Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/08/2024

Hoa Kỳ có để yên cho Trung Quốc hà hiếp mãi Philippines ?

RFI - VOA

Biển Đông : Lại xảy ra va chạm giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc

Thanh Phương, RFI, 31/08/2024

Trung Quốc hôm nay, 31/08/2024, cáo buộc một tàu của Philippines "cố tình" đụng vào một tàu hải cảnh tại khu vực gần một bãi cạn đang có tranh chấp ở Biển Đông.

trungphi1

Xuồng Hải cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu Philippines ở khu vực bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) ngày 20/06/2024. Ảnh : Lực lượng vũ trang Philippines

Theo hãng tin AFP, đài truyền hình nhà nước CCTV trích dẫn phát ngôn viên lực lượng hải cảnh của Trung Quốc cho biết vụ va chạm xảy ra vào lúc 12 giờ 6 phút, giờ địa phương, tại vùng biển gần bãi cạn Sa Bin, mà Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Đài Loan tranh chấp chủ quyền. 

Nhưng theo phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines, chính tàu của Trung Quốc đã cố tình đâm vào tàu Philippines.

Bãi cạn này nằm cách bờ biển Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 1.200 km. Khu vực này là nơi xảy ra nhiều sự cố trong những ngày qua. Hôm Chủ nhật 25/08, Manila tố cáo các tàu của Trung Quốc đã đâm vào một tàu đánh cá của Philippines và bắn vòi rồng vào tàu này.

Các vụ va chạm giữa tàu của hai nước cũng đã xảy ra liên tục trong những tháng gần đây tại khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây, nơi các binh sĩ Philippines đang đồn trú trên một tàu mà Manila cố tình để cho mắc cạn nhằm khẳng định chủ quyền tại đây.

Hôm thứ Ba 27/08, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã khẳng định Trung Quốc chính là quốc gia "gây xáo trộn nhiều nhất" cho hòa bình ở vùng Đông Nam Á.

Kể từ khi tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. lên cầm quyền vào năm 2022, Manila đã tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền trên một số thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.

Thanh Phương

************************

Đô đốc : Lực lượng Mỹ đã sẵn sàng với ‘nhiều phương án’ đối phó sự hung hăng ở Biển Đông

AP, VOA, 30/08/2024

Lực lượng Hoa Kỳ đã sẵn sàng với "nhiều phương án" để đối phó với các hành vi hung hăng ngày càng gia tăng ở Biển Đông nếu được lệnh thực hiện chung và sau khi tham vấn với đồng minh hiệp ước là Philippines, một đô đốc Hoa Kỳ cho biết ngày 29/8.

trungphi2

Đô đốc Samuel Paparo, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (trái) gặp Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Romero Brawner Jr., tại Manila, Philippines, ngày 27/8/2024.

Đô đốc Samuel Paparo, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ USINDOPACOM, người đứng đầu số lượng quân tác chiến lớn nhất bên ngoài lục địa Hoa Kỳ, từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các lựa chọn dự phòng mà ông đề cập.

Bình luận của ông Paparo được đưa ra khi được hỏi tại một cuộc họp báo về việc hai đồng minh hiệp ước lâu năm là Mỹ và Philippines có thể làm gì để đối phó với cái gọi là chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

"Chiến thuật vùng xám" ám chỉ các phương thức tấn công, như bắn vòi rồng, chặn và đâm húc vào tàu đối phương trong vùng biển tranh chấp, nằm dưới ngưỡng của một cuộc tấn công vũ trang thực sự và sẽ không cho phép Philippines viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Hoa Kỳ. Hiệp ước này bắt buộc một trong hai nước phải giúp đỡ nước kia trong trường hợp bị tấn công vũ trang từ bên ngoài.

"Chúng tôi chắc chắn đã chuẩn bị một loạt các phương án và USINDOPACOM luôn sẵn sàng, nếu được yêu cầu, sau khi tham vấn theo hiệp ước để thực hiện các phương án đó cùng với đồng minh của chúng tôi", ông Paparo nói.

Việc nêu chi tiết các phương án quân sự của Hoa Kỳ sẽ cho phép "kẻ thù tiềm tàng" "xây dựng biện pháp đối phó với những phương án đó", ông cho biết.

Ông Paparo đã tổ chức một cuộc họp báo chung với Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Romero Brawner Jr., sau khi cả hai chủ trì một cuộc họp thường niên tại thành phố miền núi Baguio ở phía bắc Philippines để thảo luận về các thách thức an ninh và các kế hoạch quân sự. Trong các kế hoạch quân sự đó có cuộc tập trận tác chiến Balikatan lớn nhất của hai đồng minh hiệp ước diễn ra vào tháng 4 với sự tham gia của hơn 16.000 quân nhân Mỹ và Philippines và một phần được tổ chức ở Biển Đông.

Trả lời một câu hỏi, ông Paparo nhắc lại rằng quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng, sau các cuộc tham vấn hiệp ước với Philippines, hộ tống các tàu Philippines ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila ở vùng biển tranh chấp gia tăng. Viễn cảnh như vậy có nguy cơ khiến các tàu của Hải quân Hoa Kỳ va chạm trực tiếp với các tàu của Trung Quốc.

Washington và Bắc Kinh đã có những xung đột về các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và mục tiêu tuyên bố sáp nhập Đài Loan của Bắc Kinh, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Tướng Brawner nói Philippines vẫn có thể tự bảo vệ mình ở vùng biển tranh chấp, nơi căng thẳng với lực lượng cảnh sát biển, hải quân và các tàu dân quân của Trung Quốc đã tăng đột biến kể từ năm ngoái.

"Nếu chúng ta đã dùng hết mọi phương án mà vẫn không có kết quả, thì đó là lúc chúng ta có thể nhờ giúp đỡ", ông Brawner nói với các phóng viên.

Khi lực lượng Philippines ở vùng biển tranh chấp "đang bên bờ vực tử thần" vì nguồn cung cấp lương thực bị lực lượng Trung Quốc chặn lại, "thì đó là lúc chúng ta sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ", ông Brawner nói, nhưng cũng nói thêm rằng "chúng ta vẫn còn nhiều phương án".

Trong cuộc tập trận giữa lực lượng Hoa Kỳ và Philippines vào tháng 4, quân đội Hoa Kỳ đã vận chuyển một hệ thống phi đạn tầm trung đến miền bắc Philippines, khiến Trung Quốc tức giận, nước này cảnh báo rằng hệ thống phi đạn này có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực. Bắc Kinh yêu cầu hệ thống phi đạn của Hoa Kỳ, có thể đe dọa Trung Quốc đại lục, phải được rút khỏi Philippines.

Ông Paparo và ông Brawner từ chối trả lời vào ngày 29/8 rằng liệu hệ thống phi đạn này có được đưa ra khỏi Philippines hay không và khi nào. Ông Brawner cảm ơn quân đội Hoa Kỳ đã vận chuyển vũ khí công nghệ cao đến quốc gia này, nói rằng lực lượng Philippines đang được tiếp xúc với các thiết bị quốc phòng tiên tiến mà quân đội Philippines có kế hoạch mua trong tương lai.

"Giống như những gì chúng tôi đã làm với Stingers và Javelin, chúng tôi đã bắt đầu huấn luyện ngay cả khi chúng tôi chưa có chúng trong kho vũ khí của mình", ông Brawner nói.

Trung Quốc đã khiến Philippines tức giận khi liên tục quấy rối các tàu hải quân và cảnh sát biển của Philippines bằng vòi rồng mạnh, tia laser cấp quân sự, chặn đường di chuyển và có các động tác nguy hiểm khác trên vùng biển gần hai bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông. Việc này đã dẫn đến những vụ va chạm nhỏ khiến một số nhân viên hải quân Philippines bị thương và làm hỏng các tàu tiếp tế của Philippines.

Trung Quốc đã cáo buộc Philippines gây ra các hành động thù địch ở vùng biển tranh chấp bằng cách xâm phạm vào những gì họ nói là lãnh thổ ngoài khơi của Bắc Kinh, được phân định bằng 10 đoạn trên bản đồ. Họ nói rằng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc đã buộc phải hành động để trục xuất lực lượng cảnh sát biển và các tàu khác của Philippines khỏi những khu vực đó.

Philippines đã nhiều lần trích dẫn phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, trong đó tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông với lý do lịch sử là không hợp lệ.

AP

Nguồn : VOA, 30/08/2024

******************************

Philippines tố Trung Quốc dùng ‘vũ lực quá mức’ chặn đường tiếp tế ở Biển Đông

AP, VOA, 28/08/2024

Các quan chức Philippines ngày 27/8 tố cáo Trung Quốc đã triển khai "vũ lực quá mức" gồm 40 tàu để chặn hai tàu Philippines giao thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho tàu cảnh sát biển lớn nhất của Manila tại một bãi cạn đang tranh chấp trong đợt bùng phát mới nhất về tranh chấp lãnh thổ của đôi bên ở Biển Đông.

trungphi3

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (phải) chặn tàu cảnh sát biển Philippinea tại bãi cạn Sa Bin, ngày 26/8/2024.

Trung Quốc và Philippines đổ lỗi cho nhau về cuộc đối đầu hôm 26/8 tại bãi cạn Sa Bin, một đảo san hô không có người ở mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, nơi đã trở thành điểm nóng mới nhất ở Trường Sa, khu vực tranh chấp gay gắt nhất trên tuyến đường thương mại và an ninh toàn cầu quan trọng.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc và Philippines đã triển khai riêng các tàu cảnh sát biển đến Sa Bin vì nghi ngờ bên kia có thể hành động để kiểm soát và xây dựng các công trình trên đảo san hô đánh cá này.

Tình hình thù địch giữa Trung Quốc và Philippines đã đặc biệt leo thang kể từ năm ngoái và cuộc đối đầu hôm 26/8 là cuộc đối đầu thứ sáu mà hai bên đã báo cáo trên biển và trên không. Các cuộc đối đầu đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn có thể liên quan đến Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Philippines theo hiệp ước.

Lực lượng cảnh sát biển Philippines nói "lực lượng cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc sử dụng vũ lực quá mức", cùng với 31 tàu dân quân, đã cản trở bất hợp pháp việc cung cấp thực phẩm cho nhân viên trên tàu BRP Teresa Magbanua khi Philippines kỷ niệm Ngày Anh hùng dân tộc hôm 26/8.

Lực lượng cảnh sát biển Philippines cho biết họ "vẫn kiên định với cam kết bảo vệ lợi ích quốc gia và đảm bảo an toàn và an ninh cho vùng biển của chúng tôi" và kêu gọi "lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và ngừng triển khai lực lượng hàng hải có thể phá hoại sự tôn trọng lẫn nhau, một nền tảng được công nhận rộng rãi về mối quan hệ có trách nhiệm và hữu nghị giữa các lực lượng cảnh sát biển".

Tại Bắc Kinh, lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc nói họ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với hai tàu cảnh sát biển Philippines "xâm phạm" vào vùng biển gần bãi cạn Sa Bin. Trong một tuyên bố, lực lượng này cho biết các tàu của Philippines đã làm tình hình leo thang bằng cách liên tục tiếp cận một tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc không cho biết họ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát nào.

Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng quân đội và ngày càng quyết đoán hơn trong việc theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Căng thẳng đã dẫn đến các cuộc đối đầu thường xuyên hơn, chủ yếu là với Philippines, mặc dù các tranh chấp lãnh thổ lâu đời cũng liên quan đến các bên yêu sách khác, bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc và Philippines đã va chạm gần Sa Bin, trước ngày 26/8.

Bãi cạn Sa Bin nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 140 km về phía tây, trong vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của Philippines.

Sa Bin nằm gần Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), một điểm nóng khác mà Trung Quốc đã cản trở việc Philippines cung cấp vật tư cho lực lượng Philippines trên một tàu hải quân đã mắc cạn từ lâu. Tháng trước, Trung Quốc và Philippines đã đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn các cuộc đối đầu ngày càng thù địch tại Bãi cạn Second Thomas, cho phép một tàu của Philippines cung cấp thực phẩm một tuần sau đó mà không có bất kỳ hành động thù địch nào.

AP

Nguồn : VOA, 28/08/2024

*****************************

Philippines : Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông ‘hoàn toàn phi pháp’

Reuters, VOA, 27/08/2024

Bộ trưởng quốc phòng Philippines ngày 26/8 tố cáo hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp" sau vụ đụng độ ở vùng biển tranh chấp hôm 25/8 liên quan đến nhiệm vụ mà Manila cho biết là tiếp tế cho ngư dân.

trungphi4

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro ngày 26/8/2024 tố cáo hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp"

"Chúng ta phải lường trước những hành vi như thế này từ Trung Quốc vì đây là một cuộc đấu tranh. Chúng ta phải sẵn sàng lường trước và làm quen với những hành động như thế này của Trung Quốc, những hành động hoàn toàn bất hợp pháp, như chúng ta đã nhiều lần nói", Bộ trưởng quốc phòng Gilberto Teodoro nói với các phóng viên.

Lực lượng đặc nhiệm Biển Đông của Manila tố cáo các tàu Trung Quốc đâm húc và xịt vòi rồng vào một tàu đánh cá của Philippines đang vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men cho ngư dân Philippines. Vụ việc xảy ra gần bãi cạn Sa Bin.

Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc thì nói rằng tàu Philippines "đã phớt lờ những cảnh báo nghiêm túc liên tục và cố tình tiếp cận và đâm" vào tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc, dẫn đến va chạm.

Khi được hỏi liệu vụ việc mới nhất này có kích hoạt các nghĩa vụ theo hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Philippines hay không, ông Teodoro trả lời : "Đó là cầm đèn chạy trước ô tô. Hãy ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang. Đó là điều quan trọng hơn."

Các quan chức Hoa Kỳ bao gồm cả Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định "cam kết sắt đá" của Washington trong việc hỗ trợ Philippines chống lại các cuộc tấn công vũ trang vào tàu thuyền và binh lính của Philippines ở Biển Đông.

"Mọi người đều quá tập trung vào cuộc tấn công vũ trang", ông Teodoro nói. "Chúng ta hãy tự làm cho mình đủ mạnh để điều đó không xảy ra".

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila chưa hồi đáp yêu cầu bình luận.

Cuộc đụng độ hôm 25/8 đã làm lu mờ các nỗ lực xây dựng lại lòng tin và quản lý tốt hơn các tranh chấp ở Biển Đông sau nhiều tháng đối đầu.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm các khu vực mà Philippines, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền.

Một tòa án trọng tài quốc tế năm 2016 đã phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một quyết định mà Bắc Kinh đã bác bỏ.

Reuters

Nguồn : VOA, 27/08/2024

*******************************

Philippines kêu gọi Trung Quốc dừng các hành động 'khiêu khích' sau các vụ bắn pháo sáng

Reuters, VOA, 24/08/2024

Philippines hôm thứ Bảy kêu gọi Bắc Kinh "ngay lập tức chấm dứt mọi hành động khiêu khích và nguy hiểm" sau khi cáo buộc Bắc Kinh "vô lý" bắn pháo sáng từ Đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng vào ngày 22 tháng 8 trong khi một máy bay của Manila đang tuần tra.

trungphi05

Philippines-Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông (Ảnh tư liệu)

Lực lượng đặc nhiệm Biển Đông của Philippines cho biết trong một tuyên bố rằng cũng chiếc máy bay này "bị một máy bay chiến đấu Trung Quốc quấy rối" khi đang bay giám sát gần Bãi cạn Scarborough vào ngày 19 tháng 8.

"Những hành động như vậy đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, đồng thời làm xấu thêm hình ảnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) với cộng đồng quốc tế", lực lượng đặc nhiệm nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về các vụ việc xảy ra cùng tuần lễ mà Manila và Bắc Kinh cáo buộc lẫn nhau bên này đâm vào tàu bên kia và thực hiện các động thái nguy hiểm ở Biển Đông.

Chúng cũng diễn ra chưa đầy hai tuần sau một sự cố trên không giữa quân đội Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough, ngay cả khi hai nước đã nhất trí "khôi phục lòng tin" và "xây dựng lại lòng tin" để quản lý tốt hơn các tranh chấp trên biển.

Hoa Kỳ lên án Trung Quốc vì đã bắn pháo sáng vào máy bay của Philippines, Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila MaryKay Carlson đăng trên nền tảng X : "Với Philippines, chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngừng các hành động khiêu khích và nguy hiểm làm suy yếu một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Máy bay của Manila, thuộc Cục Thủy sản và Tài nguyên biển (BFAR), phối hợp với lực lượng bảo vệ bờ biển, được giao nhiệm vụ theo dõi và chặn tàu thuyền đánh bắt trộm xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Lực lượng đặc nhiệm cho biết máy bay chiến đấu của Trung Quốc, không bị khiêu khích, đã bắn pháo sáng nhiều lần "ở khoảng cách gần nguy hiểm" với máy bay Philippines.

Lực lượng đặc nhiệm nói rằng "Hành động của máy bay Trung Quốc cho thấy ý định gây nguy hiểm cho sự an toàn của nhân viên trên máy bay Philippines".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và đã triển khai một đội tàu tuần duyên để bảo vệ những gì họ coi là lãnh thổ của mình. Philippines, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei phản đối các tuyên bố này.

Một tòa án trọng tài quốc tế năm 2016 phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, trao một chiến thắng mang tính bước ngoặt cho Philippines, quốc gia đã đệ đơn kiện.

Trung Quốc đã xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Biển Đông và trang bị radar, đường băng và tên lửa đất đối không cho một số đảo. Trong số đó có Đá Subi chỉ cách đó 24 km và có thể nhìn thấy từ đảo Thị Tứ, là thực thể quan trọng nhất về mặt chiến lược trong chín thực thể mà Philippines chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa.

"Chúng tôi kiên quyết nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt ngay lập tức mọi hành động khiêu khích và nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của tàu thuyền và máy bay Philippines tham gia vào các hoạt động hợp pháp và thường xuyên" trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, lực lượng đặc nhiệm nói.

Nguồn : VOA, 24/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, AP, Reuters
Read 50 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)