Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/11/2017

Sau 20 năm, Internet 'chuyển hóa' Việt Nam như thế nào ?

BBC tiếng Việt

Năm 2000, chỉ có 0,2% người Việt có Internet, nhưng 17 năm sau, hơn 53% dân số có thể truy cập mạng thường xuyên.

internet1

Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng lên hơn 50 triệu người, theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU)

Facebook và YouTube là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam với 51% người dùng Internet sử dụng hai mạng xã hội này.

Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong danh sách những nước có người dùng đông nhất trên Facebook, theo báo cáo của We are Social, một công ty chuyên về chiến lược tiếp thị và quảng cáo điện tử.

Chính vì vậy ngay cả những con người tiên phong mở lối khai sáng Internet tới Việt Nam còn không thể 'tưởng tượng nổi' sự phát triển bùng nổ và khuyếch đại của mạng lưới toàn cầu này.

Những ngày đầu 'gian nan' của Internet Việt Nam

Ông Thái Duy Hòa, một trong nhóm những người giúp thiết lập mạng NetNam cho BBC biết khai sinh của NetNam chỉ là một dịch vụ mạng thuộc Viện Công nghệ Thông tin.

"Lúc đó Việt Nam chưa có kết nối internet với quốc tế, Netnam cung cấp hai dịch vụ là dịch vụ email từ Việt Nam ra quốc tế và ngược lại, thứ hai là tạo ra các diễn đàn.

internet2

Những người trong nhóm đầu thành lập NetNam cùng giáo sư Rob Hurle của Đại học Quốc gia Úc

Ông Hòa cho biết thời điểm đầu có khoảng vài trăm người dùng, hầu hết là người nước ngoài hoặc người Việt làm cho các công ty nước ngoài có nhu cầu kết nối quốc tế.

Ông Hòa kể đến sự giúp đỡ của Giáo sư Rob Hurle và trường Đại học Quốc gia Úc, nơi đã hỗ trợ giúp đỡ về phần mềm, thiết bị hỗ trợ.

"Khi đó Việt Nam bị cấm vận, thông tin phải chuyển sang server ở Úc rồi Úc mới gửi ra thế giới",

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, người từng được bình chọn là một trong 10 nhân vật ảnh hưởng nhất Internet Việt Nam, kể lại cho BBC biết về những ngày đầu của Internet :

"Về mặt kỹ thuật đã được thử nghiệm từ đầu năm 90, khi tôi làm chủ tịch Hội tin học từ 95-97 thì có cùng anh Mai Liêm Trực, và anh Chu Hảo, là đại diện cơ quan nhà nước, tôi đại diện cho một hội của những người làm tin học Việt Nam.

"Ba chúng tôi có gặp nhau nhiều lần, ngồi đối thoại với bên công an nhiều lần. Các anh Mai Liêm Trực và anh Chu Hảo gánh trọng trách nặng nề là đi thuyết phục chính phủ. Bản thân tôi mang máy tính thuyết phục ông Nguyễn Đức Bình, người phụ trách văn hóa tư tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam năm 96-97.

"Tất cả giới chuyên môn lúc đó, cũng như các quan chức liên quan như Trực và Hảo cũng như Đặng Hữu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ thời đấy mọi người hiểu rất là kĩ mạng Internet là mạng thông tin nói chung là một hạ tầng cơ sở rất là quan trọng cho một quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển và hội nhập vào quốc tế. Không có một mạng cao tốc về mặt thông tin như thế thì ko thể phát triển hội nhập kinh tế được.

"Chúng tôi có nhiều buổi làm việc với quan chức của Bộ Công an thì phải thuyết phục các ông ấy rất là khéo là đây là một mạng hạ tầng cơ sở rất quan trọng. Không thể vì một số kẻ phạm pháp và không cho hàng trăm triệu người sử dụng mạng giao thông như vậy.

"Và Internet đã chính thức mở cửa ở Việt Nam vào ngày 19/11/1997".

Báo VnExpress hôm 22/11 dẫn lời ông Mai Liêm Trực, nói :

"Khi Chính phủ lắng nghe đề xuất đầu tiên, nhiều lo ngại được đề cập như nguy cơ lộ bí mật Nhà nước hay liệu có quản được thông tin độc hại không. Những lo ngại đó hoàn toàn chính đáng. Chúng ta đã hy sinh, mất mát quá lớn trong chiến tranh nên phải thận trọng. Nhưng không kết nối Internet thì Việt Nam không thể hội nhập", tiến sĩ Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

"Nhiều công nghệ đã xuất hiện muộn tại Việt Nam như điện thoại chậm 50 năm, truyền hình chậm 30 năm so với thế giới. Tôi cảm thấy mừng vì Việt Nam đã không chậm chân trước con tàu Internet, bởi nếu lúc đó chúng ta không mạnh dạn mở cửa với lý do an ninh, nhạy cảm... thì giờ sẽ cảm thấy có lỗi với dân vì đã cản trở sự phát triển của đất nước".

internet3

Internet giúp mạng xã hội như Facebook trở thành phương tiện truyền đạt thông tin ở Việt Nam

Internet ngày đó-bây giờ "khác một trời một vực"

Nhìn nhận lại sự ảnh hưởng của Internet đối với xã hội, kinh tế, chính trị Việt Nam, ông Quang A nói : "Thực sự sự phát triển của Internet nói riêng và của cái ngành truyền thông điện tử nói chung, tôi làm trong lĩnh vực đấy, học và làm về vấn đề đó nhưng cũng bị choáng ngợp bơi sự phát triển này".

Ông nói cách người Việt sử dụng Internet ngày đó và bây giờ "khác một trời một vực".

"Hồi đó, thông dụng nhất là email, bắt đầu một vài trang thông tin chủ yếu là giới thiệu sản phẩm, cũng bắt đầu có trang web nhưng rất sơ sài, mạng xã hội còn chưa có gì gì cả. Tất cả Whatsapp, Facebook, YouTube và bản thân Google cũng mới độ 10 tuổi trở lại đây thôi.

"Internet là một sự phát triển mới hoàn toàn, nhất là với sự xuất hiện của mạng truyền thông xã hội, thì bây giờ ai cũng có thể trở thành một nhà đài, nhà báo, như thế cái rào cản để tham gia vào truyền thông đã bị hạ thấp rất nhiều.

"Nó thách thức các phương tiện truyền thông và buộc các quan chức, cơ quan nhà nước phải minh bạch hơn, có trách nhiệm giải trình hơn. Ông nói dối người ta phát hiện ra ngày. Không như trước đây, khi không có thông tin kiểm tra… giờ trong một phút người ta có thể biết ông nói đúng không đúng, nguồn tin là sai, lập tức người ta phản ánh lại.

"Đó là một đóng góp rất là lớn của Internet, giúp người dân thực sự làm chủ, có tiếng nói, bắt các quan chức nhà nước phải có trách nhiệm giải trình với họ. Đây là một phần thiết yếu cho sự phát triển dân chủ.

"Tôi lấy ví dụ là các bác tài xế dùng tiền lẻ một cách hợp pháp để phản đối các trạm thu phí BOT ở tận đồng bằng sông Cửu Long nhưng bà con ngoài Ninh Bình biết được, nhìn được và học ngay được và họ cũng làm tương tự rồi Đồng Nai cũng như vậy", ông Quang A nói thêm.

Internet 'con dao hai lưỡi'

"Tôi nghĩ những ai nghĩ rằng Internet sẽ đóng góp lớn trong quá trình chuyển hóa dân chủ thì hơi ngộ nhận. Nó là một công cụ rất tốt giúp cho việc truyền bá kiến thức, tổ chức kêu gọi thảo luận. Nhưng việc cuối cùng là hành động của con người, chỉ có chém gió thì không có ý nghĩa gì cả".

"Và bản thân chính quyền cũng sử dụng Internet để giám sát những người dùng Internet khác, để tìm hiểu hoạt động của các nhà hoạt động dân chủ… bằng biện pháp thô bạo bắt giữ, cản trở, phá sóng, chặn mạng.

"Nếu người ta đánh giá sự tự do của Internet từ 20, 10 năm trước đến này thì có thể thấy nó tự do, nhưng đánh giá theo tiêu chuẩn của Freedom House chẳng hạn, như việc Việt Nam có bật tường lửa không, có chặn những người viết trên mạng, có bỏ tù blogger không thì Việt Nam đứng hàng đội sổ là đúng.

"Hiện bây giờ người ta đang ráo riết bàn về luật an ninh mạng, đang tìm cách xiết lại. Nhưng đối với giới trẻ Việt Nam, dựng tường lửa chặn trang này trang kia, giới trẻ biết thì 5 phút dùng proxy này browser kia là vượt tường lửa ngon ơ. Một trò mèo vờn chuột mà mèo luôn rất khó bắt được chuột.

"[Việc cấm Internet ở Việt Nam] là một điều rất là khó. Họ làm ko khéo thì họ lại cản trở sự phát triển hội nhập của đất nước", ông Quang A nhận định.

'Đột phá'

Còn ông Hòa thì nhận định việc Việt Nam mở cửa cho Internet là "một bước đột phá".

"Ngày xưa sợ là không quản lý được thì cấm. Nhưng sau đó thay đổi, phải đi theo hướng mở, mở rồi đi theo quản lý. Theo tôi nó đã giúp được rất nhiều, người trẻ có thể tìm kiếm thông tin học hành, mua bán trao đổi thông tin, kết nối bạn bè cộng đồng.

"Đây là một biến đổi lớn nhất, tích cực nhất cho xã hội Việt Nam từ trước đến giờ", ông Hòa kết luận.

Nguồn : BBC, 22/11/2017

**********************

Việt Nam : Tự do Internet dậm chân tại chỗ ? (BBC, 16/11/2017)

Sau đúng 20 năm mở cửa cho Internet, cánh cửa tự do thông tin mạng vẫn đóng chặt ở Việt Nam, theo báo cáo của Freedom House.

internet4

Ngày càng nhiều người Việt được tiếp cận với Internet, nhưng sự tự do truyền tải thông tin ngày càng thu hẹp.

Freedom House, tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet.

Trên thang 0-100, với 0 tự do nhất, và 100 ít tự do nhất, Việt Nam vẫn nằm trong những nước "không có tự do Internet" cùng với Trung Quốc và Nga, theo báo cáo công bố hôm 14/11 của tổ chức này.

Ngày 19/11 tới đây sẽ đánh dấu 20 năm Việt Nam bắt đầu hòa nhập mạng Internet toàn cầu, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Đến nay đã có hơn 50 triệu người dùng mạng Internet, chiếm 53% tổng dân số. Số người dùng mạng tăng nhiều trong nhiều năm qua, nhưng theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, thì sự tự do truyền tải thông tin trên mạng tại Việt Nam lại ngày càng thu hẹp.

internet5

Trong khu vực, Việt Nam đứng cuối bảng, chỉ đứng trên Trung Quốc.

Theo báo cáo của Freedom House, tự do Internet ở Việt Nam vào năm 2017 được phản ánh qua tình trạng gia tăng bắt giữ và đàn áp các nhà blogger và nhà hoạt động dân chủ.

Việt Nam đã thả tự do cho 14 blogger và nhà hoạt động khi chịu áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama trong năm 2014 và 2015 lúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2016 xảy ra thêm nhiều cuộc bắt giữ và năm 2017 chứng kiến một cuộc trấn áp mạnh mẽ lên các nhà bất đồng chính kiến.

'Chặn mạng, kiểm soát và thao túng thông tin'

Phúc trình của Freedom House đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc giới chức Việt Nam ngăn chặn luồng thông tin bất lợi cho chính quyền hay giới tài phiệt bằng cách chặn mạng, kiểm soát nội dung và thao túng thông tin bằng 'dư luận viên'.

Bản phúc trình của Freedom House nhắc tới vụ đụng độ giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội diễn ra căng thẳng, với việc hôm 19/4 sóng điện thoại và 3G hoàn toàn không hoạt động trong vài giờ đồng hồ ở thôn Hoành, nơi hơn 30 cán bộ công an bị tạm giữ.

Bản phúc trình cũng dẫn chứng vụ ngược đãi động vật và người lao động ở Safari Phú Quốc của Vingroup. Trang Facebook đăng các thông tin liên quan bị đóng tài khoản tạm thời và người quản trị trang sau đó nói 'phải dừng việc đăng thông tin vì lý do an toàn'.

Freedom House cũng nhấn mạnh vào sự tồn tại của một lực lượng được gọi là 'dư luận viên' giúp chính quyền 'thao túng thông tin trên mạng xã hội'.

internet6

Thanh niên Việt Nam tham gia một khóa học miễn phí về cách sử dụng Internet tại Hà Nội vào 17/7/2001

Cụ thể là từ 2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tuyên bố thành phố có một đội ngũ 'dư luận viên' 900 người, được 'giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền tư tưởng cho Đảng'.

Đội ngũ này đã thành lập 18 trang web và hơn 400 tài khoản để giám sát và định hướng thảo luận trên mạng về mọi chủ đề từ chính sách đối ngoại đến tranh chấp đất đai.

Chưa kể Việt Nam vẫn không ngừng gây áp lực lên hai mạng xã hội phổ biến nhất thế giới là Facebook và Youtube. Theo Freedom House, chính quyền yêu cầu các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam ngừng quảng cáo trên hai trang mạng xã hội trên.

Theo truyền thông Việt Nam, giới chức cũng yêu cầu Youtube tháo gỡ hàng ngàn clip nhưng Google, công ty mẹ của Youtube nói họ chỉ mới nhận được khoảng 50 yêu cầu gỡ bỏ, và từ 2009 đến tháng 12/2016 chỉ có 5 yêu cầu từ chính quyền Việt Nam.

Freedom House cũng đề cập đến phần mềm FinFisher hoạt động trên 25 quốc gia, bao gồm Việt Nam, như một cách để thâm nhập và theo dõi hợp pháp. FinFisher có thể giám sát các cuộc trao đổi, thu thập danh bạ, tin nhắn và email mà không cần sự cho phép của chủ tài khoản.

Việt Nam 'thúc đẩy mạng xã hội của doanh nghiệp Việt'

Trong báo cáo trả lời với với 4 nội dung chính trước phiên chất vấn gửi đại biểu Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nói Bộ Thông tin và Truyền thông muốn "thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp".

internet7

Người ủng hộ blogger/luật sư Nguyễn Hữu Vinh yêu cầu trả tự do cho ông trước phiên tòa xét xử ông vào tháng 3/2016.

Theo Vietnamnet, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nói "các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài".

Ông Trương Minh Tuấn đề nghị ra các giải pháp, hầu hết là cải thiện hệ thống pháp lý và công cụ quản lý để giám sát lượng thông tin trên mạng.

Ngoài ra, ông nói muốn thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.

Hiện tại Việt Nam có mạng xã hội Zalo, thuộc sở hữu của tập đoàn Việt NamG. Theo trang báo Zing.vn, cũng thuộc VNG, đến tháng 8/2017, đã có khoảng 80 triệu người dùng Zalo trên toàn thế giới.

Trước đó, có một điều khoản trong Dự luật An ninh mạng trên gây tranh cãi trên mạng xã hội, với lo ngại Facebook và Youtube 'có thể bị đóng cửa ở Việt Nam'.

Khoản 4, Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng có ra quy định các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet... phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu ở Việt Nam.

Tuy nhiên trong phiên thảo luận Quốc hội hôm 13/10, có đại biểu cho rằng việc bắt buộc Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam 'là không khả thi'.

Bộ trưởng công an, Thượng tướng Tô Lâm nói "nếu vì đảm bảo an ninh, không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rất lạc hậu, không thể 'chơi được với ai' hay hội nhập với thế giới".

Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều thống nhất trong việc gia tăng quản lý, giám sát thông tin trên mạng vì 'an ninh quốc gia'.

****************

Skype bị gỡ khỏi kho ứng dụng tại Trung Quốc (BBC, 22/11/2017)

Ứng dụng Skype bị xóa khỏi app store ở Trung Quốc, kể cả trên điện thoại của Apple và và máy hệ Android.

internet8

Skype hiện không thể tải xuống từ kho ứng dụng trên máy điện thoại Android và iOS ở Trung Quốc

Apple cho biết đây là một trong số vài ứng dụng bị gỡ bỏ sau khi Bắc Kinh tuyên bố các app này không tuân thủ luật pháp trong nước.

Hãng Microsoft, sở hữu Skype, nói với BBC rằng ứng dụng "tạm thời bị gỡ bỏ" và công ty đang "làm việc để khôi phục lại ứng dụng càng sớm càng tốt".

Skype hiện cũng không thể tải xuống từ kho ứng dụng trên máy điện thoại chạy Android ở Trung Quốc.

Truyền thông nước này ghi nhận Skype bị gián đoạn từ hồi tháng Mười.

Thông cáo của Apple viết : "Chúng tôi được Bộ Công an Trung Quốc thông báo rằng một số giao thức điện đàm qua Internet này không tuân thủ pháp luật của nước sở tại".

"Do đó các ứng dụng này bị gỡ khỏi kho ứng dụng ở Trung Quốc".

internet9

Trung Quốc chặn WhatsApp trước khi khai mạc Đại hội Đảng

'Kiểm soát ý kiến ​​của người dân'

Trong khi đó, người phát ngôn của Microsoft cho biết : "App Skype trên iOS đã tạm thời bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng ở Trung Quốc... Chúng tôi tin rằng Skype đem lại những lợi ích cho người dùng trên toàn thế giới thông qua việc giao tiếp và hợp tác nhờ app này".

Công ty từ chối bình luận về thời điểm ứng dụng Skype lần đầu tiên bị gỡ bỏ.

Nhân viên BBC ở Trung Quốc đã kiểm tra và thấy Skype không thể tải xuống từ các kho ứng dụng của cả Apple và Apple hôm 22/11.

Apple hứng chịu chỉ trích mỗi khi có ứng dụng bị gỡ khỏi app store Trung Quốc.

Hồi tháng Bảy, Apple đã gỡ bỏ hơn 60 ứng dụng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) giúp người dùng vượt tường lửa Internet vì họ "bắt buộc phải loại bỏ các ứng dụng này" theo quy định của Trung Quốc.

Luật pháp được xem là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát ý kiến ​​của người dân và loại bỏ tư tưởng chống chính phủ trên Internet. Việc này khiến dấy lên quan ngại cho các công ty nước ngoài đang cố gắng mở rộng thị phần người dùng ở Trung Quốc.

Hồi tháng 9, dịch vụ WhatsApp bị chặn ở Trung Quốc trong lúc chính phủ nước này tăng cường an ninh trước khi Đại hội Đảng Cộng sản khai mạc.

Những người dùng WhatsApp gặp trục trặc với ứng dụng này.

Đôi lúc, nó bị chặn triệt để và người dùng chỉ có thể truy cập khi vượt tường lửa.

 

WhatsApp là sản phẩm duy nhất của Facebook được phép hoạt động ở Trung Quốc đại lục.

Pháp phát hành bộ tem biển đảo Việt Nam

mediaBộ tem biển đảo Việt Nam do bưu chính Pháp vừa giới thiệu tại Paris ngày 22/11/2017.Ảnh: RFI Tiếng Việt

Bộ tem « Biển Đảo Việt Nam, vẻ đẹp bất tận » (Splendeurs de la mer du Vietnam)do Bưu chính Pháp phát hành đã chính thức ra mắt tối 22/11/2017, tại trụ sở của Unesco Paris. Sự kiện được văn phòng Tinh Hoa Việt (Elite Culturelle du Vietnam) kết hợp với Hội Hữu Nghị Pháp-Việt (Association d’Amitié Franco-Vietnamienne) và Bưu chính Pháp tổ chức nhằm giới thiệu với công chúng Pháp giá trị về vẻ đẹp của biển đảo, chủ quyền lãnh hải, những kho tàng vô giá của Việt Nam.

Bộ tem 5 chiếc gồm hình ảnh về vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đá Đĩa (Phú Yên), đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và đảo Song Tử Tây (Khánh Hòa).

Tham gia sự kiện ra mắt bộ tem và giới thiệu bộ sưu tập áo dài « Xanh mầu hy vọng » về biển đảo Việt Nam của nhà thiết kế, hoa hậu Ngọc Hân, có khoảng 200 khách mời, trong đó có đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, chủ tịch Hội Hữu Nghị Pháp-Việt Gérard Daviot, bà Dư Thu Trang, giám đốc công ty Tinh Hoa Việt, ông Benjamin Combes, phụ trách các hoạt động quốc tế của Bưu chính Pháp cùng với nhiều quan chức thành phố Paris.

Đại diện cho Bưu chính Pháp, ông Benjamin Combes giới thiệu về bộ tem mới : « Loạt tem đầu tiên về phong cảnh Việt Nam được giới thiệu tối nay với năm hình ảnh tuyệt đẹp - tôi đã rất cân nhắc từ ngữ của mình - phản ánh vẻ đẹp biển đảo Việt Nam. Những chiếc tem này sẽ chu du khắp nước Pháp, trong nhiều năm sắp tới. « Biển Đảo Việt Nam, vẻ đẹp bất tận » của một đất nước thanh bình còn nhiều chủ đề mà chúng tôi sẽ thực hiện, tiếp tục đồng hành với các bạn trong dự án tương lai ».

Ông Gérard Daviot, chủ tịch hội Hội Hữu Nghị Pháp-Việt, nhấn mạnh đến tình trạng trái đất nóng lên đang đe dọa nhiều phong cảnh tại Việt Nam được Unesco công nhận là di sản tự nhiên, cũng như những vấn đề lớn mà Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt. Theo ông, đã đến lúc cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Cộng Hòa Pháp, cùng tham gia hành động :

 
 
 

« Nếu như ý tưởng hôm nay đóng góp được vào hành động, chúng tôi đã thực hiện được thách thức giới thiệu rộng rãi hơn đất nước Việt Nam và cho phép ngày càng có nhiều đồng hương Pháp của chúng tôi quan tâm hơn đến Việt Nam và sẽ chọn làm điểm đến trong chuyến du lịch sắp tới của họ ».

Quay lại trang chủ
Read 888 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)