Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/09/2017

Hố đen tài khóa

Trần Ngọc Thơ

Hố đen là thuật ngữ hàm ý một vật thể (hố) trong vũ trụ, tham lam đến nỗi không vật gì có thể thoát ra khỏi được nó, kể cả ánh sáng. Khi đã rơi vào hố đen, các quy luật vật lý thông thường đều bị phá vỡ.

Gần đây các nhà kinh tế đã dùng hình ảnh này để phản ảnh một cách dễ hiểu và đúng bản chất nhất sự đổ vỡ nền tài khóa của một quốc gia thông qua khái niệm "hố đen tài khóa". Làm thế nào để thoát khỏi hố đen tham lam này ?

hoden1

Hố đen tài khóa luôn có trọng tâm là các khoản chi tiêu, đầu tư lãng phí mà không có bất kỳ nguồn thu bất tận nào có thể đáp ứng được. Ảnh : Internet

Từ lỗ hổng đến hố đen tài khóa

Vào thập niên 1990, nhà kinh tế Mỹ Laurence Kotlikoff đã có đề xuất một thước đo mới là lỗ hổng tài khóa (fiscal gap). Dữ liệu về lỗ hổng tài khóa sau đó đã được Chính phủ, Quốc hội Mỹ (có công bố trên website để người dân giám sát), các ngân hàng trung ương, bộ tài chính các nước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và giới học giả của trên 40 nước phát triển, đang phát triển áp dụng và công bố.

Lỗ hổng tài khóa là "giá trị hiện tại" toàn bộ nghĩa vụ tài chính dự kiến (các khoản chi tiêu) của chính phủ trừ đi các khoản thu thuế và thu khác mà chính phủ dự kiến nhận được trong một khoảng thời gian nào đó (tổng toàn bộ các khoản thu, chi được chiết khấu về hiện tại với mức lãi suất thực). Do tính toán đầy đủ các khoản thu và chi của chính phủ, bao gồm bất kỳ nguồn thu và khoản mục chi nào, kể cả tiền trả lãi nợ gốc, nên lỗ hổng tài khóa là con số lớn đáng kinh ngạc so với các số liệu công bố chính thức.

Chẳng hạn, năm 2005, một số nghiên cứu cho thấy lỗ hổng tài khóa của Anh lên đến 505% GDP, gấp 14 lần số nợ công bố chính thức. Còn hiện tại, lỗ hổng tài khóa của Mỹ là 211.000 tỉ đô la (tính cho kỳ hạn 75 năm), lớn hơn 16 lần mức nợ chính thức và 12 lần GDP. Sau khi Giáo sư Kotlikoff công bố cách tính lỗ hổng tài khóa, vào năm 2015 đã có 17 nhà khoa học đoạt giải Nobel và 1.700 nhà kinh tế hàng đầu đồng ý với cách tiếp cận này. Họ đã gửi một thỉnh nguyện thư tới Quốc hội và Chính phủ Mỹ để cảnh báo nước Mỹ đã thực sự đổ vỡ, thậm chí xấu hơn cả Hy Lạp. Những giải pháp thích hợp cần phải được thực hiện ngay theo đề xuất của nhóm này là : Chính phủ hoặc phải tăng thuế tức thì và liên tục, hoặc phải cắt giảm 58% GDP các khoản chi liên bang, hoặc kết hợp đồng thời cả hai. Đâu dễ để làm được như thế. Nhiều nhà kinh tế vì vậy cho rằng nước Mỹ đã thực sự rơi vào "hố đen tài khóa".

Con số phản ánh khái quát sự mất cân bằng vị thế tài khóa hiện nay ở nước ta là tỷ lệ nợ công trên GDP. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy nợ công đã chạm ngưỡng an toàn 65% GDP. Nhưng nếu tính cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ công thật sự có thể vượt rất xa GDP. Dù vậy, các tính toán này có nhược điểm cơ bản là không "hướng về phía trước".

Các phép tính nợ công chính thức mà WB hay Bộ Tài chính nước ta đang áp dụng có nhược điểm lớn là tính theo số liệu lịch sử và tuân theo những quy ước thường gây tranh cãi. Nhược điểm này được khắc phục bằng thước đo lỗ hổng tài khóa. Tuy vẫn chưa thể hoàn hảo nhưng nó phản ảnh được tình trạng không bền vững của ngân sách quốc gia thông qua một cuộc kết toán liên thế hệ. "Trẻ sơ sinh tài khóa" là thuật ngữ nói lên những đứa bé mới ra đời cũng không thoát khỏi cảnh ngộ bị hố đen nuốt chửng.

Quốc hội, Chính phủ nên xây dựng kịch bản "Lỗ hổng tài khóa"

Lỗ hổng tài khóa phình to chẳng những phản ánh tình trạng sụp đổ tài khóa quốc gia mà còn của từng người dân trong viễn cảnh dài hạn. Vì thế cũng thật chính đáng để Quốc hội, Chính phủ xây dựng các kịch bản lỗ hổng tài khóa và công bố chính thức để người dân nhận thức được thân phận của mình. Giáo sư Kotlikoff cho rằng chỉ cần tốn vài phút tính trên bảng Excel là có thể làm được điều đơn giản này. Người viết thử ước tính lỗ hổng tài khóa ở Việt Nam nhằm có cái nhìn định chất vị thế bền vững tài khóa dưới hai kịch bản, thông qua đó nhằm phác thảo một vài hàm ý chính sách căn bản.

Kịch bản 1, tạm gọi là kịch bản cơ sở, với dữ liệu cơ bản là thừa nhận các công bố chính thức của Chính phủ. Trong đó biến số chính là mức thâm hụt ngân sách dự kiến 6% (bình quân giai đoạn năm năm gần đây), các yếu tố khác như mức nợ công và tăng trưởng GDP không thay đổi. Theo đó, lỗ hổng tài khóa ước tính cho 20 năm sắp tới xấp xỉ 10% GDP. Điều này có nghĩa thời gian đến, mỗi năm Chính phủ hoặc phải có nguồn thu thuế tăng thêm, hoặc cắt giảm chi tiêu 10% GDP, tức khoảng 500.000 tỉ đồng, hoặc kết hợp cả hai.

Kịch bản 2 với các giả định xấu hơn, như tình trạng các nguồn thu bán tài nguyên, dầu ngày càng cạn kiệt, tình trạng già hóa dân số, năng suất lao động suy giảm, tình trạng chi tiêu đầu tư lãng phí, tham nhũng vẫn hoành hành, đặc biệt là thể chế vẫn không có những thay đổi triệt để khiến cho bộ máy hành chính ngày càng phình to. Tất cả điều này khiến cho lỗ hổng tài khóa tăng nhanh đột biến. Từ con số của Anh, Mỹ, sẽ không ngạc nhiên nếu lỗ hổng tài khóa với các kịch bản đầy bất trắc và xấu nhất có thể làm cho nợ công lên đến gấp nhiều lần GDP, từ đó lỗ hổng tài khóa có thể lên đến hàng chục lần GDP. Lúc ấy, nền kinh tế chính thức rơi vào hố đen tài khóa.

Không có nhiều lựa chọn thoát khỏi hố đen

Với kịch bản lạc quan nhất, giả sử lỗ hổng tài khóa 10% GDP. Có hai lựa chọn khả dĩ. Thứ nhất, giả sử Chính phủ chọn kịch bản tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% ngay lập tức theo đề xuất của Bộ Tài chính. Ít nhất có hai điều sau đây cho thấy tính không khả thi của giải pháp này.

Điều đầu tiên, tác động bất lợi của tăng thuế giá trị gia tăng đến nền kinh tế có thể diễn ra ngay tức thì và do đó tác động tiêu cực đến các kế hoạch tăng trưởng của chính phủ. Nhiều bằng chứng cho thấy điều này. Chẳng hạn ở Nhật Bản, lần đầu tiên sau 17 năm cân nhắc tới lui, Chính phủ quyết định nâng thuế giá trị gia tăng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014. Ngay lập tức, ba tháng sau, kinh tế Nhật sụt giảm 6,8% (mức sụt giảm còn lớn hơn cả sự cố sóng thần và động đất tháng 3/2011) ; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,4% ; còn thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm. Kết quả bất ngờ này khiến Chính phủ Nhật quyết định trì hoãn kế hoạch tăng thuế lần hai, theo dự kiến lên mức 10% vào năm 2017. Điều khó hiểu nữa là cách làm của Bộ Tài chính của ta quá thiếu tính chuyên nghiệp. Ít nhất, Bộ Tài chính cũng phải tính toán các kịch bản lỗ hổng tài khóa, giả sử để mỗi năm có nguồn thu thuế giá trị gia tăng tăng thêm 500.000 tỉ đồng thì mức thuế suất tăng lên sẽ bao nhiêu (có đến mức từ 10% lên 12% ?). Ngoài ra, còn phải tính toán sơ bộ mỗi năm trung bình mỗi người dân sẽ phải gánh nặng thêm bao nhiêu tiền thuế và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ra sao.

Lựa chọn thứ hai là cắt giảm chi tiêu. Đây luôn là phản ứng chính sách hợp lòng dân và hợp lý mà chính phủ các nước sử dụng để nền kinh tế không rơi vào hố đen tài khóa. Hố đen tài khóa luôn có trọng tâm là các khoản chi tiêu, đầu tư lãng phí mà không có bất kỳ nguồn thu bất tận nào có thể đáp ứng được. Như ở Mỹ, hố đen là các chương trình chi tiêu an sinh và chăm sóc sức khỏe khổng lồ. Ở Việt Nam, hầu hết người dân đều có thể chỉ đích danh thủ phạm chính là các khoản chi tiêu thường xuyên, chiếm đến 70% tổng chi ngân sách, để nuôi sống bộ máy hành chính khổng lồ luôn gây khó cho tăng trưởng kinh tế. Đây là lựa chọn khả thi nhất và chắc chắn nhận được sự đồng tình của đa số người dân.

Làm gì để thoát khỏi hố đen ?

Không khó để nhận thấy quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong việc cải thiện vị thế tài khóa quốc gia. Nhưng nếu chỉ có những nghị quyết, những lời nói trừu tượng thì sẽ không có phép màu xảy ra. Mọi kế hoạch và chương trình hành động phải thật cụ thể.

Thứ nhất, không hô hào, không nói nhiều mà chỉ có hành động, hành động và hành động ngay lập tức. Các nghiên cứu cho thấy nếu không có những hành động quyết liệt và tức thì, lỗ hổng tài khóa sẽ ngày càng lớn dần theo cấp số nhân, đủ để tích tụ thành hố đen.

Thứ hai, các vấn đề kinh tế học của tài khóa rất đơn giản ; chỉ cần các cơ quan quản lý có quyết tâm chính trị cao độ, bài toán lỗ hổng tài khóa sẽ được giải quyết. Không nên để cho đề xuất tăng thuế vừa qua là một cuộc chiến của ngôn từ và đánh tráo khái niệm của các cơ quan quản lý. Thay vào đó, cách đặt vấn đề nên là liệu chúng ta đã và có nguy cơ rơi vào hố đen ? Thái độ có trách nhiệm trong tình huống này là bàn cách để thoát ra, còn những suy diễn lái vấn đề ra khỏi sự thật dễ dẫn đến những quyết định chính sách không thể chỉnh sửa được sau này.

Thứ ba, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp chi tiết khép lại lỗ hổng tài khóa đến từng địa chỉ cụ thể.

Chẳng hạn với lỗ hổng là 500.000 tỉ đồng mỗi năm, mỗi bộ ngành và tỉnh, thành phố cần phải có trách nhiệm tiết giảm bao nhiêu chi tiêu thường xuyên và lãng phí. Nếu không hoàn thành thì trách nhiệm lãnh đạo sẽ như thế nào. Để làm được điều

này, Chính phủ nên xây dựng một ma trận trách nhiệm các bộ, ngành và tỉnh, thành có liên quan.

Thứ tư, trong trường hợp không thể cắt giảm chi tiêu thường xuyên mỗi năm lập tức 500.000 tỉ đồng, sẽ tính đến giải pháp dùng nguồn thu ngân sách từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đấu giá tài sản công hay tăng cường các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước.

Thứ năm, nếu đã hết cách mà vẫn không thể lấp đầy lỗ hổng 500.000 tỉ đồng thì mới nghĩ đến giải pháp cuối cùng là tăng thuế. Do đây là giải pháp đến sau cùng, có khả năng Chính phủ chỉ cần có thêm một phần không nhiều nguồn thu mới cũng đủ để lấp đầy lỗ hổng tài khóa. Nếu thế, có đáng để Chính phủ nâng thuế giá trị gia tăng như đề xuất của Bộ Tài chính với quá nhiều rủi ro phía trước.

Khả dĩ nhất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thật cao đối với rượu, bia, thuốc lá và nhất là thuế carbon đối với các nhà máy thải ra ô nhiễm. Hay cả hệ thống cần phải quyết liệt và hy sinh nhiều hơn nữa, tự động, tình nguyện cắt giảm chi tiêu lãng phí mạnh hơn để người lao động giảm đi nỗi lo tăng thuế và doanh nghiệp có thêm niềm tin kinh doanh.

Trần Ngọc Thơ

Nguồn : TBKTSG, 04/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 874 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)