Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2017

Nhận diện chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam

Đỗ Mạnh Hồng

Chủ nghĩa tư bản thân hữu, sử dụng những quan hệ câu kết với giới chính trị, quan chức chính phủ để tìm cách trục lợi bằng đặc quyền, đã trở thành tác nhân ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, một nhà nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á nói.

tuban1

Ông Đỗ Mạnh Hồng : Chủ nghĩa tư bản thân hữu, sử dụng những quan hệ câu kết với giới chính trị, quan chức chính phủ để tìm cách trục lợi bằng đặc quyền

Tiến sĩ Đỗ Mạnh Hồng từ Đại học Obirin, Tokyo, bình luận với Quốc Phương của BBC ở Budapest hôm 31/8 :

"Chủ nghĩa tư bản thân hữu kiểu Việt Nam... trong môi trường thể chế chính trị độc tài và sức ép buộc phải đẩy mạnh tự do hóa thể chế kinh tế đã trở thành tác nhân biến nền kinh tế 16 chuyển từ mô hình kết hợp giữa "chính phủ mạnh" và "doanh nghiệp phân tán" thành "chính phủ mạnh" và "doanh nghiệp tập trung".

"Lý do vì với sự hậu thuẫn của thể chế chính trị độc tài, quá trình hoạch định chính sách tự do hóa kinh tế sẽ bị bóp méo một cách độc đoán và có ý đồ tư lợi, khuyết đi những yếu tố khách quan và hợp lý đổi với phát triển tổng thể nền kinh tế xã hội. Kết quả là những chính sách này có xu hướng bị một bộ phận doanh nghiệp hoặc cá nhân có quan hệ chặt chẽ với quan chức chính trị lợi dụng vì mục đích riêng.

"Thực tế, trong quá trình tha hóa của thể chế kinh tế này, những thế lực hiện thân của chủ nghĩa tư bản thân hữu nảy sinh và phát triển dưới nhiều hình thức, không chỉ là những SOEs mà cả nhiều doanh nghiệp FDI và POEs, với những thủ đoạn che dấu ngày càng tinh vi".

tuban2

"Mặc dù công nghiệp ô tô ở Việt Nam đã được nuôi dưỡng khoảng hơn 30 năm, chi phí để lắp ráp một chiếc ô tô trong nước đắt hơn so với ở nước ngoài rất nhiều".

Các hình thức tư bản thân hữu ở Việt Nam :

Ông Đỗ Mạnh Hồng cho rằng tư bản thân hữu ở Việt Nam tồn tại dưới năm dạng chính :

1. Doanh nghiệp nước ngoài

Ông Đỗ Mạnh Hồng lấy ngành công nghiệp ô tô làm một ví dụ cho dạng tư bản thân hữu xuất thân từ một số doanh nghiệp nhà nước.

"Các doanh nghiệp sản xuất ô tô thực ra chỉ là lắp ráp. Họ lobby để chống lại chính sách tự do hóa nhập khẩu ô tô. Mặc dù công nghiệp ô tô ở Việt Nam đã được nuôi dưỡng khoảng hơn 30 năm nay rồi nhưng chi phí để lắp ráp một chiếc ô tô trong nước đắt hơn so với ở nước ngoài rất nhiều.

"Tại sao lại có chuyện vô lý như thế ? Là vì có sự hiện diện của những hành vi có thể gọi là tư bản thân hữu. Rõ ràng là những hành vi mang tính tư bản thân hữu này chỉ tìm kiếm những đặc lợi đặc quyền không phản ánh giá trị gia tăng do bản thân họ làm ra. Họ chỉ tìm kiếm phần chênh lệch có được do chính sách ngăn cấm".

2. Doanh nghiệp tư nhân

Thị trường bất động sản và tài chính được Tiến sĩ Đỗ Mạnh Hồng dẫn làm ví dụ như hai mảng mà tư bản thân hữu 'lộ diện' với chủ thể là các doanh nghiệp tư nhân.

tuban3

Nhiều doanh nghiệp tư nhân "chạy dự án hay mua bán chính sách" trong lĩnh vực bất động sản và tài chính (Hình minh họa).

"Tôi đã theo dõi sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khá lâu. Giai đoạn sau năm 2000 hình thành rõ ràng các doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đến thời kì phải tự do hóa nền kinh tế và trong điều kiện thể chế chính trị độc tài thì các doanh nghiệp tư nhân cũng có thể hình thành những hành vi lợi dụng tư thế của mình nhằm trục lợi.

"Nói một cách đơn giản là mua bán chính sách. Đó chính là dùng tiền để mua chuộc một số cá nhân nhằm thu về các dự án. Điều này chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản và tài chính.

"Những công ty tôi nói đến ở đây là những công ty thực thụ, ban đầu được thành lập và có những hoạt động sản xuất theo nhu cầu lợi nhuận. Nhưng trong hoàn cảnh một nền kinh tế tự do hóa cùng thể chế chính trị, sẽ có những kẽ hở được tạo ra, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp đó có thể trục lợi.

"Ví dụ như các công ty vốn rất lành mạnh nhưng đến thời kì năm 2007 - 2008 khi thị trường bất động sản và tài chính nở rộ thì họ không thể tập trung vào hoạt động chính của mình. Thay vào đó họ dùng vốn hiện có để đầu tư vào hai mảng này. Tuy nhiên không cạnh tranh bằng năng lực của mình, họ đã thông qua những hành vi như chạy dự án hay mua bán chính sách. Đó là một trong những hành vi có thể coi là tư bản thân hữu".

3. Doanh nghiệp tư nhân trá hình

"Loại thứ ba, một loại tư bản thân hữu tư nhân nguy hiểm hơn nữa chính là những doanh nghiệp tư nhân trá hình", nhà nghiên cứu Đỗ Mạnh Hồng phân tích.

"Đó là những công ty sân sau của các quan chức hoặc lãnh đạo chính trị. Những công ty này không thể nêu tên cụ thể vì khi tôi làm nghiên cứu chính thống cũng chỉ tìm được thông tin là có những công ty như vậy tồn tại, và đây là điều rất phổ biến ở Việt Nam.

"Bản chất của những công ty này là tư bản thân hữu vì nó chỉ được lập ra với mục đích lợi dụng những mối quan hệ để mưu cầu đắc lợi. Sau khi giành được những dự án từ các thông tin độc quyền, họ sẽ bán lại những dự án đó cho các nhà thầu khác. Đây là loại tư bản thân hữu cần được làm rõ".

4. Doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa

"Dạng này cũng giống các doanh nghiệp tư nhân ban đầu phát triển theo năng lực nhưng sau này dần dần bị cuốn theo chủ nghĩa tư bản thân hữu", Ông Đỗ Mạnh Hồng cho biết.

5. Doanh nghiệp nhà nước trá hình

"Những doanh nghiệp này được thành lập bởi những tổ chức, cơ quan nhà nước không có chức năng làm kinh tế. Bộ phận này tương tự với các doanh nghiệp tư nhân trá hình. Đây là hai hình thức cản trở sự phát triển kinh tế lâu dài.

"Do được thành lập từ một tổ chức của nhà nước nên ban đầu họ cũng sẽ có lợi thế khi thu thập được thông tin về các dự án đấu thầu. Họ có thể dùng những thông tin đó để mưu cầu đặc lợi.

tuban4

"Khi nền kinh tế có một đội ngũ kinh tế tư nhân mạnh thì nó mới có đủ sức cạnh tranh", ông Đỗ Mạnh Hồng nhận định

Cướp cơ hội cạnh tranh

Vậy chủ nghĩa tư bản thân hữu đã có tác động như thế nào lên đến kinh tế Việt Nam ? nhà nghiên cứu Đỗ Mạnh Hồng bình luận với BBC :

"Chủ nghĩa tư bản thân hữu nói chung cũng như cụ thể là doanh nghiệp tư nhân và nhà nước trá hình làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vì đã cướp mất cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hoạt động.

"Vì vậy, có một thực trạng trong nền kinh tế của chúng ta là mặc dù những con số vẫn thể hiện doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng phát triển nhưng đáng lẽ trong 10 - 20 năm vừa qua đã có những cơ hội để phát triển mạnh hơn rất nhiều. Khi nền kinh tế có một đội ngũ kinh tế tư nhân mạnh thì nó mới có đủ sức cạnh tranh.

"Các nước lân cận như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Chẳng hạn như Trung Quốc, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân từ chất lượng thấp đến chất lượng rất cao đều rất quy mô. Các doanh nghiệp của Nhật Bản hay Hàn Quốc thì rõ ràng có sự cạnh tranh rất mạnh không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu.

Biện pháp giải quyết ?

Về những biện pháp chính để giải quyết những hậu quả của chủ nghĩa tư bản thân hữu, ông Đỗ Mạnh Hồng nói với BBC :

"Thực ra biện pháp giải quyết là một câu hỏi rất khó và tôi cũng đã tìm kiếm trong suốt 20 năm nay. Thông thường cũng có rất nhiều giải pháp ví dụ như giám sát và giải quyết minh bạch theo pháp luật. Bên cạnh đó có thể nghĩ đến chuyện thể chế chính trị có thể cũng cần thay đổi theo hướng tự do hóa để phù hợp với nền kinh tế.

"Nhưng việc này đối với Việt Nam có lẽ sẽ khó mà khả thi ở chỗ nếu bây giờ có tác động bên ngoài nhằm thay đổi thể chế chính trị đó nhưng những tác động đó cũng không thể làm thay đổi điều gì.

"Ngoài ra cũng có ý kiến trông chờ vào bản thân nội tại của Việt Nam tự thay đổi, nhưng điều đó chúng ta cũng đã chờ quá lâu.

"Theo tôi thì trước hết mọi hoạt động trong xã hội phải tuân theo luật. Khi luật đã được đặt ra, và anh vi phạm luật thì anh phải bị xử phạt đúng luật. Trước khi nói về dân chủ, cần phải xây dựng được một xã hội pháp trị".

tuban5

Ở Nhật, đảng cầm quyền và chính phủ luôn bị các đảng đối lập và người dân giám sát

Kinh nghiệm Nhật Bản

Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản, nhà nghiên cứu kinh tế Đỗ Mạnh Hồng nhận xét về cách Nhật Bản phát triển nền kinh tế :

"Thực ra Nhật Bản không xảy ra tình trạng tư bản thân hữu như ở Việt Nam. Tất nhiên vẫn xảy ra những chuyện như lobby, nhưng thể chế chính trị của Nhật là hoàn toàn dân chủ. Đảng cầm quyền và chính phủ bao giờ cũng có những thành viên từ các Đảng đối lập và được người dân giám sát.

"Xã hội của họ cũng rất minh bạch. Cho dù chỉ là một hành vi rất nhỏ của một lãnh đạo cấp cao, người dân đều được biết một cách minh bạch và yêu cầu người lãnh đạo đó giải thích về hành vi của ông có phạm luật hay không.

"Bản thân các doanh nghiệp của Nhật, từ lớn đến nhỏ, cùng có trách nhiệm chính trị đối với xã hội rất cao. Họ chủ động cạnh tranh và phản đối các doanh nghiệp có hành động tư bản thân hữu. Vì vậy những hiện tượng như vậy ở Nhật gần như đã bị triệt tiêu hoàn toàn".

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 05/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 852 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)