Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2024

20 năm thất bại của Nghị quyết 36

Phạm Trần

Từ 20 năm qua (2004-2024), vấn đề hợp tác giữa người Việt Nam ở nước ngoài và Đảng cộng sản Việt Nam không ngừng được thảo luận, nhưng "đoàn kết dân tộc" vẫn là chuyện xa vời.

nghiquyet00

Hiệp hội kiều bào trí thức tại Đài Loan - Ảnh : Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

Nguyên nhân còn ngăn cách cơ bản và quan trọng nhất vì Đảng cộng sản không muốn từ bỏ độc quyền cai trị, và tiếp tục áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh "làm nền tảng xây dựng đất nước".

Để hợp thức hóa cho âm mưu tiếm "quyền tự quyết" của dân, đảng cầm quyền còn luật hóa trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013.

Điều này được ghi trong mục số 1 : "Đảng cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…".

Trước hết, ai đã cho phép Đảng cộng sản Việt Nam là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" ? Nhân dân chưa một lần ủy thác cho Đảng cộng sản cầm quyền, dù bằng lá phiếu hay trưng cầu dân ý.

Cũng chưa bao giờ nhân dân đồng ý "không chấp nhận đảng chính trị đối lập", hay "dành độc quyền thông tin, báo chí cho nhà nước". Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam đã bằng mọi cách ngăn chặn việc thành lập đảng chính trị. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn sống, đã chỉ thị cho Công an bằng mọi cách không cho thành lập đảng chính trị.

Người thi hành lệnh này khi ấy là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ông Tô Lâm đã được bầu làm Tổng bí thư thay ông Trọng ngày 3/8/2024. Như vậy, chuyện "chính trị đối lập" sẽ tiếp tục bị cấm.

Bằng chứng độc quyền

Bằng chứng "độc quyền báo chí", theo thống kê chính thức của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), "tính đến năm 2023 cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kì hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học ngành Báo chí trở lên".

Điều 14 của Luật Báo chí năm 2016 cũng xác nhận tính "độc quyền" của nhà nước, theo dó, "Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí" gồm :

1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học ; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học".

Như vậy rõ ràng nhân dân đã bị loại khỏi hàng ngũ người có quyền được hành nghề báo chí.

Quan trọng hơn, người làm báo trong chế độ cộng sản Việt Nam chỉ là tay sai của đảng. Nhiệm vụ này ghi rành mạch trong khoản "b" của Điều 25, Luật Báo chí như sau : "Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực ; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm".

Tuyệt đối và toàn diện

Tăng cường cho chủ trương nắm hết dư luận, Đảng còn vỗ ngực nói rằng : "Đảng lãnh đạo tuyệt đối và xuyên suốt đối với báo chí : Nền báo chí cách mạng Việt Nam chịu sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo báo chí và báo chí bảo vệ Đảng, trong đó có bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là hai nhiệm vụ tất yếu, khách quan (báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 21/11/2021).

Như vậy, mọi tuyên truyền cho rằng "có tự do báo chí ờ Việt Nam" là điều bịa đặt.

Bằng chứng vào tháng 5/2024, tổ chức "Phóng viên không biên giới" (Reporters sans frontièresRSF / Reporters without Borders) đã công bố báo cáo thường niên về "Chỉ số tự do báo chí năm 2024".

Tổ chức này xếp Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí - thuộc nhóm các nước "có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liền vội vả phản ứng : "Đây không phải là lần đầu RSF đưa ra những nhận định hoàn toàn phiến diện, thiếu khách quan, thiên kiến và quy chụp về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, bất chấp thực tế đời sống báo chí ở nước ta ngày càng phát triển chuyên nghiệp, sôi động và hiệu quả".

Lời khoe này quên rằng tất cả những người làm báo ở Việt Nam đều do Đảng cộng sản tuyển dụng, kiểm soát và chỉ đạo, mặc dù "không có chế độ kiểm duyệt", nhưng người có nhiệm vụ thông tin phải tự kiểm soát trước, hoặc phải rút xuống khi có lệnh của Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và truyền thông.

Về con người và tự do tôn giáo, Việt Nam nằm trong số những quốc gia "tồi tệ nhất". Việt Nam khoe có nhiều nhà thờ và miếu đền được xây dựng với số tin đồ "đông nghẹt" trong các dịp lễ hội. Nhưng nhà nước lại kiểm soát các tổ chức tôn giáo, chen vào chuyện nội bộ của tôn giáo, kể cả việc bổ nhiệm các chức sắc cũng phải có phép, hay "thông qua" của chính quyền.

Tiền là trên hết

Dù vậy, trong mỗi dịp tiếp các "đại biểu kiều bào" về nước dự hội nghị do nhà nước tổ chức, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã không hết lời ca ngợi chủ trương của Nghị quyết 36 năm 2004.

Tiêu biểu như ngày 23/8/2024, tại Phủ Chủ tịch, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Đoàn đại biểu kiều bào tiêu biểu nhân dịp về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, dự Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Tại cuộc gặp này, ông Tô Lâm nhấn mạnh : "Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một phần máu thịt không thể tách rời. Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay đón nhận những đóng góp quí báu của bà con, từ đó xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh của mọi dòng máu Việt" (báo điện Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 23/8/2024)

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khoe : "Các Hội người Việt Nam ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân trong nước cũng như cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài".

Cả hai lời tuyên bố của ông Tô Lâm và ông Bùi Thanh Sơn mang tính ngoại giao hơn kết quả thức tế. Đã không có hợp tác giữa Việt kiều và nhà nước trong lĩnh vực "chống tham nhũng và xây dựng đất nước". Các hội đoàn người Việt được tổ chức ở nước ngoài chỉ nẩy sinh "trong phạm vi hẹp" ở các nước cựu cộng sản như Liên bang Xô Viết (nay la Liên bang Nga), Trung Quốc, hay tại các nước cựu cộng sản Đông Âu và một số nước Châu Âu, kể cả Mỹ. Những tổ chức này đã "không làm nên trò trống gì" trong các cộng đồng lớn người Việt ở nước ngoài như tại Mỹ, Úc, Canada.

Tuy nhiên, sau lưng của Nghị quyết 36 là vấn đề "kiều hối" được gửi về Việt Nam hàng năm giúp thân nhân. Theo thống kê chính thức thì : "Tổng lượng kiều hối trong giai đoạn 1993–2023 đạt khoảng 230 tỷ USD và đã có sự dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước. Tới tháng 11/2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,72 tỷ USD".

Tuy vậy, chuyện trí thức Việt kiều và đa số du học sinh sau tốt nghiệp về giúp Việt Nam vẫn còn là "giấc mơ không thành" của nhà nước Việt Nam.

Cuối cùng là chuyện "lá cờ". Sau nhiều năm cố gắng, nhà nước cộng sản Việt Nam đã thất bại trong âm mưu thay lá cờ "nền vàng 3 sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa" bằng "cờ đỏ sao vàng của Đảng cộng sản Việt Nam" trong các dịp lễ hội của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Lá "cờ đỏ sao vàng" chỉ xuất hiện tại một số cộng đồng người Việt ở các nước cộng sản hay "thân Hà Nội".

Đó là những thất bại của Nghị quyết 36 "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", sau 20 năm thi hành.

Phạm Trần

(28/08/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 312 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)