Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2017

Nghe học giả Trung Quốc thách thức mà nóng gà...

Trương Nhân Tuấn

Học giả Trung Quốc đã nhiều lần thách thức học giả Việt Nam trên báo chí, truyền thông nước ngoài, lần nào học giả Việt Nam cũng "đánh trống lãng", coi như không có.

hs1

Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa - Ảnh minh họa

Học giả Trung Quốc nhắn học giả Việt Nam rằng, nếu Việt Nam có những bằng chứng "bất khả tranh nghị" về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa thì các cuộc "hội thảo" về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thì Việt Nam nên "mở cửa" để tiếp đón học giả Trung Quốc.

Lời đề nghị của học giả Trung Quốc là hợp lý. Vấn đề là phía Việt Nam "thủ khẩu như bình". Bên phía học giả, hội thảo nào giờ cốt chỉ "nói cho nhau nghe", tự sướng với nhau chớ thói quen là không mở cửa cho người ngoài. Còn về phía nhà nước "hả miệng mắc quai". Công hàm 1958 cùng với những tài liệu của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhà nước tiền thân của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Vì vậy làm thế nào học giả Việt Nam có thể tổ chức hội thảo công khai về Biển Đông, mời học giả Trung Quốc vào đối thoại ?

Mới hôm rồi trên BBC, sau khi phát hình ông học giả Trung Quốc thách thức Việt Nam nếu có bằng chứng gì về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thì tổ chức hội thảo công khai. Học giả Trung Quốc sẽ đến để phản biện.

Ý kiến của "học giả" Việt Nam là mấy cha nội Trung Quốc nói vậy là "ngụy biện" (sic !).

Thật tình, không lẽ giàn học giả "thượng thặng" của Việt Nam có có bấy nhiêu người ?

Vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kéo dài hàng thế kỷ. Thời Pháp thuộc, nhà nước bảo hộ Pháp đã thay mặt đế quốc Việt Nam hai lần thách thức Trung Quốc đưa vấn đề tranh chấp trước một trọng tài để phân giải. Cả hai lần Trung Quốc đều từ chối.

Họ từ chối là đúng. Bởi vì họ không có lý lẽ nào để thắng.

Sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, miền Bắc thống nhứt đất nước. Trung Quốc là phía duy nhứt thắng trận ở Biển Đông. Bởi vì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nhiều lần (cam kết) và nhìn nhận tất cả các cấu trúc địa lý thuộc Hoàng Sa và Trường Sa (và vùng nước chung quanh) là thuộc về Trung Quốc.

Hả miệng mắc quai là vậy. Trên danh nghĩa pháp lý, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có tư cách nào để phản biện lại Trung Quốc.

Từ lâu tôi đã đề nghị một giải pháp để hóa giải các tài liệu mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là biện pháp "hòa giải quốc gia để kế thừa danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa".

Giải pháp này tôi đề nghị từ trên 15 năm qua. Bây giờ nhìn lại, vẫn chỉ có một mình đơn độc vận động.

Phải chi học giả Việt Nam "hợp xướng" với tôi về giải pháp này, thì ít ra hôm nay phía Việt Nam cũng có vài lý lẽ để phản biện lại học giả Trung Quốc.

Vj tập lịch sử vừa được xuất bản trong nước, theo đó "bên thắng cuộc" vẫn gọi Việt Nam Cộng Hòa là "tập đoàn đánh mướn". Kế sách "hòa giải quóc gia" của tôi xem như thất bại.

Thì kế hoạch kế tiếp, tôi đề nghị Việt Nam tổ chức lại hành chánh quốc gia, thiết lập nên nền "cộng hòa liên bang" với hai tiểu bang "Nam Việt cộng hòa quốc" và "Bắc Việt cộng hòa quốc".

Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Paris 1973, nhìn nhận dân tộc miền Nam có quyền "dân tộc tự quyết".

Thì hệ quả hiển nhiên, Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục thuộc chủ quyền của Việt Nam, do miền Nam quản lý. Tất cả những cam kết của miền Bắc về chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa xem như vô hiệu lực.

Tức thì có nhiều tiếng nói lên tiếng phản đối, cho rằng tôi có chủ trương "ly khai".

Vấn đề là, như đã nói tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kéo dài hàng trăm năm. Điều tệ hại là, sau khi nhóm học giả tiền bối Việt Nam Cộng Hòa khuất núi, thì "học giả" Việt Nam bây giờ không có bất kỳ một kế hoạch nào, về pháp lý cũng như lịch sử, để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Thái độ của họ "nói cho nhau nghe", không dám mời học giả Trung Quốc vào để đối chất, cho thấy tinh thần của họ.

Theo tôi, giải pháp "quốc gia liên bang" còn có thể giải quyết nhiều vấn nạn của Việt Nam (như nạn nhân mãn) và nạn ly khai.

Nếu các học giả Việt Nam "bở lỡ con đò chót" này, thì Hoàng Sa và Trường Sa coi như vĩnh biệt.

Dĩ nhiên ngoại trừ lúc đó miền Nam tuyên bố "ly khai", làm "sống dậy" cái gọi là Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lúc đó sẽ không còn "quốc gia liên bang" mà sẽ có hai quốc gia Việt Nam.

Trương Nhân Tuấn

(02/11/2017)

********************

Thấy trên báo Giáo dục Tiến sĩ Trần Công Trục có lên tiếng "phản biện" ông giáo sư người Trung Quốc Phó Côn Thành. Ý kiến của giáo sư người Trung Quốc, qua vài ba câu trên BBC dĩ nhiên không thể hiện hết các lý lẽ của phía Trung Quốc. Vấn đề là, bây giờ không phải là lúc đôi co tay đôi về việc Việt Nam có tổ chức các cuộc hội thảo công khai về chủ quyền biển đảo hay không ? Mà chừng nào thì Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo "tay đôi", giữa học giả Việt Nam và học giả Trung Quốc, về chủ đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền các quần dảo Hoàng Sa và Trường Sa ?

Tôi thấy là thời gian qua thỉnh thoảng Việt Nam có tổ chức các cuộc "hội thảo", theo kiểu "nói cho nhau nghe", của các "học giả " Việt Nam.

"Nói cho nhau nghe" vì thực chất đúng là như vậy. Đâu phải ai muốn tham dự là vào tham dự được ?

Cá nhân tôi, quá trình nghiên cứu về biên giới, về chủ quyền biển đảo của Việt Nam... về thời gian thì (kinh nghiệm) tính ra đã trên 15 năm. Về "công trình" đã công bố thì ngoài cuốn sách về biên giới Việt Nam -Trung Quốc đã xuất bản năm 2000, còn có trên ngàn trang sách chưa xuất bản. Bạn bè các nơi, ngay cả các học giả người Trung Quốc, đều có thể "làm chứng" cho tôi về "hồ sơ lý lịch cá nhân" này. (Các học giả Trung Quốc, mỗi khi nhắc tới nhà nghiên cứu nào của Việt Nam thì thường hay đề cập đến tên cá nhân tôi).

Nhiều lần tôi muốn tham dự một cuộc "hội thảo" về chủ quyền biển đảo do phía Việt Nam tổ chức nhưng chưa bao giờ tôi được hài lòng. Khi xin được Visa thì không "vận động" được "giấy mời". Các cuộc tổ chức bên Mỹ cũng vậy. Ban tổ chức lo sợ rằng những phát biểu của tôi sẽ ảnh hưởng tới sự "thành công" của cuộc hội thảo.

Như vậy tôi là "nhân chứng" để chứng minh rằng học giả Trung Quốc nói đúng : Việt Nam chỉ tổ chức hội thảo "nói cho nhau nghe", tự sướng với nhau, chớ không có chủ trương nghe những "ý kiến khác", tiếng nói khác với chủ trương đảng và nhà nước.

Hai ba bài vừa đăng trên Giáo dục của Tiến sĩ Trần Công Trục cũng là một thứ lý luận một chiều. Chủ quyền lãnh thổ đâu phải chỉ chứng minh bằng ba cái mớ "thủ tục thụ đắc lãnh thổ" ?

Thử tổ chức một cuộc hội thảo "giữa người nhà với nhau" tôi sẽ chỉ cho ông Trục và các học giả Việt Nam cái sai của mình là ở đâu !

Trung Quốc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa và Trường Sa là do phía Việt Nam "từ bỏ chủ quyền lãnh thổ" chớ chẳng phải do tài liệu lịch sử nào cả. Nói loanh hoanh về "thủ tục thụ đắc lãnh thổ" kiểu ông Trục là "mất thì giờ".

Ông Trục, cũng như các học gia Việt Nam chỉ đi vành ngoài vấn đề, không dám nói vô trọng tâm, vì sợ "mất sổ hưu".

Nhưng càng không nói, càng "tung hỏa mù" qua các cuộc hội thảo tự sướng" thì Trung Quốc càng có thêm thời gian củng cố chủ quyền của họ.

Các vụ cấm biển rõ ràng là hành vi "khẳng định chủ quyền". Trung Quốc cấm vùng biển nào có nghĩa là vùng biển đó (phía Trung Quốc cho rằng) thuộc Trung Quốc.

Trước dư luận quốc tế, người ta đâu có đọc các bài báo của ông Trục mà người ta xem "thái độ" của Việt Nam như thế nào ? Việt Nam có "thi hành" lịnh cấm biển của Trung Quốc hay không ?

Và thái độ của Việt Nam, ngoài việc "phản đối" của phát ngôn nhân thì không có gì khác.

Tại sao không nhân dịp học giả Trung Quốc thách thức, Việt Nam chính thức lên tiếng mời các học giả Trung Quốc sang Việt Nam dự hội thảo về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Không phải hành vi này là "đưa tranh chấp Hoàng Sa" vào vòng "bàn luận" đó hay sao ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhanuan.truong, 03/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 914 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)