Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/10/2017

Sẽ vớt được hay cứ chìm xuồng mãi ?

Phạm Trần

Ngày 03 tháng 10 (2017) vừa qua, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định sẽ công khai cho dân biết khối tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải khai để gọi là "đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"nhằm cứu đảng khỏi tan và giữ được cầm quyền.

tqv1

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thành viên Thường trực Ban Bí thư đảng cộng sản

Quyết định số 99-QĐ/TW do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thành viên Thường trực Ban Bí thư ký ban hành đã đề ra những "Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân" trong công tác mới này.

Đây là việc làm chưa có tiền lệ vì kể từ khi có Nghị định "Về minh bạch tài sản, thu nhập"(78/2013/NĐ-CP) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra ngày 17 tháng 07 năm 2013, hồ sơ khai báo tài sản chỉ phải "nộp về cho đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ".

Nghị định cũng chỉ dành đặc quyền cho "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức".

Nhưng công khai với ai ? Nghị định 78 quy định : "Bằng một trong hai hình thức sau : Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp với phạm vi như quy định tại Điều 14 Nghị định này vào thời điểm sau tổng kết hàng năm".

Điều 14 cho phép chỉ phải "báo cáo" với 3 cấp : Trung ương, Địa phương và Doanh nghiệp (Nhà nước). Nghĩa là cho phép kẻ khai và người nghe cứ tự nhiên "đóng cửa bảo nhau" để dĩ hòa vi quý, không cho dân biết, không lợi dụng để nói xấu nhau hay tiết lộ ra bên ngoài để bảo vệ uy tín cho cơ quan, đơn vị và cho người khai để giữ tình đồng chí, đồng chí trong đơn vị.

Vì vậy từ trước đến nay, mỗi khi nói đến kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên là nhân dân lại được một trận cười mệt nghỉ bên bàn nhậu. Bởi vì đảng luôn lẻo mép cho rằng tài sản cán bộ, đảng viên là "vấn đề nhạy cảm" nên việc khai báo lâu nay chỉ là chuyện hình thức, làm cho có lệ để báo cáo cho an toàn xa lộ.

Bằng chứng là không biết bao nhiêu cán bộ bậc trung lương chỉ dư ra chút đỉnh sau chi tiêu mà lấy đâu ra tiền xây nhà khang trang và còn tậu thêm căn thứ 2 cho thuê kiếm lời và vẫn có tiền gửi con ra nước ngoài du học mỗi năm tốn vài chục ngàn dollars ? Ấy là chưa kể chuyện rất nhiều quan lớn còn có tiền nuôi bồ nhí, có dinh thự hoành tráng, xe ô tô, cơ sở thương mại và đất đai ở các khu vực giá vàng do người khác đứng tên giùm.

Có nhiều cán bộ cao cấp vẫn cứ ngênh ngang xiên xẹo nói với Thanh tra chính phủ khi bị chất vấn rằng tài sản và tiền họ có là do "nuôi lợn" (heo). Chuyện quái gở này chỉ có trong xã hội cộng sản Việt Nam mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cầm quyền thì vẫn cứ sợ "đập chuột vỡ bình" thì có khôi hài không ?

Bằng chứng kê khai tài sản theo cách hiện nay đã bị chế riễu "chẳng để làm gì", như cách nói của ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng khoa học của Ủy ban thường vụ quốc hội (nhiệm kỳ 2017-2022). Sau đó báo Quân đội nhân dân ngày 17/10/2017 đã phụ họa : "Điều đáng nói là, dù cho nội dung này (Quyết định công khai 99-QĐ/TW) đã được đề cập trong nhiều văn bản và không ít nghị quyết của Trung ương, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Ví như, cán bộ, đảng viên, công chức theo quy định hằng năm vẫn kê khai tài sản ; vẫn đăng ký nội dung phấn đấu, học tập, công tác ; vẫn viết cam kết trong thực thi nhiệm vụ… nhưng ai biết, ai theo dõi, ai giám sát thì không rõ ràng, thiếu thực tế".

Báo này còn mỉa mai : "Một số cán bộ khi kê khai tài sản, giá trị chưa bằng tài sản của một người nông dân ở vùng sâu, vùng xa ; nhưng trên thực tế thì lại có biệt thự, xe hơi, con cái thì đi du học hết nước này đến nước khác. Rồi chuyện, kiểm điểm chất lượng đảng viên, cán bộ hằng năm vẫn được cấp ủy, tổ chức đảng đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng rồi bất ngờ lại bị truy tố vì tham ô, tham nhũng ; vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư túi, vun vén cho cá nhân và gia đình…".

Như vậy có phải đảng đã hết thời với tham nhũng rồi không, hay đảng chỉ biết nói nhiều làm ít hoặc chẳng làm gì hết nên nhân dân mới điêu đứng, đất nước mới tan hoang như bây giờ ?

Vậy nguyên nhân của trì trệ từ đâu ? Báo Quân đội nhân dân trả lời : "Tất cả những biểu hiện trên, suy cho đến cùng là thiếu tính minh bạch. Tư tưởng "đóng cửa bảo nhau" tồn tại trong một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu vô hình trung tạo điều kiện để cán bộ có "cơ hội" tham nhũng, tư túi, coi thường nhân dân, coi thường dư luận".

Như vậy thì Ủy ban Kiểm tra trung ương của đảng và Thanh tra chính phủ đã làm gì mà những thói hư tật xấu này cứ tồn tại mãi ?

Chẳng nhẽ họ chỉ biết ngôi chơi xơi tiền dân quanh năm mà "ngài" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn để yên để gãi ghẻ như ông từng than phiền năm 2013 ?

Ngổn ngang trăm mối

Đó là lý do tại sao ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên thường trực Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã nói với đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Viet Nam) ngày 05/05/2017 : "Sau nhiều năm đã triển khai thực hiện chưa tốt Nghị quyết trung ương 6 lần 2 (khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu năm 1999) nếu quyết tâm làm thì giờ khác nhiều rồi".

Đó là Nghị quyết về"Xây dựng, chỉnh đốn Đảng", ra đời tháng 2/1999.

Nhưng "thiếu quyết tâm" lại là chứng ung thư cha truyền con nối trong đảng trên các mặt phòng, chống tham nhũng ; suy thoái đạo đức và tư tưởng của cán bộ đảng viên.

Sau Lê Khả Phiêu, người đã nhượng bộ một phần lãnh thổ Việt Nam, để mất ải Nam Quan và phần lớn quan trọng thác Bản Giốc cho Trung Quốc trong "Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Trung Quốc" ký ngày 30/12/1999, người dân Việt Nam lại phải trả giá cho 10 năm cầm quyền (hai khóa IX và X) bất lực, bè phái, tham nhũng và suy thoái đạo đức của cán bộ đảng viên và nhượng biển cho Tầu dưới thời Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Ông Mạnh cũng đã ký một lượt 2 Hiệp ước với Bắc Kinh, đó là : "Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ" và "Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ" , ký ngày 25 tháng 12 năm 2000.

Vì vậy, sau 2 năm nắm quyền khóa đảng XI, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải triệu tập Hội nghị trung ương 4 và ra Nghị quyết ngày 16/1/2012, gọi là "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Nhưng nội dung cũng không khác gì Nghị quyết 6 (lần 2) thời Phiêu.

Nhưng sau 5 năm khua chuông gõ mõ, ông Tổng Trọng lại cũng bẽ bàng như những người tiền nhiệm khác nên buộc lòng phải dốc tâm vào Hội nghị trung ương 4, Khóa XII để ra Nghị quyết ngày 30/10/2016 "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ". 

Một năm sau (2017), tình hình vẫn ngồi nguyên một chỗ với những lời than, tiếng vãn đau khổ của dân và trách oán của giới trí thức và cựu đảng viên, viên chức cao cấp thức thời trong đảng.

Vì vậy mà báo cáo nào của đảng cũng than van tình hình tham nhũng, lãng phí "vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi". Trong khi ông Trọng lại không muốn diệt tham nhũng mà chỉ muốn "vừa chống vừa xây" và sợ "đập chuột vỡ bình" nên các phần tử xấu hại dân trong đảng vẫn cứ nhe răng ra cười. Đó là lý do tại sao ông Trọng phải ra Quyết định số 99.

Nội dung Quyết định 99

Quyết định số 99-QĐ/TW đưa ra những định hướng như sau :

- "Thực hiện những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương 4 khóa XII.

- Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ phải được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, kiên trì, thiết thực, hiệu quả. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện, cầu thị lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân".

Nghe qua thì có lẽ nhiều người cũng khoái tỷ vì được đảng quan tâm và coi trọng vai trò "giám sát" của mình để cho "quyền làm chủ đất nước" của mình được tôn trọng thật sự chứ không chỉ bằng nước bọt như bấy lâu nay.

Nhưng hãy khoan vội hy vọng kẻo sẽ thất vọng ê chề vì đó là việc của đảng chứ không phài việc của dân mà nhảy chôm lên nôn nóng.

Trong Quyết định mới, đảng hứa sẽ công khai : "Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra ; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân ; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận ; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).

Tiếp đến là công khai cả : "Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc ; danh tính, chức vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân".

Sau cùng là công khai cả : "Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên ; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định".

Vậy đảng sẽ công khai như thế nào ?

Quyết định 99 cho phép : "Công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng ; cổng thông tin điện tử ; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị ; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác".

Đây là một khúc quanh "công khai chưa có tiền lệ" đáng chú ý đối với thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng mọi người cũng nên bình tĩnh, không nên vội vàng hồ hởi phấn khỏi khi chưa biết bao giờ ông Tồng Trọng sẽ làm. Bởi vì khi đụng đến chuyện "công khai tài sản" của nhau là sẽ sinh ra muôn vàn thứ chuyện "nhạy cảm" và nhiêu khê như có nhiều khai ít như đã chứng minh trong quá khứ.

Bằng chứng như tại buổi điều trần trước Quốc Hội ngày 28/20/2016, cả Tổng thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu và Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga đã đều cho biết : "Năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỉ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm".

Hai số 27 và 19

Ngoài những điểm quan trọng vừa kể, Quyết định 99 cũng ra lệnh phải "Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; 19 điều quy định đảng viên không được làm".

Mục đích của việc phải công khai 27 biểu hiện là ông Trọng muốn mọi người phải biết sợ mà không dám tự tung tự tác trái với ý muốn của ông.

Trong số 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đứng đầu là : "Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh".

Ông Trọng biết dư tại sao đảng viên đã chán Mác-Lênin và tư tưởng cộng sản của ông Hồ đến tận mang tai, chỉ vì nó đã hết thời và lạc hậu và sát hại trên 100 triệu người trên thế giới, kể cả ở Việt Nam từ 1930. Nhân dân Nga đã ruồng bỏ nó như cơn ghẻ ngứa ngáy mà ông Trọng, người cực kỳ giáo điều, bảo thủ và độc tài lại cứ muốn mọi người phải đặt nó lên bàn thờ, dù nó đã chết nhăn răng từ năm 1991 giữa Mạc Tư Khoa (Moscow).

Trong số 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống thì có các chứng "tham ô , tham nhũng, lãng phí, quan liêu xa rời quần chúng, bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi ; thích được đề cao, ca ngợi ; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu", v.v...

Cuối cùng trong số 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đứng đầu là : "Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".

Thứ đến là : "Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai".

Thứ 3 là đã có số đông cán bộ, đảng viên công khai : "Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng ; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước", v.v.

Như thế thì còn gì là kỷ luật đảng ? Nhưng còn 19 điều đảng cấm không được làm, có từ ngày 1/11/2011 (khóa đảng XI) có gì khác ?

Đứng đầu là không được : "Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng ; làm những việc mà pháp luật không cho phép".

Đảng cũng cấm không được nạn : "Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ". Hay : "Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thóat tài sản và các tiêu cực khác", v.v.

Dân muốn biết

Bây giờ hãy tạm gác chuyện "hành động cách mạng" của Quyết định 99 mà mọi người muốn ông Trọng cho biết tiền đâu mà người Việt trong nước đã có để chuyển 3.600 triệu dollars (3,6 tỷ USD), qua đường không chinh thức để mua bất động sản bên Mỹ từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017 ?

Đây là báo cáo ghi trong "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) (theo báo điện tử VietNamExpress ngày 23/07/2017).

Ngoài ra cũng từ đồng lương nào mà tính tới năm 2016 đã có tới 21.403 sinh viên Việt Nam được gia đình gửi du học tại Hoa Kỳ.

Đó là con số do tổ chức Open Doors 2016 của Viện giáo dục quốc tế hợp tác với Vụ giáo dục và văn hóa, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 15/11/2016. Open Doors nói so với năm 2015 thì mức tăng là 14,3%. Trong khi đó, tính tới hết tháng 3 năm 2017, Việt Nam có 19.708 du học sinh tại Australia, chiếm 4,1% trong tổng số sinh viên quốc tế. Con số này cho thấy sự gia tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. 

Đã có một số Đại biểu quốc hội yêu cầu Chính phủ cho điều tra để biết nguồn gốc của khoản tiền du học, nhưng Bộ chính trị và Chính phủ vẫn giả điếc như không nghe thấy.

Vậy liệu Quyết định 99 có khả năng tìm ra manh mối của những khoản tiền khổng lồ đã chạy khỏi Việt Nam, hay sẽ lại cho rằng "chuyện cũ gác lại" để nhìn vào tương lai cho bớt "nhạy cảm" ?

Phạm Trần

(18/10/2017)

Quay lại trang chủ
Read 927 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)