Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/09/2017

Đảng cộng sản chống tham nhũng như thế nào

Kính Hòa

Đầu tháng Chín năm 2017, ông Vũ Trọng Kim, ủy viên Ủy ban tư pháp của Quốc hội Việt Nam nói rằng Việt Nam có nhiều cơ quan chống tham nhũng nhưng việc chống tham nhũng không có hiệu quả.

VIETNAM-EGYPT-DIPLOMACY

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng. AFP

Việt Nam là quốc gia chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản. Các cơ quan được đảng này thành lập để chống tham nhũng là gì ? Hoạt động như thế nào ?

Cấu trúc kỷ luật và chống tham nhũng của đảng

Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, người từng có nhiều năm làm việc trong hệ thống tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam thì trong tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam có hai bộ phận lo về vấn đề kỷ luật :

"Thực ra chỉ có hai cái tên ngang cấp với nhau, một là Ban kiểm tra trung ương đảng, hai là Ban nội chính trung ương đảng. Đây là hai ban cơ cấu của đảng. Còn Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là một bộ phận phối thuộc của Ban nội chính trung ương. Tức là Trưởng Ban nội chính trung ương đồng thời là Phó ban thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, và cơ cấu này nó được duy trì xuống các đảng bộ tỉnh thành, tức là thành ủy, tỉnh ủy cũng có ban nội chính, và trong ban nội chính đó lại có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng".

Trên trang web của đảng cộng sản Việt Nam nhiệm vụ của Ban kiểm tra trung ương là giám sát kỷ luật đảng của các đảng viên ở mọi cấp. Hiện nay Ban này có 21 thành viên, do ông Trần Quốc Vượng, một ủy viên Bộ chính trị làm Chủ nhiệm.

Cũng theo trang web của đảng cộng sản Việt Nam, Ban nội chính trung ương có nhiệm vụ đề xuất những định hướng về pháp luật cho đảng. Ban này cũng theo dõi tổ chức và hoạt động của những cơ quan thuộc ngành tư pháp như Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Đặc biệt Ban này có nhiệm vụ đề xuất với Bộ chính trị định hướng, chủ trương xử lý một số vụ việc quan trọng. Ban này có một Trưởng Ban là ông Phan Đình Trạc, và một Phó Ban là ông Võ Văn Dũng.

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thọat đầu là một bộ phận của Chính phủ Việt Nam có nhiệm vụ theo dõi những vụ tham nhũng trong chính phủ, nhưng sau đó lại được giao về cho Đảng cộng sản phụ trách. Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp :

"Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì nguyên thủy của nó là thuộc về chính phủ. Nếu tôi nhớ không lầm thì vào năm 2013, cái Ban này được chuyển về cho Bộ chính trị quản lý, tức là đảng quản lý, và nó trở thành một cái ban của đảng. Hay nói chính xác là nó là một bộ phận phối thuộc với Ban nội chính trung ương đảng. Tổng bí thư phụ trách trực tiếp vụ này".

Đứng đầu ban này chính là Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, và ngoài ông ra còn có 15 người khác. Tất cả những người này, cùng với 21 người của Ban Kiểm tra trung ương, hai trưởng và phó ban của Ban Nội chính, đều là Ủy viên trung ương đảng.

Như vậy là có hai bộ phận của đảng cộng sản lo về hai lĩnh vực có liên quan nhau, một là Ban kiểm tra trung ương lo về kỷ luật đảng, còn thứ hai là Ban Nội chính với cơ quan phụ thuộc của nó là Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có nhiệm vụ về pháp luật trong xã hội.

Trong cơ cấu chính trị của Việt Nam hiện nay, tất cả các chức danh quan trọng của nhà nước đều là do đảng viên cộng sản phụ trách, vì vậy các tội phạm tham nhũng lớn cũng đều là đảng viên cộng sản. Như vậy khi một quan chức phạm tội tham nhũng, họ sẽ bị kỷ luật bởi hai bộ phận, đó là Ban kiểm tra trung ương kỷ luật họ về mặt đảng, và Ban Nội chính sẽ xem xét tội tham nhũng.

Dù rằng tất cả đều qui về một mối là đảng cộng sản, nhưng khi các cơ quan chính phủ vận hành trong xã hội, cũng sẽ nảy sinh ra những trường hợp như một nhân viên công an không phải là đảng viên nhưng lại đi theo dõi một quan chức tham nhũng là đảng viên. Chính vì vậy nên đã có một sắc lệnh của đảng được gọi là Chỉ thị 15, không cho phép các cơ quan điều tra theo dõi đảng viên khi không được phép của cơ quan đảng.

Bất lực của hệ thống và lo ngại không muốn cải cách

Trong phần trả lời Đài RFA về vụ án ngân hàng Đại Dương đang diễn ra có liên quan đến các quan chức nhà nước của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói ông e rằng vụ án sẽ không đụng tới những quan chức cao cấp hơn vì những quyết định của họ đã được sự đồng ý với chính những người đang phụ trách công việc chống tham nhũng.

Một chuyên gia kinh tế là bà Phạm Chi Lan có nói với chúng tôi rằng trong cơ cấu một đảng cầm quyền hiện nay rất khó chống tham nhũng vì sự hoạt động của các nhánh quyền lực của nhà nước không độc lập với nhau :

"Hiện nay thì cả 3 nhánh quyền đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nhiều khi không phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nếu cả ba nhánh quyền lực mà không hoạt động độc lập hơn và có kiểm soát lẫn nhau, giám sát lẫn nhau thì nó sẽ có rất nhiều trở ngại".

Theo quan sát của một số chuyên gia, trong đó có Giáo sư Vũ Tường, từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ, thì từ khi Việt Nam chấp nhận cải cách kinh tế từ năm 1986 cho đến thời gian gần đây, thì người ta thấy một sự dịch chuyển quyền lực từ những người thuần túy làm công tác đảng sang những người làm trong chính phủ, dù tất cả đều là đảng viên cộng sản.

Nhưng sự dịch chuyển đó dường như đã dừng lại khi vào năm 2013 Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng bị lấy khỏi tay Thủ tướng.

Theo ông Phạm Chí Dũng thì việc chuyển Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về cho đảng lãnh đạo là vì ông Nguyễn Phú Trọng không tin việc chống tham nhũng của chính phủ, lúc ấy do ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng.

Trong hiện trạng đó các vụ án tham nhũng được nhiều nhà quan sát xem là những cái cớ để các phe nhóm quyền lực trừng phạt nhau.

Theo Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một người bất đồng chính kiến sống ở Đà Lạt, thì những mâu thuẫn giữa những người thuần túy làm công tác đảng và những người có liên quan đến kinh tế trong đảng sẽ không chấm dứt :

"Một nửa đảng, không được làm kinh tế thị trường, không có ăn, còn cái nửa của chính phủ, tiếp xúc với kinh tế thì được ăn, thế là hai cái nửa đấy đánh nhau. Do đó tôi nghĩ rằng cái mâu thuẫn đánh nhau xuất phát từ nguyên lý. Họ tìm một sinh lộ, lúc đầu tiên chủ nghĩa xã hội theo kinh điển bị bế tắc, thế là họ tìm một cái sinh lộ tức là họ nối với kinh tế toàn cầu để họ làm kinh tế thị trường. Nhưng chính cái lối thoát đấy lại là tử lộ vì hai cái nửa ấy mâu thuẫn với nhau thôi".

Vào năm 2013, trước khi đảng cộng sản Việt Nam cho ra đời một bản hiến pháp mới, 72 nhân sĩ trí thức Việt Nam đã công khai yêu cầu sửa đổi hiến pháp theo hướng chấp nhận đa đảng, tách rời ba nhánh quyền lực hành pháp, tư pháp, và lập pháp ra để các hoạt động của nhà nước có hiệu quả hơn, trong đó có việc chống tham nhũng. Nhưng kiến nghị ấy bị từ chối.

Các quan chức của đảng cộng sản Việt Nam cũng bắt đầu nói nhiều đến cải cách thể chế. Nhưng họ không đề cập đến việc tách các nhánh quyền lực ra với nhau. Trong một bài phỏng vấn đăng trên trang mạng VTC của đài truyền hình kỹ thuật số, ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập tạp chí cộng sản, khi được hỏi rằng có phải nguồn gốc của tham nhũng là do thể chế không, thì ông trả lời rằng không có thể chế nào dung nạp tham nhũng cả. Chúng tôi có tìm cách liên lạc với ông Nhị Lê để hỏi rõ câu trả lời của ông, nhưng không liên lạc được.

Trong một bài viết trên báo An ninh Thủ đô vào tháng Tám năm 2013, tác giả Bùi Văn Học cho rằng Việt Nam không cần tam quyền phân lập, tức là tách rời ba nhánh quyền lực ra với nhau, với lý do, theo ông Bùi Văn Học là vì quyền lực ở Việt Nam là do nhân dân nắm giữ, không thể chia cắt được.

Lập luận này tức khắc bị sự chống đối của Nhóm 72 trí thức nhân sĩ đề nghị tam quyền phân lập vào năm 2013, quan niệm rằng nếu không phân chia quyền lực ra thì sẽ dẫn đến chuyện lạm quyền, tham nhũng, không thể giải quyết được.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 14/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 719 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)