Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/09/2017

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh "càng để lâu càng khó"

Trương Nhân Tuấn

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh "càng để lâu càng khó". Điều này tôi đã cảnh báo nhiều lần.

Bản thông cáo ngày 22 tháng chín của Bộ ngoại giao Đức nhấn mạnh "Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ".

duc1

"Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ" - Thông cáo ngày 22/09/2017 của Bộ Ngoại giao Đức - Kham/Reuters

Ở bất kỳ quốc gia pháp trị nào (Việt Nam gọi là nhà nước pháp quyền), các việc vi phạm ph/áp luật như vậy sẽ không bao giờ "du di", hay dễ dàng bỏ qua cho thủ phạm.

Huống chi đây là vấn đề trọng đại ở tầm quốc gia. Quốc gia này cho điệp viên vào nước khác để bắt cóc người là một hành vi "xâm phạm chủ quyền quốc gia". Thời bình, hai bên có quan hệ hữu hảo, thì người ta gọi đơn thuần là "vi phạm luật quốc gia và luật quốc tế". Trong thời "chiến tranh lạnh", hiển nhiên đó là một hành vi "thù nghịch", tương đương với hành vi "gây chiến".

Nước Đức, một quốc gia trọng luật, được thành hình trên các giá trị nền tảng của nhân quyền cũng như trên tinh thần kỹ luật và niềm tự hào dân tộc. Họ đã cho Việt Nam biết là sẽ "không bao giờ dung thứ".

Bộ ngoại giao Đức vừa thông cáo cho biết đình chỉ "đối tác chiến lược" với Việt Nam đồng thời trục xuất thêm một nhân viên sứ quán của Việt Nam tại Đức. Thông cáo còn cho biết nước này bảo lưu những biện pháp trả đũa khác.

Thực ra, nếu theo dõi từ đầu thì ta thấy yêu cầu của Đức cũng rất "nhẹ nhàng". Đó là "một lời xin lỗi cùng với cam kết không làm điều tương tự trong tương lai".

Vậy mà Việt Nam không đáp ứng.

Trong bản thông cáo ngày 22 tháng chín, ta thấy Bộ ngoại giao Đức còn yêu cầu Việt Nam "xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc" và "áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế".

Bỏ qua cách dịch "nhà nước pháp quyền" trong bản dịch tiếng Việt. Thực ra phải dịch là "nhà nước pháp trị".

Dĩ nhiên, với cái gọi là "nhà nước pháp quyền" của Việt Nam hiện nay thì việc thượng tôn pháp luật là một cái gì đó xa xôi, không thực tế. Cái yêu cầu "xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc" sẽ không bao giờ được thực thi.

Trong một "nhà nước pháp trị", như nước Đức, bất kỳ người nào, ngay cả bà thủ tướng Merkel, nếu có hành vi phạm luật thì người này sẽ bị trừng trị đúng pháp luật và việc xét xử theo đúng trình tự tố tụng.

Việt Nam nhặp nhằng cái gọi là "nhà nước pháp quyền". Không có sách vở nào định nghĩa cụ thể nhà nước này xây dựng như thế nào, vận hành như thế nào. "Học giả" Việt Nam thì mỗi người diễn giải mỗi cách khác nhau, theo ý của mình.

Ta thấy yêu cầu của Đức là hết sức hợp lý. Ai là thủ phạm trong việc này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhưng ở Việt Nam, nếu "thủ phạm" là đảng viên thì người này sẽ được "chỉ thị 15 của Bộ chính trị" bảo vệ.

Nhưng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ta thấy rõ ràng người có trách nhiệm cao nhứt là ông Trọng.

Luật lệ còn không xử được đảng viên, huống chi là "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng.

Còn yêu cầu "áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế", theo tôi cũng khó được Việt Nam thi hành.

Bởi vì nếu theo đúng thủ tục tố tụng pháp lý của một nhà nước pháp trị thì ông Thanh phải trả về Đức trước, để quốc gia này xét đơn xin tị nạn của ông Thanh.

Nguyên tắc nền tảng của nhà nước pháp trị (Việt Nam gọi là nhà nước pháp quyền) là quan chức nhà nước làm gì cũng phải theo luật mà làm.

Rõ ràng trong vụ Trịnh Xuân Thanh, quan chức Việt Nam đã "ngồi xổm" lên luật, vừa luật Việt Nam vừa luật nước Đức. Mà đó là "chuyện nhỏ". Việt Nam còn ngồi xổm lên luật quốc tế.

Nước Đức đình chỉ "đối tác chiến lược" với Việt Nam là điều hợp lý. Đối với những "đối tác chiến lược khác", nếu Việt Nam vẫn khư khư cái gọi là "nhà nước pháp quyền", thì trước sau gì các mối quan hệ này cũng sẽ bị đình chỉ.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia được kết nối bằng "niềm tin" mà niềm tin này thể hiện qua các điều ước ghi rõ trong kết ước.

Hành vi cho điệp viên sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành vi "côn đồ", xúc phạm thô bạo đến chủ quyền nước Đức. Nhưng thái độ làm lì của Việt Nam, bất chấp sự quan ngại của nhà nước Đức, qua những yêu cầu hợp lý, rõ ràng niềm tin đã đổ vỡ.

Dĩ nhiên rốt cục chỉ có người dân "lãnh đủ" mọi "chế tài" của Đức (và các quốc gia trong khối Châu Âu).

Mà nguyên nhân của nó là ở Việt Nam chỉ thị của đảng cao hơn luật quốc gia.

Điều này cũng tố cáo Việt Nam không phải là một "Etat de Droit - nhà nước pháp trị" (mà Việt Nam dịch gượng ép là "nhà nước pháp quyền").

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 26/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 680 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)