Ngày 4/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 của đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội. Theo truyền thông trong nước, hội nghị này sẽ bàn thảo nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, dân số, y tế, và không thể thiếu vấn đề nhân sự nội bộ đảng.
Những thanh củi đã và đang được đưa vào lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kỷ luật quá nhẹ
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6 của đảng cộng sản Việt Nam, một loạt "đại án" tham nhũng được đem ra xét xử, nhiều bị can bị bắt giữ thêm và hàng loạt quan chức các cấp bị kỷ luật đảng vì nhiều sai phạm, trong đó có bí thư thành ủy và chủ tịch thành phố Đà Nẵng.
Theo nhà văn Nguyễn Nguyên Bình – một cán bộ đã nghỉ hưu, vấn nạn tham nhũng đã có hàng chục năm nay, gây bức xúc trong nhân dân và giới lão thành cách mạng, gây nên nhiều hệ lụy cho đất nước. Bà Nguyên Bình cho rằng, để chống tham nhũng cần phải đạt được ít nhất hai mục tiêu. Thứ nhất, là phải trừng phạt được những quan chức tham nhũng và thứ hai, là phải thu hồi được số tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Tuy nhiên, bà đánh giá cả hai mục tiêu này cho đến nay đều không đạt được :
"Một là những hình thức kỷ luật các ông ấy là quá nhẹ, thậm chí về mặt đảng thì cũng chưa ai khai trừ đảng. Đáng lẽ những tội ấy phải chịu trách nhiệm hình sự và truy tố thì không thấy ai bị truy tố cả. Thế thì những cái ấy không có tác dụng răn đe gì cả, những người chưa tham nhũng thì họ cũng chẳng sợ. Cái thứ hai là tịch thu tài sản mà họ đã tham nhũng, thì chưa thấy báo chí nói đã tịch thu đồng nào để đưa vào ngân sách cả".
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết, nguyên trưởng ban Dân vận của đảng cho rằng, các cơ quan chống tham nhũng của Đảng được lập ra và hoạt động không dựa trên bất cứ cở sở pháp lý nào ; công cuộc chống tham nhũng là "đánh trống bỏ dùi", "nửa vời" :
"Phải thay đổi cơ cấu, cơ chế về luật pháp, phải có tòa án độc lập, phải thật sự có một ngành công an tài đức dụng, thì mới chống tham nhũng được. Còn nhà báo viết bài chống tham nhũng thì bị bỏ tù thì làm thế nào chống tham nhũng được".
Bà Nguyên Bình nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng hay kỷ luật trong nội bộ đảng có liên quan đến sự đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe cánh trong đảng, đặc biệt được sử dụng trong các hội nghị trung ương :
"Anh nào cũng tham nhũng, nhưng mà không phải phe của mình thì mới chống, mới đánh. Ví dụ một vụ rất lớn là vụ thuốc giả ở Bộ y tế làm ảnh hưởng cộng đồng thì chưa thấy nói gì cả. Trong khi đó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh chỉ vì tội dùng bằng giả và một số tội khác, chẳng biết tội ai nặng hơn ai, nhưng mà ông Xuân Anh lại bị đánh".
Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ngày làm việc thứ 2, hôm 5/10/2017 tại Hà Nội. Courtesy of chinhphu.vn
Theo bà Nguyên Bình, kết quả của Hội nghị Trung ương 6 lần này khó dự đoán, bởi đây là sự cạnh tranh về quyền lực và lợi ích giữa các phe, chứ không phải về vấn đề tư tưởng và quan điểm :
"Trước kia, trong nội bộ cấp cao của đảng cũng có một vài phe phái, nhưng người ta cảm nhận được nó rõ và nó ít thôi. Và cái sự đấu tranh của người ta cũng còn kín đáo, thế nhưng đến gần đây thì tôi cảm nhận là cò rấ nhiều phe và họ đấu tranh với nhau có vẻ cũng lộ liễu. Nhưng mà cũng như dân gian nói là không biết mèo nào cắn miểu nào ? Có người họ nói phe này mạnh, có người nói phe kia mạnh. Có người lại nói anh này trước ở phe này nhưng giờ lại chạy sang phe kia. Có nhiều biến đổi nên khó dự đoán".
Kịch bản thỏa hiệp
Tuy khó dự đoán về kết quả, nhưng theo nhà văn Nguyên Bình, có một kịch bản thỏa hiệp giữa các phe trong nội bộ đảng có thể sẽ diễn ra trong hội nghị lần này :
"Thường thường, bao nhiêu cuộc đấu tranh thì nó cứ đấu tranh đến đoạn lưng chừng thì lại thỏa hiệp, từ trước đến nay chưa có cuộc đấu tranh nào đến nơi đến chốn cả. Hai bên đánh nhau như là giết nhau đến nơi, nhưng rồi lại thỏa hiệp thì chịu, không thể dự đoán được".
Trước Hội nghị trung ương 6, ông Nguyễn Trung – cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đã có một bản kiến nghị cải cách chính trị gửi tới các lãnh đạo cấp cao của Đảng. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định, nếu như đảng cộng sản không "tỉnh ngộ", nghe theo các kiến nghị cải cách về thể chế, chính trị, pháp luật, xây dựng xã hội dân sự thì sẽ "mua dây buộc mình", mất lòng tin của người dân. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai không tin rằng hội nghị này sẽ lắng nghe những ý kiến như của ông Nguyễn Trung :
"Cho nên có người hoan nghênh Nguyễn Trung, nhưng cũng có người người chê, nói ông tầm phào, không thấy sự thật. Nhiều cán bộ lão thành cách mạnh, kể cả cưu ủy viên bộ chính trị nói với tôi rằng ‘nói với họ như nói với đầu gối’ họ không có nghe đâu".
Trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước như chiếc lò đang nóng hừng hực với công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, sự cạnh tranh trong nội bộ đảng, bên cạnh là những yếu tố về kinh tế, quan hệ ngoại giao với Đức và EU, theo bà Nguyên Bình đánh giá, những điều này tác động xấu đến tình hình đất nước :
"Bởi vì tình hình đất nước đứng trước hai nguy cơ, một là kinh tế tụt hậu, hai là nguy cơ ngoại xâm. Nhưng họ không tập trung giải quyết hai nguy cơ đấy mà lo tranh quyền đoạt lợi lẫn nhau thì làm sao mà không ảnh hưởng đến đất nước".
Bà Nguyên Bình nhắc lại đề nghị từng được nhiều người đưa ra là để chống được cả ngoại xâm và tham nhũng, Việt Nam cần phải dân chủ hóa đất nước, đổi mới chính trị, tôn trọng sự đa nguyên, áp dụng tam quyền phân lập, và thực sự tôn trọng các quyền của công dân.
Phóng viên RFA, Hà Nội
Nguồn : RFA, 10/10/2017