Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/12/2024

Thách thức với Việt Nam khi xây nhà máy điện hạt nhân

Dư Lan

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có thể Việt Nam phải bỏ tiền ra trả cho nước ngoài và chờ đợi họ hoàn thành. "Quyết tâm" thực hiện một đại dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, kinh tế như xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong khi thiếu nền tảng không chỉ về tri thức địa phương mà cả về nhân lực, tri thức, kinh nghiệm, phương tiện kỹ thuật… là vấn đề lớn của Việt Nam khi thực hiện dự án này.

dienhatnhan0

Cộng hòa Czech đã có hai nhà máy điện hạt nhân thông thường. Tuy nhiên, nước này có kế hoạch tăng công suất hạt nhân với các tổ máy điện thông thường mới và các lò phản ứng mô-đun nhỏ, từ năm 2032. Shutterstock / jaroslava V

Việt Nam có thể sẽ không thể tham gia vào những phần cốt lõi của việc xây dựng nhà máy vì trình độ công nghệ mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Giáo sư Tiến sĩ Trần Đại Phúc, một chuyên gia tư vấn về điện hạt nhân cho Chính phủ Việt Nam khi dự án được khởi động lần đầu tiên, từng khẳng định nếu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam chỉ đủ năng lực để tham gia việc đổ bê tông xây dựng hàng rào cho nhà máy. Phát biểu này của Giáo sư Phúc đưa ra mười năm trước, nhưng hiện nay như chính các quan chức Việt Nam thừa nhận, nước nào chưa có bước tiến nào mới về công nghệ điện hạt nhân.

Tuy nhiên, ngay cả khi Việt Nam giao cho một nhà thầu nước ngoài xây dựng nhà máy còn mình chỉ đảm nhận khâu vận hành, bản thân việc vận hành nhà máy cũng không phải dễ dàng cho nước này.

Giáo sư Trần Đại Phúc cho biết cần có ít nhất 500 chuyên viên, chuyên gia để vận hành hai nhà máy ở Ninh Thuận. Ngoài ra, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân cũng "cần khoảng chừng ấy người để kiểm tra tính an toàn của nhà máy trong lúc vận hành".

Theo Giáo sư Phúc, cần khoảng tám đến 12 năm để đào tạo một chuyên gia về hạt nhân. Tháng 11/2024, trong đợt tuyên truyền cho việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, cựu Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Đức Kiên cũng cho biết để có "đội ngũ kỹ sư chủ động điều hành được nhà máy ở một số khâu thường phải mất 12-15 năm". Giáo sư Trần Đại Phúc cũng cho rằng nếu đào tạo theo quy trình thông thường, Việt Nam không thể đào tạo cả ngàn chuyên gia hạt nhân trong một số năm ít ỏi.

Thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật

RFA đặt câu hỏi với Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, một chuyên gia trong lĩnh vực địa kỹ thuật và xây dựng nền móng cho nhà máy điện hạt nhân tại Pháp và Anh, về năng lực kỹ thuật mà Việt Nam cần đạt được nếu muốn sở hữu nhà máy điện hạt nhân.

Theo Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, vấn đề lớn của Việt Nam không nằm ở trình độ kỹ thuật hay tay nghề cho các việc cụ thể. Vấn đề lớn nhất là xác định những tiêu chí và hệ tiêu chuẩn nào để đánh giá và kiểm soát các khâu, từ khảo sát đến thiết kế và thi công, đặc biệt là cho các cấu kiện, hạng mục liên quan trực tiếp đến hạt nhân như lò phản ứng, hệ thống làm nguội, và xa hơn một chút là turbine điện… Những vấn đề này là những vấn đề Việt Nam lần đầu tiên làm nên không biết họ sẽ theo hệ quy chuẩn gì.

Ở các nước đều có những cơ quan chuyên môn phụ trách về quy chuẩn hạt nhân. Anh quốc có Văn phòng quản lý hạt nhân (Office for Nuclear Regulations - ONR), Hoa Kỳ có Ủy ban quản lý hạt nhân (Nuclear Regulatory Commission - NRC). Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho biết họ là những cơ quan rất uy tín và có những hệ tiêu chí rất khắt khe về an toàn, độ tin cậy, môi trường để đánh giá, kiểm tra và kiểm soát các công nghệ lò hạt nhân và các công việc liên quan. Họ phải duyệt thì công việc mới có thể tiến triển. Việc này cần rất nhiều thời gian, đến độ "lâu quá đáng" đối với những người muốn đẩy nhanh tiến độ.

"Không biết Việt Nam sẽ làm với ai, công nghệ nào. Nếu với Nga thì cái cơ quan này có thể sẽ là "Cơ quan liên bang về giám sát môi trường, công nghệ và hạt nhân của Liên bang Nga. Không rõ cơ quan quản lý quy chuẩn kỹ thuật hạt nhân mà Việt Nam hợp tác sẽ phải tương thích với hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam như thế nào".

Theo Tiến sĩ Tĩnh, bên cạnh các vấn đề trên còn vấn đề quy trình cấp phép (licensing) khác. Bởi vì dự án hạt nhân là đại dự án, cần phải đảm bảo về mặt an ninh, an toàn địa chất của khu vực được chọn xây dựng. Ngoài ra phải có đánh giá rất nghiêm ngặt về môi trường, nhưng khâu này thì Việt Nam có thể tự lập nhiều hơn. Ông nói : "Nếu xây dựng được một hệ tiêu chuẩn, quy chế, tiêu chí rõ ràng cho các giai đoạn thì tôi nghĩ các nhà thiết kế và thi công Việt Nam có thể tham gia hơn 50% trong các dự án nhà máy điện hạt nhân. Tóm lại cũng như nhiều câu chuyện khác, vấn đề không chỉ nằm ở trình độ kỹ thuật. Từng vấn đề cụ thể của đại dự án này, ví dụ câu chuyện nền móng cho công trình điện hạt nhân, cũng tương tự như vậy".

Việt Nam có Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường. Họ có một số hoạt động về kiểm soát an toàn và đối phó với tai nạn phóng xạ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, từ làm việc với các vấn đề An toàn bức xạ/hạt nhân đến xét duyệt một loại lò, nhà máy điện hạt nhân là một khoảng cách rất xa về công việc và năng lực.

Nếu cơ quan này muốn Việt Nam tự chủ trong việc xét duyệt lò, công nghệ, đề ra tiêu chí… như các cơ quan ONR của Anh hay NRC của Mỹ thì chắc chắn Việt Nam phải nhờ tư vấn nước ngoài chứ đào tạo chuyên gia để thực hiện điều đó thì không kịp. Bởi vì để đào tạo một chuyên gia như vậy cần trên mười năm, theo nhận định của ông Lê Trung Tĩnh, người nhận bằng tiến sĩ tại Trường Quốc gia cầu đường Pháp (ENPC) cho một nghiên cứu về đặc tính của đất sét dùng để chứa chất thải hạt nhân trong lòng đất.

Vẫn mơ hồ về vấn đề an toàn hạt nhân

Trao đổi với RFA, một chuyên gia về năng lượng không muốn nêu tên cho biết, sau sự cố điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, trong số các nước tiếp tục xây mới nhà máy điện hạt nhân, chỉ có hai nước phát triển là Hàn Quốc và Phần Lan, còn lại là các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Belarus, Ả Rập, Pakistan. Trong số đó, Nga và Trung Quốc chiếm phần lớn. Do đó, nếu Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân thì khả năng trúng thầu chủ yếu sẽ thuộc về Nga hoặc Trung Quốc.

dienhatnhan2

Khách tham quan xem mô hình lò phản ứng hạt nhân VVER/1200 của Nga được trưng bày ở Hà Nội hôm 26/10/2012. Hoang Dinh Nam / AFP

Nếu Việt Nam chọn Nga như hồi năm 2010 thì sao ? Theo vị chuyên gia này, sau cuộc chiến Ukraine, Nga bị cấm vận toàn diện. Trước cuộc chiến Ukraine, có thể hi vọng Nga sẽ dùng các thiết bị từ khối các nước phát triển G7. Nhưng nếu thuê Nga ở thời điểm này thì họ sẽ khó có thể có thiết bị từ các nước tiên tiến. Ông nhắc lại trường hợp nhà máy nhiệt điện Long Phú. Việt Nam giao cho Nga thực hiện EPC (thiết kế kỹ thuật, mua sắm, xây dựng) nhưng turbine nhà máy của hãng GE (General Electric) của Mỹ. Khi Nga bị Mỹ cấm vận thì dự án đổ vỡ.

Những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như một tay chơi mới trong ngành điện hạt nhân. Trong 10 năm qua, Trung Quốc bổ sung thêm 34 gigawatt (GW) công suất điện hạt nhân, nâng số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động của nước này lên 55. Trong khi trước đó, Hoa Kỳ cần 40 năm để nâng công suất như Trung Quốc vừa qua.

Thời gian qua, từ khi tuyên truyền tích cực cho việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, các quan chức Việt Nam liên tục khẳng định điện hạt nhân hiện nay rất an toàn. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nói "chúng ta tin tưởng từng bước thận trọng thực hiện dự án. Công nghệ điện hạt nhân rất là tiên tiến, đảm bảo an toàn". Các chuyên gia của Việt Nam cũng bình luận tương tự.

Họ không nhắc đến mới đây, năm 2021, Trung Quốc đã xảy ra tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) ở Quảng Đông, địa phương giáp giới với Việt Nam. Điều đáng chú ý là Trung Quốc có thể linh động về tiêu chuẩn an toàn để bảo đảm lợi ích. Khi tai nạn xảy ra, một công ty Pháp có sở hữu cổ phần và giúp vận hành nhà máy đã gửi báo cáo cho chính phủ Mỹ cho biết cơ quan quản lý an toàn của Trung Quốc đã nâng "giới hạn chấp nhận được" của mức độ bức xạ bên ngoài nhà máy Đài Sơn để tránh phải đóng cửa nhà máy này.

Chưa rõ Việt Nam sẽ chọn ai làm nhà thầu. Nhưng rõ ràng những phát ngôn của các quan chức Việt Nam về mức độ an toàn của công nghệ điện hạt nhân cần phải được xem xét lại. Những lo lắng của người dân Chăm bản địa về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân, cũng như lo lắng của họ về hậu quả môi trường, văn hóa, xã hội có thể xảy ra là những điều cần được quan tâm tuyệt đối, thay vì huy động truyền thông nhà nước để tuyên truyền về sự "ủng hộ" của người dân địa phương.

Dư Lan

Nguồn : RFA, 16/12/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Dư Lan
Read 12 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)