Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2024

Cánh miền Nam trông chờ vào Nguyễn Tấn Dũng

Hoàng Phúc

Thời ông Nguyễn Phú Trọng gắn liền với thời kỳ suy tàn của các cánh miền Nam trong Đảng. Ông Nguyễn Tấn Dũng hùng mạnh khi Tổng Bí thư là ông Nông Đức Mạnh. Vì vị cựu Tổng Bí thư này kém cỏi, nên đã để cho Nguyễn Tấn Dũng làm mưa làm gió một thời.

ntd0

Ông Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm đền Mahabodhi, Bodh Gaya, tỉnh Bihar, Ấn Độ ngày 28/10/2014 - Ảnh minh họa

Khi ông Trọng lên thay ông Nông Đức Mạnh, thế lực Nguyễn Tấn Dũng mới gặp phải đối thủ thực sự. Đến cuối nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Dũng chính thức bị đá văng ra khỏi vũ đài chính trị, và từ đây, những cánh miền Nam khác cũng không thể nào trỗi dậy.

Khi ông Dũng làm mưa là gió, miền Nam có 3 thế lực lớn, đó là : thế lực Nguyễn Tấn Dũng, thế lực Lê – Trương do Lê Thanh Hải đứng đầu, và thế lực Trương Tấn Sang. Ba thế lực miền Nam này cũng không ưa gì nhau, đặc biệt là Trương Tấn Sang không ưa Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 2016 có một bước ngoặt lớn, Nguyễn Tấn Dũng bị loại khỏi vũ đài chính trị, Nguyễn Phú Trọng kết thúc việc liên minh với Trương Tấn Sang, và Lê Thanh Hải rời khỏi vũ đài chính trị. Kể từ đó, miền Nam không còn ai đủ lực, để tự đứng riêng lẻ thành 1 thế lực như trước.

Sau năm 2016, vẫn có một vài nhân vật miền Nam nắm giữ những vị trí cao, như Võ Văn Thưởng, hay Nguyễn Văn Nên. Tuy nhiên, những nhân vật này rất yếu, phải dựa vào Nguyễn Phú Trọng, chứ không thể tự tạo dựng một thế lực đủ mạnh, để tranh hùng tranh bá.

Sau khi ông Trọng qua đời, ông Nguyễn Tấn Dũng lại trỗi dậy và gây sự chú ý với dư luận. Bất ngờ hơn, ông Dũng đã công khai mối quan hệ với người có thế lực mạnh nhất hiện nay – ông Tô Lâm. Với mối quan hệ khủng này, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết. Có lẽ, cánh miền Nam hiện nay, sáng giá nhất chính là những người con của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Muốn hùng mạnh thì phải gầy dựng thế lực riêng, nếu chỉ bám vào một thế lực nào đấy để tiến thân, thì trước sau gì cũng chuốc họa, khi thế lực ấy hết thời. Võ Văn Thưởng tuy là người miền Nam, nhưng chưa bao giờ dám đứng riêng thành một thế lực, mà phải bám vào ông Trọng. Khi ông Trọng bị phản bội, Võ Văn Thưởng cũng đổ theo.

Hiện nay, ông Dũng đang ra mặt để tìm hướng đi cho Nguyễn Thanh Nghị. Bởi Nguyễn Thanh Nghị vẫn còn quá "non xanh", so với ông Dũng trước đây. Chưa biết, thời gian tới, Bộ trưởng Nghị có tận dụng tốt mối quan hệ mà ông Dũng đang nỗ lực tạo dựng hay không ? Những người trẻ tuổi như Nguyễn Thanh Nghị còn đang rất yếu, trước những cơn bão chính trường. Mới đây, Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, cũng đã bị bật ra khỏi vũ đài chính trị. Ông Khánh cũng cùng tuổi với ông Nghị.

Sân chơi chính trị ngày một khốc liệt. Đây là võ đài dành cho những người ngoài 65 tuổi. Không phải là sân chơi cho những người dưới 50 tuổi như Nguyễn Thanh Nghị. Ngay cả ông Nguyễn Văn Nên – một người cũng nằm trong nhóm trên 65 tuổi, nhưng dường như, vẫn chưa thể hiện được sức mạnh nội tại. Ông Nên trước đây dựa vào ông Trọng, và giờ đây đang tìm đường đi mới. Hơn nữa, thế lực Tô Lâm đang mạnh, rất khó để ông Nên xoay sở.

Cánh miền Nam đã lụi tàn từ sau ngày về hưu của ông Nguyễn Tấn Dũng. Giờ đây, ông Nguyễn Tấn Dũng trỗi dậy, để giải bài toán bế tắc cho Nguyễn Thanh Nghị, tránh cho Nghị bị kẹt giữa 2 thế lực lớn là Tô Lâm và Phạm Minh Chính.

Có lẽ, thời gian tới sẽ là thời của Tô Lâm, Nguyễn Thanh Nghị nếu không bám vào Phạm Minh Chính, thì có thể bám vào Tô Lâm. Đây là con đường khả dĩ nhất để gia đình Nguyễn Tấn Dũng hồi sinh, và xa hơn, là hồi sinh cho cả cánh miền Nam vốn chịu thua thiệt bấy lâu nay.

Hoàng Phúc 

Nguồn : Thoibao.de, 28/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Phúc
Read 223 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)