Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/11/2017

Luật hình sự Việt Nam mới 'có nhiều tiến bộ'

Ngô Ngọc Trai

Từ ngày 1/1/2018 một loạt văn bản pháp luật hình sự mới của Việt Nam có hiệu lực, bao gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

lhs1

Vụ tranh chấp khiếu kiện tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội đã tăng độ nóng sau nhiều tuần không giải quyết được ở cấp xã

Những quy định mới được hy vọng sẽ tạo ra cơ chế bảo vệ tốt hơn cho các quyền công dân, tránh đi những lạm quyền tiêu cực vốn đầy rẫy lâu nay.

Được có luật sư sớm

Một trong những điểm mới tích cực là Bộ luật tố tụng hình sự cho phép các nghi phạm được mời luật sư ngay từ sớm.

Trước đây theo luật cũ nhiều nghi phạm gồm Giám đốc các doanh nghiệp, Giám đốc Ngân hàng và các nghi can hình sự nói chung, mặc dù chưa bị khởi tố nhưng thường hay bị cơ quan điều tra triệu tập làm việc.

Khi họ muốn mời luật sư tham gia cùng thì hay bị từ chối với lý do rằng luật sư bào chữa chỉ được tham gia khi đã khởi tố vụ án hoặc nghi phạm bị bắt giữ. Cho nên luật sư không được tham gia buổi làm việc và bị đuổi ra ngoài.

Điều này gây bất lợi lo lắng cho người bị triệu tập, bởi tại giai đoạn tiền tố tụng này cơ quan điều tra cũng thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra xác minh không khác gì những hoạt động điều tra khi đã khởi tố vụ án rồi, ví như lấy lời khai, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, giám định chữ ký, đối chất...

Nhiều trường hợp bị hạch sách nhũng nhiễu qua những việc triệu tập làm việc, khiến cho mặc dù chưa bị khởi tố nhưng nghi phạm cũng bị mất chức mất việc, có trường hợp bị áp lực quá đến nỗi tự vẫn.

Nay Bộ luật tố tụng hình sự mới có quy định người bị tình nghi phạm tội được quyền mời luật sư bảo vệ quyền lợi từ trước khi khởi tố vụ án, ngay khi nghi phạm bị triệu tập thì luật sư được tham gia làm việc cùng cơ quan điều tra.

Xử nặng bức cung

Luật hình sự mới còn có sự thay đổi quan điểm rất rõ ràng về mức độ xử lý đối với các hành vi bức cung.

Luật cũ năm 1999 quy định hình phạt đối với hành vi bức cung chỉ tối đa lên đến 10 năm tù, nhưng luật mới quy định hình phạt lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Điều này thể hiện quan điểm tiến bộ mới của nhà nước, tôn trọng và thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự. Đặc biệt là từ năm 2014 Quốc hội VN đã phê chuẩn tham gia Công ước quốc tế về chống tra tấn và đối xử tàn bạo.

lhs2

Các bị cáo được đưa qua cửa kiểm tra an ninh trong một phiên xử tại Thành phố Hồ Chí Minh

Hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi bức cung là một thông điệp cảnh báo có tính răn đe gửi đến ngành điều tra để ngăn ngừa giảm thiểu các hành vi bức cung vốn rất phổ biến.

Củng cố bổ trợ cho quy định này luật mới còn quy định lắp đặt camera ghi âm ghi hình trong các phòng hỏi cung trên phạm vi cả nước để giám sát việc lấy cung. Đây là một tiến bộ thể hiện nỗ lực cải cách rất thực chất của Nhà nước Việt Nam.

Quyền im lặng

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự là quy định về quyền im lặng.

Ngành điều tra đã đưa ra đủ mọi lý do để phản đối quy định này vì lo ngại rằng quy định sẽ gây khó khăn cho công việc của họ.

Nhưng đến cuối cùng quyền im lặng được thông qua tiếp thu đưa vào luật.

Song thay vì quy định trực diện dễ hiểu là bị can được quyền im lặng hoặc quyền từ chối trả lời câu hỏi, thì luật lại viết theo một cách thức trừu tượng là bị can được quyền trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Dẫu thế, quy định này là một điểm mới tiến bộ, mà nếu được thực thi nghiêm chỉnh cũng sẽ giúp tạo ra môi trường pháp lý bảo vệ tốt cho các quyền của bị can.

Cùng với đó Bộ luật hình sự cũng sửa đổi điều luật về tội danh từ chối khai báo.

Theo luật cũ thì hành vi từ chối khai báo có thể bị xử lý hình sự nhưng luật không phân định rõ chủ thể nào mà chỉ quy định chung chung là người nào từ chối khai báo thì đều bị xử lý. Theo đó điều luật để ngỏ khả năng xử lý cả bị can.

Tới nay Bộ luật hình sự mới đã phân định rõ về chủ thể bị xử lý theo tội danh từ chối khai báo, theo đó chủ thể phạm tội này được làm rõ chỉ bao gồm người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật mà không bao gồm bị can bị cáo.

Sửa đổi này là một điểm tiến bộ cho thấy các nhà làm luật đã xác định rạch ròi củng cố trao quyền im lặng cho bị can bị cáo. Và xác định không coi là nghĩa vụ và không có chế tài đối với việc khai báo của bị can.

Vấn đề thực hiện

Luôn có một khoảng cách rất lớn giữa các quy định pháp luật và vấn đề thực hiện tại Việt Nam.

Thực tế lâu nay pháp luật hình sự được coi là công cụ chuyên chế của Đảng Cộng sản, Nhà nước và giai cấp thống trị, cho nên bản thân nền pháp luật hình sự chứa đựng đầy rẫy những yếu tố chuyên chế, trấn áp.

Cho tới nay những nỗi lo lắng về giữ vững chế độ chính trị vẫn còn đè nặng tâm trí của lãnh đạo các ban ngành, khiến cho nền tư pháp hình sự vẫn là công cụ chuyên chế hữu hiệu, và là một góc khuất kém công khai nhiều lạm quyền.

Một số quy định có tính chất dân chủ ít ỏi như quyền bào chữa và vai trò luật sư nhưng cũng bị xâm hại nặng nề.

Tới nay thì những quy định mới tiến bộ đã giúp hé mở ra những khoảng không gian sáng sủa.

Để có được kết quả này đó là biết bao nỗ lực tranh đấu, phê phán, kêu cầu suốt hàng chục năm của hàng triệu bị can bị cáo và gia đình họ cùng luật sư bào chữa.

Một phần khác đó cũng là kết quả từ sự thúc ép của các tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Khả năng tiếp thu lắng nghe của các ban ngành nhà nước Việt Nam trong trường hợp này là rất đáng khen ngợi.

Các luật mới đã tạo ra hy vọng sẽ giúp cải thiện số phận pháp lý cho rất nhiều người.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 27/11/2017

Luật sư Ngô Ngọc Trai, văn phòng luật Công chính, Hà Nội.

Quay lại trang chủ
Read 807 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)