Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/10/2017

Cách Mạng tháng Mười tại Nga

Nguyễn Xuân Nghĩa

Đầu năm nay, Chính quyền Liên bang Nga không rầm rộ tổ chức lể kỷ niệm ngày tiêu vong của Đế quốc Nga với việc Hoàng đế Nicolai Đệ Nhị thoái vị trong cái gọi là "Cách mạng tháng Hai". Tới cuối năm, họ cũng khá kín đáo với việc Liên bang Xô viết ra đời với cuộc "Cách Mạng tháng 10". Thật ra, cuộc cách mạng này dẫn tới nhiều thảm họa trên thế giới và cần được đánh giá lại. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu việc đó.

cm101

Người biểu tình thưa dần tại Moscow trong dịp kỷ niệm cách mạng Nga. Courtesy TTXVN

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cách nay 100 năm, nước Nga có hai biến cố lịch sử khi chế độ Sa hoàng sụp đổ vào tháng Hai rồi chế độ cộng sản ra đời vào tháng 10 năm 1917. Ngày nay, dường như người dân Liên bang Nga còn phân vân về hai biến cố gọi là cách mạng trong khi Chính quyền cũng có vẻ kín tiếng về chuyện đó, ông giải thích thế nào về việc này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đề nghị cách nhìn khác với một giác độ mở rộng hầu chúng ta có thể rút tỉa được nhiều bài học cho tương lai sau khi nhớ tới hai chuyện. Thứ nhất là chế độ cộng sản ra đời tại Liên bang Xô viết được các sử gia đánh giá là một tai họa cho nhân loại vì khiến hơn trăm triệu người thiệt mạng trên thế giới. Thứ hai là Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga từng đánh giá rằng việc Liên Xô tan rã năm 1991 là một thảm họa. Vì họ khó dung hòa hai điều trái ngược ấy nên chúng ta hiểu ra sự phân vân của người Nga, phần tôi thì xin được nhìn lại sự thể trong một viễn ảnh dài.

- Trăm năm trước, một số trí thức tiến hành một cuộc cách mạng với niềm xác tín nhuốm mùi tôn giáo là từ nay nhân loại sẽ sống thịnh vượng, bình đẳng và tự do hạnh phúc. Họ lập ra chế độ cộng sản đầu tiên trên địa cầu, gieo rắc tai ương cho thế giới khiến cả trăm triệu người chết rồi tự sụp đổ chỉ sau có 74 năm cầm quyền, từ 1917 tới năm 1991 là khi Liên Xô tan rã. Vì sao lại có hiện tượng lạ lùng này ?

Nguyên Lam : Quả nhiên là vì sao lại có hiện tượng lạ lùng đó, và vì sao ông lại nói tới một số trí thức ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như mọi khi, tôi xin nói về bối cảnh sâu xa đã. Chúng ta phải trở ngược về thời gọi là Minh Triết, Enlightenment hay Siècle des Lumières của Âu Châu mà nổi bật nhất là tại Pháp từ quãng 1715 tới 1789, là khi có cuộc Cách mạng Pháp. Khi ấy, giới trí thức ưu tú của nhiều lãnh vực cứ tin vào lý trí và khoa học mà cho là nhân loại có sự tiến hóa tất yếu đến một kỷ nguyên thái hòa và bình đẳng. Ai thúc đẩy sự tiến hóa ấy nếu không là giới trí thức, với khí giới hay khí cụ là lý trí ? "Chủ nghĩa duy lý" xuất phát từ đó.

Khi còn trẻ, tôi cũng tin vậy và coi triết gia Jean Jacques Rousseau người Thụy Sĩ nổi tiếng tại Pháp là thần tượng. Sau này, trưởng thành hơn thì mới thấy là từ Rousseau bên cánh tả sẽ xuất hiện Maximilien Robespierre là trí thức cha đẻ của khủng bố thời Cách mạng Pháp từ những năm 1793. Nhưng Robespierre chưa thấm gì so với các trí thức hậu duệ sau này, mà chói lọi nhất Vladimir Lenin. Chuyện này hơi rắc rối nên tôi xin đi chầm chậm !

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta không ngờ là từ việc kỷ niệm trăm năm chủ nghĩa cộng sản mình phải trở ngược lên thế kỷ 18 tại Âu Châu. Xin đề nghị ông giải thích cho…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đừng quên rằng sau khi tin vào Thượng Đế hay Tôn Giáo, giới trí thức tiến bộ nhất Âu Châu tin vào lý trí và khoa học, đấy là thời kỳ Minh Triết. Họ gặp hai mâu thuẫn mà khi đó chưa biết. Vài trăm năm sau thì ta mới biết. Thứ nhất, nếu nhân loại tất nhiên tiến hóa theo một hướng nhất định thì vì sao còn cần sự hướng dẫn hay thúc đẩy của trí thức ? Câu trả lời là họ mắc bệnh tự sùng bái và phát minh ra chữ "phản động" để đả kích các tư tưởng khác là đi ngược quy luật tiến hóa. Mâu thuẫn thứ hai là vì bệnh tự mê đó, giới trí thức tự xưng tiến bộ cần sửa sự tiến hóa duy lý ấy khi nó tiến theo kiểu gọi là chệch hướng ! Tức là họ đi tìm và tạo ra một sự hợp lý khác, bất chấp thực tế vốn dĩ phức tạp hơn các khái niệm trừu tượng của họ. Cho nên, đầu nguồn của tội ác cộng sản là sự chủ quan kênh kiệu của một số trí thức ! Nghe cái này thì ai cũng ngỡ ngàng nên tôi mới cần giải thích chầm chậm !

Nguyên Lam : Nếu vậy, xin ông đi từ thời Minh Triết và giới trí thức của thế kỷ 18, 19 cho tới chế độ cộng sản…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tiêu biểu cho đám trí thức kiêu mạn là Karl Marx của Đức. Ông tưởng nhân loại sẽ tiến hóa tới chốn thiện mỹ, mọi người sẽ hết bị khan hiếm về kinh tế mà sống thịnh vượng và bình đẳng trong một xã hội hết còn giai cấp sau một cuộc cách mạng từ hình thái này lên hình thái khác. Ông tin vào một số lý luận nhiều mâu thuẫn và mường tượng ra một thời kỳ quá độ, chuyển tiếp, khi giai cấp vô sản tất yếu lập ra nền chuyên chính. Chuyện ấy không tự động xảy ra và không xảy ra tại Đức là xứ tiên tiến nhất Âu Châu thời ấy. Nó xảy ra bên Nga nhờ một trí thức khác là Lenin, được quân Đức đưa về Nga để làm suy yếu Đế quốc Nga giữa Đệ nhất Thế chiến và Lenin thành cha đẻ của Liên Xô và chế độ cộng sản.

Có thời gian nhìn lại thì Marx là trí thức tiên báo điều không tưởng rằng sự tiến hóa tất yếu của nhân loại theo duy vật sử quan hàm hồ. Lenin mới là loại trí thức siêu hạng của tội ác vì tiến xa hơn Marx khi chủ trương là không để xã hội vận hành tự nhiên từ chế độ này qua chế độ khác một cách tiệm tiến mà đề cao việc xây dựng một đảng cộng sản gồm những tay cách mạng chuyên nghiệp để cướp chính quyền và tiêu diệt mọi giải pháp cải lương. Không sống trong tháp ngà như Marx, Lenin đi vào hành động và viết lý luận cho hành động, kể cả và nhất là hành động khủng bố lẫn lối suy nghĩ là đảng cộng sản phải giữ độc quyền chân lý từ tư tưởng ở trên tới lập trường chính trị và tổ chức kinh tế ở dưới. Nhưng đến phần tổ chức kinh tế thì Lenin lại hoang tưởng về khả năng giải quyết nạn khan hiếm khi cho rằng việc quản lý kinh tế cũng đơn giản như việc phát thơ !

Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng từ Karl Marx tới Vladimir Lenin thì hai nhà trí thức ấy đã củng cố ách độc tài và dẫn tới những tai họa của chế độ cộng sản ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ sau giới trí thức ta cần nhìn thấy sự xuất hiện của các tay bá đạo trong bộ máy cộng sản. Lenin tiến xa hơn Marx mà khi tiêu diệt mọi giải pháp tư tưởng hay chính trị khác. Vì vậy, khi phe Bolshevik của ông nắm chính quyền là phe Menshevik vào tù và sau này, phe Đệ Tam của Cộng sản đã thủ tiêu phe Đệ Tứ cũng của Cộng sản. Đó là chuyện bên trong. Chuyện bên ngoài là chế độ cộng sản thành hình tại Nga là nhờ Thế chiến I từ 1914 tới 1918. Trong cuộc chiến giữa Nga và Đức, Lenin được quân Đức đưa về Petrograd của Nga, nay là St. Petersburg, để loại Đế quốc Nga khỏi vòng chiến. Nương theo cuộc cách mạng tư sản chống chế độ Sa hoàng vào tháng Hai 1917, khi Đế quốc Nga đang kiệt quệ, hạt nhân cộng sản của Lenin cướp chính quyền trong cái gọi là "Cách Mạng tháng Mười" và mở ra mấy năm nội chiến khiến dân Nga chết mấy triệu người. Cách mạng đó không đi theo quy trình tất yếu như Marx tiên đoán mà là hành động chuyên nghiệp với phương pháp khủng bố. Cái ác từ đầu nguồn chính là Lenin. Sau đó mới là công trình của Josef Stalin, Mao Trạch Đông hay các tên đồ tể khác của cộng sản….

Nguyên Lam : Như vậy, phải chăng lý tưởng ban đầu của chủ nghĩa cộng sản là xây dựng một chế độ hết còn bóc lột và người người đều có thể làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu như họ nói lại kết thúc với tàn sát và bóc lột ? Thưa ông, phải chăng vì vậy mà cả trăm triệu người đã chết vì khủng bố, đấu tố và chiến tranh ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên nhớ cộng sản xuất hiện từ các trí thức duy ý chí như Marx, Lenin hay Trotsky, là tay trí thức đã thành lập Hồng quân Liên Xô rồi bị Stalin ám sát. Từ đám trí thức có chủ trương nắm quyền tuyệt đối về sau mới có bọn bá đạo lên ngôi bạo chúa như Stalin tại Nga hay Mao ở bên Tầu. Đám côn đồ ấy chả quan tâm đến giai cấp hay bóc lột mà chỉ lo cho quyền lực tối cao như mục tiêu hơn là phương tiện. Họ không lập ra nền chuyên chính vô sản như Marx mơ tưởng mà đặt ách chuyên chính lên đầu giai cấp vô sản và diệt hết mọi đối thủ ngay trong đảng. Đấy là hậu quả từ sáng kiến "dân chủ tập trung" của Lenin. Từ trong ra ngoài thì người cộng sản luôn luôn phát huy tinh thần phản chiến hay ngụy hòa tại các nước khác để giải giới họ mà vẫn gieo mầm cộng sản và tạo ra chiến tranh ở nhiều nơi khiến trăm triệu người chết. Một nơi đó chính là Việt Nam với hạt nhân là Hồ Chí Minh.

Nguyên Lam : Chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội trở lại đề tài kỳ lạ này. Vì thời lượng có hạn, xin ông nêu ra vài kết luận cho chương trình hôm nay.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin có vài kết luận nhỏ. Thứ nhất, "ta nên hoài nghi các tư tưởng cao đẹp mà biện minh cho bọn sát nhân". Thứ hai, "giới trí thức Âu Châu truyền bá tư tưởng cao đẹp ấy mà chẳng biết là sẽ nặn ra một lũ đồ tể". Thứ ba, sở dĩ như vậy là "trí thức cho bạo quyền tiêu diệt bất cứ ai đi chệch hướng của họ". Thứ tư và để minh diễn nghịch lý này, ta thấy "các lãnh tụ cộng sản Á Châu đều xính làm thơ, khi đó các nhà thơ đều có thể bị đấu tố nếu không chịu làm văn nô nằm dưới sự lãnh đạo của đảng". Sau cùng, "qua thế kỷ 21, các bạo chúa đều hết tư tưởng mới, nhưng ta vẫn nên cẩn thận với khả năng của loại trí thức tự xưng tiến bộ như trí thức của thế kỷ 19 !"

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 10/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 809 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)