Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/09/2017

Việt Nam có cần tư duy lại để phát triển ?

Phạm Chi Lan-Chu Hảo

Để tìm ra con đường đưa đất nước hòa nhịp cùng thế giới, Việt Nam trước hết phải thay đổi tư duy phát triển, chuyên gia Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo nói với BBC Tiếng Việt thượng tuần tháng 9/2017 từ Budapest.

tuduy1

Bà Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo

Trước hết, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Tư vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nêu quan điểm với BBC cho rằng thế giới hiện đang thay đổi vô cùng nhanh chóng về rất nhiều mặt : chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, và xã hội.

Để bắt nhịp cùng sự thay đổi này, trước hết Việt Nam phải 'thay đổi tư duy,' bà nói :

"Việt Nam cần phải nhận thức được sự thay đổi hiện nay trên thế giới, nhận thức được mình đang ở đâu và cần đi tới đâu để thay đổi cách thức phát triển của mình.

"Việc đổi mới nhất thiết cần phải đi vào kinh tế thị trường một cách mạnh mẽ hơn, và xây dựng cả nền tảng về thể chế chính trị phù hợp với thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam cần đi tới".

'Không phải bạo lực, lật đổ'

Để làm được những việc đó, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng ngoài nỗ lực của nhà nước và doanh nghiệp, thì xã hội dân sự cũng là một yếu tố quan trọng, ông nói :

tuduy2

(Quốc Phương, BBC) phỏng vấn Chuyên gia Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo về phát triển và cải cách tư duy ở Việt Nam

"Tầng lớp trí thức chân chính có tấm lòng với đất nước, đóng góp đối trọng chứ không phải đối lập, để từng bước làm người dân Việt Nam không chỉ hiểu về quyền của mình mà còn hiểu những trách nhiệm, nghĩ vụ thật sự của mình đối với đất nước.

"Theo tôi đây là cách chúng ta cần hướng đến chứ không phải vận động bạo lực hay lật đổ chính quyền".

Người hiện đang là Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Vusta) cũng cho rằng bên cạnh sự ủng hộ của người dân, Việt Nam cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, khi ông đưa ra dẫn chứng về việc bạn bè quốc tế từng lên tiếng cho rằng Việt Nam cần có những 'động thái quyết liệt hơn' để khẳng định chủ quyền trên biển Đông từ những năm 1990.

Chia sẻ quan điểm trên, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bổ sung rằng "ba lực lượng chính của xã hội ở Việt Nam là nhà nước, thị trường và xã hội cùng nhau phát triển "theo một mục tiêu chung duy nhất" là phát triển đất nước Việt Nam.

Theo bà, nếu các lực lượng cùng chung nhau một mục tiêu thì các lực lượng này "có thể tìm ra tiếng nói chung" để cùng theo đuổi mục tiêu đó, cũng như quy tụ được người Việt ở bốn phương và bạn bè trên thế giới cùng ủng hộ Việt Nam phát triển ngày một giàu đẹp hơn.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này hoặc ở đây để theo dõi cuộc trao đổi về chủ đề trên, bên lề một cuộc hội thảo tư ở Trung Âu cuối tháng Tám, đầu tháng Chín 2017, giữa BBC với Chuyên gia Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 10/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)