Cuối cùng, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam cũng bị khởi tố và bị tạm giam vì "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Rồi sao nữa ? Đó là câu hỏi dư luận quan tâm.
Trước mắt, ông Thăng được xác định là có liên đới về trách nhiệm trong ba vụ đại án : Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỉ đã góp vào Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank). Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) thua lỗ 3.300 tỉ. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - khởi công năm 2011, Ban Quản lý dự án đã xài khoảng 1.500 tỉ đồng cho đủ thứ chuyện không dính dáng gì tới việc xây dựng nhà máy nên đến nay, công trình vẫn còn dở dang.
Những người rành rẽ chính trường Việt Nam bảo rằng, trong năm năm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN (từ tháng 10 năm 2005 đến tháng 8 năm 2011), ông Thăng không chỉ làm mất 5.600 tỉ đồng qua ba vụ đại án vừa kể. Hồi 2005, tổng giá trị tài sản của PVN được ước đoán vào khoảng 5 tỉ Mỹ kim. Sau 2011 đến nay, PVN trở thành một trong những tập đoàn nhà nước mà chính phủ Việt Nam thường xuyên phải thảo luận làm sao để cứu và đó chính là "di sản" của ông Đinh La Thăng.
Đáng nói là không những "vô sự", ông Thăng còn trở thành "người hùng" khi thôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVN để chuyển qua làm Bộ trưởng Giao thông vận tải. Bộ trưởng Đinh La Thăng được báo chí ví von là "Tư lệnh" và làm công chúng hởi lòng, hởi dạ khi hôm nay "trảm" tướng này, ngày mai "trảm" tướng khác, "đu" dây thừng xuống vực, chỉ đạo tìm kiếm, cứu những người lâm nạn trong một vụ xe đò bị lật ở Lào Cai… Đầu năm 2016, ông Thăng rời khỏi Bộ Giao thông vận tải, bước vào Bộ Chính trị và về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy. Báo chí tiếp tục bám sát gót ông, những tuyên bố của Bí thư Đinh La Thăng trở thành "lời vàng, ý ngọc", chẳng hạn : Phải chủ động chống tham nhũng, đừng nghĩ đó là việc của hàng xóm ! Sẽ không có chỗ cho cán bộ cậy quyền lực, giỏi nói suông !... Rồi những hành động kiểu như : Cùng dân vớt lục bình, vớt rác. Nghe nông dân than khổ, lập tức rút điện thoại gọi cho Tổng Giám đốc Vinamilk ra lệnh phải mua sữa của nông dân,… làm thiên hạ rạo rực với mơ ước "có nhiều lãnh đạo như đồng chí Đinh La Thăng" ! Trên mạng xã hội, ai đó còn lập riêng một trang facebook để tập họp những người ngưỡng mộ Đinh La Thăng. Số người thích trang này khoảng… 230.000 người !
Thiện cảm và niềm tin mà công chúng dành cho ông Thăng chỉ bắt đầu suy giảm khi Trịnh Xuân Thanh – một trong những thuộc hạ thân tín của ông Thăng trở thành scandal, nhiều tình tiết liên quan đến vai trò và trách nhiệm của ông Thăng được bạch hóa. Kết quả kiểm tra, thanh tra của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đối với những dự án phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT chỉ ra tình thế tiến – thoái lưỡng nan đối với vấn nạn này (tiếp tục duy trì thì dân chúng không kham nổi tình trạng vật giá gia tăng, còn làm tới nơi, tới chốn thì các chủ đầu tư không thể thanh toán khối nợ lên tới 84.000 tỉ đồng, hệ thống ngân hàng sẽ nghiêng ngả) là một "di sản" khác của Đinh La Thăng.
***
Tống giam để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự một cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vốn là chuyện chưa từng có. Đó cũng là lý do có rất nhiều nhận định, dự đoán về sự kiện công an tra còng vào tay ông Đinh La Thăng…
Một số người khẳng định, chuyện ông Thăng bị bắt là bằng chứng không thể chối cãi về quyết tâm chống tham nhũng của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Nếu quyết tâm đó là có thật thì tại sao một nhân vật khác, ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái lại "bình an, vô sự" ? Vì lẽ gì mà "lò" do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã "nhóm" không nhận "củi" Phạm Sỹ Quý, bất kể Thanh tra chính phủ đã xác định ông Quý man trá khi kê khai tài sản ? Tại sao chuyện ông Quý thâu tóm 13.500 mét vuông đất ở thành phố Yên Bái, biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư, xây dựng dinh thự đã được xác định là vi phạm hàng loạt qui định pháp luật hiện hành mà công an không khởi tố, thậm chí mới đây, chính quyền tỉnh Yên Bái chính thức loan báo đã ban hành quyết định phạt ông Quý khoảng 500 triệu và nhờ vậy, ông Quý có thể hợp pháp hóa toàn bộ tài sản đã thủ đắc nhờ phạm pháp ? Tại sao cho rằng ông Quý bất xứng với vai trò Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái nhưng lại tín nhiệm để bổ nhiệm một người như ông Quý làm Phó Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ? Lấy gì bảo đảm một người như ông Quý sẽ phục thiện và hệ thống chính trị Việt Nam đủ lành mạnh để có thể ngăn chặn những viên chức như ông Quý không gây ra thêm nhiều hậu quả tai hại khác ? Năm 2005, ông Quý từng bị bắt quả tang vì đánh bạc nhưng vẫn "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" trên quan trường. Một ngày trước khi thôi làm Chủ tịch tỉnh Yên Bái để bước lên làm Bí thư tỉnh này, bà Phạm Thị Thanh Trà đã ký quyết định bổ nhiệm ông Quý – em trai của mình làm Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (cơ quan quản lý toàn bộ đất đai, tài nguyên) của tỉnh Yên Bái...
Một số người khác khẳng định, chuyện ông Thăng bị bắt là bằng chứng không thể chối cãi về việc sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam "thanh trừng nội bộ".
Ai cũng biết Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối hệ thống công quyền Việt Nam. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy tổ chức chính trị tuy là duy nhất này lại có rất nhiều băng nhóm. Những băng nhóm đó vừa thỏa hiệp với nhau để chia chác cả quyền lực lẫn lợi ích, vừa tìm cách loại trừ nhau.
Đó là lý do giúp ông Thăng không những "vô sự" khi làm ruỗng PVN mà còn có thể bước vào nội các làm Bộ trưởng Giao thông vận tải và hậu họa nhãn tiền của BOT không ngăn được ông Thăng bước vào Bộ Chính trị, về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy, tiếp tục sắm vai "người hùng" trong mắt công chúng. Đó cũng là lý do sai phạm của ông Thăng được bạch hóa dù chậm mà… chắc. Việc xử lý ông Thăng cũng hết sức nhẩn nha : Loại ra khỏi Bộ Chính trị, cách chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn nhưng vẫn giữ lại làm Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và đại biểu Quốc hội...
Cho dù sự kiện ông Đinh La Thăng bị bắt cung cấp thêm bằng chứng khả tín về một cuộc "tương tàn" nhưng chẳng lẽ sự kiện này chỉ có một điều để bận tâm : Phe ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tàn sát băng ông Nguyễn Tấn Dũng ra sao ? Lẽ nào công bằng, dân chủ, văn minh, vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc nên được đặt định thế nào vẫn chỉ là điều thứ yếu, các băng nhóm trong tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối hệ thống công quyền Việt Nam trao đổi, giành giật quyền lực, lợi ích với nhau như thế nào mới là chuyện chính yếu ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/12/2017