Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/09/2017

Phát triển kinh tế cần gắn liền với cải cách tư pháp ?

Ngô Ngọc Trai

Vài tháng trước, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, theo đó các doanh nghiệp dân doanh được coi trọng và được hy vọng sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế.

ptkt1

Các doanh nghiệp dân doanh được coi trọng và được hy vọng sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế - Ảnh minh họa

Mới đây Bộ Công Thương đã có một động thái mạnh mẽ, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh giúp cởi trói cho doanh nghiệp. Đây được xem là con số điều kiện kinh doanh được cắt giảm lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương và chiếm tới 55% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Những điều đó cho thấy vấn đề phát triển kinh tế đang là mối quan tâm ưu tiên lớn nhất của Trung ương Đảng và Chính phủ hiện nay.

Nhưng có ý kiến lo ngại rằng các điều kiện kinh doanh rồi sẽ quay trở lại và sinh sôi nảy nở theo một hình dạng khác, sẽ lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Khi đó sự quyết tâm của Chính phủ hiện tại liệu có đủ để ngăn chặn sự quay trở lại của các điều kiện kinh doanh trong tương lai ?

Bộ Công Thương đã có quyết tâm như thế, còn các bộ khác thì sao ?

Là cơ quan quản lý ngành, liệu các điều kiện kinh doanh do các bộ khác đưa ra đã đúng đắn hợp lý hết chưa ?

Nếu còn những thủ tục có thể cắt giảm thì tại sao các bộ đó không có quyết tâm thực hiện ?

ptkt2

Phát triển kinh tế đang là mối quan tâm ưu tiên lớn nhất của Trung ương Đảng và Chính phủ hiện nay

Làm thế nào để thúc ép chế tài buộc các bộ phải xóa bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý và ngăn chặn hiệu quả sự trở lại của những điều kiện kinh doanh ?

Nhìn sang tư pháp

Những điều kiện kinh doanh này là sản phẩm của bộ máy hành chính quan liêu, do các bộ ngành thuộc Chính phủ ban hành trong quá trình thực hiện công tác quản lý. Chúng không phải do Quốc hội ban hành, ấn định trong các văn bản luật.

Những cơ chế kiểm soát trong nội bộ bộ máy Chính phủ đã không đủ khả năng kiểm soát lòng tham của bộ máy quan liêu.

Cho tới nay, thực tiễn cho thấy cần có cơ chế kiểm soát đối trọng từ bên ngoài để ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Có một vấn đề là lâu nay nhiều cơ quan hành pháp được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đưa ra những quy định ngoài luật mà doanh nghiệp vẫn buộc phải chấp hành.

Thẩm quyền như thế cộng với thói quan liêu tham nhũng đã sản sinh ra các giấy phép con, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện nếu muốn hoạt động, và đó là cách để bộ máy quan liêu kiếm chác.

Nền tư pháp lâu nay có vị thế yếu kém, đóng góp ít ỏi cho công cuộc quản trị quốc gia. Trước sự sinh sôi nảy nở của các điều kiện kinh doanh và giấy phép con, hệ thống tòa án đã không thể làm gì để ngăn chặn.

Tôi cho rằng điều này cần phải thay đổi. Đã đến lúc cần phải có một bộ máy tư pháp lớn quyền hoạt động hiệu quả để ngăn chặn sự lạm quyền tiêu cực của bộ máy hành chính quan liêu.

Nếu tòa án được trao quyền tuyên xử một văn bản quy phạm pháp luật là vô hiệu và buộc cơ quan ban hành gây thiệt hại phải bồi thường, thì điều này sẽ buộc các bộ phải nâng cao chất lượng của các hoạt động, và các giấy phép con ngoài luật sẽ không có cơ hội để tồn tại.

ptkt3

Hiện Việt Nam chưa có Tòa Hiến pháp (hình minh họa : Tòa án Thành phố Hải Phòng)

Ở các nước có nền tư pháp tiến bộ, họ có Tòa án Hiến pháp là nơi xét xử các vụ kiện tuyên xử một văn bản pháp luật vô hiệu do vi hiến. Hoặc họ có các tòa án tuyên xử một văn bản của Chính phủ là vô hiệu theo pháp luật.

Ở Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp như thế, nên tòa án hiện tại không có quyền tuyên xử một văn bản luật do Quốc hội ban hành là trái Hiến pháp.

Vậy còn các văn bản do Chính phủ ban hành trái luật thì sao ?

Hiện tại Việt Nam có một hệ thống tòa án hành chính có thẩm quyền xét xử các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước bị cho là trái luật.

Nhưng Tòa án Hành chính lại yếu quyền khi không được trao quyền xét xử đối với các văn bản như thông tư của một bộ, thông tư liên tịch của nhiều bộ phối hợp ban hành và các văn bản quyết định của Thủ tướng và các phó thủ tướng, mặc dù các văn bản do các chủ thể này ban hành nhiều khi trái luật hoặc nằm ngoài văn bản luật.

Điều đó cho thấy quyền hạn yếu kém của tòa án Việt Nam : chưa có tòa án hiến pháp để xử lý những hành vi trái Hiến pháp, cũng chưa cho phép tòa án được xử lý các văn bản do Chính phủ ban hành bị cho là trái luật.

Vì không bị chế tài, nên các bộ mới lạm quyền ban hành thông tư, đưa ra đủ loại điều kiện kinh doanh và giấy phép con mà người dân và doanh nghiệp không làm gì được.

Kinh tế cần gắn với tư pháp

Trên đây chỉ là một ví dụ trong một phạm vi cụ thể xung quanh việc xử lý các điều kiện kinh doanh và giấy phép con cho thấy vai trò của tư pháp có thể giúp ích kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Nền tư pháp có thể giúp ích rất nhiều cho phát triển kinh tế nhưng không phải với vai trò và quyền hạn như nó đang có trong hiện tại.

Ở các nước theo mô hình tam quyền phân lập, tòa án là thiết chế tư pháp lớn quyền là một trong ba trụ cột quốc gia, cùng với Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Quốc hội thực hiện quyền lập pháp.

Ở Việt Nam không theo mô hình tam quyền phân lập, nền tư pháp giữ vị trí yếu kém khiến nó kém đóng góp cho quản trị quốc gia.

Năm 2013, Hiến pháp mới được ban hành đã ghi nhận một nét mới là tòa án thực hiện quyền tư pháp, bên cạnh Quốc hội thực hiện quyền lập pháp và Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, điều này là một sự nâng tầm trên giấy cho tư pháp cân xứng với lập pháp và hành pháp.

Thực tế cho đến nay chẳng có diễn biến nào cho thấy tòa án được nâng cao vị thế quyền hạn cho tương xứng với vai trò mới được ghi nhận theo Hiến pháp.

Nay đứng trước yêu cầu về phát triển kinh tế, tháo bỏ ngăn chặn những điều kiện kinh doanh là rào cản khó khăn cho doanh nghiệp, đã đến lúc các ban ngành cần nhận ra vai trò lớn hơn của tòa án.

Các ban ngành cần xóa bỏ nhận thức coi tòa án cũng như nhà nước và pháp luật nói chung đều chỉ là công cụ của giai cấp thống trị, mà từ nhận thức này nhiều ban ngành đã tự đặt mình nằm trên và nằm ngoài chế tài pháp luật.

Tựu chung lại, tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay, muốn kiến tạo môi trường pháp lý thân thiện thuận lợi cho phát triển kinh tế thì cần phải gắn chặt với những cải cách về tư pháp.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 27/09/2017

Tác giả hành nghề Luật sư hiện đang sống tại Hà Nội.

Quay lại trang chủ
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)