesh, đặc biệt là tại những nước tồn tại tình trạng phân biệt đẳng cấp, xuất thân, như người dân Bangladesh đã phản đối việc ưu tiên việc làm cho người nhà cán bộ công chức, những điều ở trên cũng đang tồn tại và xảy ra ở Việt Nam". 

Biểu tình làm kinh tế suy tàn ?

bangladesh3

Một số fanpage dư luận viên đưa tin về các cuộc biểu tình ở Bangladesh.

Luận điểm chính mà các trang dư luận viên sử dụng như để chỉ trích các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của người dân Bangladesh chính là việc nền kinh tế của nước này đang tụt dốc.

Trang fanpage Đơn vị Tác chiến Việt Nam đăng status nói rằng bất ổn chính trị Bangladesh chính là nguyên nhân khiến hàng loạt nhà máy may mặc phải đóng cửa, "đơn hàng đang đổ dồn về Việt Nam. Việc hàng loạt nhà máy phải đóng cửa trước mùa mua sắm lớn nhất năm, đánh mạnh vào niềm tin của các thương hiệu thời trang vào quốc gia này, điều này sẽ tác động lâu dài đến nền kinh tế nước này".

Ngành kinh tế chủ lực của Bangladesh chính là gia công và xuất khẩu các mặt hàng dệt may, được coi là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Theo nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung, dư luận viên đã cố tình đánh tráo khái niệm trong việc đưa tin rằng kinh tế Bangladesh suy tàn vì biểu tình. Thực tế, chính việc quản lý kinh tế yếu kém, kinh tế đình trệ lâu nay mới là nguyên do khiến đông đảo người dân xuống đường :

"Cái này là Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh tráo nguyên nhân và hậu quả. Xã hội ở Bangladesh bất ổn vì sự cai trị độc tài của bà Hasani và đảng của bà ta chứ không phải là vì người dân biểu tình. Người dân biểu tình là hệ quả, không phải là nguyên nhân".

Nhà hoạt động giấu tên cho rằng tình trạng đói kém, bạo lực, hay những tổn thất vĩ mô của một quốc gia đến từ sự hoạch định chính sách sai lầm của cơ quan nhà nước và sự bất lực của chính phủ trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội, tình trạng tham nhũng và trì trệ xã hội… Những điều này không thể là hành động mang tính bộc phát của toàn xã hội chỉ trong vài ngày hay vài tháng :

"Hay nói chính xác, thì chính sự yếu kém của chính quyền mới là nguyên nhân của sự tụt hậu, đói kém, thất bại kinh tế, chính trị, xã hội. Những cuộc biểu tình chỉ là công cụ của quần chúng để giải quyết những "hậu quả" của một chính phủ yếu kém. Còn về "Cách mạng màu, nhìn chung thì đây là một "thuật ngữ" được nêu ra bởi Việt Nam, và chỉ được dùng để gán ghép cho những cuộc biểu tình ôn hòa dân chủ lật đổ những kẻ độc tài có quan hệ tốt với họ".

Một bài viết của Reuters hôm 8/8 phân tích rằng dưới thời Hasina, Bangladesh trong những năm gần đây đã chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng gia tăng, đồng tiền mất giá và dự trữ ngoại hối sụt giảm. Chi phí sinh hoạt tăng cao đã gây ra làn sóng phản đối của công nhân may mặc đòi tăng lương. Nền kinh tế quốc gia Nam Á này giảm tốc mạnh kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine do giá nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, buộc Bangladesh vào năm ngoái phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận gói cứu trợ trị giá 4,7 tỷ USD.

Một bài viết khác của Bloomberg đưa ra dự đoán rằng các cuộc biểu tình và việc đóng cửa ngành may mặc của Bangladesh có thể khiến nền kinh tế thiệt hại 10 tỷ USD, khiến việc tăng cường dự trữ ngoại tệ càng trở nên khó khăn hơn. 

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy cho rằng các cuộc biểu tình đúng là có gây ra xáo trộn các hoạt động xã hội và kinh tế trong tương lai gần có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên :

"Chuyện này là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng mà người dân Bangladesh Họ phải làm để mà họ thoát khỏi bàn tay sắt, thoát khỏi cái nhà tù và cái gọng kiềm, sự cai trị hà khắc của chính phủ Bà Hasina để mở ra một chân trời mới cho họ.

Và nếu mà một cái chính phủ mới được bầu theo nguyện vọng của nhân dân, vì hạnh phúc người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đối xử với người dân một cách công bằng với nhau thì không có lý do gì mà người dân bạo loạn làm gì". 

Bangladesh - Việt Nam có nhiều điểm tương đồng

Theo những nhà hoạt động chính trị mà RFA phỏng vấn trong bài viết này, tình hình chính trị, xã hội của Bangladesh và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng.

Mồi lửa châm ngòi cho các cuộc biểu tình chính là hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ Bangladesh. Theo chính sách này, một phần ba việc làm trong khu vực công dành cho người thân của cựu chiến binh trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh từ Pakistan năm 1971.

Nhìn lại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Trung thấy rằng hầu hết quan chức trong nhà nước Việt Nam đều là thành viên của Đảng cộng sản, người dân thường hoàn toàn không có cửa để trèo lên các vị trí cao trong hệ thống công quyền :

"Trước đây chúng ta thấy rất rõ là qua cái chủ nghĩa lý lịch. Nó không đưa ra thành luật nhưng mà mọi người đều ngầm hiểu. 

Những người ngoài Đảng cộng sản cũng không được phép tham gia vào chính quyền. Chính quyền hoàn toàn là 100% là Đảng cộng sản Việt Nam. Có thể nói tỷ lệ là gần như 100%. 

Trong khi chính quyền Bangladesh của bà Hasani là họ chỉ đưa ra con số 30% thôi. Tức là cái mức độ bất công của Bangladesh vẫn còn nhỏ hơn mức độ bất công của Việt Nam rất là nhiều".

Theo tiến sĩ Huy Vũ, nếu mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác trong xã hội thì Việt Nam cũng tương tự như Bangladesh dưới thời bà Hasina, rằng người dân không được bầu chính phủ mà mình tin tưởng, con cháu của đảng viên cộng sản luôn được hưởng những đặc quyền hơn các tầng lớp khác trong xã hội : 

"Tương tự như ở Việt Nam cũng vậy thôi. Chúng ta thấy là Đảng cộng sản và con cháu họ nắm những vị trí rất lớn trong chính quyền, được hưởng những ưu đãi, được nắm giữ tài sản rất lớn có được nhờ nhiều cách khác nhau. 

Nếu mà nhìn qua nhìn lại thì chúng ta sẽ thấy được là những người giàu nhất hiện nay ở Việt Nam là những người đã từng là một phần của chế độ hoặc là một cánh tay của chế độ, những sự kiện này cũng tương tự như Đảng Awami bên Bangladesh mà thôi. 

Bên cạnh đó thì chúng ta cũng thấy là có một cái tầng lớp người bình dân không có một tiếng nói nào cả. Lá phiếu bầu của họ không có giá trị và họ không biết bầu cho ai và ai là người đại diện cho họ. Họ là những người sống bên lề xã hội, những người được gọi là tạm trú trên đất nước của chính mình".

Nguồn : RFA, 14/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Nhân Dụng, RFA tiếng Việt
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)