Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2017

Việt Nam vẫn chưa là một nền kinh tế thị trường

Kính Hòa

Đầu tháng 9 năm 2017, Trưởng ban Đối ngoại trung ương đảng cộng sản Việt Nam là ông Hoàng Bình Quân sang thăm Hoa Kỳ, và đề nghị Washington công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

VIETNAM-US-CATFISH-VENDOR

Cá da trơn của Việt Nam, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng vào thị trường Mỹ. AFP

Việc công nhận như vậy có lợi gì cho Việt Nam ? Và Việt Nam có thực sự là một quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không ?

Sau đây là ý kiến một số chuyên gia trong nước về vấn đề này.

Việt Nam liên tục vận động các quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam nêu vấn đề công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường với Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm Washington vào tháng Sáu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra lời đề nghị này với ông Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại Mỹ.

Kể từ lúc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (gọi tắt là WTO) vào năm 2007 đến nay, Việt Nam đã liên tục vận động các quốc gia thành viên công nhận mình là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Theo các bản tin của báo chí Việt Nam vào ngày 13 tháng Chín thì đã có 57 nước công nhận Việt Nam là có nền kinh tế thị trường. Nhưng hai đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Cộng đồng Châu Âu (gọi tắt là EU) và Hoa Kỳ vẫn không xem Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.

Theo thỏa thuận gia nhập tổ chức WTO của Việt Nam, thì đến năm 2018, tổ chức này sẽ cứu xét xem là Việt Nam có phải là quốc gia hội đủ những điều kiện của một nền kinh tế thị trường hay không.

Trong thời gian đó, Việt Nam được đối xử như một quốc gia không có nền kinh tế thị trường. Và trong tình cảnh đó khi có những tranh chấp về xuất khẩu hàng hóa phá giá, các nước như Mỹ, EU sẽ sử dụng một quốc gia khác được xem là có kinh tế thị trường làm qui chiếu, xem như tương đồng với Việt Nam. Việc lựa chọn như vậy thường là bất lợi cho Việt Nam.

Ngay khi ông Hoàng Bình Quân đang có mặt ở Mỹ, Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam ra thông cáo phản đối Bộ thương mại Mỹ áp thuế chống phá giá lên các mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam. Việc tương tự cũng đã từng xảy ra đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.

Nói về chuyện các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bị đánh thuế chống phá giá, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống ở Hà Nội cho biết :

"Thực ra đối với vấn đề nuôi tôm, nhà nước không có bao cấp, cũng chẳng tài trợ cái gì. Đó là cái cách bên Mỹ biện hộ cho nước Mỹ cái chuyện bảo hộ ngành tôm của Mỹ thôi, chứ thật sự nó không có thật".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từng làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam thì khi thị phần của hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ vượt mức 8% thì các doanh nghiệp Mỹ sản xuất cùng mặt hàng đó sẽ tìm cách kiện để áp thuế chống phá giá lên hàng Việt Nam. Ngoài các mặt hàng hải sản, các mặt hàng khác của Việt Nam cũng hay bị chuyện này là giày dép và quần áo, những ngành sử dụng rất nhiều nhân công của Việt Nam. Ông nói tiếp :

"Nếu Việt Nam có được công nhận kinh tế thị trường thì việc vận dụng các biện pháp đó sẽ bị hạn chế rất nhiều, hoặc không còn có khả năng được sử dụng".

Kinh tế thị trường

Để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Việt Nam phải thỏa mãn ba điều kiện, đó là đồng tiền của Việt Nam phải được chuyển đổi tự do, nhà nước không can thiệp vào các quyết định của doanh nghiệp, và quan trọng nhất là sự cạnh tranh công bằng.

"Hoa kỳ yêu cầu nền kinh tế đó là một nền kinh tế hoàn toàn cạnh tranh, bình đẳng, không có ưu đãi, không coi trọng bất kỳ thành phần kinh tế nào. Trong khi đó Việt Nam vẫn coi kinh tế nhà nước là kinh tế chủ đạo, yêu cầu kinh tế nhà nước cạnh tranh bình đẳng. Nhưng cho đến nay kinh tế nhà nước vẫn chiếm phần lớn các tín dụng, chiếm phần lớn những dự án ODA, phần lớn những dự án nhà nước giao".

Việt Nam đã bắt đầu công nhận những nguyên tắc của thị trường vào năm 1986, khi bắt đầu mở của và cải cách nền kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay các nhà lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam vẫn thường xuyên lên tiếng nói rằng Việt Nam có những doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo của nền kinh tế, hoặc họ nói rằng Việt Nam sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, điều mà các nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đôi khi rất khó giải thích. Cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam là ông Bùi Quang Vinh, từng nói vào năm 2014 rằng không có cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét rằng đã có một sự điều chỉnh về cách vận hành nền kinh tế Việt Nam ngã sang hướng thị trường, nhưng chưa đầy đủ. Ông nói :

"Chính phủ của ông Phúc cũng đã chuyển hướng rằng lĩnh vực tư nhân sẽ đóng góp nhiều hơn trong kinh tế. Vừa rồi trong những cuộc họp thì Thủ tướng mong muốn là lĩnh vực tư nhân đóng góp 60% trong tổng sản lượng quốc nội. Như vậy là doanh nghiệp nhà nước vẫn còn đóng đến 40% chứ chưa hẳn đã là một nền kinh tế thị trường thực thụ. Cho nên cái việc mình đi đến các nước như Mỹ, rồi Châu Âu để xin thì tôi thấy không có ổn".

Một quốc gia có hệ thống kinh tế, chính trị tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc, sau khi gia nhập tổ chức WTO vào năm 2001, cho đến nay vẫn chịu cảnh bị đối xử như là một quốc gia không có nền kinh tế thị trường. Hồi cuối năm 2016 cả Hoa Kỳ, EU, và Nhật Bản đều quyết định rằng Trung Quốc không phải là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lo ngại về thời điểm WTO xem xét tính thị trường của nền kinh tế Việt Nam đã gần kề, mà những trở ngại từ hai đối tác lớn nhất là Mỹ và EU vẫn chưa vượt qua được :

"Sang năm Việt Nam sẽ đàm phán chuyện WTO, có thể những nước kia sẽ ủng hộ, nhưng nếu hai cái khối kinh tế này đưa ra những chứng minh như vậy, thì có lẽ là Việt Nam sẽ khó khăn".

Theo tác giả Lê Sỹ Giảng viết trên tờ báo về kinh tế của Việt Nam là tờ Kinh tế Sài Gòn, vào năm 2016, ngay sau khi EU không công nhận Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường, thì trường hợp của Trung Quốc sẽ được đem ra làm án lệ để EU không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Điều đó có nghĩa là các sản phẩm của nông dân Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, dù hoàn toàn mang tính thị trường, không nhận trợ cấp nào của chính phủ cả, vẫn tiếp tục bị đánh thuế cao ở các thị trường này.

Kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Kiến Thành cho rằng thay vì đi xin các đối tác công nhận mình có nền kinh tế thị trường, Việt Nam nên thực sự nổ lực cải cách nền kinh tế của chính mình theo hướng dân doanh, tự do hóa để thật sự có một nền kinh tế thị trường lành mạnh.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 13/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 688 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)