Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2017

Đánh cược với đồng Mỹ kim

Nguyễn Xuân Nghĩa

Sau nhiều năm lên giá so với các ngoại tệ khác, đồng Mỹ kim của Hoa Kỳ đã sụt giá mạnh từ đầu năm nay, và sụt tới mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Nhưng chiều hướng này chưa chắc đã kéo dài và nếu Mỹ kim lên giá, các nền kinh tế khác sẽ bị lao đao… Vì sao như vậy, Diễn đàn Kinh tế có câu trả lời…

usd1

Một nhân viên người Trung Quốc đang đếm đồng đô la của Mỹ với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở một ngân hàng ở thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc hôm 28/11/2012 - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông , Hoa Kỳ đã thở dài nhẹ nhõm hôm Thứ Hai 11 vừa qua vì tổn thất từ trận bão Irma lại không trầm trọng như người ta ước đoán và vì Bắc Hàn không thử nghiệm võ khí nhân ngày quốc khánh của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia tăng mức độ trừng phạt kinh tế lên cấp cao nhất. Một hậu quả trên thị trường tài chính là Mỹ kim đã lên giá so với một rổ ngoại tệ phổ biến sau khi vừa sụt tới mức thấp nhất kể từ Tháng Giêng năm 2015. Theo dõi diễn biến của "đồng bạc xanh" như người ta thường nói, ông nghĩ thế nào về chiều hướng sắp tới của đồng đô la Mỹ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Tôi cho là chúng ta không nên chấp vào những thăng giáng lên xuống trong ngắn hạn mà cần nhìn ra chiều hướng lâu dài hơn để khỏi gặp rủi ro bất ngờ. Thứ hai, những ai cho rằng Mỹ kim còn sụt giá nữa thì sẽ bị thiệt hại. Kỳ này, ta sẽ tìm hiểu tại sao.

Trước hết, ngược với bao tiên đoán định kỳ về sự suy sụp của nước Mỹ, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế số một thế giới và đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Vì vậy hối suất hay tỷ giá đồng bạc xanh của Mỹ có ảnh hưởng lan rộng toàn cầu, qua các nước đang dùng đồng bạc này làm phương tiện giao hoán hay thanh toán. Thứ hai, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, Hoa Kỳ ào ạt tăng chi và hạ lãi suất rồi bơm tiền để kích thích kinh tế nên Mỹ kim sụt giá trong nhiều năm liền. Nhưng từ cuối năm 2013, chiều hướng sụt giá ấy đã hết và đô la bắt đầu lên giá kể từ 2014. Khi ấy, các nền kinh tế đang phát triển lỡ vay Mỹ kim với giá rẻ lại gặp khó khăn khi đồng bạc này lên giá. Thế rồi, sau khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống và nhậm chức từ đầu năm nay, đồng bạc Hoa Kỳ lại mất giá so với các ngoại tệ khác. Tính theo hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ thì sụt mất khoảng 8%, tính theo chỉ số giao hoán với các ngoại tệ khác thì có thể mất giá tới 11%. Do ảnh hưởng của truyền thông báo chí có ác cảm với Chính quyền Donald Trump, nhiều người cho rằng việc Mỹ kim sụt giá là một chỉ dấu về mức tín nhiệm sa sút của ông Trump. Đây là một sai lầm tai hại cho những ai muốn đánh cược chống lại đồng đô la vì Mỹ kim lại có thể lên giá trong thời gian tới.

Nguyên Lam : Ông nhắc thính giả của chúng ta là nên nhìn vào chiều hướng dài hạn hơn là những lên xuống ngắn hạn. Nhưng thưa ông, vì sao đồng đô la lại sụt giá từ đầu năm khi kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn cả khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ hai lần tăng lãi suất từ đầu năm nay và còn thông báo là sẽ thu hồi lại lượng tiền bơm ra từ mấy năm trước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta có nhiều lý do giải thích hiện tượng này. Thứ nhất, trị giá Mỹ kim có tùy thuộc vào luồng giao dịch với các nước qua sự sai biệt lãi suất hay phân lời ở từng nơi. Thứ hai, định chế độc lập có chức năng quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng và trực tiếp ảnh hưởng tới hối suất đồng bạc chính là Ngân hàng Trung ương, sau đó là Bộ Ngân khố qua số lượng công khố phiếu được bơm ra hay hút vào trên thị trường tín dụng và trái phiếu. Cho tới nay, Ngân hàng Trung ương Mỹ không nâng lãi suất mạnh như ta dự đoán vì dấu hiệu lạm phát không tăng mà còn có vẻ giảm là điều ít người hiểu tại sao. Sau cùng, yếu tố chính trị có tác động vào tâm lý thị trường là việc ông Trump cứ than phiền Mỹ kim cao giá khiến Hoa Kỳ bị thất lợi về ngoại thương vì làm hàng hóa dịch vụ của Mỹ thành đắt hơn và khó xuất khẩu hơn. Nghịch lý mà ta nên nhìn ra là có người suy luận là Tổng thống Mỹ muốn làm giảm giá đô la trong khi người khác lại cho rằng uy tín sa sút của ông Trump mới làm Mỹ kim mất giá. Sự thật nó rắc rối hơn vậy.

Nguyên Lam : Bây giờ, nói về tương lai thì tại sao ông cho là không nên đánh cược chống lại đồng bạc xanh vì Mỹ kim có thể sẽ lên giá ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện này nó hơi phức tạp nên tôi xin cố trình bày thật chậm. Sau khi nhậm chức từ đầu năm nay, thất bại chính trị liên tục của ông Trump với Quốc hội Cộng Hòa và đảng Dân Chủ trong khối đối lập đã đẩy lui nhiều sáng kiến hay đề nghị cải cách về kinh tế và nhất là thuế khóa của ông. Điều ấy gây thất vọng về viễn ảnh kinh tế Hoa Kỳ và gián tiếp làm Mỹ kim sụt giá khiến người ta lấy Mỹ kim làm chỉ dấu về mức độ tín nhiệm của ông. Nhưng thực tế khách quan của thị trường là Hoa Kỳ bơm ra quá nhiều tiền, tới khỏang bốn ngàn 500 tỷ Mỹ kim trong mấy năm trước và từ nay phải hút lại lượng tiền đã bơm ra. Bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tiến hành việc đó trong những tháng tới, Khi ấy ta sẽ thấy là số thanh khoản hay hiện kim tính bằng đô la Mỹ sẽ giảm. Nôm na là đồng bạc sẽ khan hiếm hơn trên thị trường và vì là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất, Mỹ kim khan hiếm sẽ tăng giá.

Thứ hai, trở lại cái mà người ta có thể gọi là "hiệu ứng Donald Trump", là ảnh hưởng của ông Trump trên chính trường và thị trường, tuần qua ông gây kinh ngạc khi trực tiếp nói chuyện với lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập trong Quốc hội để thông qua một số quyết định quan trọng liên quan đến kinh tế và tài chính. Đã vậy, chủ trương cơ bản của ông vẫn không dời đổi khi ông kêu gọi và gây sức ép cho các doanh nghiệp Mỹ phải hồi hương tư bản để tạo ra công ăn việc làm trong nước. Nếu tư bản Mỹ được đem về Hoa Kỳ thì Mỹ kim sẽ càng hiếm hơn trên thế giới và đô la sẽ lên giá.

Nguyên Lam : Ông vừa nói đến một khái niệm hơi lạ là "hồi hương tư bản". Thưa ông, cái đó là gì vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta phải trở lại một vấn đề trong hệ thống kinh tế tài chính Hoa Kỳ. Về đại thể thì doanh nghiệp Mỹ bị đánh thuế khá nặng so với doanh nghiệp của nhiều nước công nghiệp hóa khác nên mới khó cạnh tranh. Vì thuế lợi tức doanh nghiệp quá cao, nhiều tập đoàn lớn mới để lợi tức ở ngoại quốc để tránh thuế ở nhà. Theo cơ quan US Bureau of Economic Analysis, lượng tiền này có thể lên tới bốn ngàn tỷ Mỹ kim, trong đó có các tổ hợp nổi tiếng như Apple, Alphabet hay Google, hoặc Microsoft, Cisco, Oracle, v.v….

Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ là đừng đầu tư ra ngoài mà nên dùng tư bản tạo công việc làm trong nước. Dù kết quả ban đầu chưa mấy khả quan thì chiều hướng ấy vẫn sẽ tiếp tục. Nếu Quốc hội trong tay đa số Cộng Hòa tại cả hai viện dàn xếp được với nhau và với Hành pháp Donald Trump, kế hoạch cải cách thuế vụ có hy vọng thành công và việc giảm thuế lợi tức doanh nghiệp sẽ là một động lực đáng kể cho các tổ hợp đem tiền về đầu tư ở nhà. Đó là hiện tượng tôi gọi là "hồi hương tư bản".

Nguyên Lam : Thưa ông, một cách cụ thể thì tình hình sẽ diễn tiến ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vẫn về bối cảnh, chúng ta nên để ý tới hai hiện tượng, thứ nhất bất ổn về an ninh và kinh tế làm vàng lên giá so với Mỹ kim vì là nơi tàng trữ an toàn hơn. Thứ hai là rối loạn chính trị tại Mỹ cũng làm Mỹ kim sụt giá so với nhiều ngoại tệ khác, như đồng Euro hay đồng Yen Nhật. Việc vàng lên giá và Mỹ kim mất giá càng gây ấn tượng về sự sa sút của Hoa Kỳ. Đấy là một ấn tượng sai lầm về chính trị mà nguy hiểm về tài chính !

Thế rồi, khi lưu giữ lợi tức ở ngoài, các doanh nghiệp Mỹ không chỉ giữ đồng đô la mà còn dùng nhiều ngoại tệ khác, theo một tỷ trọng có thể là cao hơn những gì chúng ta suy đoán. Nếu doanh nghiệp đem tài sản về nước thì trước tiên phải đổi lại thành tiền Mỹ làm Mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ kia. Thứ nữa, khi tiền Mỹ được triệt thoái về Hoa Kỳ, các nước khác sẽ bị hiếm đô la và đấy mới là vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển đã vay quá nhiều bằng đô la phải coi chừng vì sẽ bị biến động ngoại hối.

Nguyên Lam : Ông vừa trình bày hai chuyện là ấn tượng sai lầm về sự sa sút của nước Mỹ, thứ hai là Mỹ kim có thể khan hiếm hơn và gây biến động cho các nền kinh tế đã vay mượn quá nhiều đô la. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày sự kiện này cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ đã quá lâu, cứ vài chục năm là ta lại nghe nói đến sự suy bại của nước Mỹ hay của tư bản chủ nghĩa trong khi thiên hạ ngợi ca nhiều quốc gia khác, hết Nhật Bản lại tới Trung Quốc. Sự thật thì Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một về kinh tế, quân sự và nhất là khoa học kỹ thuật với sức sáng tạo vượt bậc, dăm năm lại đảo lộn tổ chức sản xuất ở bên trong và chi phối các nước khác. Đối diện thì ta thấy Âu Châu bị lão hóa dân số và chưa ra khỏi nhiều khó khăn chồng chất. Bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn chưa thể cải cách như dự tính từ bốn năm trước và đà tăng trưởng không thể được như trong mấy chục năm khởi phát đã qua mà sẽ còn thấp hơn con số chính thức. Vì vậy, ta nên cẩn thận khi nghe nói đến sự tàn lụi của Hoa Kỳ, rồi từ đó đánh giá sai vị trí hay hối suất của đồng bạc.

Chuyện kia là khi doanh nghiệp Mỹ hồi hương tư bản thì họ có thể trả bớt nợ, mua lại cổ phần hoặc đầu tư nếu bộ máy hành chính được cải tổ cho giản lược hơn như ông Trump chủ trương và đang tiến hành. Dù sao thì việc thu hồi tư bản về Mỹ cũng làm các nền kinh tế đang phát triển tại Á Châu và Mỹ Châu La Tinh bị thiếu thanh khoản và trôi vào biến động đáng ngại. Người ta có thể chứng kiện chuyện này bắt đầu từ hai tháng nữa, vào cuối năm, và nếu đúng như vậy thì nên tự chuẩn bị.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 13/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 759 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)