Đảng chưa sực tỉnh với tình trạng người Việt Nam làm thuê, làm mướn ở đáy của chuỗi giá trị nên nhiều người vẫn nghiện FDI mà lơ là phát triển doanh nghiệp dân tộc, thờ ơ với cải cách giáo dục.
Mặt trời tắt nắng lâu rồi trong nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa
Họ lơ là cung cấp lao động có chất lượng cho doanh nghiệp trong nước, cả FDI lẫn quốc nội, nhưng lại bắt đầu say sưa với "chiến lược xuất khẩu lao động chất lượng cao " cho thị trường ngoài nước. Chán !" – một ý kiến nhận xét.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, chỉ có 10.125 doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh lãi, chiếm hơn 40% ; trong khi có 14.108 doanh nghiệp báo lỗ, tương đương 56%. Số thua lỗ năm 2020 của các doanh nghiệp FDI ghi nhận lên tới khoảng 151.064 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2020, có hơn 16.100 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm khoảng 64% doanh nghiệp khai báo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI đến hết năm 2020 lên tới hơn 623.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các dự án FDI hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12-2021, cả nước có 1.254 dự án đầu tư có vốn từ 50 triệu USD trở lên, còn lại hàng chục ngàn dự án có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm tới 96,4% tổng số dự án FDI. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD.
Thực trạng chẳng mấy lạc quan ở trên, có thể đến từ nguyên do nguồn lao động đáp ứng cho FDI vẫn chưa tương xứng. Mới đây, tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập", đại diện Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra vấn đề rất nóng đối với thị trường lao động Việt Nam.
Đại diện WB cho rằng hãy nhìn vào bối cảnh hiện tại là Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – ông Phạm Tấn Công đưa ra con số : Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).
Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19 và các biến động của chính trị quốc tế.
"Từ chính phủ cho đến người dân. Chỉ thích ăn xổi ở thì kiểu làm giàu không khó, chỉ thích đầu cơ. Trong lúc đó thì môi trường bên ngoài Việt Nam ngày càng khó cho Việt Nam. Thật ra thì vẫn còn kịp, nhưng nhìn từ trên xuống dưới, từ giáo dục đến y tế… thì hỡi ôi, không còn niềm tin khi mà lãnh đạo tối cao vẫn thích tự sướng về lời khen xã giao của WB hồi nào về mặt trời đang tỏa sáng tại Việt Nam" – một ý kiến phản biện mang tính chính trị trong chuyện FDI đang ngày kém khỏe ở Việt Nam.
Mặt trời đang dần tắt nắng ở Việt Nam là điều không hề "phản động"
Hơn 30 năm thu hút đầu tư, nhưng thực tế thì Việt Nam vẫn không có cơ chế ràng buộc, khiến cho các doanh nghiệp FDI vẫn ưu tiên nhà cung ứng vốn đã có lịch sử hợp tác lâu dài hoặc các doanh nghiệp đồng quốc tịch, vì vậy doanh nghiệp Việt khó chen chân vào.
Theo một khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp FDI chuyển sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam giảm dần. Cụ thể, năm 2015 có 68,9% doanh nghiệp FDI mua hàng từ doanh nghiệp tư nhân, 19,3% mua hàng từ các hộ kinh doanh ; đến năm 2020 giảm theo thứ tự còn 62,5% và 14,8%.
"Tôi nghĩ rằng mặt trời tắt nắng lâu rồi trong nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi nếu vẫn tỏa nắng như rất nhiều lần tuyên bố về cơ đồ quốc gia trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp của người đứng đầu đảng, vậy thì phải giải thích ra sao khi ngần ấy năm không một nhà máy điện quy mô nào – kể cả vốn nhà nước, tư nhân hay FDI – được khởi công xây dựng trong khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Có những thời điểm mùa khô, tiêu thụ điện tiệm cận với công suất phát, dự phòng còn rất ít…" – một ý kiến phản biện chính trị, với dẫn chứng cụ thể.
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 31/08/2022
Với lực lượng lao động rẻ, được đào tạo tốt, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nền kinh tế có độ mở cao, chính trị ổn định, khả năng kiểm soát dịch bệnh cùng bối cảnh chiến tranh thương mại, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để trở thành con hổ kinh tế mới của Châu Á, các chuyên gia nhận định.
Một công nhân làm việc ở nhà máy xe hơi Ford ở tỉnh Hải Dương.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý gánh nặng các tập đoàn quốc doanh và những cản trở trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nhất là vấn đề tham nhũng, sẽ đặt ra những thách thức cho sự phát triển của quốc gia này trong thời gian tới.
Theo báo cáo ‘Triển vọng Kinh tế Thế giới’ vừa được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, GDP của Việt Nam trong năm 2020 ước tính ở mức 340 tỷ đô la Mỹ, vượt qua Malaysia và Singapore và dự đoán sắp sửa vượt qua cả Philippines (hiện có GDP 367 tỷ đô la) để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan.
Mở cửa và xuất khẩu
Trong bài viết có tựa đề ‘Việt Nam sẽ là điều thần kỳ mới ở Châu Á ?’ đăng trên tờ New York Times, ông Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại hãng quản lý đầu tư Morgan Stanley và là tác giả của cuốn ‘Mười nguyêntắc của các quốc gia thành công’, dự đoán Việt Nam sẽ theo chân các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để làm nên ‘điều thần kỳ kế tiếp’ ở Châu Á.
"Sau Đệ nhị Thế chiến, những ‘điều thần kỳ Châu Á’ - đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là Đài Loan và Hàn Quốc, gần đây nhất là Trung Quốc - đã vươn lên thoát nghèo bằng cách mở cửa cho thương mại-đầu tư và trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu. Giờ đây, Việt Nam đang theo con đường tương tự, nhưng trong một thời đại hoàn toàn mới", tác giả này viết.
Ông đưa ra so sánh rằng ‘trong những năm bùng nổ, những điều thần kỳ Châu Á đầu tiên đã có mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt gần 20% - gần gấp đôi mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó và Việt Nam đã duy trì tốc độ tương tự trong ba thập kỷ’.
Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 16% mỗi năm, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và gấp ba lần mức trung bình của các nước mới nổi, ông Ruchir Sharma lưu ý.
Để phục vụ cho nền kinh tế hướng xuất khẩu, Việt Nam đã dành nguồn lực để xây dựng đường sá, bến cảng để đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng trường học để đào tạo nhân lực trong khi các nước mới nổi khác chi mạnh tay cho phúc lợi xã hội nhằm lấy lòng cử tri, cũng theo chuyên gia này.
Việt Nam hiện được xếp hạng cao về chất lượng cơ sở hạ tầng so với bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn phát triển tương tự, ông nói.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong 5 năm qua, ông Sharma cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt trung bình hơn 6% GDP, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào. Phần lớn số tiền đó đổ vào xây dựng các nhà máy chế tạo và cơ sở hạ tầng liên quan, và phần lớn đầu tư đến từ các nước Châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Chuyên gia của Morgan Stanley này chỉ ra rằng Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích cho các nhà sản xuất rời bỏ Trung Quốc để tìm nhân công rẻ hơn. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Việt Nam đã lên gần 3.000 đô la Mỹ, tức tăng gấp 5 lần so với cuối những năm 1980, trong khi chi phí nhân công vẫn chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, và nguồn nhân lực này được đào tạo tốt hơn một cách khác thường so với mức thu nhập của họ.
Kiểm soát dịch tốt
Ông nêu bật việc Việt Nam đang dịch chuyển từ các sản phẩm công nghệ thấp sang trình độ công nghệ cao hơn và khen ngợi độ mở của nền kinh tế Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại lớn.
"Nguồn lao động có trình độ đó đang giúp Việt Nam ‘leo lên các nấc thang’, có lẽ nhanh hơn bất kỳ đối thủ nào, để sản xuất những mặt hàng ngày càng phức tạp. Sản phẩm công nghệ đã vượt qua may mặc để trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào năm 2015, và chiếm phần lớn thặng dư thương mại kỷ lục của nước này trong năm nay", tác giả trình bày trong bài báo.
"Trong kỷ nguyên bảo hộ, Việt Nam lại đi ngược chiều hướng và quay sang ủng hộ mở cửa biên giới – chính quyền cộng sản nước này đã ký kết hơn một chục hiệp định thương mại tự do - trong đó có một thỏa thuận trọng đại mới được ký kết với Liên minh Châu Âu là EVFTA".
Việt Nam cũng đã tận dụng cơ hội các nước khác đang lao đao vì dịch bệnh để đối phó tốt với dịch. "Kiểm soát đượcđại dịch đã cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa nền kinh tế trở lại và hiện nước này đang được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay", ông viết.
Ông đưa ra dẫn chứng là trong khi nhiều nước đang bị sụt giảm tăng trưởng nặng nề và phải tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xin giải cứu thì Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 3%t trong năm nay. Ấn tượng hơn nữa, tăng trưởng đó là nhờ vào thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp giao thương toàn cầu sụp đổ vì dịch bệnh.
Môi trường khó khăn hơn
Tuy nhiên, so với những con rồng Châu Á ban đầu, những điều kiện thuận lợi hiện nay không còn nữa, ông Ruchir Sharma lưu ý. Đã qua rồi thời kỳ toàn cầu hóa nhanh chóng, với dòng chảy thương mại và đầu tư ngày càng tăng. Tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trên toàn thế giới. Trong môi trường này, các cường quốc không còn bỏ qua các chiến thuật mà các nước Châu Á trước đó đã tận dụng để có lợi thế.
Tuần trước, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và khởi xướng cuộc điều tra tương tự như cuộc điều tra vốn khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông cảnh báo.
Sự lãnh đạo của một đảng độc tài gần nửa thế kỷ được kinh tế gia này cho là ‘mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn nữa đối với tăng trưởng liên tục của Việt Nam’. "Nếu không có đối lập, đảng độc tài có thể thúc đẩy tăng trưởng rất nhanh, nhưng thường những chính sách tùy hứng không được kiểm soát của họ dẫn đến các chu kỳ bùng nổ và sụp đổ thất thường, cản lại sự phát triển", ông nhận định.
"Liệu Việt Nam có thể tiếp tục thành công này, bất chấp những thách thức tiềm tàng như dân số sụt giảm, thương mại giảm sút và chính phủ độc tài vẫn tiếp tục nắm quyền ? Có thể được", ông lập luận. "Mặc dù tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động ở nước này đang chậm lại, phần lớn người Việt Nam vẫn sống ở nông thôn, do đó, nền kinh tế có thể tiếp tục phát triển bằng cách dịch chuyển lao động nông ngiệp sang các nhà máy ở thành thị".
Theo ông, cho đến nay, chính phủ Việt Nam đã không có sai lầm chính sách nghiêm trọng vốn thường làm chậm tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia chuyên chế khác. Do đó, ông nhận định ‘chủ nghĩa tư bản chuyên chế đang có hiệu quả ở Việt Nam một cách khác thường thông qua các chính sách kinh tế mở và quản lý tài chính khôn ngoan’.
Tuy nhiên, ông cũng dự báo Việt Nam có thể xảy ra vấn đề ở khu vực kinh tế nhà nước vốn chiếm phần lớn nợ xấutrong hệ thống ngân hàng. Mặc dù sau nhiều đợt cổ phần hóa, nhà nước nắm quyền sở hữu ít tập đoàn hơn, nhưng những công ty mà họ sở hữu vẫn rất lớn và chiếm gần một phần ba sản lượng kinh tế.
"Cần lưu ý rằng các khoản nợ tăng cao cũng dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính đánh dấu sự kết thúc tăng trưởng bền vững ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, và giờ đây là cả Trung Quốc", ông viết.
‘Điểm son’
Trong khi thế giới khốn đốn vì dịch Covid thì Việt Nam không mấy hề hấn và điều này đã giúp Việt Nam vươn lên rất nhiều, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management tại Mỹ nhận định với VOA.
"Dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Philippines suy thoái trầm trọng, giảm đến 7-8% trong khi Việt Nam vẫn tăng 3%", ông chỉ ra và nói ông tin quy mô kinh tế Việt Nam sẽ vượt Philippines ngay trong năm nay.
Ngoài ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng khiến Việt Nam được lợi nhờ tăng cường xuất khẩu vào Mỹ, ông nói thêm.
"Mỹ là nền kinh tế lớn, tiêu thụ nhiều. Một khi Mỹ bớt mua của Trung Quốc và quay sang mua hàng của Việt Nam thì chỉ một phần nhỏ trong số đó cũng giúp gia tăng kinh tế Việt Nam", ông chỉ ra và dẫn chứng là giao thương của Việt Nam với Mỹ đã tăng 30% so với năm ngoái.
Tiến sĩ Lộc nêu ra những ‘điểm son’ của Việt Nam so với các nền kinh tế láng giềng khác là : có trên 20 hiệp định thương mại tự do trong đó có những hiệp định lớn như RCEP, EVFTA, CPTPP ; vị trí địa lý thuận lợi với nhiều hải cảng và đầu tư nhiều vào giáo dục và hạ tầng.
"Điểm son hơn hết là Việt Nam hiện tại dân số gần 100 triệu, trong đó 65-70% là dưới 37 tuổi. Trên 10 năm nay Việt Nam đã đầu tư khoảng 8% GDP vào cơ sở hạ tầng và giáo dục", ông nói và cho biết tỷ lệ đầu tư này là gấp đôi Philippines.
Do đó, ông nhận định rằng Việt Nam ‘có điều kiện thuận lợi để bỏ qua những ngành công nghệ thấp và đi vào kỹ nghệ cao hoặc ít nhất là kỹ nghệ trung’.
"Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đang đi về hướng kỹ nghệ cao đó", ông lưu ý và cho rằng Việt Nam cần xây dựng những tập đoàn lớn thì ‘mới có đủ tiềm lực tài chính, công nghệ để tập trung vào nghiên cứu, phát triển’.
"Việt Nam cần có khả năng sáng chế, chế tạo và tiếp nhận chuyển giao công nghệ", ông khuyến nghị và cho rằng Việt Nam không thể dựa vào công nghệ nước ngoài mãi.
Thách thức
Tuy nhiên, vị giáo sư này cảnh báo môi trường kinh doanh ở Việt Nam dù có tiến triển nhiều trong những năm qua vẫn còn thua xa các nơi khác như Hong Kong hay Singapore vì những luật lệ, thủ tục và ‘chi phí bôi trơn.’
"Việt Nam hiện giờ tham nhũng có giảm bớt nhưng vẫn nằm trong nhóm tham nhũng nhất thế giới", ông lưu ý. "Việt Nam chắc chắn cần phải cải thiện".
Ông cũng chỉ ra bài học từ Nhật Bản là sau hàng chục năm tăng trưởng liên tục, nước này đã chựng lại trong vòng 20 năm qua ‘vì số nợ của các tập đoàn quá lớn’.
Ông cảnh báo số nợ của các tập đoàn nhà nước hiện nay vẫn rất nhiều mặc dù đã được cổ phần hóa. "Nếu không cẩn thận và tư hữu hóa dần dần thì các tập đoàn này sẽ vỡ nợ", ông Lộc nói.
Về lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, chuyên gia này khuyến cáo nên ‘đa dạng hóa’ chứ không nên tập trung vào một số thị trường như Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.
Dẫn ra việc Việt Nam được xếp vào nhóm ‘tiểu hổ’ Châu Á cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, Tiến sĩ Lộc dự đoán rằng trong vòng 5-7 năm nữa, nền kinh tế Việt Nam ‘sẽ vượt Thái Lan’ trở thành quốc gia lớn thứ hai trong khu vực.
Nguồn : VOA, 17/10/2020
Nhận định trái chiều về dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 xếp thứ nhì Châu Á-Thái Bình Dương
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh : TL)
Kinh tế Việt Nam trong 8 tháng của năm 2020
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào hạ tuần tháng 9, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2020 đã có gần 34.300 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh. Tỷ lệ này tăng đến 10,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong một hội nghị diễn ra vào hôm 22/9 rằng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Trong cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng Quí 3 của Ngân hàng Nhà nước, diễn ra ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội vay. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao-Thương binh-Xã hội thì nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh…
Gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng đã được Chính phủ Hà Nội triển khai từ 5 tháng trước. Và, giới doanh nghiệp tại Việt Nam phản ảnh rằng họ không thể tiếp cận các gói hỗ trợ, mà báo giới trong nước mô tả "khó như lên trời".
Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ với RFA rằng sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, mặc dù họ rất cố gắng tiếp cận gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đều không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn mới có thể đáp ứng đầy đủ các quy định hỗ trợ.
Tuy vậy, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ phân tích lý do vì sao các doanh nghiệp không tích cực vay vốn từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng. Qua ứng dụng messenger, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ trình bày rằng :
"Gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng tương đương với 700 triệu USD là một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực sự của doanh nghiệp cả nước. Giả sử có 70 ngàn doanh nghiệp cần vay thì số tiền này chỉ tương đương mỗi doanh nghiệp được vay trung bình là 10 ngàn USD. 10 ngàn USD là số tiền mà một doanh nghiệp nhỏ chỉ đủ trả lương cho nhân viên trong vòng một tháng. Cho nên gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng quá nhỏ so với nhu cầu và nó cũng chẳng có tác dụng bao nhiêu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Có lẽ chính vì lý do đó mà các doanh nghiệp không muốn tốn thì giờ đi vay".
Chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu đã không ít lần kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần gia tăng thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tối thiếu ở mức 2% GDP của Việt Nam, tương ứng 140 ngàn tỷ đồng, và thậm chí lên đến 300 ngàn tỷ đồng mới có thể vực dậy được hoạt động sản xuất kinh tế trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng gói hỗ trợ cần tập trung giúp cho các doanh nghiệp đang mất tính thanh khoản, tức là mất khả năng chi trả như trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp, trả tiền thuế phí khác, trả nợ ngân hàng, trả nợ cho đối tác…
"Tất cả những doanh nghiệp đang mất khả năng chi trả hoặc khả năng chi trả của họ giảm thiểu rất mạnh thì Chính phủ, trong trường hợp này, phải bơm một dòng tiền vào cho các doanh nghiệp đó ; bằng cách cho họ vay với những điều kiện thật dễ dãi cùng với thời gian ân hạn rất dài, có thể đến 1 năm mà không phải trả gốc lẫn lãi. Việc đưa tiền cho các doanh nghiệp như thế có thể thông qua hệ thống ngân hàng, tức là hệ thống ngân hàng được ủy thác một số tiền của Chính phủ để có thể giúp các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ có một cơ chế gọi là ‘cấp quỹ bảo lãnh tín dụng’, giống như ở bên Mỹ có SBA. Hiện ở Việt Nam cũng đã có một ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’. Chính phủ đổ một lượng tiền vào trong các ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’ đó và các "Quỹ bảo lãnh tín dụng’ chuyển tới bảo lãnh các ngân hàng để các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 này".
Tăng trưởng kinh tế thứ nhì Châu Á
Trong bối cảnh Việt Nam có 34,3 ngàn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và trong đó có hơn 24 ngàn doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể tính đến cuối tháng 8/2020, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings, trong hạ tuần tháng 9, công bố một báo cáo dự báo Việt Nam có mức tăng trưởng GDP là 1,9% trong năm 2020 và 11,2% trong năm 2021.
Với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo vừa nêu, S&P Global Ratings xếp hạng Việt Nam đứng thứ nhì sau Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng vừa công bố báo cáo về cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) năm 2020. Trong báo cáo này, ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries được báo giới trong nước trích lời nhận định rằng kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn dự kiến vì tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do tác động của Covid-19. Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ vào thành công của Chính phủ Hà Nội trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Ảnh minh họa. Quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa vì dịch Covid-19 hôm 28/3/2020. Reuters
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào trung tuần tháng 9, dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch-Đầu tư ghi nhận nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2020, giải ngân được đạt 250 ngàn tỷ đồng, tương đương 50,7% kế hoạch năm. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương nỗ lực giải ngân tối đa 100% đầu tư công đến cuối năm 2020 để đạt mục đích tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư công thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.
Song song đó, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cho báo giới trong nước biết cơ quan này đang sửa đổi điều kiện tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương.
Qua trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo như dự báo của ADB và S&P Global Ratings, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định rằng sẽ rất khó để dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm tới. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lý giải cho nhận định của ông :
"Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, và do đó là phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới hiện nay chịu nhiều tác động nhưng trong đó phải kể đến là hai tác động chính. Tác động thứ nhất đó là tình hình dịch Covid-19 hiện đang trở lại ở Châu Âu và chưa có một phương thức điều trị hay ngăn chặn hiệu quả. Mặc dầu có cải thiện nhưng tình hình kinh tế các nước vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục. Tác động thứ hai đó là cuộc canh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu từ thương mại đang mở rộng ra, doanh nghiệp các nước của Mỹ, Châu Âu, Nhật bắt đầu thay đổi hệ thống chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và dịch chuyển các cơ sở sản xuất".
Ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa, từ Paris, Pháp quốc, nhắc lại điểm đáng lưu ý của nền kinh tế Việt Nam, mà tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ đưa ra, là phụ thuộc vào ngoại thương quá nhiều. Do đó, đây là một nền kinh tế bị lệ thuộc vào nước ngoài. Ông Nguyễn Gia Kiểng từng nhận định với RFA rằng mặc dù có xu hướng các tập đoàn quốc tế dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nơi mà các tập đoàn này hướng đến thì cũng mất thời gian ít nhất là vài năm sau nữa, chứ khó có khả năng đầu tư ngay lập tức sau dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 có thể nhìn thấy được kết quả tăng trưởng âm.
"Tất cả mọi người đều nhìn nhận rằng ngành du lịch của Việt Nam sẽ hoàn toàn tan vỡ. Số thu của ngành này trong năm 2020 là số 0, chưa kể đến rất nhiều khách sạn và nhà hàng bị phá sản. Số thu của ngành du lịch được ghi nhận chiếm 7-7,5% GDP của Việt Nam. Như vậy, nếu ngành du lịch bị tan vỡ, suy sụp hoàn toàn thì kinh tế Việt Nam trong năm 2021 phải sụp xuống dưới mức 7,5% còn số 0. Sau đó, mọi người cũng nhìn nhận tất cả mọi ngành đều bị suy thoái và đều bị ảnh hưởng hết. Cho nên không thể nào kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1% hay 1,8%. Chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là con số âm. Điều đó không ai muốn, nhưng đó là sự thật và các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhìn thấy rõ, nhưng họ không có tiếng nói".
Ông Nguyễn Gia Kiểng nói thêm về diễn biến của tình kinh tế Việt Nam trong năm 2021 :
"Công ăn việc làm ở Việt Nam chủ yếu là các công ăn việc làm nhắm vào xuất khẩu. Bởi vì xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương với hơn 200% GDP. Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào bối cảnh của quốc tế và Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ và Âu Châu. Trong khi đó, tình hình ở Mỹ đang rất là bi đát. Vào năm 2021, Mỹ sẽ có một tổng thống mới. Và hiện có hai chương trình kinh tế hoàn toàn khác nhau mà có ảnh hưởng đến Việt Nam. Thế thì phải đợi đến sau ngày 3/11 thì mới có thể có thêm một chút dữ kiện để có thể bắt đầu dự đoán kinh tế Việt Nam thôi".
Là một nhà quan sát tình hình kinh tế-chính trị thế giới, ông Nguyễn Gia Kiểng nói rằng dự báo như của ADB và S&P Global Ratings dựa vào số liệu của Nhà nước Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, trong thực tế những gì đang diễn ra đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất ở Việt Nam thì rõ ràng nền kinh tế Việt Nam không thể nào lạc quan được trong thời gian năm nay và năm sau nữa.
Nguồn : RFA, 28/09/2020
Vài tháng trước, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, theo đó các doanh nghiệp dân doanh được coi trọng và được hy vọng sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế.
Các doanh nghiệp dân doanh được coi trọng và được hy vọng sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế - Ảnh minh họa
Mới đây Bộ Công Thương đã có một động thái mạnh mẽ, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh giúp cởi trói cho doanh nghiệp. Đây được xem là con số điều kiện kinh doanh được cắt giảm lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương và chiếm tới 55% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Những điều đó cho thấy vấn đề phát triển kinh tế đang là mối quan tâm ưu tiên lớn nhất của Trung ương Đảng và Chính phủ hiện nay.
Nhưng có ý kiến lo ngại rằng các điều kiện kinh doanh rồi sẽ quay trở lại và sinh sôi nảy nở theo một hình dạng khác, sẽ lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi đó sự quyết tâm của Chính phủ hiện tại liệu có đủ để ngăn chặn sự quay trở lại của các điều kiện kinh doanh trong tương lai ?
Bộ Công Thương đã có quyết tâm như thế, còn các bộ khác thì sao ?
Là cơ quan quản lý ngành, liệu các điều kiện kinh doanh do các bộ khác đưa ra đã đúng đắn hợp lý hết chưa ?
Nếu còn những thủ tục có thể cắt giảm thì tại sao các bộ đó không có quyết tâm thực hiện ?
Phát triển kinh tế đang là mối quan tâm ưu tiên lớn nhất của Trung ương Đảng và Chính phủ hiện nay
Làm thế nào để thúc ép chế tài buộc các bộ phải xóa bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý và ngăn chặn hiệu quả sự trở lại của những điều kiện kinh doanh ?
Nhìn sang tư pháp
Những điều kiện kinh doanh này là sản phẩm của bộ máy hành chính quan liêu, do các bộ ngành thuộc Chính phủ ban hành trong quá trình thực hiện công tác quản lý. Chúng không phải do Quốc hội ban hành, ấn định trong các văn bản luật.
Những cơ chế kiểm soát trong nội bộ bộ máy Chính phủ đã không đủ khả năng kiểm soát lòng tham của bộ máy quan liêu.
Cho tới nay, thực tiễn cho thấy cần có cơ chế kiểm soát đối trọng từ bên ngoài để ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Có một vấn đề là lâu nay nhiều cơ quan hành pháp được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đưa ra những quy định ngoài luật mà doanh nghiệp vẫn buộc phải chấp hành.
Thẩm quyền như thế cộng với thói quan liêu tham nhũng đã sản sinh ra các giấy phép con, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện nếu muốn hoạt động, và đó là cách để bộ máy quan liêu kiếm chác.
Nền tư pháp lâu nay có vị thế yếu kém, đóng góp ít ỏi cho công cuộc quản trị quốc gia. Trước sự sinh sôi nảy nở của các điều kiện kinh doanh và giấy phép con, hệ thống tòa án đã không thể làm gì để ngăn chặn.
Tôi cho rằng điều này cần phải thay đổi. Đã đến lúc cần phải có một bộ máy tư pháp lớn quyền hoạt động hiệu quả để ngăn chặn sự lạm quyền tiêu cực của bộ máy hành chính quan liêu.
Nếu tòa án được trao quyền tuyên xử một văn bản quy phạm pháp luật là vô hiệu và buộc cơ quan ban hành gây thiệt hại phải bồi thường, thì điều này sẽ buộc các bộ phải nâng cao chất lượng của các hoạt động, và các giấy phép con ngoài luật sẽ không có cơ hội để tồn tại.
Hiện Việt Nam chưa có Tòa Hiến pháp (hình minh họa : Tòa án Thành phố Hải Phòng)
Ở các nước có nền tư pháp tiến bộ, họ có Tòa án Hiến pháp là nơi xét xử các vụ kiện tuyên xử một văn bản pháp luật vô hiệu do vi hiến. Hoặc họ có các tòa án tuyên xử một văn bản của Chính phủ là vô hiệu theo pháp luật.
Ở Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp như thế, nên tòa án hiện tại không có quyền tuyên xử một văn bản luật do Quốc hội ban hành là trái Hiến pháp.
Vậy còn các văn bản do Chính phủ ban hành trái luật thì sao ?
Hiện tại Việt Nam có một hệ thống tòa án hành chính có thẩm quyền xét xử các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước bị cho là trái luật.
Nhưng Tòa án Hành chính lại yếu quyền khi không được trao quyền xét xử đối với các văn bản như thông tư của một bộ, thông tư liên tịch của nhiều bộ phối hợp ban hành và các văn bản quyết định của Thủ tướng và các phó thủ tướng, mặc dù các văn bản do các chủ thể này ban hành nhiều khi trái luật hoặc nằm ngoài văn bản luật.
Điều đó cho thấy quyền hạn yếu kém của tòa án Việt Nam : chưa có tòa án hiến pháp để xử lý những hành vi trái Hiến pháp, cũng chưa cho phép tòa án được xử lý các văn bản do Chính phủ ban hành bị cho là trái luật.
Vì không bị chế tài, nên các bộ mới lạm quyền ban hành thông tư, đưa ra đủ loại điều kiện kinh doanh và giấy phép con mà người dân và doanh nghiệp không làm gì được.
Kinh tế cần gắn với tư pháp
Trên đây chỉ là một ví dụ trong một phạm vi cụ thể xung quanh việc xử lý các điều kiện kinh doanh và giấy phép con cho thấy vai trò của tư pháp có thể giúp ích kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Nền tư pháp có thể giúp ích rất nhiều cho phát triển kinh tế nhưng không phải với vai trò và quyền hạn như nó đang có trong hiện tại.
Ở các nước theo mô hình tam quyền phân lập, tòa án là thiết chế tư pháp lớn quyền là một trong ba trụ cột quốc gia, cùng với Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Quốc hội thực hiện quyền lập pháp.
Ở Việt Nam không theo mô hình tam quyền phân lập, nền tư pháp giữ vị trí yếu kém khiến nó kém đóng góp cho quản trị quốc gia.
Năm 2013, Hiến pháp mới được ban hành đã ghi nhận một nét mới là tòa án thực hiện quyền tư pháp, bên cạnh Quốc hội thực hiện quyền lập pháp và Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, điều này là một sự nâng tầm trên giấy cho tư pháp cân xứng với lập pháp và hành pháp.
Thực tế cho đến nay chẳng có diễn biến nào cho thấy tòa án được nâng cao vị thế quyền hạn cho tương xứng với vai trò mới được ghi nhận theo Hiến pháp.
Nay đứng trước yêu cầu về phát triển kinh tế, tháo bỏ ngăn chặn những điều kiện kinh doanh là rào cản khó khăn cho doanh nghiệp, đã đến lúc các ban ngành cần nhận ra vai trò lớn hơn của tòa án.
Các ban ngành cần xóa bỏ nhận thức coi tòa án cũng như nhà nước và pháp luật nói chung đều chỉ là công cụ của giai cấp thống trị, mà từ nhận thức này nhiều ban ngành đã tự đặt mình nằm trên và nằm ngoài chế tài pháp luật.
Tựu chung lại, tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay, muốn kiến tạo môi trường pháp lý thân thiện thuận lợi cho phát triển kinh tế thì cần phải gắn chặt với những cải cách về tư pháp.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 27/09/2017
Tác giả hành nghề Luật sư hiện đang sống tại Hà Nội.
Để tìm ra con đường đưa đất nước hòa nhịp cùng thế giới, Việt Nam trước hết phải thay đổi tư duy phát triển, chuyên gia Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo nói với BBC Tiếng Việt thượng tuần tháng 9/2017 từ Budapest.
Bà Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo
Trước hết, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Tư vấn Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời kỳ các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nêu quan điểm với BBC cho rằng thế giới hiện đang thay đổi vô cùng nhanh chóng về rất nhiều mặt : chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, và xã hội.
Để bắt nhịp cùng sự thay đổi này, trước hết Việt Nam phải 'thay đổi tư duy,' bà nói :
"Việt Nam cần phải nhận thức được sự thay đổi hiện nay trên thế giới, nhận thức được mình đang ở đâu và cần đi tới đâu để thay đổi cách thức phát triển của mình.
"Việc đổi mới nhất thiết cần phải đi vào kinh tế thị trường một cách mạnh mẽ hơn, và xây dựng cả nền tảng về thể chế chính trị phù hợp với thể chế kinh tế thị trường mà Việt Nam cần đi tới".
'Không phải bạo lực, lật đổ'
Để làm được những việc đó, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng ngoài nỗ lực của nhà nước và doanh nghiệp, thì xã hội dân sự cũng là một yếu tố quan trọng, ông nói :
(Quốc Phương, BBC) phỏng vấn Chuyên gia Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo về phát triển và cải cách tư duy ở Việt Nam
"Tầng lớp trí thức chân chính có tấm lòng với đất nước, đóng góp đối trọng chứ không phải đối lập, để từng bước làm người dân Việt Nam không chỉ hiểu về quyền của mình mà còn hiểu những trách nhiệm, nghĩ vụ thật sự của mình đối với đất nước.
"Theo tôi đây là cách chúng ta cần hướng đến chứ không phải vận động bạo lực hay lật đổ chính quyền".
Người hiện đang là Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Vusta) cũng cho rằng bên cạnh sự ủng hộ của người dân, Việt Nam cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, khi ông đưa ra dẫn chứng về việc bạn bè quốc tế từng lên tiếng cho rằng Việt Nam cần có những 'động thái quyết liệt hơn' để khẳng định chủ quyền trên biển Đông từ những năm 1990.
Chia sẻ quan điểm trên, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bổ sung rằng "ba lực lượng chính của xã hội ở Việt Nam là nhà nước, thị trường và xã hội cùng nhau phát triển "theo một mục tiêu chung duy nhất" là phát triển đất nước Việt Nam.
Theo bà, nếu các lực lượng cùng chung nhau một mục tiêu thì các lực lượng này "có thể tìm ra tiếng nói chung" để cùng theo đuổi mục tiêu đó, cũng như quy tụ được người Việt ở bốn phương và bạn bè trên thế giới cùng ủng hộ Việt Nam phát triển ngày một giàu đẹp hơn.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này hoặc ở đây để theo dõi cuộc trao đổi về chủ đề trên, bên lề một cuộc hội thảo tư ở Trung Âu cuối tháng Tám, đầu tháng Chín 2017, giữa BBC với Chuyên gia Phạm Chi Lan và Giáo sư Chu Hảo.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 10/09/2017