Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/09/2024

Tuấn Khanh : những bài viết cuối tháng 9/2024

Tuấn Khanh

Lời hăm dọa mỗi đầu năm học mới

Tuấn Khanh, 27/09/2024

Tháng 9, mùa nhập học ở Việt Nam. Nhiều tờ báo ở Việt Nam – vẫn trung thành với đường lối sợi chỉ đỏ xuyên suốt – lại mở chiến dịch tấn công phương Tây với chủ đề mập mờ là trẻ em ở các nước đó, luôn khốn khổ vì tiền ăn học. Cách trình bày thì khang khác, nhưng nội dung chung vẫn một giọng.

hamdoa01

Nhưng bên cạnh đó, cũng có những quảng cáo nhân dịp, hết sức trơ trẽn cho Trung Quốc, với chú thích riêng đặc biệt như : "Trung Quốc miễn học phí và sách giáo khoa", bên trên cái tựa rất kêu rằng các phụ huynh trên thế giới đều đau đầu về tiền học của con em mình. Mục đích của các bài tuyên truyền cũng rõ : Thế giới ở đây là các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Phóng viên tờ báo và cả Ban biên tập chắc cũng chưa bao giờ cất công tìm hiểu là xem các quốc gia trên thế giới có bao nhiêu nước miễn học phí và sách giáo khoa cho trẻ em. Thậm chí, có thể họ cũng không biết là việc học của trẻ em ở các nước bị dè bỉu đó, luôn được sắp xếp mức độ nhanh chóng nhất mà không cần biết nó có hộ khẩu hay không, hay đứa bé từ đâu đến.

Mà cũng có thể biết rõ, nhưng họ nhắm mắt như kẻ mù lòa lần theo sợi chỉ đỏ. Ý nghĩa cuối cùng của các chiến dịch bóp méo chỉ là lời dọa dẫm : Thế giới ngoài kia đáng sợ lắm, và như hiện nay của Việt Nam, có nghèo cũng bình an ! Và nếu như ai đó nhìn thấy có khó khăn, thì đó cũng là chuyện chung của mọi người chứ không chỉ riêng ta.

Chỉ cần lần trên internet, ai cũng có thể tìm thấy giọng điệu chủ đích, không hề thay đổi của các tờ báo từ năm 2022 đến 2024, trong tin tức về giáo dục của các nước cường thịnh hơn Việt Nam gấp nhiều lần.

Ở những năm tháng này tại Việt Nam, giới làm báo đang đẩy ra tuyến đầu lớp người chỉ ngồi dịch, và thích thú thò tay bóp méo sự thật như vậy. Truyền thông có định hướng chỉ thích nhìn qua lỗ tò vò để định đoán thế giới, mà luôn câm miệng với những bất cập ở ngay trong nước. Bởi vậy nên người dân vẫn phải nghe, phải coi tin tức như các quỹ đóng góp học tập từ cái gọi là Hội phụ huynh ở Việt Nam, cứ như là một điều hiển nhiên cần thiết.

Rất ít có những tiếng nói ở trong nước dám phản đối mạnh mẽ hay yêu cầu chấm dứt việc thu tiền nhiều kỳ, hàng năm ở các nhà trường, mà lúc nào ngôn luận cũng nhân danh đỏ rực đến lợm giọng : vì "sự tiện lợi và ưu tiên cho học tập" của con em chúng ta.

Bản thân các mẫu câu giới thiệu rất kêu của những chuyện rút rỉa công khai tiền của từ những bậc cha mẹ, qua nhiều năm thực sự cũng đã bốc mùi một cách kinh khủng ở các nhà trường, mà cũng không hề thấy bóng dáng lời giải thích của các quan chức giáo dục nhà nước cho biết đã hành động như thế nào với ngân sách giáo dục phổ thông, để thiếu thốn tràn lan đến như vậy.

Trong một bản video mới đây trên Tiktok, ghi lại một buổi họp phụ huynh, trong đó giáo viên yêu cầu đóng góp tiền đầu năm, lắp máy lạnh cho mọi lớp. Một phụ huynh đã giận dữ nói rằng "đóng góp" ở đây là như thế nào, đóng góp có thời hạn, hay là cho tặng ?

Vị phụ huynh đó đặt vấn đề rằng nếu gọi là góp phần đóng góp cho năm học của con em mình, vậy thì cuối năm máy lạnh đó có cho thanh lý, và người ta có thể đấu giá mua lại không ? Và năm học mới của những học sinh tiếp sau đó, lại tiếp tục đóng góp lắp máy lạnh thì những chiếc máy lạnh cũ đó đi đâu ?

Không nghe thấy tiếng trả lời giáo viên, nhưng chắc giáo viên cũng không thể trả lời được, bởi những chuyện như vậy luôn thuộc về "chính sách lớn", mà chỉ có những người lãnh đạo cấp cao thì thầm riêng trong những căn phòng gắn máy lạnh của họ.

Nói về giáo dục, và chi phí cho giáo dục, hôm nay đã có không ít phụ huynh Việt Nam quyết định rời bỏ đất nước, đưa con em mình đi sống ở một quốc gia khác, vì nhìn thấy rằng việc được hưởng lợi từ giáo dục cho con em mình, từ tiền của cho đến tri thức là vô giá. Phụ huynh ở các nước đó cũng không bị xem như là những con bò sữa cho các nhu cầu nhân danh giáo dục.

Các bản tin của báo chí nhà nước đang được lan truyền với nhiều dạng khác nhau, như một cách bóp méo về thế giới bên ngoài là luôn khốn khó và tàn bạo, đã không để thêm chi tiết so sánh nào về các bộ sách giáo khoa xuất bản với mức giá trời ơi, buộc phải mua, cứ một hai năm lại đổi mới để bán và tăng giá, bào sâu vào túi tiền đang mỗi lúc khó khăn của các phụ huynh Việt Nam ở thời kinh tế mệt mỏi.

Khó khăn của các nước tư bản trong giáo dục phổ thông, mà báo chí Việt Nam luôn nhắc, không bao giờ được làm bài so sánh về những ngôi trường vùng cao, mà đi đến chỉ có thể đu dây mạo hiểm qua sông, hay học trò ăn cơm với muối trường kỳ để thu thập kiến thức tạm, đủ cho một chuyến bán sức lao động miệt mài ở phương xa về sau trong tuổi trưởng thành.

Như người học bắn cung, báo chí Việt Nam chỉ mở một mắt để nhìn vào điểm cần triệt hạ, và nhắm một mắt để từ chối nhìn thấy thế giới quan chung quanh mình thật sư ra sao. Người viết báo cứ tự ngu hóa bản thân, và kéo cung bắn, nhưng không thấy điểm đến chỉ còn là sự ấu trĩ và hèn nhát của chính mình.

Tuấn Khanh

(27/09/2024)

**************************

Sự trở lại của Văn học đô thị miền Nam

Tuấn Khanh, 21/09/2024

Thời gian trước, tôi thật may mắn được chứng kiến buổi ngỏ ý của một nhà xuất bản, muốn tái bản lại cuốn Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, một cây viết quen thuộc của độc giả miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Với Nguyễn Thị Hoàng, bà rõ là điểm sáng đáng quý trên bầu trời lấp lánh của văn chương tự do miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

hamdoa02

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

Văn chương miền Nam nói chung, thời gian gần đây dần dần được tái bản lại nhiều ở trong nước, trong con mắt nhìn kiểm duyệt ít vằn vện nghi ngờ hơn. Rồi thoáng thấy trên Facebook, báo điện tử… những lời chia sẻ với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng về cuốn sách Vòng tay học trò được tái bản, cùng sự hào hứng của những người giới thiệu, quen gọi tên là tác phẩm thuộc "dòng văn học đô thị miền Nam".

Nhưng nghe mà sao đột nhiên thấy chạnh lòng. Nghe "đô thị", có vẻ như co cụm và không thuộc về nhân dân, không thuộc về một thời, một đời. Nói như nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, nói văn chương "đô thị" miền Nam, thì không sai nhưng thừa. Bởi sự nhấn nhá riêng "đô thị" của miệng lưỡi tuyên truyền là thừa ác ý. Có nơi còn gọi là sự "trở lại" – sự trở lại của "văn chương đô thị miền Nam". Cụm từ giới thiệu này thường được thấy khi có một tác phẩm của miền Nam trước 1975 được in lại.

Thế nhưng văn chương miền Nam đi đâu mà trở lại ?

Toàn bộ chữ nghĩa đã được hình thành, nuôi dưỡng và tồn tại suốt trong hai nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam chỉ có một hành trình duy nhất là đi xuyên qua sự thù hận, bước qua chà đạp và hủy diệt… mà dù có đau đớn hay rách nát thế nào, nền văn chương (hay nền văn hóa Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói chung) vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời đại mới, và vẫn tỏa sáng với những tư tưởng tự do không kiểm duyệt.

Văn chương miền Nam Việt Nam, tự nó cũng giống như số phận của ông Khai Trí, một người ước mơ đem sách và chữ đến cho dân tộc mình, rồi chính quyền mới, nói tiếng Việt, tịch thu. Gia sản tri thức bị đốt và bản thân ông cũng bị cầm tù. Nhưng câu chuyện Khai Trí và những ấn phẩm của ông vẫn tiếp tục lưu truyền một cách im lặng trong lòng người dân Việt Nam, mà có những giai đoạn phải thầm kín và gìn giữ trong nơm nớp sợ hãi không khác gì những tờ truyền đơn của người Do Thái trong thời Phát xít Đức.

hamdoa03

Trong sự kiểm duyệt chặt chẽ, một số sách vở của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa dần được tái bản vì giá trị không thể phủ nhận được (Ảnh : Facebook)

Gần nửa thế kỷ, suốt thời thống nhất địa lý, văn chương miền Nam Việt Nam (chứ cũng không phải là đô-thị-miền-Nam), trở thành một di sản quý được tìm mua với những giá ngày càng đắt. Hãy thử nghĩ xem, vì sao một tổng tập của nhà thơ Tố Hữu có thể được in ấn tuyệt đẹp, trợ giá bán rẻ vẫn không có sức thu hút bằng một tập thơ mỏng, cũ rách của Nguyên Sa hay Thanh Tâm Tuyền ?

"Văn học đô thị miền Nam" – cách gọi bị ám ảnh từ lối tuyên truyền văn hóa của chính quyền mới sau năm 1975 cho đến nay – vẫn ngầm chứa trong đó như một sự khinh thị, chỉ để góp vào cái nhìn toàn cảnh cố không công nhận miền Nam Việt Nam là một chính thể. Rất nhiều những tham luận, những nghiên cứu, và cả cuốn sách dày cộp của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn "Văn hóa văn nghệ Việt Nam từ 54 đến 75" đều coi văn chương miền Nam là một thứ hỗn độn hình thành từ sự phồn vinh giả tạo của Mỹ-Ngụy. Báo Nhân Dân số ra ngày 13-9-2016, với bài viết "Ứng xử với văn học miền Nam trước năm 1975" của tác giả Hạnh Nguyễn, còn nói với giọng trịch thượng rằng "bằng sự gạn đục khơi trong, chính quyền cách mạng đã cho phép lưu hành 1067 cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng tiếng nước ngoài".

Sự cho phép nó chỉ là một giả định trên đời sống thật. Không có phép thì suốt vài thập niên nay, người miền Nam vẫn ca hát những bài hát không được duyệt, thậm chí còn làm cho nó lan ra đến cả nước. Sách vở không được in, không có phép thì vẫn được chuyền tay nhau, và vẫn được thế hệ mới ngày hôm nay tìm đọc với một sự kinh ngạc về khung trời tự do trong tư tưởng. Cho phép và không cho phép, chỉ là màn trình diễn giả định về luật pháp giữa người dân và chính quyền, nghiễm nhiên tồn tại suốt bấy lâu nay.

Vì vậy, cách nói rằng văn chương đô thị miền Nam "trở lại", khi có dăm ba cuốn sách cũ tái bản, có vẻ khiên cưỡng trong sự thật lịch sử của một di sản văn hóa vĩ đại của Việt Nam Cộng Hòa.

Nói "trở lại" là giả tạo trong việc mô tả một chính quyền đủ tốt để dung nhận tất cả. Giả tạo như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đang là một vòng quay đẹp đẽ theo tự nhiên, nhưng lờ hẳn phần xin lỗi về một giai đoạn mà những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã từng bị tù đày, và tác phẩm của họ thì bị đấu tố như kẻ thù của dân tộc.

Trong tiểu luận "Văn học Miền Nam 1954-1975 : những Khuynh hướng chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa" của giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Như Phương, mô tả về căn nguyên quan trọng ra đời của nền văn hóa văn nghệ Miền Nam Việt Nam là bởi "nhờ đồng lương và các khoản thu nhập khác, nên một bộ phận công chức và giới trung lưu có thể chi tiêu những khoản tiền vào việc mua sắm theo ý muốn, ngoài các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Chính đây là tiền đề dẫn đến sự hình thành một thị trường văn nghệ ở miền Nam những năm 1954-1975".

Có vẻ sự căn bản hình thành của văn chương miền Nam Việt Nam thực dụng và không được cao quý, theo cách mô tả của tất cả những ngôn luận nhận định từ bên thắng cuộc. Nhưng lại không hiểu vì sao hàng chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, với những thành tựu xuất chúng, như trên báo chí vẫn nói, xã hội cách mạng hôm nay vẫn reo mừng khi những thứ bị chà đạp ấy quay "trở lại", như Vòng tay học trò của nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng, và của nhiều trí thức miền Nam khác, từng bị phủ nhận.

Tuấn Khanh

(21/09/2024)

****************************

Bay trên vùng ảo vọng

Tuấn Khanh, 19/09/2024

Trong những ngày gần đây, giới yêu văn nghệ, đặc biệt là những người vẫn dành sự trọng thị với các ca sĩ của thời văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, bắt đầu bàn nhiều về lời ăn tiếng nói của ca sĩ Phương Dung, người một thời được công chúng yêu mến và gọi với biệt hiệu là "Con Nhạn Trắng Gò Công".

hamdoa04

Ca sĩ Phương Dung – "Con nhạn trắng Gò Công".

Trước khi về Việt Nam và được cấp phép biểu diễn, ca sĩ Phương Dung đã thử về nước từ năm 1999, bằng con đường làm từ thiện với hộ chiếu mang tên Nguyễn Phan Phương Dung, theo lời kể của bà là từ lá thư của một cô giáo cũ, kể về căn bệnh mắt, khiến bà quyết định về quê nhà làm từ thiện với tổ chức See The Light, do bà cùng những bạn lập ra.

Tin tức về việc "Con Nhạn Trắng Gò Công" quay trở lại với khán giả miền Nam, rộ lên khắp nơi từ những năm 2008, 2009. Và khác với những trắc trở của nhiều ca sĩ ở hải ngoại vẫn hát nhạc vàng bolero, vẫn bị coi là dòng nhạc có "vấn đề", ca sĩ Phương Dung được báo chí trong nước đón nhận khá nồng nhiệt, thậm chí có những bài giới thiệu trước show diễn một cách trân trọng.

Là ca sĩ, sống qua hai thời kỳ, muốn đứng vững và giữ được tư cách của mình, thường là những người hết sức khéo léo và chừng mực, chỉ đi một con đường thẳng với nghề, và phải đủ sức chứng minh mình hoàn toàn chỉ là một ca sĩ, đơn thuần sống với đời, với nghề.

So với những ca sĩ từng bị điểm danh, kể cả với những người từng trong nước đi ra và từng cầm cờ vàng hô lời chống cộng, ca sĩ Phương Dung có vẻ có một sự nghiệp cuối đời ở Việt Nam nhẹ nhàng nhất. Nhiều người chứng kiến bà phát biểu trên báo, và truyền hình đã từng khen ngợi rằng người có cách ăn nói trước công chúng đơn giản và thông minh.

Chẳng hạn, năm 2019, khi đến thăm trẻ mồ côi tại Làng Thiếu Nhi Thủ Đức và Trung Tâm Nuôi Dưỡng – Bảo Trợ Trẻ Em Tam Bình, khi được báo Người Lao Động hỏi, ca sĩ Phương Dung đã kể lại trên báo chí bằng ngôn ngữ đẹp và chỉn chu đến mức ai cũng phải cảm động : "Sau chuyến đi, hình ảnh những đứa trẻ, các cháu nhỏ cứ luôn hiện về trong tâm trí của chúng tôi. Đó là những ánh mắt ngây thơ hồn nhiên, cam chịu đã làm trái tim chúng tôi như thắt lại. Tôi lại nhớ đến ca khúc "Thương đời mồ côi" của nhạc sĩ Bắc Sơn, được ông sáng tác những năm đi dạy học ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Đâu đó quanh chúng ta vẫn còn bao nhiêu mảnh đời bất hạnh".

Bà nói chạm lòng người như một chính khách giỏi, chứ như không phải là một ca sĩ. Là một người mến mộ ca sĩ Phương Dung, tôi theo dõi với sự khéo léo trong cuộc sống và ứng xử của người ca sĩ này qua nhiều năm, và vẫn thích thú cho đến năm 2014, khi bà ngồi vào ghế giám khảo trong một chương trình gameshow của Đài Truyền Hình Vĩnh Long.

Đáng chú ý, là những video phóng sự hay báo chí nhà nước viết về bà, cũng trân trọng nêu những thành đạt của bà trong quá khứ mà không tỵ hiềm gì. Ca sĩ Phương Dung được nhắc hát Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh, thơ Hữu Loan thu về với số đĩa bán kỷ lục năm 1964, kể cả chuyện bà được nhận Giải nữ ca sĩ xuất sắc và ăn khách nhất năm 1965 với ca khúc Tạ từ trong đêm của Trần Thiện Thanh.

Thế rồi, 10 năm sau khi được gọi là ngồi trên bóng hào quang của đời ca sĩ trở về nước, ca sĩ Phương Dung bắt đầu xuất hiện trên các mẩu video nhỏ, cắt ra từ những phát biểu của bà trên hệ thống truyền thông công cộng, làm nhiều người của thế hệ yêu mến bà giật mình : "Con Nhạn Trắng Gò Công" ứng xử và phát ngôn thông minh đây sao ?

Đôi khi sự thành đạt, và ánh đèn sân khấu làm người ta ngây ngất, và ảo tưởng về một giai đoạn của đời mình. Từ vị trí một người ca sĩ khiêm nhã, bà được tìm thấy trên các bản video đang đầy trên Tiktok và Facebook về câu chuyện bà "phát hiện" ra vóc dáng của nhà thơ Nguyên Sa, một danh nhân đã qua đời vào năm 1988.

Trên một show truyền hình, để mua chút niềm vui với các khán giả thế hệ mới, ca sĩ Phương Dung kể "Tôi từng thần tượng ông Nguyên Sa khi đọc Áo lụa Hà Đông, tôi nghĩ ông Nguyên Sa là người đẹp trai phong độ, cho tới khi gặp mặt, thấy ông mập thù lù, đầu hói, thì thần tượng trong tôi như bong bóng vỡ đầy tay".

Thật khó tả cảm giác của những người đã yêu mến nền văn hóa và cuộc sống của một thời, khi nghe người nữ ca sĩ này lấy hình dáng của một thi nhân nổi tiếng cùng thời ra làm chuyện cười hôm nay trên show truyền hình ở Việt Nam.

Nguyên Sa là người có thể bị tấn công hình thể như vậy, vì ông đã là của một thời văn hóa khác, của một chế độ khác đã mất, và của một môi trường sinh hoạt văn nghệ có thể không còn đem nhiều danh lợi cho cho người đang thụ hưởng sáng tạo của ông ; nhưng cũng chưa chắc ca sĩ Phương Dung sẽ dám mô tả một nhà thơ cách mạng nào đó trong chế độ đương thời với giọng điệu như vậy.

Không biết gia đình của nhà thơ Nguyên Sa nghĩ gì khi nghe ca sĩ Phương Dung bình luận về cha, ông, chú bác… của mình như vậy. Có người bênh vực, nói đó là ký ức cá nhân của ca sĩ Phương Dung. Nhưng chia sẻ ký ức cá nhân với những người gần gũi, hoàn toàn khác với chuyện bán một niềm vui cho công chúng trên sóng truyền hình miễn phí toàn quốc, theo quan điểm cá nhân hạn hẹp của mình, bằng việc xúc phạm hình thể người khác.

Bà cũng có những lần phát biểu được ủng hộ, như việc ca sĩ thời nay hát sai lời, hay phê bình giám khảo bolero mà không hiểu biết về bolero. Những việc ấy, báo chí nhà nước cũng đã nói nhiều lần trước đây, nhưng ca sĩ Phương Dung cũng khôn khéo là ít nhắc tên ai khi chê, ngoại trừ những lần bà nhắc về những người bà có thể dùng ngôn ngữ trần trụi như với Nguyên Sa, hay chê cụ thể ông ca sĩ Chế Linh hay hát sai lời.

Trong video khác, người ta thấy ca sĩ Phương Dung gằn giọng "những người mặc áo dài cho đẹp, rồi quay clip, tự bỏ tiền ra làm, đó không phải là ca sĩ – tôi không chấp nhận". Bà nói như một chuyên viên thẩm định của ban kiểm duyệt nhà nước đang cố tạo ra những định chế xã hội, và làm chạnh lòng không biết bao nhiêu ca sĩ ở hải ngoại về nước, cũng như những nghệ sĩ độc lập trong nước bỏ tiền túi thực hiện tác phẩm vì yêu nghề. Quay video hay trước đây là thực hiện album audio, phần lớn đều cũng do các nghệ sĩ tự mình bỏ tiền ra làm, chứ có thể xin ai ?

Hay ca sĩ Phương Dung, mới mười năm vào ánh đèn trường quay của truyền hình nhà nước, đã quên nỗ lực cá nhân của mình thời định cư ở Úc, và thấy mọi thứ bây giờ, là phải được nhà nước trả tiền hay quảng cáo giùm ?

Cái gì rồi cũng đổi. Từ đường phố, cho đến tập tính, con người đều chịu sự tác động của thời gian. Nhiều người chỉ trích ca sĩ Phương Dung rất nặng lời, nhưng thật ra, bà cũng chỉ là một nạn nhân yếu lòng trước những hào quang tạm bợ đang có. Chỉ thấy buồn cho con nhạn trắng Gò Công, từng có cuộc đời khiêm cung, mộc mạc "bay trên hình ảnh quê hương" – như bà tự tâm sự về biệt danh của mình – nay như đang có những đường bay chấp chới trên vùng ảo vọng.

Tuấn Khanh

(19/09/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Khanh
Read 71 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)