Quyền lực trong xã hội con người, từ cổ đại đến nay, đều đặt nền tảng trên quan niệm "chính danh - légitime". Không có chính danh thì nói không ai nghe.
Quyền lực (power – pouvoir) ở đây được hiểu như là "quyền lực chính trị". Tức là "thẩm quyền" áp đặt những nguyên tắc luật lệ mà mọi người trong xã hội (thuộc một vùng lãnh thổ nhứt định) phải tuân thủ.
Việc bổ nhiệm các thái tử đỏ, những người xem ra tài năng chỉ ở mức (tối đa là) trung bình, đã khiến chế độ "cộng hòa xã hội chủ nghĩa" trở thành chế độ "quân chủ xã hội chủ nghĩa".
Tính "chính danh" trong chính trị hiện đại có thể được hiểu như là việc "hợp pháp" hay "hợp hiến".
(Légitime - nguyên thủy bắt nguồn từ Latin "legitimus", có nghĩa là "xác định bằng luật", "phù hợp với luật lệ").
Thí dụ về tính "chính danh" của "con thú đầu đàn" trong xã hội loài thú và người "thủ lĩnh" xã hội sơ khai.
Trong một đàn chim hay một bầy sư tử… luôn có một con đầu đàn. Tất cả những con thú trong bầy đều phục tùng quyết định của con thú đầu đàn. Tính "chính danh" của con thú đầu đàn là sức mạnh, là sự khôn ngoan và kinh nghiệm.
Con sư tử đầu đàn là con thú có sức mạnh vượt trội. Nó có khả năng thiết lập trật tự trong đàn cũng như khả năng bảo vệ an ninh cho cả bầy trước sự tấn công của các con thú khác.
Con chim đầu đàn là con chim khôn ngoan và có kinh nghiệm nhứt trong đàn. Con chim này có khả năng dẫn dắt cả đàn đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, cả bầy được sống trường tồn và sung túc.
Xã hội loài người cũng tương tự như vậy.
Lúc còn sơ khai, con người đã biết sống tụ tập thành bầy đàn, sử dụng sức mạnh và trí khôn tập thể để chống chõi với thiên nhiên để "sinh tồn". Trong nhóm luôn có một người đứng đầu mạnh nhứt, hay tinh khôn nhứt, dẫn dắt cả nhóm. Văn minh hơn một chút, con người biết "tổ chức", bộ lạc được thành lập. Trong bộ lạc có một người ‘thủ lĩnh" để coi ngó mọi sinh hoạt trong bộ lạc. Tất cả thành viên trong bộ lạc đều tuân thủ mệnh lệnh của người thủ lĩnh.
Quan niệm về "quyền lực" được khai sinh. Người thủ lĩnh, con chim đầu đàn, con thú đầu bầy… là đại diện (thể hiện) cho "quyền lực" trong (xã hội) bầy đàn đó.
Tính "chính danh" của "quyền lực" trong các xã hội này là "sức mạnh", "kinh nghiệm" và sự "tinh khôn".
Con người ngày càng văn minh hơn, quan niệm về "vương quốc", sau đó là "quốc gia" được thành hình. Một "quốc gia" thông thường bao gồm một nhóm dân tộc có cùng "nguồn gốc" như ngôn ngữ, màu da, huyết thống… có cùng một "lịch sử" và chia sẻ một "văn hóa" chung. Cốt lõi cho sự "trường tồn" của quốc gia là phương cách (mô hinh) "tổ chức quốc gia" mà trong đó cách thức "tuyển chọn" người thủ lĩnh (người lãnh đạo) nắm "quyền lực quốc gia" là yếu tố quan trọng hơn hết.
Dưới thời "phong kiến" đế quyền, ông vua (hoàng đế) là vị "chủ tể". Lãnh thổ là của vua. Tất cả dân chúng trong vương quốc cũng thuộc về ông vua, gọi là "thần dân". Các quan trong triều đều do vua "sắc phong". Mọi "quyền lực" trong quốc gia đều thuộc về vị "chủ tể" là ông vua. Ông vua thể hiện cho lãnh thổ, vừa dại diện cho thần dân… Nói theo ngôn ngữ hiện đại, ông Vua vì vậy nắm "chủ quyền" của quốc gia.
Tính "chính danh" của ông vua, quan điểm Đông phương ông vua có "mạng trời", "thế thiên hành đạo".
Ông vua chết đi, con của ông vua, gọi là thái tử, được "nối ngôi". Ông con lên nối ông cha trở thành "vua". Sự liên tục quốc gia vì vậy được thể hiện mà không ai dị nghị.
Dĩ nhiên cho tới khi "mệnh trời đã hết".
Theo quan điểm Đông phương, "mệnh trời đã hết" được báo hiệu bằng thiên tai như bão lụt, hán hán, bệnh dịch… liên tục nhiều năm, gây nạn đói kém… Giặc giã nổi lên chống lại ông vua. Kẻ nào thắng, lật đổ ông vua, vỗ ngực xưng hoàng đế thế thiên hành đạo. (Dĩ nhiên không quên nhổ cỏ tận gốc bằng cách tru di tam tộc giòng họ vua trước để tránh việc quang phục). Cứ như vậy mà quốc gia tiếp nối.
Cho tới thời cận đại. Người dân trong quốc gia không chịu đựng được những thói xa hoa phung phí của giới hoàng gia cũng như những áp bức đến từ thành phần quan lại. Sự nghèo khổ cùng cực khiến họ nổi dậy làm "cách mạng" lật đổ chế độ vương quyền. Hệ quả là "ngai vàng phải trả lại cho nhân dân".
Từ đó quan niệm "mọi quyền lực trong quốc gia" thuộc về "nhân dân" được thành hình. Nhân dân là "chủ tể". "Chủ quyền" của quốc gia thuộc về nhân dân. Chế độ "cộng hòa" được ra đời.
Người "thủ lĩnh" không còn là người có "thiên mệnh", hay là người "có sức mạnh". Quyền lực trong quốc gia được phân bổ cho những người "lãnh đạo", bằng các thể thức "dân chủ" là "bầu cử".
Quyền lực của (những) người lãnh đạo được giới hạn trong một khoản thời gian, gọi là "nhiệm kỳ".
Tính "chính danh" của người lãnh đạo là sự "thắng cử". Người nào được nhiều "phiếu bầu", người đó "thắng cử".
Trở lại tình trạng Việt Nam hiện thời, các "thái tử đỏ" được "đảng" trao phó "quyền lực".
Nhìn lại những sự kiện con ông này, cháu ông kia… quyền lực quốc gia được ban phát một cách tùy tiện trong hàng ngũ con ông cháu cha. Quyền hành của các ông hoàng đỏ này bị thách thức. Một chế độ nhìn nhận là "dân chủ", "cộng hòa"... thì dứt khoát không thể có việc kế thừa quyền lực.
Nguyên tắc của mọi chế độ dân chủ (dân chủ tự do hay dân chủ tập trung) là việc phân bổ quyền hành trong bộ máy nhà nước phải đến từ nhân dân, thể hiện qua các cuộc bầu cử.
Tính chính danh của "quyền lực" được bảo đảm bằng sự trung thực của kết quả các cuộc bầu cử.
Quyền lực của các thái tử đỏ này vì vậy không có chính danh.
Nhân dân nào đã bầu cho các ông thái tử đỏ ?
Có một "thái tử đỏ" nhân dịp nhận chức, lên tiếng cho rằng quyền lực của cậu ta là do "đảng" giao phó.
Tức là tính chính danh về quyền lực của cậu ta được đảng bảo kê.
Vấn đề là đảng có "quyền" làm việc này hay không ?
Câu trả lời nên dành cho các đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam. Họ có "bầu" cho các thái tử này hay không ?
Nhưng trên phương diện pháp lý, việc này có nhiều điều vướng mắc. Những vướng mắc này không những đặt lại tính "chính danh" quyền lực của các thái tử đỏ mà còn đặt lại tính chính danh (quyền lãnh đạo đất nước và xã hội) của đảng cộng sản Việt Nam.
Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay "cơ bản" đặt trên nền tảng "dân chủ". Theo nguyên tắc dân chủ (kể cả dân chủ tập trung), không có một chức vụ hay cơ chế (quyền lực) nào thuộc bộ máy nhà nước mà không thông qua (sự bầu cử) của người dân, hoặc sự bổ nhiệm của một cơ quan quyền lực chính đáng.
Sự bổ nhiệm các thái tử đỏ do đó là không hợp hiến.
Trước đây, những người cộng sản bảo vệ tính chính danh của đảng cộng sản Việt Nam với lý do đảng "đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập".
Điều này không đúng trong thời điểm hiện tại (và dĩ nhiên, tương lai).
Tạm cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã "lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập" là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo.
Những thế hệ "khai quốc công thần" chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người "có công", tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến "chống Mỹ".
Nếu dựa vào "công lao", thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm "chính danh". Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.
Tính chính danh không có "kế thừa". Nếu nhìn nhận sự kế thừa thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh... phải làm lãnh đạo mới đúng.
Con cháu của con chim đầu đàn, của con sư tử đầu bầy, chỉ đơn thuần là một thành tố trong bầy, chớ không có kế thừa để lên nắm đầu đàn. Muốn trở thành con thú đầu đàn, con chim đầu bầy, những con thú này phải khẳng định sức mạnh, hay chứng minh trí khôn và kinh nghiệm. Đó là "chính danh" trong thế giới loài thú.
Việc bổ nhiệm các thái tử đỏ, những người xem ra tài năng chỉ ở mức (tối đa là) trung bình, đã khiến chế độ "cộng hòa xã hội chủ nghĩa" trở thành chế độ "quân chủ xã hội chủ nghĩa".
Có người biện hộ cho tính chính danh của đảng cộng sản Việt Nam với lý lẽ đảng này được dân bầu lên :
"Đầu năm 1946, Đảng Cộng sản đã tổ chức bầu cử Quốc hội và ra Hiến pháp. Hệ thống chính trị Việt Nam có bầu cử và những người của Đảng ra ứng cử vào các chức vụ". (Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội Đồng lý luận của đảng, nói trên BBC về tính chính danh của đảng).
Điều này không đúng sự thật. Thứ nhứt, thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội (1946) đảng cộng sản đã giải tán. Thứ hai, số dân biểu đắc cử vào quốc hội gồm một số lớn nhân sự không thuộc đảng cộng sản Việt Nam.
Nhưng cũng giả sử rằng thời điểm đó đảng cộng sản không giải tán và số người trong quốc hội 100% là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Thì tính chính danh của đảng cầm quyền chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ bầu cử đó mà thôi. Không lẽ nhiệm kỳ đó kéo dài (đến nay đã gần) 70 năm ?
Lý lẽ khác cũng thường thấy người cộng sản nhắc để biện hộ cho tính "chính danh" của họ là đại diện "giai cấp vô sản".
Bất kỳ đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có "chính danh" để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội. Nhà nước họ lập nên là "nhà nước vô sản", sử dụng sự "chuyên chính vô sản", tức sự "độc tài" cho tầng lớp vô sản, nhằm triệt tiêu giai cấp bóc lột đem lại sự "công bằng" trong xã hội.
Quyền lực này chỉ chính đáng khi đảng này còn phục vụ cho giai cấp mà họ đại diện, tức giai cấp vô sản, công nhân, nông dân… nói chung là tầng lớp lao động nghèo.
Khi đảng này phục vụ cho một giai cấp khác, như tầng lớp tư bản nước ngoài, tầng lớp tư bản đỏ… thì nó đã phản bội lại giai cấp mà họ đại diện. Tính chính đáng để lãnh đạo của nó bị mất đi.
Ngày hôm nay, dựa vào "giai cấp vô sản" để biện hộ cho tính chính danh trở thành một sự ngụy biện trắng trợn.
Đảng cộng sản Việt Nam bay giờ không hề đại diện cho quyền lợi của "giai cấp vô sản", tức giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Bản thân của họ đã trở thành những trọc phú bóc lột. Bản thân họ là những quan tham. Nhân sự của hệ thống quyền lực quốc gia đã trở thành những con sâu mọt đục phá tài sản quốc gia, nhũng nhiễu dân lành.
Đảng cộng sản Việt Nam bây giờ là đại diện cho tầng lớp tư bản hoang dã, tầng lớp đầu cơ trục lợi cũng như đại diện cho quyền lợi của tầng lớp tư bản nước ngoài. Đảng viên cộng sản trở thành những tên cai thầu coi ngó người dân Việt Nam như là những công nhân lao động cho tập đoàn nước ngoài.
Chính danh ở đây là chính danh làm cai thầu, chính danh đưa dân tộc vào vòng làm thuê vác mướn.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 19/12/2017