1. Cô giáo, bạn học của Nguyễn Phú Trọng nói phét, hay bồi bút nói phét ?
Xã Đông Hội quê hương của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm cạnh xã Mai Lâm. Con em Đông Hội sang bên Mai Lâm học cùng trường tiểu học. Ngày còn bé tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo học ở thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm.
Ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô giáo cũ. Ảnh VnExpress, 18/11/2011
Khi Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư vào năm 2011, cô giáo dạy cho Trọng hồi ấy ở xã Mai Lâm đã 80 tuổi. Mặc dù bao nhiêu năm đã trôi qua và dạy bao nhiêu học trò, nhưng theo lời một bài báo thì bà Đặng Thị Phúc vẫn minh mẫn khi kể về cậu học trò nghèo Nguyễn Phú Trọng là người tốt như thế nào.
Như lời bà Phúc kể thì đó là năm 1956, Nguyễn Phú Trọng học lớp 4, ở độ tuổi 12. Nguyễn Phú Trọng phải băng cánh đồng lên Lê Xá rồi thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm học. Gặp phải những hôm mưa dầm đường trơn cậu bé Nguyễn Phú Trọng phải bấm ngón chân xuống đất cho khỏi ngã mà đi học. Chỉ có điều lạ nếu phải bằng đồng tại sao cậu bé Nguyễn Phú Trọng không đi thằng từ nhà là thôn Đông Trù thẳng đường dến đình Mai Hiên, cớ gì phải đi vòng đường tam giác lên tân Lê Xá rồi vòng lại. Đường Đông Trù lên Mai Hiên có từ vài trăm năm thẳng một lèo. Đoạn này có thể bà giáo Phúc đã nhầm lẫn, nhưng thôi từng ấy năm, từng ấy học trò mà bà nhớ Trọng tốt thế nào cũng là được rồi, báo chí nó chỉ cần thế.
Kể cũng lạ khi bà Phúc biết và nhớ hình ảnh đấy, chắc bà nhiều lần nhìn thấy cậu bé Nguyễn Phú Trọng đi chân đất đi học. Qua đây thấy gia đình cậu học trò Nguyễn Phú Trọng rất nghèo, áo không có mà mặc, dép không có mà đi. Gia đình cậu thuộc dạng bần cố nông, thành phần cơ bản trong vùng. Đó là năm 1956, năm mà cải cách ruộng đất phát triển mạnh mẽ.
Bà Phúc kể với phóng viên :
"Khi ấy tôi nghĩ trò Trọng đi học nhờ trường bạn, lại bé nhất lớp nên không dám rời lớp trưởng. Giữa đám học trò lam lũ ấy tôi có ấn tượng nhất với Nguyễn Phú Trọng bởi trò ấy nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp. Trò Trọng ngày ấy tóc để mái chéo, tóc hơi hoe vàng, nước da trắng xanh. Trong lớp, cậu rất thông minh, giơ tay phát biểu rất hăng say, chữ viết tròn và đẹp. Trò Trọng đi học từ nhà ở thôn Đông Trù phải qua thôn Lê Xá, vượt qua một cánh đồng mới đến được lớp. Quãng đường dài gần 3km toàn đường đất, rất khó đi, nhất là vào những ngày trời mưa dầm, cậu học trò nhỏ phải cố bấm ngón chân xuống đường cho khỏi ngã" (1).
Như bà Phúc nói thì Nguyễn Phú Trọng ở thôn Đông Trù, xã Đông Hội.
Nhưng một người bạn học của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thời đại học sau này thì lại nói Nguyễn Phú Trọng ở thôn Lại Đà. Đông Hội. Theo đường chim bay thì Lại Đà cách Đông Trù 1 km, nếu đi bộ mất 1,7 km.
Báo viết :
"Ông Khoa cũng chính là Chi ủy viên được giao nhiệm vụ đi điều tra lý lịch để kết nạp Nguyễn Phú Trọng vào Đảng. Ông Khoa nhớ lại : "Gia đình anh Trọng thuần nông và mến khách lắm. Cái đêm về thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi đi đò qua sông rồi đến nhà anh Trọng. Khi đó mới 4 giờ sáng mà ông Nguyễn Phú Nội, cụ thân sinh của anh Trọng chưa rõ chúng tôi về làm gì, chỉ biết là bạn học của con đã dậy tất bật lấy rơm nấu nước cho chúng tôi uống" (2).
Nếu thế đã có sự nhầm lẫn một trong hai người là bà giáo Đặng Thị Phúc và ông tiến sĩ nhà giáo ưu tú Trịnh Hồ Khoa về thôn sinh ra ông Trọng. Chi tiết này tưởng không quan trọng nhưng nó lại quan trọng đến lời kể không đúng sự thật của một trong hai người về cuộc đời lúc trước của Nguyễn Phú Trọng. Khả năng bà Đặng Thị Phúc tuổi cao, nhớ không rõ, nhà báo phỏng vấn bà cứ thế làm theo miễn sao khen được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là được, vì thế nhà báo đã khẳng định bà giáo Đặng Thị Phúc còn minh mẫn lúc ấy, nhớ từng chi tiết như thế về cậu học trò nghèo Nguyễn Phú Trọng bấm chân đi thế này, học giỏi thế kia....toàn là bố láo, vì bà Phúc chả nhớ được gì hết, đến địa danh, khoảng cách là cái dễ nhớ nhất còn không nhớ thì nhớ cái gì mà kể.
Một lãnh tụ tối cao còn sống sờ sờ đây mà tiểu sử đã mơ hồ đến vậy, mà ở ngay Hà Nội chứ đâu xa, thử hỏi tiểu sử của các lãnh tụ cộng sản xa hơn trước đó vẽ thế nào mà chả được.
Khi Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, là dịp để các nhà báo phỏng vấn cô giáo, bạn học của Trọng để ca ngợi Trọng. Những người thân quen cũ của Trọng cũng được dịp lên báo khoe mẽ quan hệ. Việc này thường hay xảy ra ở cách lãnh tụ cộng sản các đời không cứ gì Trọng, nhưng duy nhất có Hồ Chí Minh là không có thầy giáo, bạn học hay họ hàng nào kể về ngày xưa thời bé Hồ Chí Minh thế này, lúc học trường này giỏi giang thế kia. Có lẽ đức tính khiêm tốn nên Hồ Chí Minh đã không để cho người quen, thân cũ ca ngợi mình, đây là đức tính mà nhiều lãnh đạo cộng sản sau này không noi theo được, đặc biệt như Nguyễn Phú Trọng háo danh đến nỗi huy động được ai quen từ ngày nào cũng đưa lên báo để ca ngợi Trọng. Nhưng cũng có thể Hồ Chí Minh hồi bé không giỏi được bằng Nguyễn Phú Trọng nên không ai nhớ đến như người ta nhớ đến Trọng.
Một bạn học cũ thời học Văn khoá 8 với Trọng là nhà phê bình lý luận Nguyễn Ngọc Thiện, vào năm 2013 khi Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, Thiện ca ngợi Trọng hết lời. Thiện còn nhớ đến bài luận văn tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của Nguyễn Phú Trọng hồi ấy có tên là : "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu".
Với bài luận này Nguyễn Phú Trọng đã tốt nghiệp với điểm tối ưu. Vào những năm 1967, 1968 thơ của Tố Hữu đang bao trùm cả nước, chọn đề tài này để làm tốt nghiệp chứng tỏ con người của Nguyễn Phú Trọng rất biết đi đúng hướng trong sự nghiệp của mình.
Nực cười thay, khi Nguyễn Ngọc Thiện ca ngợi Trọng vào năm 2103 thì ngay sau đó 1 năm vào năm 2014, đề tài na ná này lại được một cô gái tên là Nguyễn Thị Hải Yến bảo vệ thạc sĩ văn ở trường Khoa học xã hội nhân văn, tức cũng là khoa mà Trọng đã học. Đề tài Nguyễn Thị Hải Yến có tên là : "Sự ảnh hưởng của thơ ca dân gian trong thơ Tố Hữu "
Trong trang 11 luận án bảo vệ thạc sĩ của mình, Nguyễn Thị Hải Yến viết :
"Tác giả Nguyễn Phú Trọng trong Tạp chí Văn học số 11– 1968 cũng đã tổng kết sâu sắc một cách cô đọng về sự ảnh hưởng của ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu.
Bài viết với nội dung sâu sắc, dẫn dắt người đọc hiểu được sự ảnh hửởng của thơ Tố Hữu với cội nguồn văn hóa dân gian, đậm chất dân tộc".
Yến viết như vậy, người đọc sẽ hiểu gì ? Thơ dân gian ảnh hưởng đến thơ Tố Hữu hay thơ của Tố Hữu ảnh hưởng đến thơ dân gian ? Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến đã nhầm hay cô đã trích dẫn đúng sự thật rằng Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết sâu sắc, dẫn dắt người đọc hiểu được sự ảnh hưởng của thơ Tố Hữu với cội nguồn văn hoá dân tộc.
Có thể cô gái này đã viết nhầm, nhưng một bản luận án tầm thạc sĩ mà còn sai sót chết người, sai sót ngô nghê đến mức trích lời tổng bí thư ngược hẳn đến như vậy, mà vẫn được chấp nhận bởi các Phó giáo sư, tiến sĩ như Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ của trường Khoa học xã hội nhân văn thì không còn gì để nói về chất lượng trí thức của các loại văn bằng ở trường này.
50 năm trước Nguyễn Phú Trọng đã nhân cơ hội Tố Hữu đang ở đỉnh cao đề lấy làm đề tài bảo vệ tốt nghiệp cho mình, ở thời kỳ hừng hực dòng thơ cách mạng của Tố Hữu như thế, đề tài ca ngợi thơ Tố Hữu ăn điểm dễ dàng là điều tất nhiên.
Gần 50 năm sau, khi Nguyễn Phú Trọng ở đỉnh cao quyền lực. Một thạc sĩ lại lật lại đề tài Trọng từng làm để làm thạc sĩ và đã thành công, mặc dù luận án viết sơ sài và sai sót nghiêm trọng nhưng do ăn hơi Nguyễn Phú Trọng nên đã được công nhận.
Thật đáng sợ cho đất nước này nếu như thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến kia có ngày nào đó lại vào cương vị lãnh đạo đất nước như Nguyễn Phú Trọng. Những giáo điều được lặp lại, những kẻ cơ hội được lặp lại, sự bảo thủ lặp lạị và sự ăn cắp, nịnh bợ cũng được lặp lại.
Còn những tên bồi bút, những kẻ cơ hội, nịnh bợ như thế, đất nước này liệu có sáng sủa được không ? Từ cô giáo đến bạn học rồi đến cô Yến, người có thể tạm gọi học trò của Trọng đều như vậy, đủ hiểu con người Nguyễn Phú Trọng ra sao.
Thực ra những kẻ nịnh bợ, cơ hội, tôn sùng Nguyễn Phú Trọng này hôm nay chúng chỉ làm những việc mà mấy chục năm trước Nguyễn Phú Trọng đã làm mà thôi.
**********************
2. Người dân Đông Hội, Mai Lâm nghĩ gì về Huỳnh Đức Thơ ở Đà Nẵng
Vụ Trịnh Xuân Thanh là một vụ gây nhiều xôn xao dư luận trong suốt một năm qua, nhưng nếu chính xác nơi nào người ta bàn đến nhiều nhất thì phải nói đến hai xã Mai Lâm và Đông Hội của huyện Đông Anh.
Huỳnh Đức Thơ có bọn tài phiệt Cocobay và Sun Group hậu thuẫn nên tiền rất nhiều
Hai xã tức hai làng gần nhau, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở làng Đông Hội, Trịnh Xuân Thanh ở làng Mai Lâm. Hai làng này gần nhau đến nỗi ngày bé trẻ con hai làng học chung cùng một mái trường bên thôn Mai Hiên của làng Mai Lâm, Nguyễn Phú Trọng cũng học nhờ làng bên ấy như làng bên nhà mình. Cô giáo của Trọng kể rằng hồi ấy lớp có 33 em học sinh người Mai Lâm, 15 em học sinh người Đông Hội, em Trọng người nhỏ bé nhất.
Đến giờ bên làng Mai Lâm còn có rất nhiều người học cùng Nguyễn Phú Trọng hồi ấy, vì thế câu chuyện tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng truy bắt tận cùng Trịnh Xuân Thanh là một câu chuyện nóng bỏng ở đây hàng ngày. Bây giờ nhà ông Trọng ở quê đã xây tường cao 2 mét dường như đề phòng những tiếng đồn của bà con hàng xóm bàn tán về chuyện ông bắt Trịnh Xuân Thanh.
Ở miền quê Bắc Bộ, tình làng nghĩa xóm được người ta coi trọng lắm. Thế nên khi Trọng bắt Thanh, tiếng xì xào bàn tán đủ điều xôn xao là chuyện tất nhiên. Các cụ trong làng bây giờ cũng được con cháu chỉ cho cách vào mạng để xem thông tin, thậm chí có ông còn lập cả Facebook để theo dõi thời sự.
Người làng Mai Lâm oán Trọng lắm, họ nói láng giềng hàng xóm với nhau, xưa học nhờ đất làng, dân làng coi như con cháu trong làng, giờ làm to hại lại người làng này, như thế khác nào làm ơn mắc oán. Có quán bia giữa hai làng, ban chiều mọi người hay ra đó uống, câu chuyện lại được khơi ra như thế từ phía người làng Mai Lâm.
Người làng Đông Hội hiểu nếu xét về tình ông Trọng không phải với làng nước, nhưng còn việc nước chung là lẽ khác, nên có người cũng đáp lại :
- Ông Trọng cũng vì việc nước, quân pháp bất vị thân, ông đã nói rằng chống tham nhũng không có vùng cấm, ông làm thế tốt cho cả đất nước, vì cái chung cả thôi.
Người Mai Lâm nói :
- Dào ôi, nếu mà ai ông ấy cũng làm thế thì đâu đến nỗi. Đàng này thiên hạ người ta tham nhũng, phá hoại nhiều vô kể, thiếu gì người cần bắt mà phải đi bắt người làng tôi. Cũng do hồi xưa ông ấy đi học bên này, xuất thân bần cố nông, đi học dép không có mà đi, thấy dòng họ Trịnh làng tôi danh giá khoa bảng nên đem lòng ganh ghét nhỏ mọn. Cái hẹp hòi ấy nuôi trong lòng, bây giờ làm thế để cho hả dạ, chứ chống tiêu cực tham nhũng cái gì.
Người Đông Hội nói :
- Ấy, bác nói thế là suy nghĩ của bác, chứ làm sao biết được bác Trọng làng tôi nghĩ vậy mà bác nói thế. Chả lẽ phải bao che cho nhau mới là tốt ư, thế thì làm quan làm cái gì cho nước được nhờ.
Người Mai Lâm nói rành rẽ :
- Tôi nói không phải vô lý đâu, bây giờ báo chí rồi mạng internet người ta nói rõ cả đấy. Có vụ cả gần 10 ngàn tỷ như vụ Mobi Fone bọn Lê Nam Trà nó cấu kết với bộ trưởng truyền thông Trương Minh Tuấn chia nhau đấy, ngay sát ông Trọng mà ông có làm gì đâu. Còn này nữa nhé, chuyện Trịnh Xuân Thanh thì ông Trọng làm chú trọng lắm, ông huy động tất cả ban ngành vào cuộc ngay lập tức, báo chí phủ đầu nhục mà thằng Thanh rồi cả bố nó là ông Giới nữa, bêu rếu đủ kiểu mà không cho người ta thanh minh gì cả, ép nó phải chết nhanh chóng. Bác cứ nhìn hành động ông đối xử với thằng Thanh có thấy ráo riết, cạn tình không ?
Người Đông Hội nói gỡ :
- Thì làm quyết liệt, khẩn trương đáp ứng lòng dân mà.
Người Mai Lâm uống ngụm bia, rồi mở điện thoại vào internet tìm một trang đưa ra cho người Đông Hội xem và nói :
- Đấy bác xem đi, cái thằng Huỳnh Đức Thơ chủ tịch Đà Nẵng nó ăn bao nhiêu tiền của đất nước nhân dân. Nó có đất rừng, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất biệt thự... rồi làm chủ cả nhà máy thép, bao nhiêu công ty vật liệu xây dựng. Nó cậy quyền xin đất nông nghiệp chả mất đồng nào, rồi nó chuyển nhượng quyền ấy được mười mấy tỷ vào năm 2009, hồ sơ đấy, công an kết luận đấy mà có bắt được nó đâu. Lúc đó nó còn làm thấp, chứ sau những năm ấy nó làm to hơn đến chủ tịch bây giờ, biệt thự, đất vàng hàng đống... người ta chỉ rõ tên đường, số nhà của nó, có cả danh sách kê khai tài sản nó có sở hữu những công ty nào. Cử tri người ta phản đối không cho nó làm chủ tịch, ủy ban kiểm tra trung ương cảnh cáo nó như tát yêu, giờ nó cứ nhơn nhơn làm chủ tịch thành phố đấy, sao ông Trọng không xử nó đi, không chỉ đạo quyết liệt và ráo riết đi. Chúng tôi thấy từ khi nó có hồ sơ tham nhũng tung ra đến lúc bị cảnh cáo, việc ầm trời mà tuyệt không thấy ông Trọng nhắc đến tên nó một lần. Ông như không biết, thế mà lúc xử thằng Thanh làng tôi, thì nào là ông đọc báo thấy có cái xe sang biển công ở tít Hậu Giang dư luận bức xúc, ông chỉ đạo làm rõ cái xe đó của ai. Rồi ông huy động báo chí, thanh tra, kiểm tra các kiểu đoàn, bộ, ban ông tung hết vào cuộc cố bới chuyện từ cái xe sang chuyện khác, thế có phải chủ ý ác với làng xóm không, người thiên hạ thì ông cứ để khơi khơi.
Người Đông Hội giơ tay như muốn ngăn :
- Ấy, bác chắc lại nghe thằng phản động Hiếu Gió rồi, nó chuyên kích động gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo nước ta. Bác đừng có mà đọc nó rồi tin nhé, thằng ấy nó trốn ở nước ngoài có dám về đây mà nói đâu.
Người Mai Lâm nói :
- Bác cứ như tôi là trẻ con lên ba mà nghe thằng phản động lưu manh ấy nó kích động, tôi lạ gì âm mưu của chúng nó, nhưng nếu nó chỉ xoáy vào là đấu đá nội bộ, phe cánh thì đã đành. Nhưng đây nó cứ khoét vào nỗi đau của chúng tôi, nó đánh vào tình nghĩa làng xóm của bà con mình, đau lắm bác ạ. Nó bảo ông Trọng hại thằng Thanh chẳng qua là thằng Thanh ở làng tôi, ông ấy thù dân làng tôi bác ạ, nó bảo tại hồi bé ông Trọng nhìn dân làng tôi thấy họ Trịnh bề thế mà gia đình nhà ông ấy nghèo không có mà ăn, vì thế ông ấy đâm thù hận trong lòng, ông ấy muốn mượn gió bẻ măng mà diệt thằng Thanh cho cả làng tôi phải chịu nhục. Hàng ngày nó cứ lôi chuyện thằng Thơ, thằng Thân Đức Nam ở Đà Nẵng đang sống nganh nhiên phè phỡn, vợ nọ, con kia, bồ nhí du hý vòng quanh thế giới sắm đồ hiệu...rồi nó bảo bọn này đầy tội rõ ràng nhưng ông Trọng không xử đến nơi đến chốn, nhưng thằng Thanh làng tôi thì ông ấy quyết diệt bằng mọi gía, vì ông ấy muốn long mạch của làng tôi đứt đoạn, không còn ai được làm quan nữa ông ấy mới thoả lòng ông ấy. Tôi nói cho bác hay, làm quan chỉ được nhất thời, dân mới là vạn đại, mà dân ở đâu xa, dân là chúng ta đây, làng xóm chúng ta đây. Làm gì phải giữ lấy cái đức của cha đất tổ, tuyệt diệt như thế đừng tưởng là giỏi, không ai nắm tay đến sáng đâu.
Người Đông Hội đứng phắt dậy như định đi đâu :
- Vậy bắt nốt thằng Huỳnh Đức Thơ, Thân Đức Nam thì dân làng hết nói ông Trọng thiên vị à ?
Người Mai Lâm kéo tay người làng xóm ngồi lại ghế và nói :
- Ông ấy mà làm được thế thì chúng tôi đâu có gì so sánh, nhưng mà tôi biết là không làm được đâu. Chỉ vì ông Trọng nhà ông cũng chả trong sạch gì, hồi làm bí thư Hà Nội ăn hàng ngàn tỷ ở dự án Ciputra, bọn bên thằng Thơ có đàn anh nó biết hết, nắm hết. Ông Trọng mà động vào chúng thì chúng cho ông xấu mặt thiên hạ, không còn đường mà về quê nhìn làng xóm. Nhục mà cố giấu chứ oai hùng, giỏi giang, công chính cái gì đâu. Chứ ông Trọng mà không bị bọn nó nắm thóp thế, đời nào ông ấy chịu để mang tiếng diệt hàng xóm, láng giềng nhà mình mà không dám diệt bọn nơi khác.
Người Đông Hội thẫn thờ :
- Bác ơi cũng chưa biết đúng sai thế nào, bác đừng nói thế tội dân làng em. Thực sự là dân làng em thấy bác Trọng làm thế cũng áy náy lắm, đi qua làng bác cứ như chính chúng em làm gì không phải. Bao đời nay có chuyện thế này giữa dân chúng mình đâu. Giá như bác Trọng mà làm được cái việc xử tên quan tham Huỳnh Đức Thơ kia thì bọn xấu nó không thể nào xuyên tạc, xoáy vào vết thương lòng của bác.
Người Mai Lâm ngửa cổ lên trời ai oán :
- Đấy, giá như mà được thế, thì chúng tôi đâu phải ê chề, đi đến đâu cũng bị thiên hạ người ta giễu rằng - thằng Thanh mà sinh ra ở Đà Nẵng như thằng Thơ thì bây giờ vẫn ung dung phè phỡn, nó chết chẳng qua là nó sinh ở cái đất hàng xóm với nhà ông Trọng thôi. Họ nói thế khác nào nói đất làng tôi giờ độc lắm, hay là bị nguyền rủa vậy.
Trời đã tối, người làng Đông Hội chào đi về, lúc qua cổng nhà Nguyễn Phú Trọng thấy có người họ nhà Trọng đang lùa gà vào chuồng, mới rẽ vào hỏi thăm rồi kể lại câu chuyện ban nãy ở quán bia. Người nhà Trọng nói :
- Bác ấy bây giờ bân bịu lắm, lâu rồi bác ấy cũng không về quê. Để mai tôi sang Hà Nội qua gần mạn Thiền Quang rẽ vào lựa lời nói với bác ấy xem sao cho dân làng quanh vùng người ta cũng đỡ dị nghị.
Chuyện này đến tai Huỳnh Đức Thơ. Thơ lúc này cũng lo xa, sẵn có bọn tài phiệt Cocobay và Sun Group đang hậu thuẫn nên tiền rất nhiều, Thơ sai người đi khắp nơi nghe ngóng. Thám thính cài ở quê Trọng nghe được chuyện ấy điện về báo Thơ. Thơ lập tức gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đỡ đầu Thơ để xin định việc.
Phúc cười hềnh hệch mắt nhắp tí hí nói :
- Mày không thấy, lão Trọng nói ném chuột không để vỡ bình à ?
Thơ khúm núm :
- Dạ có nghe, nhưng đà này lão ấy ném chết em thì cái bình chế độ chả sứt mẻ gì.
Phúc thủ tướng cúi đầu bấm điện thoại tin nhắn của người đẹp thể thao Kim Oanh :
- Mai anh vào Đồng Tháp, ủy lạo bọn quân khu 9, rồi anh lên Sài Gòn gặp em nhé.
Thơ đợi Phúc nhắn tin xong, nói lại chuyện bình chế độ với Phúc.
Phúc lại cười hềnh hệch đầy khoái trá bảo :
- Mày biết lão ấy nói mấy cái bình không ?
Huỳnh Đức Thơ :
- Dạ, mỗi cái bình chế độ thôi ạ.
Phúc cười sảng khoái :
- Nếu thế mày chết lâu rồi em à, đúng như mày nói, loại mày giết ảnh hưởng gì đến bình chế độ. Nhưng lão ấy còn có cái bình nữa, bình chế độ là của toàn đảng. Còn bình này mày biết của ai không ?
Thơ nghĩ một lúc rồi lắc đầu, Phúc thì thầm :
- Bình này chính là lão ấy, danh dự và uy tín lẫn cái ghế lão ấy ngồi, thậm chí cả số phận của lão ấy. Tao chỉ cần một cú công bố những sai phạm của lão ấy lúc nào thì đời lão đi tong lúc ấy.
Ở số 5 Thiền Quang, Hà Nội, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nói chuyện với người họ hàng ở quê sang mà cho ông ba con gà mái. Đã thành lệ từ hồi ông làm việc và có nhà bên Hà Nội, bao nhiêu năm trôi qua đều như vắt chanh, cứ mỗi tháng người nhà ông ở quê lại mang lên cho ông 3 con gà mái chuẩn bị đẻ lứa đầu để ông có trứng gà và thịt gà ăn mỗi tháng.
Người họ hàng kể câu chuyện ở quê dân làng đồn đại, Trọng trầm ngâm rồi nói :
- Cái này bên ủy ban kiểm tra của đảng đã cảnh cáo rồi, nhưng cái anh Thơ kia chức anh ấy là do thủ tướng chính phủ quyết, không biết cậu ấy làm đến đâu rồi. Để mai kia tôi gặp hỏi cậu ấy xem sao, thế làng mình giờ đường sá tốt rồi chứ ?
Chuyện hỏi thăm một lúc thì chiều đã dịu nắng, người họ hàng từ biệt Trọng chở cái bu gà không về, để tháng sau lại có bu chở gà lên cho tổng bí thư.
Tối đang ăn cơm thịt gà, đang cắn miếng thịt gà trong họng, ông Trọng bật cái máy có đoạn ghi âm ở nhà thủ tướng do cán bộ ban bảo vệ nội bộ mang đến. Cứ mỗi tối hàng ngày cán bộ bảo vệ nội bộ lại mang đến cho ông những đoạn ghi âm như vậy để ông nghe. Khi miếng thịt gà mới vào trong miệng, ông Trọng nghe thấy Phúc nói đến cái bình thứ hai, ông suýt sặc thịt gà. Ông hộc lên một tiếng uất ức, miếng thịt gà văng bắn ra, ông gầm :
- Trời đã sinh ra ta, sao còn sinh ra Phúc.
Đêm ấy ông buồn, nghĩ đến tình đời, đến đồng chí, đến tình làng nghĩa xóm và những chuyện thời ấu thơ và ông nhớ về những con gà mái ở quê ông, đám lông mượt mà, chân nhỏ, đẻ trứng cách nhật quả nào quả nấy thơm bùi ngậy không nơi nào ngon hơn trứng vùng quê ông, rồi ông ngủ thiếp đi
Ông Trọng không biết rằng, cách đây hơn 50 năm, mẹ ông đã mua chịu ba con gà mái của một người dân bên làng Mai Lâm, rồi người ấy thấy mẹ ông nghèo không trả được, người lành Mai Lâm ấy đã ân cần bảo mẹ ông rằng họ không lấy tiền gà, biếu bà gọi là chút quà hàng xóm giúp nhau cho con ăn học.
Xem thêm chuyện Ba con gà mái và tổng bí thư và lời phản biện của ông Dương Đức Quảng, bạn học Nguyễn Phú Trọng (3).
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 21/12/2017
-------------
(1) https://baomoi.com/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tu-cau-tro-ngheo-den-nha-lanh-dao-vi-nuoc-vi-dan/c/18558191.epi
(2) http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-qua-loi-ke-ban-hoc-2196791/
(3) http://www.tienbo.org/2017/03/duong-uc-quang-vai-dong-gui-ong-bui.html