Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/12/2017

Hòa bình Trung Đông thêm xa vời

Lê Phan

Trong cuộc tranh luận về một thỏa thuận hòa bình nào đó giữa Israel và Palestine, không có đề tài gì có thể tạo nên nhiều phản ứng bằng vấn đề tương lai của Jerusalem. Liệu thánh địa này sẽ là thủ đô chỉ của người Israel hay là chia sẻ với người Palestine ?

hoabinh1

Liệu thánh địa Jerusalem sẽ là thủ đô chỉ của người Israel hay chia sẻ với người Palestine ?

Ấy vậy mà bây giờ, khi không có hòa đàm thực sự diễn ra, Tổng thống Donald Trump đã chiều ước muốn của Israel và làm người Palestine điên người khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời dời tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv về đó. Qua đó vứt bỏ nhiều thập niên cố gắng ngoại giao của Hoa Kỳ.

Tổng thống cả quyết rằng ông quyết tâm đạt được một hòa bình "tối hậu" cho vùng Trung Đông, khi mà những vị tổng thống tiền nhiệm chưa đạt được. Nhưng quyết định của ông đẩy cán cân nghiêng về phía Israel trong vấn đề tối quan trọng này.

Chắc chắc thỏa thuận hòa bình ngày càng khó đạt được hơn, bởi vì điều ông làm khiến cho người Palestine nghi ngờ sự lương thiện và công bằng của Hoa Kỳ như là một kẻ trung gian trong việc điều đình, nâng căng thẳng trong vùng và có thể thúc đẩy bạo động.

Mặc dầu chính phủ Israel đã được đặt ở Jerusalem từ khi thành lập năm 1948, Hoa Kỳ, như tất cả phần còn lại của thế giới, không công nhận toàn thành phố này là lãnh thổ của Israel, ngay cả sau cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, khi Israel đuổi Jordan ra khỏi Đông Jerusalem và chiếm đóng khu vực này. Trong thỏa hiệp Oslo, Israel đã hứa sẽ điều đình về tương lai của Jerusalem như là một phần của một thỏa thuận hòa bình. Họ hẳn đã giả định là trong bất cứ một thỏa thuận nào thì thành phố vẫn là thủ đô của họ.

Người Palestine chờ đợi sẽ được đặt thủ đô của họ ở Đông Jerusalem và có quyền thăm viếng các thánh địa của Hồi giáo ở đó. Đông Jerusalem chỉ có người Ả Rập ở năm 1967, nhưng Israel đã tiếp tục xây dựng những khu định cư ở đó, đưa khoảng 200.000 công dân của họ vào sống trong khu của dân số Ả Rập và làm cho thêm phức tạp bất cứ một thỏa thuận hòa bình nào. Nó cũng là một bằng cớ khiến người Palestine không tin tưởng vào một thỏa thuận với Israel bởi hành động vừa đánh trống vừa ăn cắp này.

Tổng thống Trump thường khoe khoang ông là một người rất giỏi thu xếp điều đình, nhưng những người giỏi điều đình thường không nhượng bộ trước khi cuộc điều đình bắt đầu, như tổng thống đã làm ở đây.

Kẻ chiến thắng lớn là Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel, người mà chính phủ cực đoan chưa bao giờ tỏ ra nghiêm chỉnh về hòa bình, ít nhất là về giải pháp hai quốc gia vốn là giải pháp duy nhất có thể khiến cho người Palestine ủng hộ.

Phản ứng cũng rất mạnh và nhanh chóng. Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine, người mà nhiều năm nay đã cố gắng thuyết phục dân mình hãy theo con đường điều đình để đạt độc lập, đã tuyên bố : "Những biện pháp này là thưởng cho Israel cho vi phạm các nghị quyết quốc tế và khuyến khích cho Israel tiếp tục chính sách chiếm đóng, định cư, phân biệt chủng tộc và thanh lọc sắc tộc".

Ông Abbas gọi hành động của ông Trump là "một cố tình làm hại đến tất cả những cố gắng để đạt hòa bình, và là một tuyên bố của sự rút lui của Hoa Kỳ ra khỏi việc đóng vai trò mà Hoa Kỳ đã làm từ nhiều thập niên nay như là một kẻ trung gian dàn xếp hòa bình".

Vua Abdullah II của Jordan, quốc gia Ả Rập duy nhất có liên hệ ngoại giao với Israel mà quyền bảo vệ của dòng họ ông đối với những thánh địa của Hồi giáo ở Jerusalem được Israel công nhận, đã lên án hành động này là phá hoại hòa bình Trung Đông.

Vua Salman của Saudi Arabia đã nói thẳng với ông Trump ngày hôm trước khi ông gọi điện thoại loan báo là một quyết định cuối cùng về Jerusalem trước khi có một thỏa thuận hòa bình sẽ làm hại các cuộc điều dình và gia tăng căng thẳng trong vùng.

Khuyến cáo đó từ Saudi Arabia phải được chờ đợi, vì Jerusalem là nơi có đền Al Aqsa, và vua Saudi mang tước danh bảo vệ của hai thánh địa khác của Hồi giáo là Mecca và Medina. Một sáng kiến hòa bình do Saudi bảo trợ của khối Ả Rập vẫn còn được đề nghị kêu gọi sự rút lui toàn thể của Isreal ra khỏi Đông Jerusalem như là một phần của một thỏa thuận cuối cùng. Nhưng có thể Saudi đang có những thay đổi ý kiến về vụ này. Thái Tử Mohammad Bin Salman vốn có liên hệ chặt chẽ với ông Jared Kushner, con rể và cố vấn Trung Đông của tổng thống, đang soạn thảo một kế hoạch hòa bình toàn diện mới.

Trong khi kế hoạch đó chưa được công khai, thái tử được biết đã phác họa đề nghị này với Tổng thống Abbas tháng rồi. Thỏa thuận này nghiêng về phía Isreal hơn là bất cứ một đề nghị nào được chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ.

Palestine sẽ có một chủ quyền giới hạn trên một quốc gia vốn chỉ bao gồm những vùng không nối liền nhau ở Tây Ngạn. Hầu hết những khu định cư của Israel ở vùng Tây Ngạn, mà hầu hết thế giới coi là bất hợp pháp, sẽ được duy trì. Palestine sẽ không có được Đông Jerusalem làm thủ đô, và sẽ không có quyền trở về cho những người tị nạn Palestine và con cháu họ.

Trong ước muốn đối đầu với kẻ thù Iran, ông hoàng Saudi đã thảo ra một kế hoạch hòa bình hoàn toàn không tưởng. Không một lãnh tụ Palestine nào có thể chấp nhận một kế hoạch như vậy mà vẫn còn được sự ủng hộ của dân chúng họ, và Tòa Bạch Ốc và Saudi Arabia đều chối nói là họ không có ý định nào như thế cả.

Một số các nhà phân tích nghi ngờ là tổng thống thực sự muốn có một thỏa thuận hòa bình và nói bất cứ một đề nghị nào có thể chỉ là một tấm màn chính trị để cho Israel và người Ả Rập theo Hồi giáo Sunni, có thời là kẻ thù, có thể gia tăng việc đoàn kết sắp xảy ra chống lại Iran. Nhưng nếu quả đó là mục tiêu mà tổng thống muốn đạt thì quyết định về Jerusalem đã làm cho mục tiêu đó khó đạt hơn nữa.

Có một nhóm mà tổng thống rõ ràng đang theo đuổi đó là những kẻ ủng hộ nòng cốt của ông gồm các nhóm Kitô Giáo cực đoan và những nhóm ủng hộ Israel. Những người tiền nhiệm của ông đã có những lời hứa trong khi vận động tranh cử là sẽ dời tòa đại sứ Hoa kỳ về Jerusalem. Nhưng một khi vào Tòa Bạch Ốc, họ chọn ưu tiên cho chính sách đối nội thay vì ngoại giao hòa bình tế nhị, và họ đã để lời hứa đó sang một bên.

Tổng thống đã nói là quyết định của ông không ấn định trước tương lai của Đông Jerusalem hay những câu hỏi căn bản về biên giới của một quốc gia Palestine. Nhưng đồng thời ông cũng không nói gì đến thế căn bản của cuộc điều đình về hòa bình là những vấn đề gì nếu không có vấn để Jerusalem.

Có người bảo nếu ông muốn tỏ ra công bình thì tuyên bố là ông sẽ đặt một tòa đại diện của Hoa Kỳ ở Ramallah để chứng tỏ là ông không bỏ rơi người Palestine. Nhưng hành động như vậy thì ông lại làm cho những người ủng hộ cực đoan của ông nổi giận bởi thực sự họ không muốn có một quốc gia Palestine. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 09/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 687 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)