Hôm 3 tháng 10, tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Công an thành phố Hà Nội đã "mời" một số người "đến làm việc" vì "nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân". Chuyện "nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân" này liên quan tới việc Vinschool – hệ thống tư thục của Vingroup – loan báo sẽ nâng học phí đến 50%.
Ông Phạm Nhật Vượng.
Sự kiện một số người chỉ trích Vinschool – Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng trên facebook rồi bị Công an thành phố Hà Nội "mời" vốn đã râm ran trên mạng xã hội suốt từ đầu tuần tới giờ.
Theo tường thuật của tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thì "nhiều người bất ngờ" khi "chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân về mức học phí" mà "phải làm việc với công an". Một đại tá tên là Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao của Công an thành phố Hà Nội, giải thích, theo "yêu cầu của Vingroup", công an đã mời một số người "đến làm việc" vì cần làm rõ "hành vi nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân chứ không phải điều tra việc phản đối tăng học phí".
Tiếc là Đại tá Sơn không nói thêm và tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng hỏi thêm "hành vi nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân" có phải là "vu khống" hay không ? Theo Luật hình sự hiện hành, chỉ khi nào "bịa đặt hoặc cố tình loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt" thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy ở Việt Nam, không ít người bị cáo buộc là "nói xấu", "bôi nhọ" khi kể một sự thật hoặc nhận định về một sự kiện nhưng đối với những trường hợp này, muốn cáo buộc "vu khống" để truy cứu trách nhiệm hình sự chẳng dễ chút nào.
Nhận định về sự kiện vừa kể, Du Ca Que Huong cho rằng đó là "chuyện lạ". Nguyen Tuan Quynh thì thắc mắc, phản ứng về chuyện học phí của Vinschool thì có liên quan gì đến công an ? Chẳng lẽ cứ có tiền thì bảo gì cũng làm ? Còn theo Quang Doan thì xúc phạm ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup còn nguy hiểm hơn… "nói xấu lãnh tụ".
***
Phạm Nhật Vượng, 49 tuổi đã và đang là một nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam thì nhờ học rất giỏi nên năm 1987 – thời điểm mà lý lịch vẫn là yếu tố quyết định chọn người để gửi đi du học, ông Vượng, con một sĩ quan không quân của quân đội nhân dân Việt Nam giành được học bổng để theo học tại Đại học Địa chất Moscow.
Sau khi bỏ ra sáu năm (1987–1993) để hoàn tất chương trình đại học, ông Vượng cùng vợ chuyển sang Ukraine – một trong những quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết cũ - mở nhà hàng rồi xây dựng cơ sở sản xuất mì gói, bột khoai tây, thực phẩm đóng hộp. Cũng theo báo chí Việt Nam thì năm 2000, ông Vượng bắt đầu đầu tư tại Việt Nam. Sau đó thì Tập đoàn Vingroup ra đời…
Vingroup hiện là chủ hàng trăm bất động sản khổng lồ bao gồm các : Trung tâm thương mại (Vincom), Resort cao cấp (Vinpearl), Chung cư cao cấp (Vinhome), Cao ốc văn phòng (Vincom Office). Các chuỗi : Tư thục (VinSchool), Bệnh viện (VinMec), Siêu thị (VinMart), Cửa hiệu thời trang (VinDS – Fashion Stores), Cửa hàng điện tử (VinPro)… Tháng trước, Vingroup loan báo sẽ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe hơi (VinFast).
Hồi tháng 8 vừa qua, dựa trên các số liệu thu thập được từ thị trường chứng khoán, báo giới Việt Nam loan báo, ông Vượng hiện là người đứng thứ hai trong số mười người giàu nhất Việt Nam. Vợ và em vợ ông Vượng cũng nằm trong nhóm mười người giàu nhất Việt Nam (vị trí thứ sáu và thứ chín). Tạp chí Forbes ước đoán tổng tài sản của ông Vượng khoảng 2,4 tỉ Mỹ kim.
***
Đáng chú ý là không ít dự án của Vingroup được hệ thống công quyền ưu đãi một cách khác thường.
Chẳng hạn sau khi chính phủ Việt Nam phê duyệt dự án di dời – giải tỏa Hải quân Công xưởng Ba Son để chỉnh trang khu vực trung tâm Sài Gòn, Tập đoàn Eunsan & Oue của Nam Hàn đề nghị đầu tư 5 tỉ Mỹ kim vào khu vực đó. Theo nhận định của chính quyền thành phố Sài Gòn thì dự án đầu tư của Eunsan & Oue phù hợp với quy hoạch mà chính phủ Việt Nam đã phê duyệt hồi năm 2013 đối với khu vực trung tâm thành phố này (góp phần đồng bộ hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như cầu Thủ Thiêm 2, Tuyến metro số 1), vì vậy, nếu chính phủ Việt Nam đồng ý, chính quyền thành phố Sài Gòn sẽ hỗ trợ Eunsan & Oue thực hiện dự án vào tháng 9 năm 2015.
Ngay sau đó Bộ Quốc phòng Việt Nam gửi văn bản phản bác với lý do, giao đất ở một nơi như Hải quân Công xưởng Ba Son cho giới đầu tư ngoại quốc "không phù hợp". Đối với việc khai thác mặt bằng của Hải quân Công xưởng Ba Son, Bộ Quốc phòng đề nghị chính phủ Việt Nam "không tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư" mà đề họ "chỉ định nhà đầu tư". "Nhà đầu tư" mà Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị là Công ty Dịch vụ thương mại Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo sau đó của Bộ Quốc phòng gửi chính phủ Việt Nam cho biết, công ty này là "thành viên liên kết" với Vingroup.
Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục gây ngạc nhiên khi thay mặt chủ đầu tư, đề nghị chính quyền thành phố Sài Gòn điều chỉnh quy hoạch "Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son" : Tăng chiều cao của các cao ốc, tăng dân số từ 5.400 (theo quy hoạch) lên 24.000 (gần năm lần), điều chỉnh cả đường bộ (chạy dọc sông Sài Gòn) lẫn metro (không đi xuyên mà đi vòng bên ngoài)…
Hồi đầu tháng 8, khi được bạn bè hỏi thăm về Vinhome Tân Cảng, Hà Nhật Tân – một kiến trúc sư và là giảng viên Đại học Hoa Sen, bảo rằng anh đã quá ngán ngẩm khi phải nghe những câu hỏi tương tự nên chỉ muốn trả lời một lần về… chuyện sinh tử. Đó là do tính toán "hết sức" chu đáo của chủ đầu tư và kiến trúc sư nên khi bị cháy, những khối nhà cao, quá gần nhau sẽ tạo ra các "hành lang lửa". Do vận tốc gió tại cạnh của các khối nhà luôn cao (từ 120% đến 160%), cộng với yếu tố khoảng trống giữa các khối nhà (hành lang) hẹp nên vận tốc gió có thể tăng hơn 200%, bởi nhiệt độ gia tăng khi xảy ra hỏa hoạn, kèm với độ thoáng của mặt sông Sài Gòn, tốc độ gió ở các hành lang sẽ tăng không dưới 400%, thậm chí có thể đạt hơn 1000% ở cuối hành lang. Lúc ấy, khoảng trống giữa các khối nhà sẽ giống như một hệ thống ống bễ khổng lồ, thổi lửa và khí độc đi với vận tốc cuồng phong. Lửa sẽ loang nhanh và rộng với sự hỗ trợ của thần gió, chỉ có phép lạ mới cứu nổi.
Theo Hà Nhật Tân, chẳng ai muốn hỏa hoạn nhưng nếu như hỏa hoạn xảy ra, chủ đầu tư và các kiến trúc sư "có công lớn trong việc biến các block chung cư cao cấp thành những... ‘đài hóa thân hoàn vũ’ (tên lịch sự của lò thiêu xác) cho cư dân bên trong. Nghe nói, ở các chung cư cao cấp này, giá một mét vuông đã tròm trèm 100 triệu. Thật ra không đắt nếu tính gộp luôn cả chi phí hoả táng".
Cuối tháng 8, Tân kể thêm trên trang facebook của anh là sau khi đưa "Vinhomes và Đài hóa thân hoàn vũ" lên facebook thì có "bọn nào đó" đến tận Phòng Quản lý nhân sự của Đại học Hoa Sen để dò la về anh. Tân gọi đó là "trò trẻ trâu", Tân nhắn công an Việt Nam nên thôi "dọa bóng, dọa gió" đi. Có muốn dọa cũng nên "có tí chất xám". Tân nhấn mạnh là chỉ cảnh báo khi thấy nguy cơ cao và đặt vấn đề "nếu cháy thật thì sao ?"…
Một điểm đáng chú ý khác là không chỉ hệ thống công quyền mà dường như báo giới Việt Nam cũng đặc biệt ưu ái Vingroup. Vài tháng gần đây, theo chân công an Việt Nam, báo giới Việt Nam liên tục chỉ trích ông Lê Thanh Thản và Tập đoàn Mường Thanh (hoạt động cùng lĩnh vực với Vingroup) vì không bảo đảm an toàn phòng cháy – chữa cháy ở các cao ốc do tập đoàn này xây dựng. Trong khi đó, hai vụ cháy xảy ra hồi tháng 7 vừa qua ở Vinhomes Central Park (tọa lạc tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn) chỉ được tường thuật một cách hết sức vắn tắt.
Dẫu mật độ xây dựng cao bất kể khả năng có hạn của hệ thống hạ tầng (điện, nước, đường sá) khiến sinh hoạt của các đô thị bị rối loạn vì quá tải giống như Mường Thanh nhưng Vingroup không những không bị chỉ trích mà còn được báo giới giúp "giải độc dư luận".
Cuối năm ngoái, tại cuộc họp giữa lãnh đạo chính phủ Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ trích gay gắt qui hoạch đô thị ở Hà Nội. Theo ông Phúc, sở dĩ môi trường, giao thông… ở Hà Nội trở thành thảm nạn là vì chính quyền thành phố này phóng tay cấp giấy phép cho xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải.
Thủ tướng Việt Nam dẫn trường hợp cho xây dựng cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ làm ví dụ và nêu câu hỏi : Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ ? Không có lý thuyết nào về quy hoạch lại chấp nhận chuyện cho xây dựng tại một nơi như Giảng Võ cao ốc 50 tầng, với hàng ngàn căn hộ cao cấp. Nếu mỗi gia đình có hai xe hơi thì ra vào, qua lại thế nào ? Nếu khoảng đất trống nào cũng cấp giấy phép xây dựng cao ốc hết thì Hà Nội sẽ ra sao ? Theo lời của Thủ tướng Việt Nam thì ông ta từng yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội kiểm tra và báo cáo về trường hợp cấp giấy phép xây dựng cao ốc 50 tầng tại Hà Nội trước ngày 15 nhưng tới 29 tháng 12 năm 2016 vẫn chưa nhận được báo cáo.
Cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ là dự án Vinhomes Giảng Võ của Vingroup.
Câu chuyện vừa kể có hai điểm thú vị : Thứ nhất, lần đầu tiên một dự án của Vingroup bị một viên chức cao cấp chỉ trích công khai và thứ hai, dẫu người chỉ trích là Thủ tướng Việt Nam nhưng giống như trước đó, những thông tin bất lợi cho Vingroup bị giảm nhẹ trên hệ thống truyền thông chính thống.
Lúc đầu, nhiều bài tường thuật cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm 29 tháng 12 năm, đưa chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ vào tựa vì báo giới ở đâu cũng biết độc giả của họ quan tâm đến điều gì. Tuy nhiên ngay sau đó hệ thống truyền thông Việt Nam sửa tựa, bỏ chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ.
Chẳng hạn, Zing đổi tựa : "Thủ tướng : Ai cấp phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ" thành "Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại qui hoạch đô thị". Đài Phát thanh quốc gia (VOV) thì đổi tựa : "Thủ tướng nói về việc xây chung cư cao tầng ở khu đất Giảng Võ" thành "Cám ơn Thủ tướng"…
Rờ tới Vingroup chỉ có các facebooker. Một facebooker tên là Nguyễn Anh Tuấn đã lục tìm, sắp đặt chuỗi sự kiện có liên quan đến Vingroup và khu Triển lãm Giảng Võ để chứng minh giữa Vingroup và chính quyền Hà Nội có một thương vụ mua bán chính sách.
Công ty Triển lãm Giảng Võ vốn là một doanh nghiệp nhà nước. Tháng 3 năm 2015, công ty này rao bán cổ phần nhưng thiên hạ không muốn mua vì quy hoạch về xây dựng của Hà Nội xác định khu Triển lãm Giảng Võ nằm thuộc "nội đô lịch sử" bị hạn chế về chiều cao và tình hình tài chính của Công ty Triển lãm Giảng Võ không sáng sủa (lợi nhuận sau thuế chỉ từ 3 đến 6 tỉ đồng). Chỉ có Vingroup bỏ tiền mua khoảng 90% cổ phiếu. Thế rồi tháng 4 năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội ban hành "Quy hoạch công trình cao tầng nội đô", theo đó, trong "nội đô lịch sử" chỉ có hai nơi được phép xây quá 39 tầng để làm "điểm nhấn đô thị" là : Khu Triển lãm Giảng Võ "được phép xây dựng 50 tầng" và lô đất số 29 Liễu Giai "được phép xây dựng 45 tầng". Lúc này, cả khu Triển lãm Giảng Võ và lô đất số 29 Liễu Giai đều đã thuộc về Vingroup !
Nguyễn Anh Tuấn nêu thắc mắc, tại sao cả hai "điểm nhấn đô thị" đều rơi đúng vào hai lô đất của Vingroup ? Không lẽ "chính quyền thành phố Hà Nội ‘làm chính sách’ cho Vingroup" và, theo Tuấn, đó chính là "tham nhũng chính sách", là ví dụ minh họa về những "nhóm lợi ích" xem hệ thống công quyền như "công cụ của riêng chúng để đưa ra những chính sách làm lợi cho chúng, gây thiệt hại cho cộng đồng, quốc gia".
Tuấn lưu ý, nếu thông báo khu Triển lãm Giảng Võ được xây cao ốc 50 tầng và tổ chức đấu giá công khai thì tổng số tiền thu về cho ngân sách chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số 21,5 triệu/m2 thu từ Vingroup. Vingroup chỉ bỏ ra 1.500 tỉ để mua gần 90% cổ phần của Công ty Triển lãm Giảng Võ, trong khi giá đất ở khu vực này hiện khoảng từ 200 triệu đến 300 triệu/m2.
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn nhắn hỏi Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng : Làm giàu bằng tham nhũng chính sách, đạp lên lợi ích của quốc gia như thế thì có gì đáng tự hào ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/10/2017