Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/10/2017

Hội nghị trung ương 6 : cuộc ra mắt của Trần Quốc Vượng

Người Buôn Gió

Điều đáng chú ý đầu tiên trong Hội nghị trung ương 6 là người đọc tờ trình đầu tiên là Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, báo cáo xin ý kiến trung ương về chương trình của làm việc của hội nghị trung ương. Ông Trần Quốc Vượng nêu ý kiến trong cương vị Thành viên thường trực Ban bí thư.

hoi0

Hội nghị trung ương 6 : cuộc ra mắt của chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng  - Ảnh minh họa 

Trước nay người ta thường nghe nói đến thành viên ban bí thư, đồng chí thường trực ban bí thư. Chưa mấy ai nghe đến cụm từ Thành viên thường trực ban bí thư. Đây là một sự sáng tạo quái đản trong nhiều sáng tạọ quái đản của Nguyễn Phú Trọng quyết định về nhân sự mà cả trung ương đảng đều phải trơ mắt nhìn. Đinh Thế Huynh đã khỏi ốm muốn đi làm lại phải lạy lục xin Trọng nhưng không được Trọng đồng ý. Việc đưa Trần Quốc Vượng thế chỗ Huynh qua cái gọi là "tham gia thành viên thường trực" của Trọng cũng không cần qua trung ương.

Thường trực Ban bí thư là một chức vụ cụ thể dành cho một người, nó không phải là một ban mà phải có những thành viên. Chỉ một cách chơi chữ của Trọng mà dễ dàng đưa được Vượng lên thay Huynh.

Con đường thăng tiến của Trần Quốc Vượng khá nhanh, khi Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư lần thứ nhất vào năm 2011, Trọng đưa Vượng lên làm Chánh văn phòng trung ương đảng, tức trợ lý cho Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2013 tại Hội nghị trung ương 7, khóa 11, Nguyễn Phú Trọng đưa tiếp vào Ban bí thư. Sau đó đến Đại hội 12, Trần Quốc Vượng được Trọng đưa vào Bộ chính trị và nắm chức Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương.

Trước đây Vượng nắm chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân từ năm 2007 đến 2011. Trên cương vị viện trưởng này, Vượng nắm giữ nhiều hồ sơ điểm yếu của các nhân vật trong đảng. Việc đưa Vượng về làm chánh văn phòng cho mình rồi đẩy lên làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã có những dã tâm, toan tính triệt hạ những đối thủ chính trị của mình để xây dựng quyền lực tập trung vào trong tay, ngay từ khi Nguyễn Phú Trọng ngồi được vào ghế tổng bí thư. Chỉ chưa đầy 2 năm vào Bộ chính trị, nhân lúc Đinh Thế Huynh bị ốm, Trọng đã đưa đệ tử ruột của mình là Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư, chức vụ thứ hai trong đảng.

Theo lệ thì ứng cử viên tổng bí thư phải làm ít nhất một nhiệm kỳ ở Bộ chính trị. Sau khi đưa Vượng vào Ban bí thư, Nguyễn Phú Trọng ra liên tiếp hai quyết định về nhân sự đảng là quyết định 89 và 90, trong đó quy định trường hợp đặc biệt thì không cần phải có trọn một nhiệm kỳ trong Bộ chính trị vẫn có thể làm được tổng bí thư. Động thái này của Trọng nhằm đưa Vượng vào vị trí thế chỗ, nếu như giữa nhiệm kỳ 12 Trọng bị đe dọa phải rời ghế Tổng bí thư cho người khác. Như một thông điệp cho các đối thủ nhăm nhe buộc Trọng giữ lời hứa về giữa nhiệm kỳ rằng, nếu tôi có về thì đến lượt đệ tử tôi chứ không phải ông.

Trần Quốc Vượng còn là Đại biểu quốc hội tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016-2021. Những sự việc bê bối ở Yên Bái không được Ban kiểm tra trung ương xử lý, bởi vì Vượng chính là Trưởng ban kiểm tra trung ương đương nhiên phải bịt các vụ việc này để giữ thế cho mình đi lên.

Điều đáng chú ý thứ hai trong Hội nghị trung ương 6 lần này là ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đọc tờ trình về đề án dân số. Vấn đề ngoại giao không là vấn đề quan trọng tại trung ương 6. Mặc dù đây là vấn đề cấp thiết và được dư luận quan tâm bức xúc sau những tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức về vụ an ninh Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cùng với việc Thủ tướng Hun Sen của Cambốt đưa ra quyết định thiếu thiện chí về 70 ngàn người Việt Nam sinh sống tại Cambốt, ngay sau chuyến đi thăm của Trọng đến nước này mấy ngày. Nguyễn Phú Trọng là người chịu trách nhiệm vì có những hành động lên quan đến sự kiện ngoại giao bi kịch trên, nhưng trơ trẽn và bất chấp chà đạp lên dư luận một cách nhạo báng, Trọng cho Bộ trưởng ngoại giao Phạm Binh Minh đọc tờ trình về đề án dân số.

Cũng đáng chú ý là giữa bao nhiêu vấn đề trọng đại, trong Hội ghị trung ương lần này, Nguyễn Phú Trọng đưa ra 5 mục cần thảo luận, trong đó 2 mục về sức khỏe dân chúng và vấn đề dân số. Các vấn đề còn lại là kinh tế, nhân sự và chất lượng hành chính công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được ưu ái điều hành thảo luận vấn đề tình hình kinh tế và ngân sách nhà nước, đây là vấn đề chuyên môn do Phúc phụ trách. Trên cương vị điều hành thảo luận vấn đề này, Phúc dễ dàng bịt mọi ý kiến chỉ trích và ca ngợi vống thành tích của mình lên. Được chuẩn bị từ trước cho phiên điều hành này có lợi cho mình, trước Hội nghị trung ương 6 họp vài ngày, Phúc đã cho Tổng cục thống kê đưa ra những con số đẹp mà khó ai có kịp thời gian để kiểm chứng như tăng trưởng kinh tế 7,4%, đầu tư nước ngoài tăng 13% để các tay bồi bút của Phúc bám vào đó tung ra những bài ca ngợi thành tựu của Nguyễn Xuân Phúc ngay ngày khai mạc Hội nghị trung ương 6.

Việt Nam là một nước tập trung lớn vào ngành chăn nuôi, thủy hải sản và trồng trọt. Trong một năm qua đại thảm họa Formosa đã gây thiệt hại nặng về vào ngành thủy sản, tiếp đến là sự kiện của ngành chăn nuôi lợn bị hạ giá thảm khốc đến mức người dân tiêu cực đập chết lợn đi chôn hoặc bỏ đói. Đồng bằng Tây Nam Bộ ngập mặn và hạn hán khủng khiếp ở đồng bằng sông Cửu Long, mực nước xuống thấp nhất trong nhiều thế kỷ qua, khiến vựa lúa lớn khổng lồ ở đây bị thiệt hại và các loại thủy sản nuôi trồng nước lợ cũng thiệt hại nặng theo.

Vậy con số 7,4 % tăng trưởng kinh tế mà các bồi bút gọi là thần kỳ liệu có đáng tin không ?

Các bồi bút của Nguyễn Xuân Phúc giải thích con số này trên căn cứ nào, phải chăng là căn cứ ảo tưởng đếm cua trong lỗ qua việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp mới. Tức các doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh, đã được dự tính số vốn đầu tư, số người lao động, số sản phẩm sẽ làm ra và đưa tất cả những dự tính đó vào con số tăng trưởng kinh tế. Chưa kể con số tăng trưởng còn đưa những dự án đầu tư FDI mà các nhà đầu tư Trung Quốc đang hứa hẹn vào con số báo cáo GDP của cả nước.

Hội nghị trung ương 6 mới diễn ra được hai ngày. Trong hai ngày này, những người thuộc phe Nguyễn Phú Trọng như bản thân ông ta và các đệ tử Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc đều có những lợi thế áp đặt mà có được. Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện độc tài áp đặt cuộc chơi và vấn đề thảo luận, Trần Quốc Vượng đã có cuộc ra mắt chính thức trước hội nghị rung ương như mọi thứ sắp đặt cho ông ta là lẽ đương nhiên rồi. Còn Nguyễn Xuân Phúc ghi được điểm bởi tự mình được quyền viết kịch bản cho mình.

Tâm điểm của Hội nghị trung ương 6 nằm ở vấn đề nhân sự, nghĩa là quyết định bổ sung người vào Bộ chính trị thay thế Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh và kỷ luật một số quan chức cấp cao nằm trong danh sách đối thủ của phe Nguyễn Phú Trọng.

Trong lời khai mạc Hội nghị trung ương 6, sau khi đưa ra 5 điểm cần thảo luận, lúc cuối bài diễn văn khai mạc Nguyễn Phú Trọng tiết lộ, ngoài những vấn đề đã nêu trên ra như đề án dân số, sức khỏe, kinh tế và hành chính công được quyết định, còn có những vấn đề quan trọng khác được xem xét và quyết định vào cuối kỳ họp.

Những vấn đề quan trọng này là gì mà không được tiết lộ trên báo chi như các vấn đề trên ? Chắc hẳn đó là vấn đề kỷ luật và bổ sung nhân sự, những vấn đề được quyết định và xem xét khi Nguyễn Phú Trọng đích thân điều hành phiên bế mạc, sẽ không còn thời gian cho các đối tượng thanh minh, bào chữa cho mình, trung ương không kịp ý kiến về tư cách chuyên môn của những người được đề nghị bổ sung.

Sau Hội nghi trung ương 6, phe Nguyễn Phú Trọng vẫn nắm chắc được quyền lực trong đảng, bằng những thủ đoạn trơ trẽn và đe dọa các ủy viên trung ương khác trong đảng. Tất cả các ủy viên trung ương đảng đều có vấn đề về tham nhũng, hối lộ, bằng cấp chuyên môn, quy trình bổ nhiệm, sai sót ở vị trí quản lý điều hành... Chỉ có những ủy viên nào nghe theo phe Nguyễn Phú Trọng, hoặc có được sự trợ giúp từ Trung Quốc mới đảm bảo không bị sờ đến.

Còn lại những ủy viên trung ương đảng không ngả theo phe Trọng và có quan điểm thần phục Trung Quốc đều lần lượt bị xử lý không vì tội này thì cũng vì tội khác, bởi có ủy viên trung ương đảng nào không phạm phải điều gì sai trái ?

Nếu Trung ương đảng chỉ toàn những kẻ trong sạch thì có lẽ đảng cộng sản không cần phải tổ chức những buổi họp cấp trung ương nữa.

Quay lại trang chủ
Read 876 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)